Thông tin

HỆ PHÁI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN TỈNH KHÁNH HÒA

 

BÙI HỮU THÀNH
Nguyên Trưởng ban Ban Tôn Giáo tỉnh Khánh Hòa

 

1. Khái quát về sự hình thành và hoạt động của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập (tiền thân của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử đồng hợp nhất), với một bản Hiến Chương thể hiện tôn chỉ, mục đích, ý nghĩa, định hướng và quy định cơ cấu tổ chức Giáo hội gồm có hai viện: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo do Hòa Thượng Thích Minh Đức (1902 – 1971) làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo, trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đặt tại chùa Thiên Tôn (trước đây là số 9 đường An Bình) nay 117/3/2 đường An Bình, phường 6, quận 5, Tp.Hồ Chí Minh, là cơ sở cách mạng của Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định và Ban Trì vận Khu ủy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Với bản chất yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã nhanh chóng trở thành trung tâm tập hợp một bộ phận lãnh đạo Tăng Ni cấp tiến, trong các Tông phái trong nội thành tham gia đấu tranh chống Mỹ một cách rộng rãi, quyết liệt. Tiêu biểu nhất có Hòa thượng Thích Minh Đức tổ khai sơn chùa Thiên Tôn được truy tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì.

Với buổi ban đầu mới thành lập Giáo hội còn quá nhiều khó khăn do hoàn cảnh chiến tranh, lại bị chính quyền Sài Gòn luôn theo dõi, đeo bám, lục soát gắt gao các cơ sở của Phật giáo Cổ truyền, nhưng với sự nổ lực cũng cố và mở rộng hoạt động, chỉ sau một thời gian ngắn, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đã chỉ đạo, tổ chức thành lập được 37 tỉnh thành và 81 quận huyện trực thuộc, với trên 2.000 ngôi chùa, viện, khoảng 10.700 Tăng Ni, trên 200.000 tín đồ, thành lập trường Phật học Lục Hòa tại các chùa Giác Viên, Giác Lâm, Thiên Tôn… để đào tạo Tăng tài, truyền thừa mạng mạch tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức và với một tạp chí Phật học Lục Hòa của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một trong 9 thành viên nồng cốt trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981 đến nay. Nhiều bậc cao Tăng thạc đức đã giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiêu biểu như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, Hòa thượng Thích Bửu Ý Phó Chủ tịch, Hòa thượng Thích Thiện Hào Tổng Thư ký, là tổ chức làm tiền đề đầu tiên cho việc vận động tiến tới thống nhất Phật giáo cả nước sau này. Tại Đại hội lịch sử tháng 11/1981 thành lập mới GHPGVN, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được Đại hội suy tôn Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Hòa thượng Thích Huệ Thành - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Bửu Ý - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Hào - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cùng với nhiều bậc tôn túc lãnh đạo GHPGVN đều xuất phát từ cội nguồn tiền thân của Phật giáo Cổ truyền như Phật giáo Hội Lục Hòa Phật tử, Phật giáo Hội Lục Hòa Tăng, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng (danh xưng nội bộ của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam).

2. Hệ Phái Phật Giáo Cổ Truyền Khánh Hòa hình thành và hoạt động

Nối tiếp sau thành lập GHPG Cổ truyền VN, tỉnh Khánh Hòa thành lập Ban Trị sự Phật giáo Cổ truyền cùng với việc hình thành các Huyện hội trực thuộc. Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang trở thành trung tâm Phật giáo Cổ truyền Trung Phần và của Phật giáo Cổ truyền Khánh Hòa, do Hòa thượng Thích Bích Lâm làm Chánh Đại diện.

