HỆ PHÁI NAM TÔNG KHMER TRONG PHẬT GIÁO NAM BỘ
TS. HOÀNG VĂN LỄ*
1. Phật giáo Nam tông Khmer
1.1. Phật giáo Nam tông vùng Nam Bộ chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Nam tông Đông Nam Á (Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào…), hệ phái này thực hiện tôn chỉ từ Đức Thích Ca và hành đạo trong nhân quần, nhưng có phần triết lý cao siêu. Tập tục nam nhân đi tu báo hiếu từ tuổi thiếu niên cho đến trưởng thành, sau đó chọn con đường tương lai của mình: hoặc tiếp tục làm sa di tu hành suốt đời, hoặc hoàn tục lấy vợ và hành trình một cư sĩ thuần thục. Có thể nói cách truyền thừa này giữ cốt cách đạo Phật rất căn bản, khó có thể cải đạo.
Những cư sĩ, tu sĩ Phật giáo Nam Bộ đến Campuchia học Phật từ các nhà sư uyên bác, am tường giáo lý, giáo luật. Cư sĩ Nguyễn Sinh Sắc uyên bác Phật học, người từng cùng với Sư Khánh Hòa và nhiều nhà sư khác khởi xướng chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ. Đại sư Minh Đăng Quang từng học Phật ở Campuchia, chiêm nghiệm sâu sắc và lập ra hệ phái Khất sĩ tăng già, nay phát triển lan tỏa cả nước và quốc tế. Rất nhiều vị tu sĩ nổi tiếng hiện đại từng học Phật ở Campuchia.
Nhưng trớ trêu thay, thời Khmer Đỏ làm đảo lộn vai trò của Phật giáo Khmer, tàn sát và diệt chủng nhắm vào sư sãi và trí thức đã đưa Campuchia vào gần vùng trắng Phật giáo, dù năng lực tu học còn tiềm tàng trong văn hóa Khmer. Sau năm 1979, Sư sãi Việt Nam, chủ yếu là Nam tông Khmer và Nam tông Khất sĩ tăng già người Việt sang giúp khôi phục lại văn hóa Phật giáo Khmer hiện tại. Sự tương tác đó được Vua Sãi Khmer nhiều lần tuyên bố như hàm ơn Phật giáo Việt Nam thời nay.
1.2. Sư sãi Khmer tích cực trong hoạt động thời chống Mỹ cứu nước
Các hoạt động tích cực trong chống Mỹ như sau:
- Năm 1956, ông Trịnh Thới Cang lợi dụng tổ chức Tập đoàn Cao Miên Nam phần miền Nam Việt Nam của địch, làm vô hiệu hóa các hoạt động chống lại cách mạng. Với cương vị là tổng thư ký của tổ chức này kiêm thủ lĩnh thanh niên Khmer, Trịnh Thới Cang đồng thời là giáo viên, biết tiếng Phạn nên được đồng bào nể trọng. Ông đi sâu vào các vùng đồng bào Khmer như Phú Nổ, Tài Văn, Tài Sum, Phú Mỹ tuyên truyền về quyền lợi chính đáng của người Khmer trong cộng đồng đa dân tộc, về tình yêu quê hương đất nước và sự cảnh giác trước âm mưu địch chia rẽ dân tộc, được sự ủng hộ nhiệt tình của thầy cô giáo người Khmer
- Thực quyền Ngô Đình Diệm cưỡng bức đồng hóa dân tộc Khmer, hạn chế đi đến xóa bỏ bản sắc văn hóa dân tộc, như ra lệnh cấm dạy chữ Khmer trong các chùa, xóa luôn họ của người Khmer... Hòa thượng Sơn Wọng, trụ trì chùa Chek Chrôm (chùa mới) xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), vị cao tăng có uy tín lớn trong giới sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer trong những năm kháng chiến chống Pháp, đã đứng ra lãnh đạo sư sãi, đồng bào Khmer đấu tranh chống lại âm mưu đồng hóa dân tộc, đòi dân sinh, dân chủ. Năm 1957, hòa thượng Sơn Wọng được toàn thể sư sãi Trà Vinh bầu vào cương vị đứng đầu của Hội Mékôn thuộc Phật giáo Tiểu thừa tỉnh Trà Vinh. Lo sợ trước uy tín và lập trường cách mạng của hòa thượng, bọn ngụy quyền Trà Vinh lập mưu “phế truất” hòa thượng, đưa một tên sãi gian lên thay. Chính sự kiện này đã làm tăng thêm uy tín, sự ngưỡng mộ đối với Hòa thượng. Ngọn cờ lãnh đạo Phật giáo Tiểu thừa vẫn ở lại chùa Chek Chrôm với hòa thượng Sơn Wọng, với Tỉnh ủy Trà Vinh trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
- Ngày 20-9-1960, nhân lễ Dolta của đồng bào Khmer, trên 20.000 đồng bào, sư sãi kéo vào thị xã đấu tranh chống địch đàn áp, khủng bố. Ngày 4-10, trên 40.000 đồng bào nông thôn, 5.000 đồng bào thị xã dồn lên đấu tranh tràn ngập thị xã Trà Vinh tố cáo tội ác Mỹ - Diệm, đòi chấm dứt hành động bắn phá, giết người, cướp của đối với nhân dân vùng giải phóng, đòi để yên ổn cho nhân dân làm ăn.
