Thông tin

HỆ THỐNG CÁC DANH LAM CỦA TỈNH NGHỆ AN

 

PGS.TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHI*

                                     

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Nghệ An luôn là một tỉnh giữ vị trí quan trọng. Đây là vùng đất có lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng vẻ vang. Nghệ An không chỉ là địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng mà còn nổi tiếng cả nước là vùng đất hiếu học, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Nhân dân Nghệ An đã chung sức xây dựng quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực. Trên lĩnh vực Phật giáo, cần phải kể đến những di tích – những danh lam trên đất Nghệ An xưa và nay.

Như chúng ta đã biết, đạo Phật truyền vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ 2 -1 TCN và phát triển cực thịnh ở thời Lý, Trần. Nhưng chỉ đến thời Trần, Phật giáo Việt Nam mới được đúc kết thành một tư tưởng độc đáo - Thiền học Trúc Lâm. Trần Nhân Tông vị tổ thứ nhất của phái thiền này được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “bó đuốc” của Thiền học Việt Nam. Đạo Phật được mọi tầng lớp nhân dân sùng bái. Giáo lý đạo Phật với tinh thần từ bi hỷ xả và sự tu thân về thập giới[1] rất dễ được quần chúng nhân dân tiếp thu.

Tỉnh Nghệ An hiện nay có 1 thành phố trực thuộc, 2 thị xã và 17 huyện[2]. Thống kê  gần đây cho biết cả tỉnh Nghệ An có 261 ngôi chùa cổ, nhiều chùa được xây dựng từ thời Bắc thuộc như các chùa Nhạn Tháp, Bình An, Đồng Bạc, chùa Am, chùa Ná, chùa Lụi… Riêng huyện Nam Đàn có hơn 20 ngôi chùa cổ, nổi tiếng là chùa Nậm Sơn ở Vân Diên, Đại Tuệ ở Nam Anh… Trải qua thời gian và cả sự ấu trĩ một thời của con người nên phần lớn các chùa ở Nghệ An đã thành phế tích[3]. Đến thời Nguyễn, một số chùa nổi tiếng thuộc các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc được ghi Đại Nam nhất thống chí như sau: “- Chùa Bột Đà, ở chân núi Bột Đà, xã Phật Kệ, huyện Lương Sơn (Đô Lương)[4]. Có am và viện.

- Chùa Hương Lâm, ở xã Nộn Hồ, huyện Nam Đường (Nam Đàn), phong cảnh thanh bình, đáng yêu.

- Chùa Đại Tuệ, ở núi Đại Huệ, huyện Nam Đường (Nam Đàn), cũng là thắng cảnh.

- Chùa Yên Quốc, ở trên núi Hùng Sơn, xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên, phía sau chùa có núi Tượng đầu, phía trước có khe Tiên Đơn, từ sườn núi chảy ra nước thơm, người ta gọi là suối Yên Quốc. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII. Đầu thế kỷ XIV, Nguyễn Biểu tử tiết ở đây[5].

- Chùa Linh Vân, ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc (Nghi Lộc), tương truyền do Cao Biền xây từ đời Đường, phía trước trông ra bến song, bên cạnh có giếng đá, phong cảnh đáng yêu.

- Chùa Lữ Sơn, ở xã Xuân Áng, huyện Chân Lộc (Nghi Lộc), cũng là nơi thắng cảnh” [6].

Đến nay, một số trong các danh chùa đã và đang được phục dựng, trùng tu. Thực tế cho thấy, trên đất nước ta từng xây dựng rất nhiều chùa. Nhưng do thời gian, thiên tai, chiến tranh và chừng mực nhất định còn do ý thức của con người nên chùa đã bị hủy hoại nhiều. Nhiều chùa chỉ còn là phế tích, thậm chí chỉ còn bình địa. Để có thể nhận diện rõ hơn về các ngôi chùa trên đất Nghệ An, trong bài này, trên cơ sở hệ thống những tư liệu, thông tin hiện có, chúng tôi xin giới thiệu về một số các ngôi chùa của tỉnh Nghệ An từng được lưu danh trong lịch sử của dân tộc, của tỉnh Nghệ An và trong tâm thức của nhân dân. Qua đó có thể thấy Phật giáo ngày càng hưng thịnh và ảnh hưởng sâu sắc trong nhân dân.

1. Chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn

Chùa Đại Tuệ thờ phật Bà Đại Tuệ, nằm trên đỉnh cao nhất của dãy Đại Huệ nên còn có tên là chùa Đại Huệ, chùa Cao.

Tương truyền chùa Đại Tuệ được xây từ thời vua Mai Hắc Đế thế kỷ thứ 7. Đến thế kỷ 15 được Hồ Quý Ly cho xây dựng lại để thờ Phật bà Đại Tuệ.  Trong giấc mơ, nhà vua mơ thấy Bà chỉ vẽ cho cách xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh mà trước đó ông xây mãi không thành.

Chùa Đại Tuệ không chỉ gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân từ thế hệ này qua thế hệ khác mà còn là nơi lưu gữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa của xứ Nghệ nói riêng và của nước Việt nói chung. Đó không chỉ là một ngôi chùa có một không gian tâm linh thiêng liêng mà còn là một danh thắng kỳ thú nằm trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”[7]. Phía tây chùa chừng 100m có một tảng đá lớn khoảng 2m3, khi dùng đá gõ vào thì âm thanh phát ra như tiếng mõ, bà con gọi là đá Mõ, phía Đông chếch Bắc có một tảng đá tương tự nhưng gõ vào lại nghe như tiếng chuông đồng gọi là đá Chuông. Ở phía trước chùa có một tảng đá lớn trông từa tựa một ngai vàng gọi là Thạch Ngai.

Tương truyền, nơi đây Quang Trung Nguyễn Huệ từng ngồi chỉ huy quân tập trận trước khi ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh. Xưa nay ít người dám ngồi lên hòn “Thạch Ngai” này. Cách đó không xa, có một giếng cổ, sâu chỉ 2m, tuy nằm trên đỉnh núi nhưng quanh năm nước không bao giờ cạn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí ” thì nguồn nước trên đỉnh núi Đại Huệ là một trong sáu nguồn nước thiêng của nước Việt mà Minh Thái Tổ (Trung Quốc) ở thế kỷ thứ 14, hàng năm sai sứ thần sang tận nơi tế lễ. Đó là chưa kể đến sườn núi hai bên chùa có khe Trúc, khe Mai cùng với một ao sen. Dân gian trong vùng còn lưu truyền một bài thơ:

“Ngai Thạch vững chãi

Chuông đá ngân vang

Mõ đá vọng sang

Bàn tiên thượng đỉnh

Ao sen phảng phất

Giếng nước thánh tràn

Ngôi chùa tận trên mây

Người xây, thiên tạo hoá”.

Hiện chùa Đại Tuệ còn lưu giữ pho tượng Phật Tam Thế, 5 bộ sách kinh phật, bia đá, một số bát hương, bát gốm cổ. Trước đây chùa Đại Tuệ nằm trong một khuôn viên rộng khoảng 4 ha trên đỉnh núi Đại Huệ mặt ngoảnh hướng Nam. Núi Đại có hình dáng tựa quả chuông úp. Trong khuôn viên và gần khuôn viên chùa có động Thăng Thiên, có khe Trúc, khe Mai, có suối Ngọc Tuyền, có rừng thông sớm chiều vi vu theo làn gió nhẹ, có Thạch Ngai (tảng đá tựa hình cái ngai), Thạch Đạc (Đá Mõ), Thạch Chuông (Đá Chuông), Thạch Tỉnh (giếng Đá), Liên Trì (Hồ Sen), Bãi Tập, thành Hồ Vương, khu mộ cổ... Mấy năm qua nhân dân trong vùng đã bỏ công sức xây dựng được một gian nhà thờ phật và một số lán nhỏ để khách hành hương dừng chân.

Ngày 28-11-2010, trong một dịp về thăm và làm việc tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã về thăm và thắp hương tại chùa Đại Tuệ. Nói chuyện với những người có mặt, Phó Thủ tướng cho rằng việc phục dựng ngôi chùa này là một việc làm cần thiết nhằm đáp ứng nguyện vọng nhân dân và với các bậc tiền nhân.

