Thông tin

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH:

HIỆN THỰC VÀ HUYỀN THOẠI

 

TS. LÊ ĐỨC HẠNH*

 

I. THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH - MỘT HIỆN THỰC

Trong lịch sử đạo Phật Việt Nam, thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1117)[1] là một trong những hiện tượng văn hóa chứa đựng nhiều hiện thực lẫn huyền thoại. Hành trạng của ngài được văn bản hóa trong sử sách như An Nam chí lược (1333); Thiền uyển tập anh (1337); Việt điện u linh (1329); Đại Việt sử ký toàn thư (1479) và những bia ký khác…

Sách Thiền uyển tập anh viết: Thiền sư Đạo Hạnh (? - 1117) họ Từ, tên Lộ. Cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan đô án, thường đi học tại làng An Lãng[2]. Lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ. Sư là con nàng Tăng Thị. Lúc nhỏ, Sư ham chơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn, lại có hành động nói năng người đời không thể lường được. Sư thường kết bạn với nhà nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nghệ sĩ phường chèo Vi Ất. Đêm, Sư khổ công đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui. Thân phụ thường trách sư biếng nhác.

Một hôm, ông lén vào phòng ngủ của Sư để rình xem, thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống, Sư đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, tàn đèn rơi đầy mặt bàn.

Từ đấy ông cụ không lo nữa.

Sau đó ứng thi điện thí tăng quan đỗ khoa Bạch liên. Chẳng bao lâu cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu. Hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép đánh chết (54a1), ném xác xuống sông Tô lịch. Xác trôi đến cầu Quyết là chỗ nhà Hầu, bỗng đứng thẳng lên mà chỉ tay vào nhà, suốt ngày không đi. Hầu sợ, đi báo cho Đại Điên. Đại Điên đến nơi, đọc một câu kệ: "Tăng giận không cách đêm". Đọc xong, xác đáp lại trôi đi”.

Thiền sư Đạo Hạnh không chỉ được sử sách ghi chép với một hành trạng rõ ràng mà ngày nay, những di tích lưu dấu ấn của ngài vẫn còn hiện diện rõ nét trong vùng văn hóa - Phật giáo xứ Đoài. Tên tuổi và cuộc đời hành đạo của ông, cả vùng quê sinh (chùa Láng - Chiêu Thiền tự) và nơi qua đời (chùa Thầy - Thiên Phúc tự) đều là thắng tích, di tích lịch sử lớn của đất nước. Đó cũng là những nơi tổ chức nhiều lễ hội, hội chùa, trò diễn sự tích, thơ ca đề vịnh và đi vào tục ngữ, ca dao:

Hạn hán xuống thăm cha

Mồng bảy tháng ba lên thăm mẹ.

Hay:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba

Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy…

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người đã tạo lập và xác định vững chắc mối quan hệ chùa Láng, chùa Thầy, góp phần mở mang, phát triển vùng văn hóa phía tây Hà Nội, mở ra chiều hướng giao lưu sinh động cho vùng đệm văn hóa Hà Nội - Hà Tây. Có thể nói thêm rằng hiện tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có nhiều khúc xạ qua thời gian và không gian, trong đó tàng trữ nhiều yếu tố của Phật - Nho và Đạo giáo, đồng thời thể hiện khả năng trầm tích nhiều yếu tố folklore và còn bảo lưu cho đến tận ngày nay. Đó cũng chính là điều kiện cho trí tưởng tượng dân gian cất cánh, là cơ sở để gắn kết hai địa danh, hai tiểu vùng văn hóa chùa Láng, chùa Thầy qua sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh đậm đặc màu sắc văn hóa tâm linh, vẻ kỳ ảo.