Năm 1960 chùa Phước Huệ tại Nha Trang, trung tâm tỉnh lỵ Khánh Hòa thành lập Tăng Học viện, do HT. Thích Bích Lâm - Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương làm Chánh Đại diện Phật giáo Cổ truyền Trung phần, làm Giám đốc, Đại đức Thích Trí Tâm làm Giám viện, Đại đức Thích Trí Giác làm Trị sự kiêm Quản chúng. Khai giảng khóa học đầu tiên Học viện có 50 Tăng Ni ở các tỉnh miền Trung và Cao Nguyên dự học, chùa Phước Huệ (Tăng Học viện) vừa là nơi tu học, lưu trú, đào tạo Tăng tài. Sau 10 năm (1960 – 1970) hoạt động, Tăng Học viện đã đào tạo được một số Tăng Ni có đủ trình độ, khả năng nhận được công việc Phật sự, làm trụ trì các chùa. Cùng với việc đào tạo trong nước, đã có một số vị được đưa đi đào tạo ở nước ngoài như Đại đức Thích Trí Tâm (sau này trở thành lãnh đạo chủ chốt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội PGVN), Đại đức Thích Trí Đức du học nhiều năm ở Nhật Bản. Đồng thời Hòa thượng Thích Bích Lâm mở rộng giao lưu Phật pháp, thăm viếng qua lại với các nước Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc…

Cùng với các hoạt động phật sự, mở rộng hoằng pháp, đào tạo Tăng tài, mở các Giới đàn truyền giới, ấn tống kinh sách, quy nạp tín đồ, giáo hóa chúng sanh, nhiều chùa đã dấn thân vào các hoạt động xã hội, xây dựng các trường trung, tiểu học nghĩa thục Bát Nhã, Vạn Hạnh, lập cô nhi viện, mở phòng khám Đông y chữa bệnh miễn phí… giữa lúc đất nước đang bị loạn lạc bởi chiến tranh, mất mát, khổ đau, nghèo khó, không nơi nương tựa, thất học, người bệnh không có tiền mua thuốc… Nhà chùa lập ra trường học, cơ sở từ thiện, phòng khám bệnh phục vụ cho những con người không may mắn trong thời buổi ấy. Thật là đạo đức, nhân bản, nhân văn biết bao nơi cửa chùa mang đậm chất từ bi: Cứu khổ, đem vui, nghĩa tình cho đồng bào ruột thịt của mình.

Cùng với nghĩa vụ thiêng liêng đối với đất nước, dân tộc, nhà chùa , nhà sư còn tham gia cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, như Hòa thượng Thích Huệ Quang vì tham gia kháng chiến (năm 1949) bị giặc Pháp bắt bỏ tù tại Nha Trang, chùa Đào Viên là cơ sở che dấu, nuôi dưỡng cán bộ, tiếp tế cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. cố Thượng tọa Thích Trí Thanh. trụ trì chùa Đào Viên được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

3. Phật giáo Cổ truyền với việc hợp nhất Phật giáo hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Khánh nay là tỉnh Khánh Hòa (1982 – 2020)

Công cuộc thống nhất Phật giáo diễn ra bối cảnh nước nhà đã được hoàn toàn giải phóng, độc lập, thống nhất đất nước, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần 20 năm (1954 – 1975) đầy hy sinh, gian khổ của cả dân tộc. Cuộc chiến tranh đã để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, phải nhanh chóng khắc phục, đồng thời phải tiến hành liên tiếp hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Hậu quả chiến tranh để lại chưa kịp khắc phục, nay càng trở nên chồng chất khó khăn hơn.

