Thông tin

HÀNH TRẠNG NHẬP THẾ CỦA SƯ THIỆN CHIẾU

VÀ THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA

 

LÊ TUÝ HOA
Phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng

 

Đọc tiểu sử và một số tác phẩm của sư Thiện Chiếu tôi không thể không nhớ đến Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902 - 1954). Sư Thiện Chiếu (1898 - 1974) sinh trước cụ Thiều Chửu 4 năm lại mất sau tới 20 năm nhưng đều lớn lên và trải qua thời trai trẻ trong cùng một hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, đạo pháp suy vi và nhân dân sống trong cảnh lầm than điêu đứng. Cả hai, một nhà sư, một vị là cư sĩ Phật giáo, đều là những nhân vật kiệt xuất của Phật giáo đương thời, sự nghiệp của họ được đời sau trân trọng nhắc nhở. Ngoài nhiều điều rất giống nhau đó, liệu hai nhân vật này còn có những gì giống nhau và khác nhau về tư tưởng và hành động trong việc hoằng dương chính pháp và phục vụ nhân sinh?.

Điều giống nhau cơ bản giữa sư Thiện Chiếu và Cụ Thiều Chửu có lẽ là ở nhận thức người theo đạo Phật nên thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc bảo vệ chính pháp và làm cho con người hạnh phúc và xã hội tốt đẹp hơn lên. Trong các tác phẩm của mình, hai cụ phê phán mạnh mẽ những cách nghĩ, luận điệu sai lầm rằng Phật giáo chỉ lấy mục tiêu xuất thế làm cứu cánh mà xem nhẹ hiện thực thế gian và khẳng định đạo Phật là một đạo nhập thế.

Cụ Thiều chửu nêu rõ: “Hết thảy pháp của Như Lai tức là Pháp của thế gian; Phật pháp có phải là cái pháp nói ở ngoài thế gian đâu…” ( Con đường học Phật ở thế kỷ thứ 20), “Đạo Phật là đạo đi sát với người, là đạo gây hạnh phúc cho người cực điểm, chứ không phải là đạo xa người, chán đời, làm chướng ngại cho cuộc tiến hoá, như những người không hiểu Phật pháp đã phê bình lầm vậy” (Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, 1943). Nhận thức như thế nên cụ cố đánh đổ “cái thuyết Tịnh Độ rằng chỉ chăm niệm Phật Di Đà thì khi chết được về cực lạc muốn gì có nấy, sung sướng vô cùng” (Con đường học Phật ở thế kỷ thứ 20). Còn sư Thiện Chiếu ra tuyên ngôn “Phép xuất gia” gắn liền với “phép thế gian”, “Đấu tranh giải phóng tâm hồn không tách rời đấu tranh cách mạng xã hội, kiên cường dũng cảm không sợ hy sinh”, mạnh dạn tố cáo kẻ xâm lược nước ngoài đã “lợi dụng tôn giáo ru ngủ nhân dân”, “cố làm cho người nô lệ, cho người bị áp bức bóc lột quên đời sống thực tại, bỏ phần xác lo phần hồn để hưởng “hạnh phúc” ở thế giới khác” (Lời tự bạch). Thậm chí Sư Thiện Chiếu và cụ Thiều Chửu đều đưa ra những dẫn chứng rất giống nhau để chứng minh tính nhập thế của đạo Phật. Chuyện xưa trong sử sách thì sư Thiện Chiếu trong “Lời tự bạch” viết: Tăng lữ trong các đời Đinh, Tiền Lê, Lý và đời Trần được tham gia chính trị và giữ những chức quan trọng ở triều đình, “Phù Lê giúp Lý trong việc chính trị, bang giao như sư Vạn Hạnh” còn cụ Thiều Chửu trong “Phật học vấn đáp” viết: “Hai việc trọng đại nhất là ngoại giao và văn hoá đều nhờ giới Phật giáo cả: trong đời Đinh, Lý, Trần v.v.. việc đối đáp với Trung Quốc đều là nhờ các tăng già hết”, “Một đời nhà Trần hai phen bình Nguyên võ công chói lọi, là nhờ Phật chứ đâu nhờ Nho?” Chuyện nay, sư Thiện Chiếu viết trong Lời Tự Bạch: “Trong kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, sư sãi và tín đồ Phật giáo cùng với toàn dân cầm súng giết giặc hoặc công tác ở hậu phương hay hoạt động ở địch hậu, góp phần bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ non sông”, còn cụ Thiều Chửu nói dứt khoát “Ai là đệ tử chân chính của Phật thì nhất định là người tận trung với Tổ Quốc, tận hiếu với giống nòi” và nêu gương của những người con Phật liều mình vì nước “Anh em trong phái tăng già chúng tôi bao nhiêu người trút áo cà sa, xung phong vào bộ đội ra tiền tuyến. Giọt máu đồng bào chảy chỗ nào cũng trộn lẫn giọt máu tăng già chúng tôi” (trích dẫn lại từ Hồ Anh Hải trong bài tham luận Tư tưởng Phật giáo cách mạng của Thiều Chửu. Ngoài những nội dung nhập thế như thường nói tới như mưu cầu hạnh phúc cho chúng sinh, làm cho xã hội tốt đẹp hơn, điểm đáng nói là cả hai đã xác định phương hướng đồng hành với dân tộc, làm ích cho nước lợi dân trong thời bình, đánh giặc giữ nước trong thời chiến như tiêu chí của hành động nhập thế của người phật tử Việt Nam.