Cả hai nơi chùa Láng và chùa Thầy đều giống nhau một điểm là thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và thờ cả vua Lý Thần Tông.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép về chùa Láng (Chiêu Thiền tự): “Ở trại Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận, là chỗ Từ Đạo Hạnh tu luyện thường ngày. Nay trong chùa thờ Từ Đạo Hạnh, lại thờ Lý Thần Tông. Chùa có hòm gỗ chứa sách Phạn bằng lá đồng là di tích xưa”; Đồng thời cũng chép về chùa Thiên Phúc như sau: “Ở chân núi Sài Sơn, huyện Yên Sơn, xưa gọi là am Hương Hải, lại gọi là viện Bồ Đà. Trong chùa, phía tả thờ tượng thiền sư họ Từ, phía hữu thờ tượng vua Lý Thần Tông, ở giữa thờ tượng Phật”. Gắn nối với những sự kiện được ghi trong sách Thiền uyển tập anh thì biết rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh ra và hành đạo chủ yếu ở địa bàn chùa Láng. Xét đoạn dẫn: “Vua thuận theo lời tâu của Sùng Hiền hầu. Sư bèn đi ngay đến phủ đệ của Sùng Hiền hầu, vào thẳng nơi phu nhân đang tắm mà nhìn. Phu nhân tức giận nói lại với chồng. Nhưng Sùng Hiền hầu đã biết trước nên không căn vặn gì”. Điều này phải chăng đã hé lộ khả năng nhà sư đã thực hiện một thủ thuật “chữa bệnh” như thế nào đó cho vợ Sùng Hiền hầu. Thêm nữa, các tài liệu đều xác nhận chùa Thầy là nơi sư “trút xác”. Vậy có phải chùa Thầy là nơi sư tu tập nhiều năm hay chỉ đến trụ trì sau sự kiện “chữa bệnh” cho vợ Sùng Hiền hầu và ngay thời gian bà sinh con thì sư “trút xác” tại miền non cao này? Xin đặt một dấu hỏi ở đây về cái chết khá bí ẩn cũng như mối quan hệ đáng ngờ giữa ngài và hậu thân của ngài là Dương Hoán Lý Thần Tông? Song dù thế nào thì hiển nhiên mối quan hệ Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông và hai vùng đất thiêng chùa Láng - chùa Thầy đã gắn liền như một chỉnh thể văn hóa - lịch sử thống nhất, vừa huyền ảo vừa tiềm ẩn một khả năng đầy tính hiện thực nào đó.

Bên cạnh chùa Láng được coi là trung tâm lại đã hình thành cả một tiểu vùng văn hóa Láng với nhiều đền miếu, chùa chiền trải dọc theo bờ sông Tô Lịch. Đó là chùa Nền tương truyền chính là nền nhà của Từ Đạo Hạnh, chùa Hoa Lăng (xưa còn gọi Ba Lăng) là nơi thờ phụ mẫu vốn nổi tiếng là “Nam thiên tích tự hiện Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh, thiên cổ danh lam” (Nơi trời Nam có chùa Ba Lăng, thắng cảnh một phương, danh lam ngàn đời). Điều đáng chú ý, chùa Ba Lăng chính là nơi bà Tăng Thị Loan từng đến tu, dựng xây chùa và qua đời, sau được vua Lý Thần Tông xuất tiền tôn tạo, tạc tượng phối thờ quan Đô sát Từ Vinh, bà Tăng Thị Loan và thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thực tế này càng chứng tỏ ngờ vực về mối quan hệ Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông trên kia là có cơ sở. Về sau này, vua Lý Anh Tông (1138- 1175) cho mở mang chùa Láng, phối thờ ngài và vua Lý Thần Tông. Hàng năm, đến ngày giỗ tháng 7 tháng 3 âm lịch, nhân dân mở hội Láng rước thánh từ chùa Láng qua sông Tô Lịch lên chùa Hoa Lăng thăm mẹ. Lời tục truyền “Hạn hán xuống thăm cha, mùng 7 tháng ba lên thăm mẹ” hàm ý nói về sự kiện này.