Công cuộc hợp nhất Phật giáo thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh năm 1982 đã diễn ra không ngoài hoàn cảnh chung của cả nước. Đã vậy, trong Phật giáo của chúng ta bên cạnh tuyệt đại bộ phận Tăng Ni, Phật tử đồng thuận, nhất trí cao việc thống nhất Phật giáo hai miền Nam Bắc. Xem đây là ý chí, nguyện vọng tha thiết, là điều kiện hết sức thuận lợi khi non sông, đất nước, dân tộc đã quy về một mối. Trong khi đó lại có một nhóm tuy không nhiều (có thể đếm trên đầu ngón tay) thuộc tầng lớp trí thức là những cao Tăng ở miền Nam (trước 30/4/75) cấu kết với một nhóm Phật giáo người Việt ở hải ngoại chống đối, đi ngược lại lợi ích của Phật giáo với dân tộc (cũng chỉ vì lợi ích cá nhân của những người chống đối này). Họ đã tận dụng vai trò lịch sử, khả năng, uy tín, ảnh hưởng rộng lớn của họ trước đây để tác động mạnh đến một bộ phận Tăng Ni ở các tỉnh phía Nam, làm lung lạc ý chí, nguyện vọng thống nhất Phật giáo nước nhà trong đó có một bộ phận Tăng Ni Khánh Hòa quay lại chống đối. Những biểu hiện nghi ngờ, bất hợp tác, chỉ trích, hăm dọa nói xấu, tìm cách ngăn chặn đã diễn ra liên tục trước trong và sau hợp nhất Phật giáo tỉnh Phú Khánh nay là tỉnh Khánh Hòa gồm 3 hệ phái, đã trải qua 7 nhiệm kỳ (tỉnh Phú Khánh 2 nhiệm kỳ, Khánh Hòa 5 nhiệm kỳ) Đại hội (1982 – 2020)

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất

- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

- Các Giáo đoàn II, III... Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Nhớ lại giai đoạn khó khăn, lúc đó tôi đang làm chuyên viên công tác Tôn giáo vận tại Mặt trận tỉnh, Hòa thượng Thích Trí Tâm - Chánh Đại diện Phật giáo Cổ truyền miền Trung - Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang, có nói với tôi về diễn biến tình hình Phật giáo trong tỉnh lúc bấy giờ, trong đó rất đáng chú ý tới Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Họ nói với Hòa thượng: “Phật giáo Cổ truyền là từ Cổ Sơn Môn tách ra, do ông Diệm (Tổng thống Ngô Đình Diệm) lập nên để chống lại cuộc đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam, ủng hộ ông Diệm, không thân thiện gì với cách mạng”. Với Hòa thượng Thích Thiện Bình Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Khánh Hòa, ngài nói cho tôi biết ngài và Hòa thượng Thích Trí Tâm nhận được nhiều lời công khai chỉ trích, đơn thư nặc danh hăm dọa chửi bới ngài. Tôi lắng nghe quý Hòa thượng thông báo những tin tức không yên lành này, nghe xong tôi bày tỏ niềm cảm thông, chịu đựng, cam nhẫn của quý ngài, với tâm nguyện của tôi cố gắng đến mức có thể giúp quý ngài vượt qua.

Để hợp nhất thành lập được Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà, quả thật không dễ dàng chút nào, không dừng lại ở mỗi cá nhân chống đối mà họ còn chỉ đạo một số Tăng Ni tại Khánh Hòa bày ra việc phục hồi lại tổ chức cũ (đã giải thể từ cuối năm 1981 sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo VN) thành lập bộ khung mới lâm thời để đối trọng với GHPGVN tỉnh khi đã được hình thành (1982) đi vào hoạt động. Thực lực của tổ chức chống đối này không có, chính nghĩa không có, không làm được gì, không mấy người ủng hộ, nên đã suy yếu, tan rã dần theo thời gian. Những lúc đầy những khó khăn, trắc trở ấy, nếu không  có sự quyết tâm vì sự nghiệp cao cả, tiền đồ to lớn, vững bền của Phật giáo nước nhà, thì khó có thể đạt được sự hình thành tổ chức GHPG tỉnh nhà. Với vai trò tiên phong, làm nồng cốt của tăng ni Phật giáo Cổ truyền đã tác động tích cực vượt lên chướng ngại, thúc đẩy tiến trình hiệp thương để hợp nhất, tiến tới thành lập GHPG tỉnh nhà, dựa trên nền tảng của bản Hiến Chương GHPGVN đã được Đại hội Đại biểu Phật giáo lần thứ I thông qua (tháng 11/1981) tại Thủ đô Hà Nội, với tôn chỉ, mục đích, ý nghĩa, định hướng, phương châm hành đạo, nguyên tắc tổ chức Giáo hội, để làm cơ sở, hiệp thương thỏa thuận về tổ chức, cơ cấu, nhân sự hoạt động, mà vẫn bảo đảm được truyền thống, các hệ phái, pháp môn tu hành của từng tông môn, pháp phái, vừa bảo đảm được sự đoàn kết, hòa hợp giữa các hệ phái trong cùng một tổ chức duy nhất thống nhất về ý chí và hành động, lại vừa phải đấu tranh ngăn chặn những ngộ nhận, hoài nghi, chống đối từ bên ngoài tác động vào bên trong nội bộ Phật giáo trong tiến trình hiệp thương, thống nhất.