Trước đó, ngày 18- 10- 2009, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học về chùa Đại Tuệ[8] với sự có mặt của đại diện các ban ngành, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Hội thảo đã đánh giá giá trị lịch sử cũng như giá trị tâm linh khác gắn liền với sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian trong suốt 600 năm qua và khẳng định vị trí quan trọng của chùa Đại Tuệ trong hệ thống giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời Hội thảo cũng đề nghị phục dựng chùa[9].

Theo phác thảo quy hoạch, nhà chùa sẽ có cổng tam quan, tượng La Hán, quảng trường lớn, toạ lạc chính giữa là bức tượng Phật mẫu. Công trình chính điện là một toà nhà 5 gian, có kiến trúc tương tự chùa Đại Tuệ xưa kia. Các công trình khác như tả vu, hữu vu, tháp chuông… về cơ bản được giữ nguyên như trước…

Ngày 11-3-2012, Lễ khởi công xây dựng Chính điện chùa Đại Tuệ đã được tiến hành. Chùa Đại Tuệ được xây dựng trên diện tích hơn 22ha, gồm 20 mục trong đó có 4 hạng mục chính: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng…được xây dựng trên đỉnh núi thuộc dãy Đại Huệ cao 465m so với mực nước biển, có chiều dài phong thủy hơn 40km[10].

2. Chùa Cần Linh – Chùa Sư Nữ, phường Cửa Nam, tp. Vinh

Chùa Cần Linh là Trụ sở của Giáo hội phật giáo Việt Nam tại Nghệ An. Chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư nữ) thuộc phường Cửa Nam, Thành phố Vinh. Chùa Cần Linh là một trong những ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp tỉnh Nghệ An. Cần Linh, ngôi chùa đã có hơn nghìn năm tuổi, được xây dựng vào thời tiền Lê (năm 886) do Tiết độ sứ Cao Biền cho xây dựng chùa và đặt tên là Linh Vân tự.

Chùa thờ Phật Thích Ca - vị tổ của đạo Phật - và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Tổng diện tích: 5.208 m², kiến trúc gồm: Tam quan, bái đường, chính điện, tăng đường, nhà tả vu, hữu vu. Trước đây, vua Tự Đức và vua Bảo Đại đã đến thăm chùa Cần Linh. Khi đến cúng tế, cầu phúc an dân ở đây, vua Tự Đức đã ban cho chùa hai bức vọng bằng chữ Hán với dòng chữ Triện đề “Vương triều Đức tự hiến cúng”. Quá trình ở lại nơi này, vua Tự Đức thấy ngôi chùa linh thiêng với nhiều huyền tích, nên đã ban thêm một bức đại tự “Cần Linh”. Từ đó, Linh Vân tự được đổi tên thành chùa Cần Linh.

Cùng với quả chuông cổ có tuổi thọ trên 300 năm, trước cổng tam quan ngôi chùa có một bức tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay được đúc bằng 8 tấn đồng đỏ nguyên chất được khánh thành vào năm 2006.

Năm 1992, chùa Cần Linh được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Năm 2011 UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở ban ngành tạo điều kiện để nhà chùa thực hiện trùng tu, mở rộng diện tích chùa[11]. Chùa Cần Linh không chỉ là nơi thờ Phật, sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân quanh vùng, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Hiện nay, quy mô của chùa đã được tôn tạo, nâng cấp ngang tầm xứng với di tích lịch sử văn hoá tầm cỡ quốc gia[12].

3. Chùa Tập Phúc, khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc, TP. Vinh

Chùa Tập Phúc (Tập Phúc tự) được xây dựng vào khoảng năm 1926[13], thờ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Đức Thánh Trần và Đức Thánh Quan. Vị trí của chùa được xác định nay thuộc phường Hưng Phúc, TP Vinh. Về tên gọi của chùa, có người giải thích do nhà chùa có hai khu nghĩa địa rất rộng (Tập Phúc trên và Tập Phúc dưới) để người quá cố tứ xứ có nơi yên nghỉ nên gọi là Tập Phúc (tập hợp lại để làm phúc). Cũng có ý kiến cho rằng chùa có tên ấy vì liên quan đến Hội Tập Phúc, trong đó có nhà đại tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, đứng ra quyên góp xây chùa.        