Cách chùa Láng khoảng vài ba cây số còn có chùa Duệ Tú, thuộc thôn Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây (nay thuộc địa phận quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Nơi đây thờ thiền sư Đại Điên, người có tên tục là Lê Nghĩa, có cha là Lê Hưng, mẹ là Nguyễn Thị Phan, Trong sách Thiền uyển tập anh và một số nguồn tư liệu khác cho rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh đối nghịch với Đại Điên[3], vậy mà sư Đại Điên lại được dân làng trọng vọng, được lập làm thành hoàng, được các triều đại phong kiến sắc phong và ban thêm mỹ tự Huệ Trí đại vương. Thêm nữa, cũng vào ngày 7 tháng ba hàng năm, dân làng vẫn mở hội chùa và dẫn lại sự tích thiền sư. Như vậy, cái nhìn hiện thực cho thấy một hình ảnh sư Đại Điên pháp thuật tài ba, được tôn trọng, kính thờ, còn tư duy huyền thoại in đậm sắc màu Mật tông lại cho thấy một pháp sư Đại Điên đối lập và chịu thất bại trước thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dẫu sao, ông cũng là nhân vật lịch sử có quan hệ chặt chẽ với Từ Đạo Hạnh và góp phần tạo nên truyền thuyết trong cả một hệ thống văn hóa dọc bờ sông Tô[4].

II. THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH - NHỮNG CÂU CHUYỆN HUYỀN THOẠI

Có thể nói, trong hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh, cho dù là một người hiện thực nhưng hành trạng của ngài có nhiều huyền thoại từ việc tu học trả thù cho cha đến việc thác sinh thành vua Lý Thần Tông, và đến khi thác tại chùa Thầy.

Học đạo trả thù cho cha: Cha ngài Đạo Hạnh do làm phật ý Diên Thành hầu. Bị Diên Thành hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Từ Lộ quyết trả thù cho cha. Sách Thiền uyển tập anh chép: “Sư nghĩ cách phục thù cho cha, nhưng tìm kế không ra. Một hôm, Sư rình Điên đi khỏi nhà,muốn đánh lén, chợt nghe trên không có tiếng la: "Đừng, đừng!”. Sư sợ hãi vứt cây mà chạy. Sư muốn sang Ấn Độ, tìm học phép linh dị để chống lại Đại Điên. Đi đến xứ Mọi răng vàng[5], đường xá hiểm trở, Sư bèn trở về[6] ẩn tại núi ấy, hằng ngày chuyên tụng chú Đại bi tâm đà la ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến”. Một hôm Sư thấy thần nhân đến trước mặt mình nói: “Đệ tử là Tứ trấn Thiên vương, cảm công đức trì xứ của Sư, nên đến đây xin hầu để Sư sai bảo”. Sư biết đạo pháp của mình đã thành, có thể trả thù cha nên mới đến bến Quyết, cầm gậy, thử ném xuống dòng nước chảy xiết, gậy trôi ngược dòng như con rồng, đến cầu Tây dương dừng lại. Sư mừng (54b1) nói: “Pháp ta thắng rồi”. Bèn đến thẳng chỗ Đại Điên. Điên thấy nói:

“Ngươi không nhớ việc ngày trước sao?”.

Sư ngửa mặt lên nhìn trời, lặng lẽ không thấy gì, nhân đó đánh mạnh, Đại Điên phát bệnh chết.

Từ đấy oán xưa rửa sạch, niệm tục tiêu tan. Sư dạo khắp tùng lâm, hỏi xin ấn chứng”.

Thác sinh thành vua Lý Thần Tông:Sau khi tham yết sư Kiều Trí Huyền ở Thái Bình và Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân về Chân Tâm, ngài Đạo Hạnh ngày càng “pháp lực có thêm, duyên thiền càng thục, có thể sai rắn núi, thú rừng, họp nhau đến chịu thần phục, Sư đốt ngón tay cầu mưa, đọc chú dùng nước chữa bệnh, không gì là không tức khắc ứng nghiệm”[7]. Tuy nhiên, Từ Lộ nhận thức được Nghiệp còn nặng, duyên trần chưa dứt, Từ Lộ biết sẽ thác sinh làm chân chúa nên đã thác sinh thành vua Lý Thần Tông. Sách Thiền uyển tập anh viết: “Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông không có con nối dòng. Tháng 2 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), người phủ Thanh hóa dâng sớ tâu rằng: “Trên bãi cát biển, có đứa bé linh dị, tuổi mới lên ba mà đã biết nói, tự xưng con đích của bệ hạ tên là Giác Hoàng. Hết thảy những gì bệ hạ làm, không gì là nó không biết”.