Tất cả những ngăn trở, nghịch duyên, chướng ngại đã được vượt thắng bởi ý chí mạnh mẽ, nguyện vọng tha thiết, với quyết tâm cao độ của tuyệt đại bộ phận Tăng Ni, Phật tử, trong đó tăng ni Phật giáo Cổ truyền trước sau vẫn giữ vai trò chủ đạo nổi bật vượt trội. Đó là vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa thượng Thích Huệ Quang, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện... thuộc tông phong Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang, hệ phái Cổ truyền của tỉnh, là những nhân tố cốt yếu, năng động đã góp công sức không nhỏ đối với Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này. Hiện tại Phật giáo Cổ truyền đang có được một đội ngũ tăng ni trẻ được đào tạo bài bản, là cái cốt lỏi trụ vững của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa.

4. Một số nét lớn về công đức của các vị cao tăng, tiền bối, tiêu biểu Phật Giáo Cổ Truyền Khánh Hòa

4.1 Hòa thượng Thích Bích Lâm (1924 – 1972)

- Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang

- 1960 – 1968: Chánh Đại diện Trung Phần, Giám đốc Tăng Học Viện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền (Lục Hòa Tăng) miền Trung.

- 1968 – 1969: Thay mặt Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền miền Trung, thăm viếng giao lưu thân hữu Phật giáo các nước Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc v.v...

- 1969 – 1971: Phó Viện trưởng Nội vụ, Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

- Ngài có công lớn khai sơn trên 20 ngôi tự, viện, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển sau này Phật giáo Cổ truyền miền Trung và tỉnh Khánh Hòa.

- Ngài có gần 100 đệ tử xuất gia, trong đó có khoảng 20 vị thuộc hàng đệ tử lớn của ngài như Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa thượng Thích Huệ Quang, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện.

- Ngài tham gia chủ trì nhiều Giới đàn thọ giới các tỉnh ở miền Trung.

- Ngài trụ thế 49 năm (viên tịch ngày 10-01-1972 (năm Tân Hợi) với 27 mùa an cư kiết hạ, để lại niềm tiếc thương vô hạn của Tăng Ni, Phật tử.

4.2 Đại Lão Hòa thượng Thích Huệ Quang (1927 – 2009)

- Viện chủ chùa Đông Phước Nha Trang

- Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- Chứng minh Ban Trị sự tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa

- Huynh trưởng môn phong Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang

- 1966: Phó Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Khánh Hòa

- 1968 – 1975: Tăng trưởng tỉnh Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Khánh Hòa

- 1970 – 1973: Tổng Thư ký Ban Đại diện Phật giáo Cổ truyền Trung phần

- 1982 – 1989: Ủy viên Ban Hoằng pháp Ban Trị sự PG tỉnh Phú Khánh

- 1991 – 1996: Trưởng Ban Hoằng pháp Ban Trị sự PG tỉnh Khánh Hòa

- 1990 – 1998: Giảng sư Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa

- Trong suốt cuộc đời hành đạo của Đại lão Hòa thượng đảm nhận nhiều trách nhiệm quan trọng trên 10 Giới đàn truyền giới tại các nơi Sài Gòn, Phú Yên, Khánh Hòa, Biên Hòa, Quy Nhơn v.v…

- Trong kháng chiến chống pháp, Đạo lão Hòa Thượng tham gia Việt Minh bị Pháp bắt bỏ tù tại nhà tù Nha Trang.