Trong kí ức của người dân, chùa Tập Phúc là một trong những ngôi chùa lớn của Nghệ An thời ấy và thuộc hàng chùa lớn của Nghệ An. Tổng diện tích khuôn viên chùa hiện có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng diện tích chùa khoảng 60, 70 mẫu ta[14]. Còn theo cụ Hồ Viết Chanh, 90 tuổi, quê gốc ở xã Hưng Dũng, nay trú tại khối 23, phường Hưng Bình, thì tổng diện tích của chùa 100 mẫu, vì trước cổng chùa có vế câu đối “Bách mẫu bình nguyên, tập thành lạc thổ” (Một trăm mẫu lập nên mảnh đất vui).

Chùa kiến trúc kiểu chữ “tam” (三) ngoài cửa đi vào có một cái tháp 9 tầng, cao 12m, gian trung điện dài 8,5m, rộng 14m, hạ điện dài 8,5m, rộng 5,4m; thượng điện dài 8,5m, rộng 6m[15].

Chùa Tập Phúc là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Nghệ An và đất nước. Năm 1941, sau khi xử tử hình Đội Cung, Pháp cho người đem thi hài ông chôn ở nghĩa địa chùa Tập Phúc, nơi trồng nhiều cây phi lao. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền Tp. Vinh di dời hài cốt ông về địa điểm hiện nay. Trong nạn đói 1945, nhà chùa Tập Phúc đã tổ chức nhiều đợt phát chẩn cứu dân. Năm 1945, cán bộ và người dân đó họp tại chùa Tập Phúc để bàn phương án cướp chính quyền. Sau năm 1954, Nhà máy In Nghệ An dời vào chùa hoạt động một thời gian. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một đơn vị bộ đội thông tin đã đóng quân tại chùa.  Chùa đã bị máy bay Mỹ oanh tạc, hủy hoại nặng, trở thành phế tích, chỉ còn lại tháp 9 tầng. Năm 1975, tháp trong chùa cũng bị phá tan, chùa trở thành bình địa. Hiện nay, có một số đồ tế khí như bát hương, hoành phi được đưa về đền Tiên Cảnh, một bức tượng Phật được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An, một chiếc chuông lưu lạc vào tận chùa Ba (Đà Nẵng)...

Hiện nay, đông đảo Phật tử Thành phố Vinh và các vùng khác có nguyện vọng muốn phục dựng chùa Tập Phúc trên nền đất cũ[16].

4. Chùa Phổ Nghiêm, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc

Chùa còn có tên là Hoàng Lao hay Trung Kiên, tọa  lạc ở làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chùa được dựng vào cuối thế kỷ XVII (1690), đã được trùng tu nhiều lần. Đặc biệt ở chánh điện đã từ lâu có một phiến đá cao 107cm, có hình dáng giống một vị sư, dân gian quen gọi là tượng sư đá. Chùa còn bảo tồn một số tượng, bia cổ, giếng cổ. Lễ hội chùa hằng năm vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch.

5. Chùa Cổ Am, Lèn Hố Lĩnh, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu

Lèn Hố Lĩnh thuộc xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai. Chùa được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), có bậc lên xuống bằng đá chẻ (ngày nay vẫn còn sót lại 1 số viên), thượng điện và bái đường tọa lạc ở lưng chừng núi, xung quanh có núi và cây bao bọc tạo thành thế "Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ" là vị trí lý tưởng của phong thủy. Chùa làm bằng gỗ, mái lợp ngói vảy. Trước đây trong chùa có rất nhiều tượng phật bằng gỗ rất đẹp và một số sắc phong.

Hiện chùa chỉ còn lại những dấu tích phần móng (tương đối nguyên vẹn), các kiến trúc khác bị đổ vỡ và một số hiện vật như: bia đá, lư hương đá, chuông đồng…thậm chí đường lên xuống cũng bị xói lở và cây che phủ. Mặc dù, cán bộ và nhân dân trong vùng đã sửa chữa 2 lần vào năm 1998 và 2008, nhưng do kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể phục dựng được chùa đúng quy mô vốn có.