Vua sai trung sứ đến xem, quả đúng như lời tâu, bèn rước về kinh đô, để ở chùa Báo Thiên. Vua thấy đứa bé thông minh khác thường, rất đỗi thương mến, sắp lập làm hoàng thái tử. Quần thần hết sức can gián, cho là không được (55b1), và nói: “Nếu đứa bé kia quả thật linh dị thì nên thác sinh vào cung cấm, sau mới có thể lập”. Vua theo lời, truyền mở đại hội bảy ngày đêm, làm phép thác thai.

Sư nghe chuyện, riêng nói rằng: “Thằng kia yêu dị, làm mê hoặc người lắm. Ta há nhẫn tâm, ngồi nhìn chẳng cứu, để nó làm loạn lòng người, phá rối chánh pháp sao!”. Nhân thế, sai chị mình giả làm người đi xem hội, bí mật đem vài hạt châu do sư kết ấn, treo trên mái diềm. Hội đã ba ngày, Giác Hoàng nhuốm bệnh, nói với mọi người: “Đầy khắp cả nước đều có lưới sắt bủa vây, tuy muốn thác sinh, mà sợ không có đường vào”.

Vua nghi sư và sai người tra hỏi, sư nhận và bị giam ở lầu Hưng Thánh, hợp quần thần nghị tội. Khi Sùng Hiền hầu đi ngang qua, sư kêu van: “Xin hết sức cứu bần tăng một phen, may thoát tội, ngày sau tất xin đầu thai làm con để đền ơn”.

Hầu nhận lời. Đến lúc hội nghị, quần thần đều nói: “Bệ hạ vì không có con, nên mới cho Giác Hoàng thác sinh, thế mà Lộ liều lĩnh dám làm chú giải, kết án tử hình, để tạ lòng thiên hạ”. (56a1) Hầu chậm rãi thưa: “Nếu Giác Hoàng có thần lực, thì dù có trăm Lộ chú giải cũng không làm hại được. Nay trái lại như thế thì Lộ vượt xa Giác Hoàng vậy. Thần ngu muội trộm nghĩ, nó tỏ phục Lộ, thì đừng cho y thác sinh”. Vua xá tội.

Sư đến nhà Hầu tạ ơn, gặp lúc phu nhân đang tắm, sư lén nhìn phu nhân. Phu nhân nổi giận, đem chuyện thưa lại với Sùng Hiền hầu. Hầu đã biết rõ nguyên nhân nên rốt cuộc không hỏi han gì. Phu nhân từ đó biết mình có thai. Sư dặn hầu rằng: “khi nào lâm bồn thì nên báo trước cho biết”.

Đến ngày đủ tháng, sư nghe tin báo, bèn thay quần, tắm rửa, bảo đồ chúng rằng: “Túc nhân ta chưa hết, còn phải ra đời lại, tạm làm quốc vương. Đến khi thọ chung, lại làm thiên tử trên cõi trời Tam thập tam. Nếu thấy chân thân hư nát, thì lúc ấy ta mới vào Niết bàn, không ở cõi sinh diệt nữa”.

Đồ chúng nghe xong, không ai là không động lòng rơi lệ. Sư nói bài kệ rằng:

Thu sang không báo nhạn về đây

Cười nhạt người đời thương xót thay

Nhắn bảo môn nhân thôi luyến ái

Thầy xưa(56b1) bao thuở vẫn thầy nay.

Nói xong kệ, sư nghiễm nhiên mà hóa, đến nay, xác thoát vẫn còn”.

Thượng tọa Thích Viên Thành trong bài viết trao đổi về Sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh còn cho rằng “Theo một số sử liệu của Quốc gia và Thiền phả cũng như sự tích còn lưu giữ được ở Đồng Bụt, Đồng Khanh, Sài Sơn và Chiêu Thuyền (Chùa Láng), chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Hương Tích thì sau khi Đại sư Từ Đạo Hạnh mất đã tái sinh 2 đời làm vua là Lý Thần Tông (1128-1138) triều Lý và Lê Thần Tông (1619 - 1643) triều Lê”[8].

