Thông tin

HẬU DUỆ CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA

 

Tỷ kheo THÍCH MINH CẢNH*

 

Công cuộc vận động của Hòa thượng Khánh Hòa giống như ngọn đèn đốt lên đầu tiên nhiều lần chao đảo trước gió, nhưng đã âm thầm gieo hạt giống Phật vào trong lòng mọi người, và qua thời gian dần dần chuyển mạnh, nở hoa kết trái, dần dần lan khắp cho đến ngày nay.

Năm 1904, sau thời giảng kinh Kim Cang Chư Gia ở chùa Long Huê, Gò Vấp, pháp sư Khánh Hòa rất được sơn môn quý trọng. Danh tiếng pháp sư Khánh Hòa tài cao học rộng được vang xa từ đó. Tuy được nổi danh, nhưng lúc nào trong lòng ngài cũng hoài bão công việc chấn hưng đạo đức trong sơn môn. Trước tình trạng các ngôi chùa không chỉ có một thầy mà còn rất kém hiểu biết, ngài từng than thở: “Phật pháp suy đồi do Tăng đồ thất học”. Thực vậy, trong thời kỳ đó, Hán học bắt đầu suy tàn, chữ Quốc ngữ từng bước được thay thế. Các sư tăng vào chùa chỉ học thuộc hai thời công phu bằng chữ Hán và một số chữ Hán đủ để đọc sớ điệp cần thiết khi đi cúng các đám ma chay, ngoài ra, kinh, luật, luận, giáo lý cao thâm của Đức Phật từ ngàn xưa để lại thì mù tịt không biết đến. Hơn nữa, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, muốn tìm thầy học đạo quả là một sự khó khăn đối với các chư tăng, nhất là với những người dân chưa bao giờ nghĩ đến việc đi ra khỏi nơi cư trú. Ngày xưa, tu sĩ không có trường học, không có chương trình thứ lớp hẳn hòi mà chỉ có thầy trò dạy nhau từng bộ kinh một, gọi là lớp dạy gia giáo. Đương thời, các vị hòa thượng đạo cao đức trọng nổi tiếng đã có những lớp học gia giáo dạy với tính cách nội bộ như ở chùa Kim Cang (Long An), chùa Linh Nguyên (Đức Hòa)... Tuy nhiên, từ những lớp gia giáo đó cũng đã sản sinh một số nhân tài cho Phật giáo, như các ngài: Như Nhãn Từ Phong, Như Trí Khánh Hòa, Như Sơn Bửu Chung, Như Vịnh Đạt Thái, Như Nhuận, Đạt Thanh, Pháp Ấn, Như Đạt, Phước An, v.v... Cả Nam kỳ Lục tỉnh chỉ có một số nhân vật nổi tiếng thường hay đi giảng kinh bộ trong những trường Hạ, trường Kỳ hay những đám làm chay kỳ an, kỳ siêu. Những công việc gọi là giảng kinh thuyết pháp đó có tính cách thêm vào cho đủ lễ chớ không có tác dụng truyền bá Phật pháp trong dân gian. Chủ đích của Hòa thượng Khánh Hòa là muốn mọi người cùng hiểu rõ Phật pháp, bất luận là Tăng Ni hay Phật tử. Muốn được như vậy, phải có trường học dạy dỗ đàng hoàng từ thấp lên cao dành cho chư Tăng ni. Ngoài ra, phải diễn dịch kinh điển Phật giáo từ chữ Hán sang tiếng Việt để mọi người cùng đọc, cùng hiểu, cùng thực hành theo giáo lý Phật đà. Có như vậy, Phật pháp càng ngày càng mở rộng và mọi người cùng thấm nhuần lời Phật dạy. Đó là cách Phật hóa nhân gian.

Năm 1920, ngài cùng các hòa thượng lập ra Hội Lục hòa với hoài bão tạo sự đoàn kết tương thông đúng danh nghĩa lục hòa trong giới Tăng sĩ.

Năm 1928, ngài cùng các vị Từ Nhãn, Chơn Huệ, Thiện Chiếu thành lập Thích học đường và Phật học thư xã tại chùa Linh Sơn. Thành lập Thích học đường cần có một số kinh phí, ngài không ngần ngại bán bớt cột ở chánh điện chùa Tuyên Linh, nơi ngài làm trụ trì, để hoàn thành công trình. Thích học đường này tới năm 2000 vẫn còn, sau đó được dỡ bỏ khi xây cất giảng đường chùa Linh Sơn.

