Thông tin

HẠT GẠO NẶNG NHƯ NÚI TU DI

 

VIÊN THẮNG

 

 

Thuở còn thơ, ngày hai buổi cắp sách đến trường, tôi đi trên con đường làng có hàng tre che bóng mát. Dưới đồng ruộng, các cô chú đang phơi mình dưới trời nắng nóng mà trong Thành ngữ, Tục ngữ hay nói về nghề làm nông: “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Bởi vì xuất thân từ con nhà nông chính hiệu, nên tôi rất thích bốn câu ca dao:

Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi, bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Mặc dù đọc thuộc lòng bốn câu ca dao này từ thuở bé, nhưng tôi chưa thấu hiểu hết nỗi vất vả của người nông dân làm ruộng. Ngay cả khi cô giáo cho viết bài làm văn về bài ca dao này thì tôi cũng viết theo cảm nhận chứ chưa từng trải nghiệm nhiều. Khi lớn lên một chút, tôi cũng theo ông bà nội, cô chú, anh chị ra đồng phụ công việc đồng áng. Từ công việc chải bờ cuốc góc, gieo sạ, nhổ cỏ, cấy dặm cho đến khi lúa chín đi cắt, phơi lúa, phơi rơm v.v… tôi đều tập làm tất tần tật. Những ngày nắng táp mưa chan hay mưa dầm gió rét, tới mùa vụ nào mọi người nhà nông đều luôn chăm chỉ làm việc dưới đồng ruộng. Đến lúc này, tôi mới thấm thía câu ‘Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần’. Do đó, mỗi lần ăn cơm, nếu lỡ rớt vài hột cơm, bà nội tôi đều nhặt lên ăn và dạy: “Hạt cơm là hạt ngọc của trời, đừng để rơi vãi giẫm lên mà mang tội”. Bài học này theo tôi suốt cuộc đời.

Khi tôi vào chùa xuất gia, thực hành theo nếp sống thiền môn, nên quý Sư chỉ dạy chị em chúng tôi khi còn hành điệu rất kỹ về làm việc và ăn uống, tiết kiệm từng hạt cơm, giọt nước. Như khi bới cơm, nếu trong nồi còn dính vài hạt thì quý Sư dạy múc tí nước canh đổ vào rồi vét cho sạch không để sót một hột cơm nào, xài nước cũng tiết kiệm, như nước rửa rau rồi đem tưới cây, nước giặt quần áo xong chà nhà tắm, nhà vệ sinh. Buổi trưa cúng quá đường, đại chúng dùng cơm xong đều lấy nước đổ vào bình bát tráng sạch rồi uống. Có lẽ để giải tỏa sự thắc mắc mấy điệu mới vào chùa, nên một hôm, Sư trưởng (Sư cụ Viên Minh trụ trì chùa Hồng Ân - Huế; Giám viện Ni Viện Diệu Quang - Nha Trang là Bổn Sư của chúng tôi) gọi mấy điệu lại chỉ dạy sự bòn từng chút phước và Sư cụ kể câu chuyện như sau:

“Thời Đức Phật còn tại thế, trong hàng đệ tử Ngài có nhóm lục quần Tỷ-kheo thường hay khen chê thức ăn do tín thí cúng dường. Một hôm, vì muốn cảnh tỉnh sáu vị Tỷ-kheo này, nhân dịp họ đang đứng trên bờ sông. Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan đem y của Ngài ra sông giặt. Nhưng kỳ lạ thay, khi Tôn giả bỏ chiếc y xuống nước thì nó cứ nổi lên mãi không thấm nước. Tôn giả tìm đủ mọi cách để nhận chiếc y xuống nước, thậm chí lấy đá tảng đè lên nhưng chiếc y vẫn cứ nổi lên. Thấy lạ, Tôn giả liền bạch Phật nguyên do. Ngài dạy: “Con hãy đi lấy hạt cơm còn dính trong bình bát bỏ lên thử xem sao!”. Tôn giả vâng lời Phật dạy liền đi lấy một hạt cơm còn sót lại trong bình bát, bỏ lên chiếc y thì bỗng nhiên chiếc y từ từ thấm nước chìm xuống nước. Nhóm lục quần Tỳ-kheo đứng nhìn sự việc vô cùng kinh ngạc trước hiện tượng lạ lùng này, liền bạch hỏi Phật. Ngài đáp: “Này các Tỳ-kheo! Mỗi hạt cơm của tín thí cúng dường nặng như núi Tu Di. Nếu các ông thọ nhận của tín thí cúng dường mà không tu hành đắc đạo thì sẽ mang nợ”. Từ đó về sau, sáu vị Tỳ-kheo này không còn khen chê thức ăn ngon dở”.