Năm 1994, chùa đã được Bộ Văn Hóa thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2010, Chùa được UBND tỉnh Nghệ An cho phép phục dựng theo quyết định số 2802/QĐ.UBND-NC ngày 30/6/2010. Đồng thời, đến ngày 08-9-2011 chùa Cổ Am đã được Đại đức Thích Tâm Thành, hiện là Phó trụ trì Chùa Hoằng Pháp, Tp Hồ Chí Minh về trụ trì.

Đến nay, chùa đã được UBND tỉnh cho phép, khảo sát lập quy hoạch xây dựng trên diện tích 14ha. Công việc quy hoạch và triển khai các bước để xây dựng đang được khẩn trương tiến hành. Dự kiến việc xây dựng sẽ phân kỳ nhiều giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Gia cố lại thượng điện, xây dựng đường lên núi bằng đá; xây dựng nhà tăng, nhà bái đường, tượng phật dưới chân núi.

- Giai đoạn 2: Xây dựng tam bảo, nhà tăng, nhà giảng đường, sân lễ hội, tháp chuông, tôn tạo các hang động thành điểm thờ phụng và chiêm bái của nhân dân trong vùng và khách thập phương; xây dựng các công trình phụ trợ khác...

Công trình xây dựng xong có sức chứa hàng trăm người đến tu học và hàng ngàn người vào dịp lễ hội[17].

6. Chùa Gám – chùa Chí Linh, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành

Chùa Gám, còn có tên gọi là chùa Chí Linh (hay Chân Cảm tự) xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XI thời nhà Lý, trùng tu vào năm Kỷ Dậu (1909), thờ Đức Phật Thích Ca. Chùa Gám đã được công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 3727 ngày 27/9/2007, của UBND tỉnh Nghệ An).

Chùa đã bị xuống cấp trầm trọng. Nay được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Ban Tôn giáo Chính phủ và toàn thể nhân dân, phật tử, chùa Chí Linh được bố trí để xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chí Linh thuộc diện lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Công trình bắt đầu từ chùa Gám cũ, đây sẽ là khu vực đền Trình và cũng từ đây mở rộng con đường lên đền Bạch Thạch Đại Vương Thần (còn gọi là đền thờ An dân bảo quốc), ở lưng chừng núi Phượng (Rú Gám), rộng 36m. Tại Rú Gám, được xây dựng 3 công trình lớn: Toà Phật Pháp, Đền thờ Vua Hùng và một nhà văn bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ của huyện Yên Thành. Tất cả được toạ lạc trên 300 ha, với tổng kinh phí ban đầu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này do Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử và nhiều doanh nghiệp, các tăng ni phật tử... góp vốn đầu tư[18].

Công trình được khởi công vào ngày 23 tháng 1 năm Nhâm Thìn (2012). Dự định, sau 3 năm, công trình sẽ hoàn thành. Công trình hoàn thiện sẽ đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho nhiều tầng lớp nhân dân trong vùng, điều quan trọng là tạo thêm một khu du lịch tâm linh, sinh thái ở vùng quê vốn là độc canh cây lúa Yên Thành[19].

7. Chùa Hậu (Thuần Hậu), xã Bắc Thành, huyện Yên Thành

Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 15 tọa lạc trên đồi thung lĩnh xã Kim Thành cũ (nay là xã Bắc Thành), diện tích 15 ha. Chùa có tên là Thuần Hậu cổ tự, nhân dân thường gọi là Chùa Hậu. Trước thế kỷ thứ 15 Chùa là thảo am. Sau đó, chùa được nhiều lần nâng cấp. Vào thời tự đức chùa được trùng tu xây dựng theo kiểu chữ công,  quy mô lớn. Điện và hạ điện thờ Phật và chư vị bồ tát có tượng thập bát la hán – tả hữu có ban chúng sinh – đàn kinh –lăng am có tất cả là bảy dãy nhà cỡ lớn. Trong chùa có đủ tượng phật và bồ tát…có chuông lớn, giá chiêng- trống, giàn cờ lọng, đồ tế khí. Hậu chùa có nhà thờ tổ Đạt Ma sư tổ và các vị tiền bối. Phía trước chúa có ao sen. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa là trụ sở chính quyền và cơ quan đảng-và cũng là nơi lưu giữ vũ khí phục vụ chiến tranh và là kho dự trữ lương thực và là địa điểm cho bộ đội trú quân, trạm cứu thường, đồng thời là địa điểm dạy học cho học sinh. Hiện nay, chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Đáp ứng nguyện vọng phục dựng chàu của nhân dân, Hội thảo khoa học khôi phục lại chùa Hậu đã được tiến hành vào ngày 7 tháng 8 năm 2011 tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành[20].