Tuy tốn công tốn sức là vậy, nhưng Thích học đường không được thực hiện công tác dạy dỗ chư Tăng vì nội bộ Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học mất đoàn kết. Bước đầu thất bại, song ngài không nản lòng. Ngài tiếp tục cùng các vị Hòa thượng Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh thành lập Liên đoàn Phật học xã để đào tạo tăng tài, cứ ba tháng dạy và học tại một chùa để chia xẻ gánh nặng tài chính. Hễ dạy ở chùa nào thì chùa đó đài thọ kinh phí. Bắt đầu là chùa Từ Hòa của Hòa thượng Huệ Quang ở Tiểu Cần, Trà Vinh, rồi đến chùa Thiên Phước ở Trà Ôn, Vĩnh Long. Sau đến chùa Viên Giác, Bến Tre. Công việc đang hanh thông bỗng gặp chướng duyên, đành ngưng lại vào năm 1934. Mặc dầu không được như ý, thua keo này bày keo khác, ngài lại cùng với các Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải và một số cư sĩ tỉnh Trà Vinh hỗ trợ lập một hội Phật học khác có giấy phép hẳn hòi: Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Từ đó, ngài cho xuất bản tạp chí Duy tâm và thỉnh Đại Tạng Tục Tạng Kinh về để làm tài liệu nghiên cứu diễn giảng. Bên cạnh đó, Thích học đường khai giảng khóa đầu vào năm 1935, với số lượng Tăng sinh 30 vị. Trong số đó có các thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, v.v... trở thành những vị cao tăng thạc đức sau này.

Đến năm 1945, Hội Lưỡng Xuyên Phật học và Thích học đường phải tạm ngưng rồi đóng cửa vĩnh viễn vì chiến tranh chống Pháp giải phóng dân tộc. Gần cuối đời, ngài về chùa Vĩnh Bửu mở lớp dạy cho Ni chúng học. Sau cùng, trở về chùa Tuyên Linh an nghỉ trong tình trạng bất an của chiến tranh Pháp - Việt.

Những tưởng phong trào chấn hưng Phật giáo do thời cuộc bị tắt lịm không thể hồi sinh, nhưng may mắn thay, có một phái đoàn Tăng sinh từ Huế kéo vào Nam tỵ nạn, do bởi các chùa ở Huế đang gặp khó khăn về kinh tế. Trường Phật học Báo Quốc ở Huế có một lớp vừa mới tốt nghiệp, gồm có các thầy: Trí Thủ, Trí Quang, Trí Nghiễm, Thiện Hòa, Thiện Hoa và Trí Tịnh. Tốt nghiệp xong, thầy Thiện Hòa ra Bắc học thêm về Luật học; thầy Trí Tịnh và Thiện Hoa, hai vị người miền Nam vừa tốt nghiệp, được Ban Giám đốc giao trách nhiệm dẫn đoàn Tăng sinh mấy mươi người còn lại vào Nam để mở trường học dạy tiếp. Tuy nhiên, trước phong trào kháng chiến đang sôi động, phái đoàn học Tăng xuôi Nam phải ghé lại nhiều nơi và rơi rớt không ít. Khi thầy Trí Tịnh và Thiện Hoa tập hợp lại ở chùa Phật Quang, Trà Ôn, thì số còn lại lác đác chỉ còn một phần ba. Cuối năm 1946, thầy Trí Tịnh mượn chùa Vạn Phước ở Bình Trị Đông thành lập một trường học, lấy tên là Liên Hải Phật học đường. Số Tăng sinh cũ còn lại khoảng bảy, tám người, còn lại hơn hai chục người là những người miền Nam khát khao xin theo học. Trường Liên Hải Phật học tổ chức theo mô hình một trường nội trú, gồm có ba lớp, dưới sự hướng dẫn của thầy Trí Tịnh với sự phụ tá của thầy Quảng Minh.

Năm 1948, bản dịch kinh Pháp Hoa của thầy Trí Tịnh do nhà in Thạnh Mậu ấn hành ra đời. Do kỹ thuật in ấn chưa hoàn bị nên lỗi sửa rất nhiều. Các Tăng sinh chia nhau sửa chữa mấy ngày mới xong. Đó là bản dịch mở đầu cho các bản dịch kinh Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan, Địa Tạng và các dịch phẩm sau này.

Công việc dạy và học của Liên Hải Phật học đường đương tiến hành trong tinh thần hòa hợp vui vẻ giữa thầy và trò, bỗng cuối năm 1949, thầy Trí Tịnh đau nặng, phải nhờ thầy Quảng Minh từ Huế trở về đảm trách công việc điều hành ngôi trường Liên Hải.