Do đó, chư vị Tổ sư thường cảnh tỉnh hàng hậu học xuất gia:

Hạt gạo của thí chủ

Nặng như núi Tu Di

Đời nay không liễu đạo

Mang lông đội sừng trả.

Năm 2000, tôi bắt đầu học dịch thuật Hán Nôm, rồi sau đó làm việc tại Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang. Lúc ấy, cố Hòa thượng Thích Minh Cảnh làm giám đốc ở trung tâm. Vì tôi phát nguyện nấu ăn cho đại chúng trong hai ngày đi làm mỗi tuần, nên công việc nhà bếp ở tu viện Huệ Quang tôi biết rất rõ. Nhớ có lần quý thầy sơ ý để cơm bị thiu, nên định đưa cho Phật tử đem về nhà cho heo ăn. Vừa lúc đó, sư phụ xuống bếp bắt gặp, nên bảo chú tiểu đem cơm rửa sạch rồi hấp lại cho sư phụ dùng. Từ đó về sau, quý thầy để ý rất kỹ việc nấu cơm.

Ngẫm lại lời Đức Phật dạy cho hàng xuất gia, tôi nghĩ hàng Phật tử tại gia và người thế tục bình thường, nếu ứng dụng lời Ngài dạy từ việc nhỏ xem hạt gạo quý nặng như núi Tu Di, cho đến các vật dụng lớn đều sử dụng tiết kiệm, vừa đủ sống giản dị không xài hoang phí thì chắc chắn mọi người đều an lạc hạnh phúc.

Thế giới này sẽ thái bình, vì con người không có tâm tham vọng làm bá chủ, nên không xảy ra chiến tranh giữa nước này muốn thâu tóm nước kia; sẽ không có những quan tham hầu tòa rồi vào tù ngồi, nếu biết sống thanh liêm tiết kiệm.

Và xã hội sẽ bình yên, không có cảnh tranh giành chức quyền vì tâm tham vọng danh tiếng giàu sang; cũng không xảy ra tệ nạn cướp bóc, chém giết lẫn nhau chỉ vì nạn ăn chơi trác táng, đỏ đen, hút chích nhậu nhẹt, thức ăn thừa mứa đem đổ vung vãi phung phí.

Chúng ta nhìn kỹ từ những người không biết tu học Phật pháp, không biết giáo lý nhân quả chỉ biết sống trong hưởng thụ, không nghĩ ngày mai và cho cả nhiều đời sau, họ chỉ là những người sống say chết mộng trong vô minh tăm tối. Từ đó, chúng ta mới thấy quý trọng những người xuất gia từ bỏ gia đình sống đời đơn giản thanh bạch. Vì mỗi bữa ăn đại chúng xuất gia đều quán tưởng:

Mỗi khi nâng bát cơm đầy,

Nhớ ơn Tam Bảo, ơn Thầy, Mẹ Cha

Nhớ người tín thí gần xa

Con nguyện sống hạnh vị tha đáp đền.

Thật đẹp thay hình ảnh của người xuất thế tục gia:

Nhận đời manh áo bát cơm,

Tặng đời trọn cả tâm hồn thanh cao.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6705222