Thông tin

HÀNH TRÌNH NHẬT KÝ CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA

 

TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG

 

Khi chính quyền khai thác kinh tế thuộc địa, thì có một tầng lớp dân bản xứ trở nên khá giả hơn. Họ cũng muốn bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng những ngôi chùa quy mô và thực hiện những nghi lễ hoành tráng. Nhưng đó chỉ là việc “cầu phước” của một vài cá nhân. Nhìn chung, tăng đồ không đủ điều kiện học hành nên Phật giáo càng ngày càng hủ bại.

Giặc Pháp xâm lược Nam kỳ, nhiều chùa chiền ở lục tỉnh bị tan hoang, sau đó là làn sóng văn hóa Tây phương ùa vào cùng với chế độ thực dân. Truyền thống văn hóa dân tộc bị ảnh hưởng, Phật giáo cũng ảnh hưởng theo.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, khi chính quyền khai thác kinh tế thuộc địa (lần thứ nhất 1885-1913 và lần hai 1920-1930) thì có một tầng lớp dân bản xứ trở nên khá giả hơn. Họ cũng muốn bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng những ngôi chùa quy mô và thực hiện những nghi lễ hoành tráng. Nhưng đó chỉ là việc “cầu phước” của một vài cá nhân. Nhìn chung, tăng đồ không đủ điều kiện học hành nên Phật giáo càng ngày càng hủ bại.

Lúc bấy giờ có nhiều tin tức “đổi mới” trong nước hoặc trên thế giới dội vào chốn thiền môn như Phong trào Đông Du đưa học sinh ra nước ngoài học tập văn minh tiến bộ; Phong trào thành lập tôn giáo bản địa. Trong số có giáo phái sử dụng giáo lý Phật giáo; Phong trào giới trí thức Âu Tây nghiên cứu giáo lý Phật giáo; Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc… Từ đó, một số tăng đồ nhiệt tình với đạo pháp mới nghiệm ra rằng từ trước đến nay trong tay chúng ta có một viên ngọc, nhưng lâu này chúng ta không chịu chùi rửa. Bây giờ, chúng ta muốn viên ngọc này sáng trở lại để mọi người thưởng thức thì phải lau chùi đánh bóng, tức là phải chấn chỉnh, chấn hưng.

Đầu tháng 7 năm Bình Dần (1926), sau khi mãn khóa an cư kiết hạ tại chùa Long Phước (Trà Vinh), cư sĩ Huỳnh Thái Cửu1 thỉnh Hòa thượng Khánh Hòa2 và các vị cao tăng đến nhà cúng dường. Đặc biệt, ông lại tiếp đón bằng một bài diễn văn đề nghị “sửa đạo”. Các vị cao tăng có mặt đều biết lúc này Phật giáo suy đồi, cần phải sửa đạo (tức chấn chỉnh). Nhưng sửa đạo là gì thì chẳng ai hiểu rõ. Nhưng khi thấy ông Huỳnh thống thiết ai ai cũng xúc động, lắng nghe. Kể từ đó trở về sau, hễ tăng đồ trong vùng gặp mặt nhau thì ít nhiều cũng dành thời gian bàn việc sửa đạo, tức chấn hưng Phật giáo.

Đến tháng 4 năm Đinh Mão (1927), lễ An cư kiết hạ tổ chức tại chùa Long Khánh (Qui Nhơn), thỉnh Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp) chứng minh, Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh), pháp sư, Hòa thượng Phổ Huệ (chùa Tịnh Lâm) Phó Pháp sư, Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa) Thiền chủ. Tăng chúng tu học đủ ba miền Bắc, Trung, Nam. Trước đó một tháng, hai vị Hòa thượng Khánh Hòa và Huệ Quang hẹn sẽ ra Bình Định – Phú Yên cùng chiêm bái các tổ đình và tham khảo ý kiến với các vị cao tăng, cư sĩ và vấn đề chấn hương Phật giáo, rồi tình cờ hai vị Hòa thượng này lại gặp Giáo thọ Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn- Sài gòn) cũng dự định ra Bắc với cùng mục đích.

Cuối tháng 5 năm Đinh Mão (1927), Giáo thọ Thiện Chiếu từ Bắc về có được một số tài liệu chấn hưng Phật giáo của Thái Hư pháp sư. Sư ghé thăm trường hạ, gặp nhiều cao tăng và cư sĩ nhiệt tình với đạo pháp. Hòa thượng Khánh Hòa đưa vấn đề chấn hưng Phật giáo ra đại chúng bàn bạc và được tán dương. Sau đó mấy tháng, Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Huệ Quang lên chùa Linh Sơn gặp Giáo thọ Thiện Chiếu, rồi cả ba cùng đi chiêm bái các tổ đình và tham khảo nhiều ý kiến vấn đề trên nhưng không đồng nhất.