- Đặc biệt, vào đầu năm 1961, địch càn vào ấp Ô Mịt, xã Châu Điền, Cầu Kè (Trà Vinh) bắt sãi cả Thạch Xom1, lập tức hàng ngàn bà con, sư sãi Khmer trong huyện Cầu Kè và các địa bàn lân cận, vùng lên đấu tranh đòi thả sãi cả Thạch Xom, chống đàn áp, khủng bố. Địch cho cả tiểu đoàn đến chiếm đóng chùa Ô Mịt, đánh phá gom dân lập ấp chiến lược. Cuộc đấu tranh kéo dài hơn 3 tháng, buộc địch phải thả sãi cả Thạch Xom, nhưng vẫn cho quân chiếm đóng chùa, gom dân lập ấp. Cuộc đấu tranh của đồng bào, sư sãi Khmer vẫn tiếp tục. Đến lễ Dolta, 20.000 đồng bào sư sãi đấu tranh đòi địch trả lại chùa để bà con làm lễ. Địch vẫn ngoan cố chiếm giữ chùa. Một cuộc đấu tranh tản cư phật được đồng bào, sư sãi tổ chức đưa các tượng phật ra khỏi chùa. Cuộc tản cư phật đã trở thành cuộc đấu tranh tố cáo tội ác Mỹ - Diệm. Tản cư phật xong, đồng bào bị địch gom vào ấp chiến lược, tự nổi lửa đốt nhà, phá ấp chiến lược, bung về quê cũ. Hỗ trợ phong trào đấu tranh của đồng bào sư sãi, lực lượng vũ trang ta tổ chức đánh địch, diệt 40 tên, bao vây bọn còn lại suốt 3 tuần lễ, buộc địch phải rút chạy khỏi chùa Ô Mịt. Sư sãi, đồng bào trở lại tu sửa chùa, rước sãi cả Thạch Xom về mừng chiến thắng. Cuộc đấu tranh chống địch lấy chùa làm nơi đóng quân, gom dân lập ấp chiến lược kéo dài gần hai năm, đã xuất hiện nhiều gương đấu tranh kiên cường bất khuất như sãi cả Thạch Xom, sãi cả Thạch Lốt, bà Thạch Thị Thanh, bà Thôn...
- Tháng 3-1961, quần chúng 8 huyện của tỉnh Trà Vinh tổ chức cuộc đấu tranh quy mô lớn vào thị xã. Bộ phận phụ nữ đi trước gồng gánh đồ đạc, mang vác như những người tản cư ngược vào thị xã. Trong khi đó, chị em mua gánh bán bưng trong các chợ đấu tranh đòi giảm tiền góp chợ. Bọn cảnh sát bắt số phụ nữ này đứng phơi nắng ở sân vận động. Phong trào huy động lực lượng đấu tranh đến 24.000 người, trong đó hơn 1.000 sư sãi, tín đồ các đạo giáo và cả trăm đồng bào Khmer vào trận. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày, địch mới nhận đơn và giải quyết yêu sách. Trong các cuộc đấu tranh, xuất hiện nhiều tấm gương kiên cường, trong đó có bà mẹ chiến sĩ Thạch Thị Thanh, thường được gọi là má Ba Thanh. Đó là bà mẹ người Khmer, quê ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Bà tham gia đấu tranh từ sau Hiệp định Genève, là người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị ở tỉnh, huyện, xã. Tại đại hội phụ nữ tỉnh Trà Vinh, bà Thạch Thị Thanh là một gương điển hình, được bầu là chiến sĩ thi đua. Trong quá trình hoạt động, bà được bầu là Chi ủy viên Chi bộ xã Châu Điền; Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong trận đánh vào đồn Rùm Sóc, bà anh dũng hy sinh khi đưa bộ đội qua sông. Năm ấy bà 63 tuổi.
