Thông tin

HÃY NHÌN LẠI MÌNH MÀ MỞ LÒNG KHOAN DUNG...

HÃY NHÌN LẠI MÌNH MÀ MỞ LÒNG KHOAN DUNG...

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Như chúng ta biết dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống tôn sư trọng đạo. Học trò phải biết ơn thầy, phải tôn kính thầy, phải yêu mến thầy và phải vâng lời thầy. Ở nơi trường học, người học trò phải nghiêm túc, biết giúp đỡ bạn, ngoài xã hội là một công dân giàu lòng tự trọng, luôn giữ phẩm hạnh của mình, biết tự hào về cội nguồn dân tộc, biết trân trọng những vẻ đẹp quê hương, thương yêu đồng bào, đồng loại, biết bảo vệ môi trường thiên nhiên, chống lại cái ác, lên án người ỷ quyền, cậy thế, bắt nạt kẻ thế cô, thầy cô còn dạy đừng phá tổ chim vì hạnh phúc chúng sanh... Điều quan trong hơn hết là người học trò phải luôn chăm ngoan, biết kính yêu thầy cô, đừng làm thầy cô buồn! Đó là truyền thống đạo lý của dân tộc ta bao đời nay.

Nói về văn tự đạo lý kính trọng thầy cô thì có nhiều như: “Trọng Thầy mới được làm thầy”, “Không thầy đố mầy làm nên”, “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư”... Hàng năm lại có ngày Nhà giáo 20-11 để tri ân, nhớ ơn thầy cô. Ngày Tết thì “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. “Nghề thầy giáo cao quý hơn các nghề”... những câu nói như thế nầy chắc còn nhiều lắm, nhưng buồn thay nói được mà có làm được không. Người xưa hễ nói được là làm được, ứng dụng những lời dạy ấy vào đạo thầy trò, điều nầy đã để lại lòng người nhiều kính mến sâu nặng khó quên.

Trong Luân lý giáo khoa thư có câu chuyện: “Bổn phận ở với thầy (lúc đang học)”: Xưa ông Đào Duy Từ thở nhỏ còn đi học, gặp phải ông thầy tính nghiêm khắc hay quở phạt, học trò ai cũng sợ lắm. Ông chăm chỉ học hành, hết lòng giữ lễ phép. Một hôm, ông bị quở trách dữ dội mà nét mặt ông không hờn giận. Đến khi tan buổi học, có người anh em bạn hỏi ông rằng: “Hôm nay, anh bị phạt mà anh không có ý buồn giận là tại làm sao?”. Ông nói: “Phận sự chúng ta đi học là phải chăm chỉ để thầy được vui lòng, mà ta đã làm cho thầy tức giận là cái lỗi của ta. Thầy mắng ta muốn cho ta hay, vậy lẽ nào ta lại oán giận thầy”.

Câu chuyện thứ hai: “Bổn phận ở với thầy (lúc thôi học)”: Xưa có ông Nguyễn Đức Đạt, người Nghệ An, đậu thám hoa, làm Tuần phủ tỉnh Hưng Yên. Khi trong nước có biến loạn, để mất của kho hơn hai vạn quan tiền. Triều đình bắt phải bồi thường cho đủ số, không thì trị tội. May nhờ trước ông có dạy nhiều học trò. Các môn sinh nghe thấy thầy mắc nạn như thế, liền bảo nhau góp tiền lại, kẻ ít người nhiều, cho đủ số để giúp thầy. Ấy cũng nhờ “môn sinh” có nghĩa với thầy, mà ông khỏi phải tội.

Người học trò có đạo lý không chỉ thuộc những câu lời hay ý đẹp, không chỉ biết tôn trọng, yêu thương và biết ơn thầy khi còn học mà ngay khi ra đời, làm nên danh phận cũng không quên thầy dạy cũ. Chẳng những không quên ơn thầy đã dạy mình nhờ sự tiếp xúc cuộc sống và thấy rõ hơn những gì thầy đã trang bị cho mình vào đời.