Sang năm Mậu Thìn (1828), họp thành lập Phật học viện và Thư xã bên cạnh chùa Linh Sơn ( đường Douaumont- Sài Gòn). Thành phần có: Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa), Hòa thượng Từ, Giáo thọ Chơn Huê (Sắc tứ Linh Thứu)3, Giáo thọ Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn), sư Thiện Niệm (chùa Viên Giác), sư Từ Phong (chùa Liên Trì), hai cư sĩ Thái Bình Ngô Văn Chương và Trần Nguyên Chấn. Phật tử Trà Vinh hiến cúng một bộ Đại tạng kinh (770 quyển) thờ tại thư xã chùa Linh Sơn.

Ban vận động nhờ cư sĩ Thái Bình Ngô Văn Chương và Trần Nguyên Chấn làm đơn xin thành lập một hội Phật giáo, nhưng đơn xin bị bác. Ban vận động thấy việc chấn hưng cần phải chọn Sài Gòn làm trung tâm. Giáo thọ Thiện Chiếu biết mình là thành phần “cấp tiến” nên nhường chùa cho Hòa thượng Khánh Hòa vốn thuộc thành phần “ôn hòa”, còn mình về chùa Chúc Thọ (Gò Vấp) mở Phật học tùng thư, xuất bản sách cá nhân.

Thấy công việc chỉ ở bước đầu, tiền bạc lại có hạn, ý tưởng hoạt động của mình chỉ tựa như “một hai trận mưa đầu mùa”, thế nên Hòa thượng Khánh Hòa dùng 5 tháng đầu năm Kỷ Tị (1929) để đi hết các tự viện Nam kỳ, tham khảo tất cả các vị tăng già, rồi lên tận Nam Vang (Phnompênh) nơi có nhiều Việt kiều sinh sống và có nhiều ngôi chùa Bắc tông Phật giáo.

Giáo thọ Chơn Huê (chùa Sắc tứ Linh Thứu Mỹ Tho) cũng là thành viên Ban vận động chấn hưng, khi biết tin Hòa thượng Khánh Hòa hoàn tất cuộc hành trình đã mời Hòa thượng và sư Thiện Chiếu về chùa mình biên tập xuất bản tập Pháp Âm.

Tập Pháp Âm chủ yếu đăng bài Tự trần, hành trình nhựt ký đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội của Hòa thượng Khánh Hòa. Một số bài khảo cứu hoặc dịch thuật của các tác giả Hoàng Phi Long, Minh Châu tử, bài Bàn về Phật học của Nguyễn Khoa Tùng, mục văn uyển do Hòa thượng Bích Liên phụ trách, có bài chúc mừng Phật học thư xã. Trang cuối là lời cảm tạ các cư sĩ hiến cúng bộ Đại tạng kinh trân tàng tại Phật học thư xã (chùa Linh Sơn) vừa khánh thành. Trong tờ Pháp Âm còn có bài Tự trần của Bổn viện đồng nhơn (ẩn danh nhưng qua giọng văn đanh thép, biết tác giả là sư Thiện Chiếu). Chủ nhiệm tờ Pháp Âm là Hòa thượng Khánh Hòa. Tờ số 1 ghi tòa soạn tại chùa Sắc tứ Linh Thứu, chợ Xoài Hột, làng Thạnh Phú, tỉnh Mỹ Tho. Sư thật hay tin Hòa thượng vừa hoàn tất cuộc hành trình nhựt ký đi cổ động cuộc sáng lập Tòng Lâm Phật giáo hội thì Giáo thọ Chơn Huê mời Hòa thượng Khánh Hòa, Giáo thọ Thiện Chiếu đem một số bài vở của các tăng sĩ, cư sĩ nhiệt tình về chùa Linh Thứu biên tập. Sau đó, đưa cho nhà in Thạnh Thị Mậu ở Sài Gòn xuất bản. Giáo thọ Chơn Huê và Thủ tọa Điển vừa ủng hộ tờ Pháp Âm (của Hòa thượng Khánh Hòa) vừa ủng tờ Dân Cày (của Tỉnh ủy Mỹ Tho - bên cạnh chùa) nên bị mật thám Pháp để ý.