- Nhân dân tỉnh Trà Vinh không bao giờ quên các cuộc đấu tranh của chị em vào năm 1961-1962. Đặc biệt, cuộc đấu tranh tập hợp được 40.000 chị em người Kinh và người Khmer, do chị Hà Thị Nhạn (tức Minh Kiều) lãnh đạo chống địch bắn pháo vào làng, giết hại đồng bào. Anh chị em ở quận Trà Cú, phần đông là người Khmer, phải đi bộ cả ngày mới lên tới tỉnh. Tuy rất vất vả nhưng vì quá căm thù nên anh chị em kiên quyết đi đấu tranh, đòi chánh quyền ngụy không bắn pháo vào xóm làng giết hại nhân dân.
- Năm 1962, khoảng 18.000 đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn (An Giang), phần đông là phụ nữ, kéo vào thị trấn đấu tranh đòi chấm dứt bắn pháo vào ruộng rẫy. Địch bắt một thanh niên trong đoàn, mổ bụng để thị oai với nhân dân. Hành vi tàn bạo của địch càng làm tăng thêm lòng căm thù mãnh liệt. Nàng Nghét, một thiếu nữ Khmer, cùng đồng bào xông vào dinh quận đấu tranh. Sau cuộc đấu tranh, địch cho bọn ác ôn về tại xã bắt nàng Nghét về đồn tra tấn để dụ hàng. Không khuất phục được nàng Nghét, chúng đem chị ra bắn rồi mổ bụng, moi gan, moi tim chị đem uống rượu. Cái chết của nàng Nghét làm dấy lên lòng căm thù cao độ trong nhân dân. Đồng bào, sư sãi kéo nhau đi đấu tranh 3 ngày, 3 đêm mới lấy được xác nàng Nghét đem về chôn. Trong lễ truy điệu, Bí thư huyện ủy Tri Tôn đề cao gương đấu tranh và khí phách anh hùng của nàng Nghét và công bố nàng Nghét là đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Vận dụng sáng tạo “3 mũi giáp công”, trong vòng 9 tháng năm 1968, tỉnh Trà Vinh có 160.000 lượt nhân dân và 15.000 lượt gia đình binh sĩ ngụy cùng với lực lượng du kích địa phương bao vây, bức rút 223 đồn bót, vận động được 3.000 lính ngụy trở về với đồng bào, thu trên 900 súng. Trong đó có thành tích của má Năm Xây, một bà mẹ Khmer đã tham gia bức hàng 15 đồn bót, thu 200 súng.
- Vở Giải phóng Phật đường của hai soạn giả Trọng Thu và Trần Mộng, ra mắt công chúng trong dịp tết Chol Chnam Thmay năm 1963 của đồng bào Khmer tại chùa Tòa Sen, ấp Hòa Thanh, xã Đông Thành, huyện Bình Minh, lấy chất liệu từ việc đấu tranh thắng lợi của đồng bào Việt và Khmer chống địch định phá chùa Ô Mịch để lập ấp chiến lược. Từ đó, nhiều vở cải lương khác như Lửa lòng Phật tử, Mối thù chung, Tình riêng nghĩa cả đã góp phần cùng ba mũi giáp công đánh rã từng mảng ấp chiến lược. Ngoài ra, có đoàn nghệ thuật Ánh bình minh, thành lập ngày 14-4-1963, từ diễn viên đến người quản lý đều là người Khmer, nguồn gốc của đoàn là đội văn nghệ thành lập từ đầu những năm 1960 tại ấp Cây Xanh, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè; trưởng đoàn này là Thạch Tês, hy sinh năm 1968 trên đường đi công tác ở Càng Long.