Ngoài ra, ở huyện Yên Thành còn có chùa Bảo Lâm, chùa Tạnh[21].

8. Chùa Đức Hậu (Thiên Linh tự), xã Nghi Đức, tp. Vinh

Chùa Đức Hậu - Thiên Linh tự (thuộc Quần thể Đức Hậu) nằm ở Làng Đức Hậu, nay là 3 xóm Xuân Hoa, Xuân Đồng, Xuân Đức – xã Nghi Đức, thành phố Vinh.

Tương truyền, chùa Đức Hậu được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII – XIII.

Lúc đầu chùa có 2 gian lợp tranh. Năm 1943, tu sửa chùa lợp ngói và xây thêm một gian nhà Muống. Điều đặc biệt là hệ thống thờ cúng trong chùa, vừa thờ Phật, thờ Thánh, thờ Mẫu và thờ cả Linh Vật. Trong điện thờ Đức Tam Bảo, Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Thế Âm. Bên cạnh đó Chùa còn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Bà La sát, Chức Nữ, Đức Vĩnh Thiện và linh vật Cửu Long (9 rồng chầu). Trước của Chùa có bình phong “ Thập loại chúng sinh”. Chùa có 2 cây phi lao cổ cao hơn 30 mét. Di vật duy nhất vừa tìm được của chùa này là một bức tượng đá cao chừng 60 cm mặc dù theo nhân dân địa phương, trước năm 1965, chùa có gần 100 bức tượng đá, gỗ[22].

9. Chùa Ân Hậu, xã  Nghi Đức, TP Vinh

Chùa Ân Hậu đã có bề dày lịch sử 700 năm, khởi nguồn ban đầu từ một nhũ mẫu của Hoàng đế Trần Duệ Tông. Sau khi rời kinh thành bà đã về quê cùng nhân dân địa phương xây dựng chùa Ân vào thế kỷ thứ XIV tại làng Ơn xã Ân Hậu, huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Đức, TP Vinh).

Chùa cũng là nơi hai cận thần của Vua Trùng Quang Đế (đời Trần) là Trương Quốc Điển, Trần Văn Định lánh nạn vào chùa xuống tóc đi tiếp duyên nghiệp tu hành. Trong thời gian tu hành, hai nhà sư giúp dân chữa bệnh cứu người. Hai nhà sư viên tịch, di thể được an táng tại chùa Ân.

Chùa đã bị hủy hoại gần như hoàn toàn, chỉ còn lại mấy gian “thảo am” thờ Phật và khu đất chừng hơn 1 ha đang trồng hoa màu.

Đáp ứng nhu cầu của các Tăng Ni Phật tử trong tỉnh, UBND tỉnh đã có Quyết định khôi phục chùa Ân[23] và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Trí về trụ trì chùa[24].

10. Chùa Vĩnh Phúc, xã Xuân Long, huyện Nam Đàn

Chùa Vĩnh phúc thường gọi là chùa Mơng thuộc địa phận xã Nam Xuân, h. Nam Đàn, được xây dựng vào thời nhà Lý. Trong những thời kỳ chiến tranh ác liệt, chùa là cơ sở hoạt động cách mạng và là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ xã Nam Xuân khoá I tháng 10-1953.

Trải qua sự biến thiên của lịch sử, chiến tranh, ngôi chùa bị tàn phá chỉ còn lại nền đất cũ.