- Đại lão Hòa thượng được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều khen thưởng của thành phố Nha Trang.

- Đại lão Hòa thượng viên tịch ngày 10 tháng 7 năm Kỷ Sửu (2009) trụ thế 83 năm, 57 Hạ lạp, đã để lại niềm thương tiếc, kính nhớ của Tăng Ni, Phật tử.

4.3 Đại Lão Hòa thượng Thích Trí Tâm (1934 – 2017)

- Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang

- Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa

- Phó Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa , kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Khánh Hòa.

- Phó Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa.

Với hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam:

- Năm 1973: Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo kiêm Chánh Đại diện Trung Phần Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Ngài là một trong những môn đồ xuất sắc đầu tiên sớm làm rạng rỡ môn phong Tổ đình Nghĩa Phương.

Tại Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ I (tháng 11/1981) ngài là Phó đoàn hệ phái Phật giáo Cổ truyền đọc tham luận tán thành chủ trương thống nhất 9 hệ phái Phật giáo thành một tổ chức duy nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm hành động của Giáo hội: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Mặc dù phải giữ nhiều trọng trách to lớn quan trọng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Hòa thượng vẫn để tâm chú ý đến tình sơn môn pháp phái, nhiều đệ tử xuất gia của ngài được đào tạo tu học, đỗ đạt thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và ngoài nước, quy y hàng ngàn tín đồ. ngài là đại biểu hội đồng nhân dân và UBMTTQ tỉnh Khánh Hòa nhiều khóa, được nhân dân kính trọng, tin yêu, cả đời của ngài dấn thân vì Đạo pháp- Dân tộc, được Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương Độc Lập hạng ba.

- Huân chương Đại Đoàn Kết Dân tộc.

- Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

- Được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng bằng tuyên dương công đức.

- Nhiều bằng khen của UBND và UBMTTQVN tỉnh

Ngài viên tịch ngày 10/10/2017 (năm Bính Dậu) thọ 84 tuổi đời, 60 Hạ lạp, công đức cao dầy, phẩm hạnh của vị cao Tăng thạc đức, sự nghiệp Phật giáo Việt Nam mà ngài góp công to lớn tạo dựng sáng mãi trong trang sử mới của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo hệ phái Cổ truyền Việt Nam, trong tông phong Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang trong thời cận đại và hiện đại.

5. Kiến Nghị

- Để duy trì, củng cố, phát huy truyền thống Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, trước mắt nên có một bộ phận nhân lực làm công việc thường trực chuyên trách để giúp quý vị lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp, thống nhất công việc Phật sự trong toàn nội bộ hệ phái mà vẫn giữ được tông phong Tổ đình ở địa phương. Nên phục hồi lại tạp chí Lục Hòa (đã có trước 30/4/1975) hoặc gầy dựng mới một tạp chí Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, làm phương tiện thông tin ngôn luận chính thức phản ánh các hoạt động Phật sự của Hệ phái (giống như Tạp chí Đuốc Sen của Phật giáo hệ phái Khất Sĩ Việt Nam).

- Tổ chức sinh hoạt Phật sự theo hình thức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, định hướng hoạt động của toàn Hệ phái. Theo định kỳ nên tổ chức sinh hoạt riêng nhân kỷ niệm các sự kiện lớn của Phật giáo, của Tông phong Tổ đình Hệ Phái hàng năm.