- Năm 1972, ở An Giang có bà Ba Danh, người dân tộc Khmer, quê ở xã An Tức. Từ năm 1960, bà đã tham gia Ban Chỉ huy Trung đội nữ pháo binh súng cối 61 li, phối hợp với du kích xã Cô Tô đánh lính dù địch. Từ 1969-1972, bà đã tham gia huy động 2.000 lực lượng chính trị cùng sư sãi đòi địch phải rút khỏi chùa Sóc Triết, huy động 17.000 lực lượng chính trị vào thị trấn Tri Tôn, ròng rã 7 ngày đấu tranh đòi về ruộng vườn cũ làm ăn. Đây là cuộc đấu tranh quy mô, dài ngày, rất quyết liệt. Bà còn tham gia chống càn đồi Tức Dụp có khoảng 10.000 tên thủy quân lục chiến của Mỹ; xây dựng đội vũ trang người Khmer. Trong đấu tranh, bà đã vận dụng “3 mũi giáp công” rất linh hoạt, bức hàng, bức rút hàng chục đồn bót địch, vận động binh sĩ về nhà làm ăn. Bà đã vận động đào ngũ hàng ngàn binh sĩ, làm tan rã hàng loạt các cơ sở tổ chức “thanh nữ cộng hòa”, “phòng vệ dân sự”, giải thoát hàng ngàn thanh niên các huyện Phú Châu, Phú Tân, Tân Phú, Châu Thành... khỏi bị bắt lính. Sau giải phóng, bà được bầu làm Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
- Ngày 3-4-1973, tên tỉnh trưởng Bạc Liêu cho tay sai mai phục lén lút giết hại A cha Sơn Tha ở chùa Prey Chóp, xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, vì A cha nhiều năm liền sát cánh cùng đồng bào, sư sãi Khmer trong vùng đấu tranh làm thất bại âm mưu đàn áp, khủng bố, bắt thanh niên, sư sãi đi lính làm bia đỡ đạn cho Mỹ. Căm phẫn trước hành động đê hèn của quân địch, hàng ngàn đồng bào, sư sãi Khmer ở các chùa thuộc Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, thị xã Bạc Liêu nổ ra các cuộc đấu tranh vạch trần tội ác giết hại sư sãi, xâm phạm tự do tín ngưỡng của đồng bào, đòi bọn địch phải trừng trị ác ôn, phải bồi thường nhân mạng... Cuộc đấu tranh diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp, gây nên làn sóng căm thù đối với ngụy quân, ngụy quyền trong đồng bào, sư sãi. Ngày 5-5-1974, tại huyện Châu Thành B (Rạch Giá) địch bắt sư sãi Khmer đi lính; tiếp đến ngày 8-6 chúng đến vây chùa Chà Là (thị trấn Minh Lương) bắt 6 sư sãi. Đồng bào kéo đến đấu tranh, địch không nhượng bộ. Hơn 4.000 đồng bào Khmer, Việt (có 600 sư sãi) kéo đến biểu tình tại thị trấn Rạch Sỏi và thị xã Rạch Giá. Tại Rạch Sỏi, địch đàn áp bắn chết 4 và bị thương 12 sư sãi; đồng bào (có cả gia đình binh sĩ ngụy) mang theo gậy gộc đánh chết 1 cảnh sát ngụy, làm bị thương trưởng chi cảnh sát và 2 cảnh sát khác. Địch dùng thủ đoạn cho chuyển 4 sư sãi bị bắn chết về bệnh viện tỉnh, lột áo cà sa vu khống là “Việt cộng”. Quần chúng tiếp tục đấu tranh đòi trừng trị bọn giết người, bồi thường sinh mạng cho các sư sãi bị giết và chữa trị cho các sư sãi bị thương. Chiều 10-6, lực lượng đấu tranh đưa xác 4 sư sãi về chùa Chà Là làm lễ cầu siêu, phát động căm thù và hạ quyết tâm tiếp tục đấu tranh chống địch. Ngày 13-6, hơn 1.000 sư sãi của 46 chùa và đồng bào các tỉnh miền Tây kéo về chùa Chà Là làm lễ cầu siêu. Sau đó các chùa Khmer đồng loạt tổ chức lễ cầu siêu, vạch tội ác địch.