Trên đây là những tấm gương, riêng hai cụ đã thực hiện bổn phận của mình với đạo, với đời thế nào? Là nhà sư, là cư sĩ Phật Giáo, rất uyên thâm về Phật pháp lại nắm rất rõ tình hình Phật giáo lúc bấy giờ, hành động nhập thế của hai cụ hẳn nhiên là ra sức giải thích cho mọi người hiểu đúng Đức Phật là ai và Phật pháp chân chính khuyên dạy những gì đồng thời chống lại những điều tệ hại đang kéo đạo Phật lún sâu vào chỗ suy tàn và làm cho giáo hội chia rẽ manh múng.

Trong Nam, sư Thiện Chiếu tham gia khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo, thuyết pháp, viết sách, báo, đả kích những thứ “cặn bã Phật giáo”, xuất bản sách báo trong đó có tập san Phật hoá tân thanh niên nhằm vào đối tượng cư sĩ trí thức và tăng sĩ trẻ để vận động chấn hưng Phật giáo, làm sứ giả của Thiền sư Khánh Hoà ra Bắc rồi vào Huế để trao đổi với các vị lãnh đạo Phật giáo miền Bắc, miền Trung về việc thành lập một Hội Phật giáo chung cho toàn quốc Phật giáo (tuy mục đích chuyến đi không thành nhưng nó: “đã có tác dụng lớn trong việc cổ xuý cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở cả ba miền” - theo Thích Thanh Từ trong sách “Từ phong trào chấn hưng Phật giáo: một số suy nghĩ về Phật giáo Việt Nam với tiến trình thống nhất dân tộc”).

Ngoài Bắc, cụ Thiều Chửu tham gia thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ, phụ trách báo Đuốc Tuệ, tự nguyện làm cái chổi (Thiều Chửu nghĩa là cái chổi lau) để quét sạch mọi thứ rác rưởi gây ô nhiễm cho đạo Phật, làm hại chúng sinh; phân tích sâu nguyên nhân khiến Phật giáo nước ta suy tàn để mọi người thấy rõ cần chấn hưng Phật giáo. Năm 1951, thấy các hoạt động Phật giáo trong vùng địch chiếm chạy theo hướng thần bí hoá, mê hoặc và bóc lột dân, có hại cho cuộc kháng chiến, ông đã gửi thư và viết sách khuyên các đạo hữu ở Hà Nội tỉnh ngộ (Nhà Văn hoá Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha - bài viết phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ Thiều Chửu). Cả hai cụ đều hành động bảo vệ đạo Phật trong ý thức chống lại sự tuyên truyền để lợi dụng của bọn thực dân rằng Phật giáo là một đạo xuất thế.