Huyền thoại xác thoát sau khi thác sinh:Sau khi thác sinh, chuyện huyền thoại về thiền sư Từ Đạo Hạnh còn tiếp tục với xác thoát của ngài Đạo Hạnh. Thượng tọa Thích Viên Thành viết...Khi ngài Đạo Hạnh hóa xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người làng lấy làm lạ, bèn đưa vào trong khám để thờ. Đến thời thuộc Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc (niên hiệu của nhà Minh 1403 - 1424), quân Minh đi đến làng Thầy, thấy mùi hương thơm nức bèn tìm trong khám thấy chân thân của Ngài, nét mặt còn tươi tỉnh như lúc sống, người Minh cho là “Tiên” mới rước sang chùa Hương Sơn (còn gọi là Hổ Sơn ở khu vực Công ty Xi măng Sài Sơn hiện nay) rồi đưa ra gò Thiêu Thầy (Phía bên kia sông Đáy, cách Xí nghiệp Công ty Xi măng Sài Sơn khoảng 300 mét. Nay thuộc địa phận thôn Nam Trại) làm lễ hỏa táng. Lửa đốt đến 7 ngày 7 đêm mà vẫn không cháy đến chân thân, người Minh hoảng sợ định bỏ, đến đêm mộng thấy có người bảo:

- Chân thân ta đã trải qua hàng mấy trăm năm, từ thời Lý đến nay phép thiêng không phải là ngẫu nhiên. Nay các ngươi muốn hỏa táng thì phải lấy gỗ rào mộ mới thì mới được (Tài liệu ở chùa Thiên Phúc còn lưu giữ được thì nói: Lấy củi tại núi Thầy thiêu mới được).

Người Minh làm theo như vậy, quả nhiên đốt cháy hết được, bèn thu lấy Xá lỵ, rồi đắp tượng, xong lại cho Xá lỵ cho vào bên trong bỏ vào khám cũ để thờ ở bên trái chùa Thiên Phúc, đến nay vẫn còn. Còn tro đốt và phần mềm thì mang chôn tại Quán Thánh (Gần trụ sở Công ty Xi măng Sài Sơn hiện nay)[9].

 Rõ ràng rằng, việc khảo cứu về hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh qua những tư liệu lịch sử là một việc cần thiết nhằm khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa cho các thế hệ mai sau. Với sự hiện của nhiều di tích tôn giáo tín ngưỡng liên quan đến Từ Đạo Hạnh, Lý Thần Tông hiện nay ở Hà Nội cho thấy tính đa dạng, phức hợp của các yếu tố tôn giáo tín ngưỡng trong cộng đồng người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ từ quá khứ đến hiện nay. Các yếu tố lịch sử - văn hóa thể hiện qua hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh, qua các di tích từ Chùa Láng đến chùa Thầy đã thể hiện tính đa văn hóa trong tín ngưỡng tôn giáo của người Việt.



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Phạm Thị Lan Anh trong bài Thiền sư Từ Đạo Hạnh và các di tích liên quan ở Hà Nội, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, do Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức cho rằng Từ Đạo Hạnh mất năm 1115.

[2] Làng Yên lãng đây tức là làng Yên lãng thuộc huyện Vĩnh thuận của Bắc thành địa dư chí lục 1 và Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn tây, mục Từ miếu và Tự quán, tức làng Láng ở gần phía tây Thủ đô Hà nội ngày nay. Làng này hiện có chùa thờ Đạo Hạnh, tục gọi là chùa Láng. Bắc thành địa dư chí lục 1 chép chuyện đấy vào thế kỷ 19 như sau: "Chùa Yên lãng tại trại Yên lãng, huyện Vĩnh thuận, thế truyền là chỗ tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh triều Lý. Thiền sư là kẻ có thù với Thiền sư Đại Điên xã Dịch Vọng. Đạo Hạnh sau đó đi Tây vực học đạo, trở về giết Đại Điên, nên lệ chùa Yên lãng mỗi năm vào tháng 3 phải rước thần qua chùa hai xã Yên quyết và Dịch vọng, đốt pháo múa gậy, giống như có việc đánh nhau, để diễn lại chuyện đó. Nay chùa Yên Lãng có một hòm gỗ trong đựng một miếng đồng có chữ phạn viết bằng son. Đó là di tích của Sư. Sau Đạo Hạnh đến tu đạo tại Sài Sơn, tỉnh Sơn tây, rồi đầu thai làm Lý Thần Tôn".