- Tại huyện Châu Thành B (Rạch Giá), địch bắt hơn 20 sư sãi Khmer đi lính. Ngày 8-6-1973, ta huy động 4.000 quần chúng, có 600 sư sãi tham gia, kéo ra thị trấn Rạch Sỏi và thị xã Rạch Giá đấu tranh trực diện với quận trưởng và tỉnh trưởng. Tại thị trấn Rạch Sỏi, 4 sư sãi bị bắn chết, 12 sư sãi khác bị thương. Chiều ngày 10-6-1973, lực lượng đấu tranh đưa xác 4 sư sãi bị địch giết chết về chùa Cù Là làm lễ cầu siêu. Hơn 1.000 sư sãi của 46 chùa kéo về tham dự lễ cầu siêu, đồng thời giải thoát số sư sãi bị bắt lính.
- Ở Trà Vinh, ngày 30-4-1975, Lực lượng Kinh, Khmer và sư sãi cùng Bí thư Thị xã ủy với lực lượng hùng mạnh đi thẳng vào dinh tên tỉnh trưởng thuyết phục chúng đầu hàng, một trong những địa phương tỉnh giải phóng tỉnh với hình thức tiến công của lực lượng quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng tại chỗ (Trà Vinh, Sóc Trăng, Vị Thanh...).
Rõ ràng tiến trình đấu tranh này, trước hết vì sự tồn vong của Nam tông Khmer, nhưng đó là tinh thần vì miền Nam trước yêu cầu giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo khéo léo của cách mạng. Qua đó tác động qua lại gắn kết không chỉ giữa các hệ phái Phật giáo, nhất là Nam tông mà còn vì miền Nam chung sống.
2. Hệ phái Nam tông Khmer chung sức xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Giáo lý Phật pháp ngày nay được phổ biến lan tỏa qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là băng đĩa vi tính, tốc độ truyền thừa ngày càng nhanh chóng trong thời đại kỹ thuật số. Nhiều sa di Nam tông thuyết pháp thu hút nhiều phật tử tiếp thu tu học, trực tiếp hoặc qua băng đĩa vi tính.
Đặc biệt tập quán tu tập từ tuổi niên thiếu của Hệ phái có giá trị thực tế. Đó là chuẩn bị vào đời với nền tảng đạo đức Phật giáo nghiêm túc. Nam thanh niên qua thời kỳ tu tập, nếu thuận duyên tu hành tiếp tục hành trình thành sa di suốt đời, ngược lại có thể trở về đời sống xã hội, lập gia đình, phát triển năng lực tiếp thu từ ngôi chùa truyền thống, nhất là đạo hạnh làm người Phật tử rất căn bản được cộng đồng tôn quý. Tập tục này được nhiều chùa làng quê Tây Nam Bộ tiếp thu tự nguyện, gia đình tiễn con em vào chùa tu học, trưởng thành có thể trở lại cuộc sống đời thường.
Hệ phái Nam tông Khmer giữ vững truyền thống tu học riêng có của hệ phái, dù bối cảnh hiện trạng khác xa thời trước, việc tu học tại các chùa Khmer còn duy trì nhưng không bó buộc, sư sãi là người trụ trì các chùa, học Phật bài bản hơn, không chỉ tìm học các đại sư ở Campuchia mà còn tu học ở các tu viện Tích Lan, Ấn Độ. Sự chuyển hóa trong tu học của hệ phái Khmer Nam Bộ tiệm tiến và rất độc lập.
Hòa quyện chung trong Giáo hội đã tác động tích cực đến các hệ phái và đồng bộ phát triển, môi trường tu tập, học Phật đa dạng, đáp ứng tinh thần và nhu cầu của Phật tử và tu sĩ Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Tóm lại, thực hành các đặc trưng văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sao cho giữ gìn và phát huy tính tích cực và riêng có của Hệ phái Nam tông Khmer là nhiệm vụ chung của Giáo hội và cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân vùng đất Nam Bộ hiện nay.
* Ban Phật học, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam (chùa Xá Lợi)
1. Sãi cả Thạch Xom sau đó tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng, được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Khu Tây Nam Bộ và Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Bình luận bài viết