Nhưng phần nhiều hơn trong cuộc đời của sư Thiện Chiếu và cụ Thiều Chửu là dành cho chúng sinh không phân biệt tín ngưỡng. Chính ở phần này, tính chất hành động của họ đã khác nhau, một phần do hoàn cảnh riêng của mỗi người nhưng chủ yếu là từ trong quan điểm. Hãy nhìn qua các hoạt động của mỗi cụ. Bài “Nhà Văn hoá Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha” (đã dẫn ở trên) đã tóm tắt một số hoạt động của cụ: “năm 1936 cùng bà Hoàng Thị Uyển lập Hội Tế sinh và lập trại nuôi dạy hàng trăm trẻ mồ côi, năm 1938 tham gia lập Hội Truyền bá quốc ngữ ... năm 1945 tham gia lập Tổng hội Cứu tế, tổ chức ngày thổi vài trăm nắm cơm, nhờ Hướng đạo sinh mang đi dúi vào tay người đói... thời gian 1936 - 1945, khi làm ở chùa Quán Sứ và chùa Tế Độ, đã nhiều lần nuôi giấu chính trị phạm trốn tù... Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, nhiệt liệt ủng hộ chính quyền mới... Khi quân ta rút khỏi thủ đô thì đưa đoàn Tế sinh và tăng ni lên nhiều nơi trên Việt Bắc, tổ chức vỡ đất trồng trọt, tiến đến đủ ăn có đóng góp cho kháng chiến.” Cụ Thiều Chửu đã có lần từ chối lời mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội của Hồ Chủ Tịch. Cụ Thiều Chửu đi theo con đường hoạt động xã hội, mở tấm lòng từ bi, bác ái cứu giúp chúng sinh theo lời đức Phật dạy: Phải tận hiếu với nhân dân, nhân dân là cha mẹ bao kiếp, là chư Phật vị lai, cứu khổ cứu nạn cho càng nhiều người càng tốt. Cụ toàn tâm ủng hộ cách mạng nhưng không tham gia tổ chức cách mạng để đấu tranh làm thay đổi toàn diện xã hội theo một đường lối nhất định.

Còn sư Thiện Chiếu, theo Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1: “Được kết nạp vào tổ chức cách mạng năm 1930, hoạt động cho phong trào cách mạng ở vùng Gò Vấp, Phú Nhuận thời gian 1934 -1935; tham gia phong trào Nam kỳ Khởi nghĩa tại Hốc Môn, bị thực dân Pháp bắt đầy ra Côn Đảo năm 1942. Cách mạng Tháng 8 thành công được đón về đất liền, sư Thiện Chiếu giữ chức Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Gò Công. Năm 1947 vào chiến khu kháng chiến ở quân khu 7... năm 1949 về Quân khu 9 làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Quá trính hoạt động đó là của một chiến sĩ cách mạng trong một tổ chức cách mạng hẳn hoi. Từ một nhà sư đi tu từ tấm bé trở thành một chiến sĩ cộng sản hẳn nhiên phải có sự chuyển hướng trong tư tưởng. Chắc chắn đó là một trăn trở có tính sống chết đối với nhà sư và nhà sư đã đi tìm câu trả lời khởi từ đức Phật. Đã nói “phép xuất gia” gắn liền với “phép thế gian”, nếu đức Phật sinh vào thời đại này, Ngài sẽ hành “phép thế gian” như thế nào? ở thời điểm “624 năm trước Gia Tô”, Phật, mà sư Thiện Chiếu mô tả là “con người Quý tộc chiếm hữu nô lệ” đã phản đối chống lại giai cấp, chống bất công xã hội, chủ trương: “Tất cả chúng sinh đều bình đẳng” thì nếu sinh vào thời đại này, chắc chắn: Phật sẽ kiên quyết ủng hộ (nếu có khả năng) sẽ làm hết sức mình, viện trợ chính trị, kinh tế, quân sự cho Việt Nam và quét sạch, không cho xót lại một tên xâm lược (Tìm hiểu về Phật). Từ ý nghĩ đó, sư Thiện Chiếu đã chọn cho mình một cách nhập thế khác với cụ Thiều Chửu. Phải chăng thuyết Mác-Lênin là cái duyên đặc biệt để sư Thiện Chiếu khi thực hiện “phép xuất gia” gắn liền với “phép thế gian” đã mặc cho mình một hình tướng khác: chiến sĩ cộng sản.

Tháng 3 năm 2003

 


Ghi chú: Đây là tham luận tại Hội thảo về nhà sư chiến sĩ cộng sản Thiện Chiếu do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tháng 5 năm 2003 tại Hà Nội.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6112175