Trong Ban vận động có 6 tăng sĩ ôn hòa:

- Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên linh - Bến Tre)

- Hòa thượng Trí Thiền (chùa Sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá)

- Hòa thượng Từ Phong (chùa Liên Trì - Bến Tre)

- Hòa thượng Huệ Quang (chùa long Hòa - Trà Vinh)

- Hòa thượng Chánh Quả (chùa Kim Huê - Chợ Lón)

- Yết ma Thiện Dư (chùa Bửu Long - Mỹ Tho).

Cư sĩ Thái Bình Ngô Văn Chương rút lui, nhưng Trần Nguyên Chấn tìm người bổ sung, gồm:

- Trần Nguyên Chấn (Commis Chấn)

- Nguyễn Văn Cần (Commis Cần)

- Nguyễn Văn Huyền (Thư ký Tòa Thị chính Sài Gòn)

- Nguyễn Văn Khuê (Tri huyện)

- Phạm Ngọc Vinh (Ngân hàng Đông Dương)

- Nguyễn Văn Nhơn (Thư ký).

Hòa thượng Khánh Hòa và Ban vận động tin tưởng ông Trần Nguyên Chấn là người làm việc ở dinh Đốc lý, có thế lực nên nhờ người làm đơn xin phép lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và xuất bản tờ Từ bi âm. Từ đó, ông bắt buộc phải thỏa mãn ba điều kiện:

- Phải nhường vĩnh viễn Phó nhì Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, không ai được tranh cử.

- Phải làm giấy mượn đất chùa Linh Sơn của ông Trần Nguyên Chấn.

(Sự thật đất chùa Linh Sơn của bà Nguyễn Thị Nghi hiến cúng cho Giáo thọ Thiện Chiếu. Giáo thọ Thiện Chiếu cúng lại cho Hòa thượng Khánh Hòa. Hòa thượng Khánh Hòa và Ban vận động đã xây dựng thêm thư xã Thích học đường bên cạnh. Bà Nguyễn Thị Nghi đã mất từ lâu, không còn người thừa tự).

- Chấp nhận Phạm Ngọc Vinh (còn rể của Trần Nguyên Chấn) là chủ nhân tờ Từ bi âm.

Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội được phép thành lập ngày 26-8- 1931, gồm Hội trưởng danh dự là Thống đốc Nam kỳ. Hội viên danh dự là một số công chức cao cấp người Pháp hoặc người Việt.

Ban Trị sự lâm thời có:

- Hòa thượng Từ Phong (Chùa Giác Hải, Chợ Lớn) làm Chánh Nghị trưởng (Hội trưởng)

- Hòa thượng Khánh Hòa, Phó Nghị trưởng.

- Trần Nguyên Chấn, Phó Nghị trưởng.

Kiểm soát, thư ký, tài chánh do các ủy viên các tăng sĩ, cư sĩ đảm nhận.

Hội viên có ba hạng. Đầu tiên có hai hạng Thường trợ và Thượng tá, đến năm 1936 đặt thêm hạng Thường hộ.

Chương trình hoạt động của Nam kỳ Nghiên cứu Phật học là thành lập:

- Phật học thư xã, gồm Pháp bảo phường (thư xã) và Duyệt kinh thất (phòng xuất bản kinh)

- Cổ tích viện (bảo tàng Phật giáo)

- Biên tập sở (trụ sở xuất bản tờ Từ bi âm và các loại kinh sách)

- Thính học đường (trường Phật học)

Trụ sở tập chí Từ bi âm bên cạnh chùa Linh Sơn. Chủ nhân là Phạm Ngọc Vinh; Chủ bút Hòa thượng Bích Liên; Phó Chủ bút Tu sĩ Liên Tôn; Thủ quỹ: Phạm Văn Nhơn. Trong giai đoạn đầu, nhờ có sự đoàn kết, tập trung trí lực, mọi người đều cố gắng vì đạo pháp nên hội viên phát triển mỗi tháng mỗi đông. Chất lượng Từ bi âm được độc giả chú ý.

Ban vận động chấn hưng Phật giáo đã xây dựng được Thích học đường dạy giáo lý, với đầy đủ bàn ghế dụng cụ học tập. Thế nhưng khi thành lập Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội xong, thấy ngân quỹ eo hẹp, không thể tập trung tại chùa Linh Sơn, nên ngày 20 tháng 1 năm Quý Dậu (1933), một cuộc họp tại chùa Viên Giác (Bến Tre), Hòa thượng Khánh Hòa bàn nên lập Liên đoàn học xã. Mỗi khóa nên tuyển sinh từ 80 đến 100 tăng ni, đề nghị các địa phương luân phiên tổ chức:

+ Khóa một: Hòa thượng Huệ Quang mở lớp tại chùa Long Hòa (Trà Vinh) từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 1 tháng 6 năm Quý Dậu (1933).