- Nên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học với những chủ đề chuyên biệt khác nhau trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển qua những giai đoạn lịch sử của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (giống như Thiền phái Trúc Lâm phụng Hoàng Đà Lạt do Thiền sư Thích Thanh Từ tổ chức). Trước mắt nên sử dụng cuốn sách: “Lược sử Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng” của tác giả Thích Huệ Thông làm phương tiện thông tin truyền thông trong quảng đại tín đồ, đi lễ chùa đảnh lễ Phật mà không hề biết đó là chùa thuộc Hệ phái, Tông phong Cổ truyền Việt Nam. Tôi rất nhất trí với nhận xét, phản ảnh của tác giả Thích Huệ Thông trong sách: “Lược sử Phật giáo Cổ Truyền Lục Hòa Tăng” tác giả viết: “Còn nói về hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, thì gần như không một ai quan tâm, hoặc hoàn toàn không biết gì về hệ phái Phật giáo có truyền thống yêu nước với chiều dài cống hiến to lớn cho Đạo pháp và Dân tộc”. Sự thiếu vắng không một ai quan tâm hoặc hoàn toàn không biết gì… theo ý kiến thiển cận của tôi, đó là lỗi của chúng ta, không phải lỗi của người khác.

- Trong thuyết giảng Phật pháp nên kết hợp với phổ biến tuyên truyền những nét đặc trưng mang bản sắc riêng của Hệ phái nhầm làm tăng trưởng đức tin, lòng tự hào về truyền thống yêu nước, biết ơn, báo đáp các vị tiền bối, cao Tăng, Thầy Tổ khi nhận ra được mình là tín đồ Phật giáo hệ phái Cổ truyền Việt Nam.

- Trí thức hóa đội ngũ Tăng Ni bằng việc tu học, đào tạo bài bản trong nước và ngoài nước. Đây là những chủng tử nhân tố được gầy dựng để phát triển, truyền thừa mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai các thế hệ mai sau.

- Chú ý phát triển cơ sở thờ tự, quy nạp tín đồ là người dân tộc bản địa ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại địa bàn này hiện nay vẫn còn nhiều nơi trống vắng, đã để cho một số hệ phái tôn giáo mới, tôn giáo lạ kể cả tà giáo xuất hiện, làm xoáy mòn, triệt tiêu dần tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các sắc tộc. Bằng trải nghiệm thực tiễn nhiều năm với các tôn giáo trong tỉnh Khánh Hòa, tôi mạnh dạn khẳng định xác tín rằng chỉ có tín ngưỡng Phật giáo mới có đủ điều kiện, khả năng kết hợp bao dung, bảo tồn, lưu giữ được truyền thống tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên của chính đồng bào các sắc tộc. Tôi cũng nghĩ rằng nếu chúng ta đặt vấn đề này đúng mức, là yêu cầu cấp thiết, chính đáng, chính quyền địa phương sẽ đồng tình ủng hộ.

Chúng ta duy trì, phát huy những nét đặc trưng mang bản sắc riêng của từng hệ phái, pháp môn Phật giáo nước nhà, là để làm cho Ngôi nhà chung Phật giáo của chúng ta có một vườn hoa với nhiều loại hoa tươi thắm, đa sắc màu, nhiều hương thơm cùng hòa quyện, lan tỏa trong tâm trí của người con Phật tử Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Thượng tọa Thích Thiện Phước Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, trụ trì Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang, các vị Tăng sĩ, cư sĩ Phật giáo Cổ truyền đã tận tình động viên, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp tôi thực hiện bài viết này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lược sử Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, tác giả Thích Huệ Thông

2. Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong truyền thống Tôn giáo và Dân tộc, tác giả TS Thích Nguyên Hạnh

3. Toàn tập Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang, tác giả Hòa thượng Thích Trí Tâm

4. Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tâm của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa

5. Danh bộ Tự viện, Tăng Ni tỉnh Khánh Hòa, do Ban Tăng sự Khánh Hòa (lưu hành nội bộ)

 

DANH BỘ HỆ PHÁI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN TỈNH KHÁNH HÒA
TÔNG PHONG TỔ ĐÌNH NGHĨA PHƯƠNG

 

* Tổng cộng: 25 chùa, Tổ đình - Tăng Ni Cổ truyền tại Khánh Hòa: 91 (Tăng 62, Ni 29)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6059189