Đây như vậy chỉ nói tên cha và trú quán, nhưng không nói tên mẹ và nguyên quán của Từ Đạo Hạnh. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn tây, mục từ miếu, nhân viết về đến Từ Đạo Hạnh Thiền sư ở chân núi Sài sơn huyện Yên sơn, nói: Xét trong đền thì bên trái thờ tượng Từ Đạo Hạnh, bên phải thờ tượng Lý Thần Tôn, ở giữa thờ tượng Phật. Một thuyết nói rằng Đạo Hạnh là người thôn Đồng bụt, huyện Yên sơn, cha là Từ Vinh mẹ là Tăng thị Loan. Nay tương truyền ở Đồng bụt có nền cũ nhà họ Từ, trước chùa có 70 mẫu ruộng là ruộng họ Từ, nay đem làm tự điền cho thôn ấy". Cứ đây thì nguyên quán của Đạo Hạnh là thôn Đồng bụt, huyện Yên sơn tỉnh Sơn tây. Truyện Đạo Hạnh ở đây nói rõ Yên Lãng là trú quán của Hạnh, nên ta khỏi phải đặt nghi vấn về chuyện đâu là quê quán của Hạnh, như Đại Nam nhất thống chí đã làm. 

[3] Tương truyền sư Đại Điên là hậu thân của Điều Ngự Giác Hoàng.

[4] Nguyễn Hữu Sơn: Thiền sư Từ Đạo Hạnh: Từ chùa Láng đến chùa Thày. Tạp chí sông Hương.

Dẫn theo http://www.giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2010/07/16.

[5] Mọi răng vàng hay Kim Xỉ man là tên một dân tộc ít người, vào thời Đường thì đang còn ở phần đất thuộc Vương quốc Pyu, nhưng đến đời Nguyễn và cho tới nay thì phần đất ấy thuộc tỉnh Vân nam của Trung Quốc. Xem Nguyên sử , 16 tờ 8a4. Gọi là mọi răng vàng dân tộc ấy dùng vàng lá mà trang sức răng mình, "khi ăn thì lấy ra". Họ có nhiều giống, mà Tân đường thư, 222 hạ tờ 15b-16a liệt ra như giống Tú cước, giống Tú diện, giống Điêu đề, giống Xuyên tỷ. An nam chí lược, 1 tờ 19 nói: "Đà Giang Lộ tiếp giáp với Kim xỉ". Kim xỉ đây đương nhiên là Kim xỉ man. Và nếu như vậy, thì Đạo Hạnh vừa mới vượt khỏi biên giới nước ta thôi.

[6] Xin xem thêm tư liệu tại http:// Su-tich-Thien-su-Tu-dao-Hanh 

[7] Theo Thiền uyển tập anh thì: An nam chí nguyên tờ 209 dẫn ý chính của đoạn này về Đạo Hạnh: "Thiền sư Đạo Hạnh là vị sư huyện Thạch thất, thường đi khắp tòng lâm tìm tòi bậc trí thức, khi duyên đạo đã chín, pháp lực có thêm, Sư có thể sai sử chim rừng thú nội họp nhau đến chịu phục. Sư cầu mưa trị bệnh, không gì là không ứng nghiệm, nay xác thịt đang còn".

Việc sử dụng những ngữ cú và văn ý đồng nhất với Thiền uyển tập anh như đây chứng tỏ tác giả An nam chí nguyên hay tác giả một cuốn sách khác mà ông vẫn phải sử dụng Thiền uyển tập anh. Do vậy, trước bản in năm 1715, Thiền uyển tập anh phải có in một lần nào đó. Chính qua bản in hay tối thiểu bản chép trước năm 1715 mà An nam chí nguyên hay một cuốn sách trước nó đã rút những dẫn trên về Đạo Hạnh. 

[8] Nguồn:  http://conduonghuongthuong. Su-tich-Thien-su-Tu-dao-Hanh.

[9] Thích Viên Thành. Tư liệu đã dẫn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 313
    • Số lượt truy cập : 6948387