Với uy đức của thầy và các vị giáo thọ, tổ chức có nề nếp và tạo được niềm tin của các Phật tử xa gần nên trường lần lần phát triển từ chánh điện mái lá đơn sơ đổi thành mái ngói, rồi bê tông cốt sắt rộng lớn như ngày nay.

Năm sau, ở tại chùa Mai Sơn, cách Trường Liên Hải khoảng 2 cây số, thầy Huyền Dung mở một trường học, đặt tên là Trường Phật học Mai Sơn, dạy theo chương trình Tiểu học. Năm 1947, thầy Hành Trụ mở một chùa Tăng trên một vùng đồng trống tại Khánh Hội, lấy tên là chùa Giác Nguyên, dạy kinh bộ cho các Tăng sinh. Trước đó, thầy có một cái chùa gọi là chùa Tăng Già, mở lớp dạy gia giáo cho các Tăng Ni. Ban đầu, thầy chỉ cốt dạy cho chư Tăng, nhưng về sau số Ni chúng theo học đông quá, thầy phải cất thêm một cái chùa ở giữa đồng trống là chùa Giác Nguyên để Tăng chúng ở đó tu học.

Năm 1949, thầy Trí Hữu từ Đà Nẵng vào xóm Vườn Lài mua đất lập một cái chùa, đặt tên là chùa Ứng Quang, chùa nhỏ ở giữa khu nghĩa địa, nên thầy dựng một cái am nhỏ để ở và dạy các đệ tử theo học ở cấp Tiểu học.

Cuối năm 1950, thầy Trí Tịnh vì bệnh duyên phải đi dưỡng bệnh ở Vũng Tàu, giao quyền coi sóc Trường Liên Hải cho thầy Quảng Minh. Do tình hình chính trị không được yên ổn nên thầy Quảng Minh bàn với thầy Huyền Dung và thầy Trí Hữu hợp nhất ba trường lại, dời xuống ở nhờ chùa Sùng Đức, gần cầu Phú Lâm. Vị trí chùa Sùng Đức thuộc ngoại biên của Chợ Lớn, phía trong giáp Phú Lâm, tình hình an ninh yên ổn hơn, tránh phải bị ruồng bố bất thường. Năm 1951, thầy Thiện Hòa từ Bắc trở về lãnh đạo ba trường hợp nhất, đặt tên là Phật học đường Nam Việt. Về sau, Phật học đường Nam Việt dời về trụ sở mới là chùa Ứng Quang của thầy Trí Hữu. Với tài năng khéo léo dẫn dắt của thầy Thiện Hòa, lớp học càng ngày càng đông, chẳng những Tăng sinh ở các tỉnh Nam Bộ mà còn ở các tỉnh Trung phần như Phan Rang, Nha Trang, Phan Thiết, và các thầy người Bắc cũng có theo học.

Năm 1953, thầy Thiện Hoa về Trà Ôn, được thầy Thiện Hòa mời về công tác, thêm vào đó có thầy Nhật Liên cũng về giảng dạy, lớp học càng lúc càng đông hơn và phát triển mạnh. Phật học đường Nam Việt chẳng những có trường chính đặt tại chùa Ứng Quang mà còn có các trường nhánh như chùa Giác Sanh (Chợ Lớn), chùa Bình An (Long Xuyên) và chùa Phước Hòa (Trà Vinh).

Từ năm 1953, có sự cộng tác của thầy Thiện Hoa từ Vĩnh Long lên. Ngoài sáng kiến tổ chức giảng dạy, thầy còn mở lớp Phật học phổ thông dạy từ thấp lên cao. Với các học Tăng ưu tú như thầy Huyền Vi, Thanh Từ, Tắc Phước, v.v... đem Phật học phổ thông giảng dạy khắp nơi, từ đó hàng Phật tử thấm nhuần và hiểu rõ hơn về Phật pháp.

Sau khi Phật học đường Nam Việt thành lập, thầy Thiện Hòa mở một Ni trường ở chùa Từ Nghiêm và một trường ở chùa Dược Sư. Hai chùa Từ Nghiêm và Dược Sư là trụ sở chính của Ni chúng Sài Gòn – Gia Định, học chương trình song song với Phật học đường Nam Việt.