+ Khóa hai: Hòa thượng Chánh Tâm mở tại chùa Thiên Phước (Trà Ôn) từ ngày 5 tháng 6 đến ngày 5 tháng 9 năm Quý Dậu (1933).

+ Khóa ba: Hòa thượng Tâm Quang chùa Viên Giác (Bến Tre) mở lớp từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 11 năm Quí Dậu (1933).

Các giáo lý của Liên đoàn học xã tổ chức đều được chính quyền địa phương chấp thuận. Hai khóa đầu, Commis Chấn có đến tặng quà, chiếu phim Phật giáo để khích lệ. Nhưng đến khóa ba thì Chấn làm đơn tố cáo Hòa thượng Khánh Hòa lập «Liên đoàn học xá» là lập «các hội lớn» để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Mật thám Pháp lục xét những ngôi chùa có liên quan đến Hòa thượng Khánh Hòa. Hòa thượng phải ôm kinh sách đến sở Mật thám đọc từng câu, từng chữ giải thích cho họ nghe.

Commis Chấn vừa biện mình trấn an thiên hạ vừa công kích Hòa thượng Khánh Hòa trên Từ bi âm. Thế nên Từ bi âm xuất bản đến số 45 thì Hòa thượng Khánh Hòa từ chức. Các cao tăng thuộc nhóm ôn hòa như Hòa thượng Từ Phong, Huệ Quang, Chánh Quả, Tâm Quang, Trí Thiền cũng rút lui khỏi hội. Tuy nhiên, do bị vu cáo nên Hòa thượng Huệ Tâm bị bắt đày Côn Đảo lần hai.

Hòa thượng Chánh Tâm thay thế Hòa thượng Khánh Hòa. Commis Chấn cũng mời được một số tăng sĩ, cư sĩ lấp vào chỗ trống. Nhưng từ đó, chùa Linh Sơn và tờ Từ bi âm trở thành tài sản riêng của Chấn. Ông độc chiếm diễn đàn, trở thành người cản trở chấn hưng Phật giáo.

Ngày 13 tháng 8 năm 1934 thành lập Lưỡng Xuyên Phật học hội, trụ sở đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh). Ban chấp hành chỉ toàn là cư sĩ, gồm: Hội trưởng Huỳnh Thái Cửu (nhưng chỉ khoảng 1 năm thì mất. Ông Ngô Trung Tín thay thế); Hội phó Phạm Văn Liễu; Thủ bổn Trần Thến. Kiểm soát Nguyễn Văn Lâm và Huỳnh Công Kiệt.

Lưỡng Xuyên Phật học hội có ba mục đích:

+ Xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học, với thành phần, gồm: Chứng minh Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Khánh Hòa; Chủ nhiệm Hòa thượng Huệ Quang, quản lý Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Giác.

Mục đích tạp chí Duy tâm Phật học là phổ biến giáo lý Phật giáo, dịch kinh, nghiên cứu văn hóa Phật giáo.

+ Lập thư viện Phật giáo: Phật tử Trà Vinh cúng một bộ Đại tạng kinh và rất nhiều kinh sách nghiên cứu, tham khảo. Đồng thời, Lưỡng Xuyên Phật học hội còn lập một tủ kinh sách ấn tống cho tăng ni cư sĩ tu học.

+ Mở trường Phật học: Lưỡng Xuyên Phật học hội khai giảng trường Lưỡng Xuyên Phật học, Sư phạm học đường bên cạnh chùa Long Phước. Ban giảng huấn có Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa), Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải), Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng) và Hòa thượng Khánh Anh (chùa Phước Hậu).

Lưỡng Xuyên Phật học hội phát triển ra mấy tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (có Bắc tông Việt Nam và Nam tông Khmer tham gia). Hội còn phát triển lên tận Campuchia – nơi có nhiều Việt kiều sinh sống.

Lưỡng Xuyên Phật học hội đã liên kết với An Nam Phật học (Huế) tham khảo chương trình giảng dạy tại Thích học đường và cho du học sinh ra Huế học tập để sau này trở thành thành phần cốt cán của giáo hội như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh.