Với nội dung đạo thầy trò thì còn nhiều, nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ thêm câu chuyện về cái lễ của phụ huynh đối với thầy. Mà cái lễ đó ngày nay hiếm có hoặc giả đã quên mất lâu rồi. Số là có một cậu học trò lớp 2, lớp 3 trong trường tiểu học vì phá phách nên bị thầy phạt, bị thầy đánh, còn bị phạt bắt quỳ nữa, đương nhiên cũng khóc sướt mướt. Lúc về nhà, ba má tra hỏi nên biết ở trường bị thầy giáo xử phạt. Hôm sau, người cha đem lễ vật đến thăm thầy, cảm ơn thầy đã dạy dỗ cho con tôi. Đứa học trò bị phạt lén đứng ngoài nhìn vào thấy cảnh cha mình đến xin lỗi thầy, nên sau nầy cậu học trò dù có bị phạt cũng không đời nào dám nói ra.

Hiện nay, giáo dục có nhiều thay đổi, nếu học trò bị thầy giáo phạt, cha mẹ học sinh đi thưa, còn muốn đưa ra tòa, thế nên ngày nay làm thầy giáo không ai dám răn dạy đòn roi học sinh. “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đây là câu tục ngữ nói về cách giáo dục của người xưa. Nếu thực lòng muốn cho người khác (học trò) tốt lên thì người dạy phải nghiêm khắc “cho roi cho vọt”. Ngày nay, đạo lý thầy trò không còn nữa (nếu còn thì ở dạng khác, thầy phải sợ trò, sợ trò thưa, sợ phụ huynh bắt thầy cô quỳ gối xin lỗi, còn đánh học trò thì trò nghỉ, thầy mất tiên tiến, mất nhiều thứ lắm... Nguy hại hơn, thầy cô làm phật lòng trò, lập tức trò bóp cổ ngay lập tức, dù có cầu cứu cũng bằng không). Ôi! đời vô thường cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng tại sao lại phải xảy ra chiều hướng xấu ác mà không phải điều tốt lành có phải tại sự thay đổi chưa đúng hướng chăng? Bởi từ thay đổi thì có tốt có xấu, nếu thay đổi tốt thành xấu thi nguy mà sự nghiệp giáo dục được Bác Hồ nói rõ: “Vì lợi ích mười năm trông cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Điều này, ai quan tâm đến giáo dục không khỏi không chạnh lòng. Phải chi vô thường xảy ra theo chiều hướng “đổi mới” thì tốt biết mấy. Bởi đổi mới thì chỉ có tiến đến cái mới hơn chớ không có lùi.

Nói về sự nghiệp giáo dục, lúc sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác chăm sóc bồi dưỡng giáo dục học tập thế hệ thanh thiếu nhi. Bác Hồ đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức. Trong bài thơ “Nửa đêm” (Nhật ký trong tù), Bác đã khẳng định: “Hiền dữ phải đâu tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Câu nói này chính là sự chiêm nghiệm của Bác về con người. Trước hết, Bác phủ nhận quan điểm cho rằng đức tính con người là tính sẵn, là do tiền định. Bác phủ định để rồi đi đến khẳng định: Khi mới sinh ra con người vốn mang bản chất là tốt, nhưng sau do ảnh hưởng phần nhiều của sự giáo dục và môi trường sống mà hình thành con người thiện ác khác nhau. Đó là kết quả trực tiếp của sự giáo dục trong xã hội.

Thấy báo chí phản ánh giáo viên bị phụ huynh buộc phải quỳ gối xin lỗi, cô giáo bị học sinh bóp cổ... mà tay chân bủn rủn, đầu óc quây cuồng, sao mà tệ hại đến nông nỗi này. Quá đau lòng cho sự nghiệp giáo dục. Nhà trường là nơi giáo dục phẩm chất đạo đức mà có hành động bạo ngược, huống hồ ngoài xã hội, sau này lớn lên sẽ ra sao đây! Còn phụ huynh sao không nhìn lỗi con mình, nhận lỗi mình mà cứ nhìn lỗi người?

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6946709