Năm 1963, Phật giáo chống lại sự đàn áp của chánh phủ về đối xử bất đồng tôn giáo, các lực lượng Tăng Ni sinh ở các trường của Phật học đường Nam Việt là một lực lượng nòng cốt đồng tâm hợp lực chống đối đều khắp. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, dân chúng có cảm tình hơn với lực lượng chống đối bất bạo động của Phật giáo nên quy hướng rất đông. Các lớp diễn giảng về giáo lý Phật đà được mở rộng khắp Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn và lan tỏa đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời kỳ tranh đấu, Phật học đường Nam Việt tạm ngưng giảng dạy để các Tăng Ni sinh tham gia cuộc đấu tranh. Sau khi tranh đấu thành công, Phật học viện mở lại ở chùa Huệ Nghiêm với hai chương trình: nội điển chuyên học giáo lý và ngoại điển học thêm chương trình thế học.

Ngoài ra, Giáo hội còn mở các trường Bồ Đề, một loại tư thục chuyên dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và xen kẽ một vài giờ giáo lý hằng tuần cho các con em Phật tử theo học. Các trường Bồ Đề chẳng những mở nhiều ở trung tâm thành phố mà còn ở khắp các tỉnh thành có chi nhánh của Ban Đại diện Phật giáo được thành lập. Ngoài ra, Giáo hội còn lập những cơ sở xã hội để nuôi dạy hay giúp đỡ những nạn nhân chiến cuộc. Những công tác đó chấm dứt vào cuối tháng 3 năm 1975.

Cho tới năm 1981, tuy rằng Phật giáo có chao đảo vì những thử thách thời cuộc lúc bấy giờ, nhưng rồi lần lần phục hồi với ước vọng và lòng tin của mọi người Phật tử. Thời gian này, một tổ chức thống nhất toàn quốc lấy tên là Phật giáo Việt Nam với sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc, hay nói đúng hơn là của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu hình thành. Phật giáo Việt Nam dần dần lớn mạnh với sự ủng hộ của chánh quyền các cấp và quần chúng Phật tử.

Từ năm 1975 cho đến 1984, chư Tăng không có tập hợp đông đảo, không có những lớp học chính thức nhiều người, nhưng vẫn có những lớp gia giáo với năm, bảy người thường xuyên được mở ra để giảng dạy những ai có tâm cầu học. Chính những người học ở lớp này làm tiền đề cho những lớp học sau khi được chánh phủ cho phép mở trường giảng dạy.

Nói như thế để thấy rằng công cuộc vận động của Hòa thượng Khánh Hòa giống như ngọn đèn đốt lên đầu tiên nhiều lần chao đảo trước gió, nhưng đã âm thầm gieo hạt giống Phật vào trong lòng mọi người, và qua thời gian dần dần chuyển mạnh, nở hoa kết trái, dần dần lan khắp cho đến ngày nay. Nhớ ơn Hòa thượng, chúng ta phải cố gắng bón phân tưới nước cho những hạt giống bồ đề bắt nguồn từ tay Hòa thượng ươm xới, để những hạt giống luôn luôn lớn mạnh tốt tươi, không bị sâu mọt phá hoại làm cho những trái chín ấy bị teo tóp dị dạng.

Nói tóm lại, Hòa thượng Lê Khánh Hòa khởi xướng chấn hưng Phật giáo, sau khi thấy tình trạng Phật giáo suy đồi mới thốt lên một câu: “Tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi, chung quy là do Tăng đồ thất học mà ra”. Ngài vạch ra chương trình:

- Lập hội Phật giáo

- Thỉnh ba tạng kinh dịch ra chữ Quốc ngữ

- Lập trường Phật học gấp cho đào tạo Tăng tài

- Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý đạo Phật, kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng lại nếp sống v.v...

Bốn tiêu chuẩn đó, đương thời ngài đi khắp nơi vận động, đã đạt được một phần nào như ý muốn, nhưng vì chướng duyên nên không thể thực hiện được trọn vẹn. Nhưng sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thống nhất ba miền đất nước, được sự ủng hộ của các cấp chánh quyền, đầu tiên mở trường Cao cấp, rồi Trung cấp, Sơ cấp tiếp tục được mở ra. Trong một nhiệm kỳ 5 năm, các tỉnh thành Phật giáo đều có tổ chức hai giới đàn cho Tăng Ni thọ giới. Số người theo học các trường lớp do Giáo hội tổ chức khá nghiêm túc. Hột giống Phật do Hòa thượng Khánh Hòa gieo từ những năm xưa, nay bắt đầu nảy nở mạnh, trưởng thành và kết quả khắp mọi miền đất nước.

 


* Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm, Huệ Quang, Viện NCPH Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 66
    • Số lượt truy cập : 6952439