Lưỡng Xuyên Phật học hội đã liên kết với Tịnh độ cư sĩ Phật học hội. Cư sĩ Trần Huỳnh tự Huệ Giải vừa là ký giả của Tịnh Độ cư sĩ vừa là ký giả của Lưỡng Xuyên Phật học hội.

Khi thấy phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển khắp đất nước, trên tạp chí Duy tâm Phật học, Hòa thượng Huệ Quang đề nghị nên lập một Phật giáo tổng hội chia nhiều ban theo phân cấp hành chánh, nhưng đó là mục tiêu để Commis Chấn tấn công vào Duy tâm.

Theo bài Tự trần đăng trong tờ Pháp âm thì “tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi” nên “chỉnh đốn tăng già, hoằng dương Phật pháp”. Hòa thượng Huệ Quang (trong Duy tâm Phật học tháng 8-1935) việc chấn hưng Phật giáo có ba vấn đề cấp bách:

- Thành lập giáo hội.

- Xuất bản tạp chí, kinh sách bằng chữ quốc ngữ.

- Kiến lập Phật học đường.

Trong ba vấn đề trên thì việc thành lập Phật giáo tổng hội, tức Phật giáo chung cho cả nước, hoặc ít nhất Phật giáo chung cho cả Nam kỳ là vấn đề khó khăn nhất. Chủ trương của chính quyền đô hộ thời bấy giờ chỉ cho phép năm bảy tỉnh lập một trung tâm Phật giáo (một hội đoàn Phật giáo mang tính liên hữu tương tế). Thế nên toàn Nam kỳ chính quyền Pháp chỉ cho lập ba, bốn hội Phật giáo. Miền Bắc, miền Trung cũng thế. Đất nước Việt Nam bấy giờ bị người Pháp chia ba thì làm sao Phật giáo thống nhất được. Có lẽ, người Pháp sợ Phật giáo thống nhất thành một khối thì sẽ kết hợp với các phong trào yêu nước, tạo thành một thế lực đe dọa chế độ cai trị.

Ngay trong giai đoạn 1936-1939, Mặt trận Bình Dân nắm quyền tại Pháp, tình hình tại Việt Nam thuộc địa cởi mở hơn trước, các hội Phật giáo được phép thành lập cũng bị kiểm soát gắt gao, vì “Phải coi chừng chặt chẽ những kẻ giữ đạo Phật, vì những kẻ theo đạo ấy không đặng lương thiện”.

Xin phép lập hội qua khó khăn, nên ban vận động chấn hưng buộc phải đưa người – dù có dã tâm – vào chức vụ quan trọng. Họ tạo được quyền lực vững chắc, lung lạc hội đoàn, tư tâm thủ lợi. Họ giương danh tự đắc dùng báo chí công kích, khiến hội mất đoàn kết. Đây là nguyên nhân làm cho công việc chấn hưng khó khăn, không đạt được kết quả mong muốn. Cuộc hành trình vận động thành lập Tòng lâm Phật giáo đầu tiên của Hòa thượng Khánh Hòa là nỗ lực khai phá đặc biệt quan trọng.

 


1. Huỳnh Thái Cửu (1866-1935), người làng Long Hòa (Trà Vinh), xuất thân làm Hội tề chuyển qua Cai tổng, được tặng Huyện hàm. Là một người thông giáo lý Nam tông và Bắc tông, tại quê ông đã xuất tiền xây dựng hai ngôi chùa, một theo kiểu Việt và một theo kiểu Khmer, rước nhà sư đến tu học.

2. Hòa thượng Khánh Hòa, thế danh Lê Khánh Hòa, người làng Ba Tri tỉnh Bến Tre, xuất gia tu tại chùa Khải Tường, đắc pháp đời tứ 39 Lâm tế gia phổ, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa.

3. Giáo thọ Chơn Huê (1899-1984) trụ trì chùa Sắc tứ Linh Thứu, Xoài Hột, làng Thạnh Phú, tỉnh Mỹ Tho. Khoảng năm 1922 – 1934 là đệ tử Yết ma Tâm Giác - một người đồng môn với Hòa thượng An Lạc, chùa Vĩnh Tràng và Hòa thượng Huệ Tịnh (chùa Linh Tuyền) nên quan thân với sư Thiện Chiếu. Yết ma Tam Giác viên tịch sớm, mấy đệ tử từ nhỏ chuyển sang làm đệ tử Hòa thượng Khánh Hòa. Thế nên Giáo thọ Chơn Huê và Thủ tọa Điển đều kính thầy Khánh Hòa như bổn sư.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6952432