Được sự nhất trí của cấp có thẩm quyền và sự ủng hộ của nhân dân địa phương, ngày 25- 12- 2011, chính quyền và nhân dân xã Nam Xuân long trọng tổ chức lễ động thổ khởi công trùng tu tôn tạo chùa Vĩnh Phúc[25].

11. Chùa Lô Sơn, thị xã Cửa Lò

Chùa Lô Sơn, tên chữ là Phổ Am tự, tọa trên một địa thế khá đẹp ở chân núi Lô Sơn. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, thuộc làng Vạn Lộc, huyện Chân Lộc, nay thuộc khối 6, phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò. Chùa có quy mô vừa phải, thanh tịnh, linh thiêng. Năm 2005 chùa được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt, đầu Xuân Tân Mão 2011, Chùa vinh dự được Thượng tọa San Va Do ở chùa Suyli (Mianma) dâng cúng Xá lợi Phật. Đây là một vinh hạnh cho chùa Lô Sơn nói riêng và người dân địa phương nói chung, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương cũng như du khách. Chùa mới tôn tạo được 2 năm, cảnh chùa khá đẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Hội chùa thường được tổ chức vào ngày rằm tháng Tư, tháng Bảy Âm lịch. Chùa Lô Sơn đã được xếp vào danh sách là một trong những ngôi chùa cổ của tỉnh Nghệ An[26].

12. Chùa Đảo Ngư (Song Ngư), thị xã Cửa Lò

 Được xây dựng từ thời Trần, chùa Đảo Ngư tọa lạc trên khu đất có hình rẻ quạt rộng chừng 3ha (gọi là bãi Chùa) trên đảo Song Ngư, thuộc thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Tương truyền, để giữ an lành cho những chuyến đi biển của các nhà buôn và ngư dân trên tuyến đường thuỷ buôn bán xuyên Bắc Trung Nam, điểm nối 2 cửa lạch lớn (Cửa Lò - Cửa Hội), nhân dân vùng quanh đây đã lập nên một ngôi chùa phía Tây đảo Ngư để thờ Phật Thích Ca Quan âm và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, một danh tướng đời Trần đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên.

Ở sân chùa có một giếng nước, được gọi là “giếng Thần”, nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt. Phía sau chùa mấy trăm mét có một bãi toàn đá cuội gọi là bãi tắm Tiên, nơi ngày xưa những Phật tử thường qua đây tắm gội trước khi vào lễ chùa.

Nằm trên tuyến giao thương đường biển, chùa là nơi các nhà buôn và ngư dân vào dâng hương cầu xin trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, buôn bán may mắn. Vào những ngày gió bão, bãi biển gần chùa còn là nơi trú ngụ của tàu thuyền phương xa.

Năm 2004, chùa được trùng tu, xây dựng với các công trình Thượng điện (3 gian), Hạ điện (5 gian), nhà Nam, vườn chùa, bể cảnh, giếng Thần, khuôn viên và một số điểm nghỉ chân[27]

Top of Form

Bottom of Form

13. Chùa Bà Bụt, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương

Chùa nằm trên một vùng địa linh, trước mặt là dòng sông Lam, sau lưng là núi Hội. Đây là vùng đất xưa kia Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 vua Lý Thái Tổ) được bổ làm Tri châu Nghệ An, chọn đóng lỵ sở trong thời gian ông làm quan tại đây. Tên chữ của chùa là Tiên Tích tự mà nhân dân thường quen gọi là chùa Bà Bụt.

Chùa Bà Bụt nằm ở thôn Thượng Thọ, xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, phủ Anh Sơn nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nguyên xưa chùa Bà Bụt có diện tích rộng khoảng 10 mẫu, gồm các công trình: sân vườn, ao sen, tam quan, nhà trạm, nhà thuyền, tiền đường và thượng điện cây cối xanh tốt, sơn thủy hữu tình. Hiện nay, các hạng mục công trình của chùa không còn đầy đủ như xưa, chỉ còn lại vườn chùa, sân chùa, tiền đường và thượng điện. Những năm gần đây nhân dân xây dựng thêm nhà Hữu vu (nhà khách nằm phía Tây sân chùa).

Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật như chuông đồng, câu đối, đại tự, bài minh, lạc khoản và nhiều tượng phật. Đây là những hiện vật quý giá, đặc biệt là tượng Phật bà Quan Âm cổ. Ngoài ra, ở tòa tiền đường và thượng điện được chạm khắc trang trí ở đầu dư, đầu bẩy, kẻ với nhiều mảng chạm tinh tế, phong phú...

Tương truyền, trong lần đem quân đi đánh Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật Bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh giặc thắng lợi. Tương truyền, Lý Nhật Quang đi đánh giặc Lão Qua, bị trọng thương, ngựa về đến Bạch Đường, thôn Thượng Thọ (nay là xã Lam Sơn) có bà Tiên (ở Tiên Tích Tự) báo với ngài rằng: "Quả Sơn là nơi địa linh, muôn đời có thể hóa thân ở xứ ấy". Nghe lời bà Tiên, Ngài về đến Quả Sơn thì qui hóa. Quan quân bèn xây dựng phần mộ lập đền ở Quả Sơn. Do đó hàng năm có tục lễ "nghinh Xuân" vào ngày 20 tháng Giêng, rước di tượng Lý Nhật Quang từ đền Quả Sơn đến chùa Bà Bụt lễ tạ long trọng. Lễ tạ ơn diễn ra hai năm một lần vào ngày 20, 21 tháng Giêng Âm lịch là một trong những phần lễ có quy mô to lớn, gồm các chức sắc, nhân dân và du khách khắp nơi về dự. Lễ tạ ơn chùa Bà Bụt mang nét đặc trưng riêng vốn có từ lâu đời. Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, là dịp ôn lại truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân, vừa thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của nhân dân. Ngoài ra, chùa Bà Bụt còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác gắn với địa phương trong hai cuộc kháng chiến.

Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử đó, chùa Bà Bụt đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh[28].

14. Chùa Chung Linh, huyện Thanh Chương

Cách đây gần 500 năm, cùng với lịch sử xây dựng mảnh đất Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, chùa Chung Linh, ngôi chùa đẹp, quy mô đã được xây dựng. Năm 1937, chùa đã từng in bản kinh “Phật thuyết cứu khổ chân ngôn”. Phong cảnh chùa khá đẹp. Bên phải chùa gọi là bàu Chuông, bên trái gọi là Bàu Giếng, trước mặt chùa là dòng sông Giăng.

Trải qua bao biến thiên lịch sử, dấu tích còn lại của ngôi chùa là con rùa đá đội bia, vôi vữa, gạch nát, ngói vỡ trên đỉnh núi chùa thuộc xã Phong Thịnh. Ngày 20/12/2010, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 6189 về việc phục dựng chùa Chung Linh. Ngày 17-  4 - 2011 lễ động thổ phục dựng chùa Chung Linh đã được tiến hành.

Ngày 10- 8- 2011 các hạng mục đã hoàn thành cơ bản, Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Bảo trụ trì chùa Chung Linh[29].

15. Chùa Đức Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn

 Chùa Đức Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều chuông đồng, hoành phi, câu đối, tượng phật, hàng trăm tấm ván gỗ khắc kinh sách rất có giá trị.  Chùa Đức Sơn được xây dựng từ thời Trần.

Chùa Đức Sơn là một ngôi chùa cổ, có vị trí địa lý cảnh quan đẹp, hiện còn 43 pho tượng bằng gỗ mít, niên đại thời Nguyễn. Tượng pháp được bài trí tại nhà lục đạo, nhà tổ, hai lầu hộ pháp, chùa hạ. Số tượng được tập trung nhiều nhất là ở chùa Thượng, gồm bảy bộ, được chia làm bảy lớp. Bộ Tam Thế, Bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngọc Hoàng, bộ Quan âm tống tử, bộ Hoa Nghiêm tam pháp, bộ Thích Ca sơ sinh, bộ tượng Đức Ông - A Nan Đà và 210 bản khắc kinh. Đặc biệt quả chuông đồng - “Đức Sơn tự chung” nặng 180kg, niên đại  thời Lê và các tài liệu hiện vật khác có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

Năm 2001, chùa Đức Sơn được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, ngày sóc, vọng, ngày mồng 3/3 (Âm lịch) và ngày mồng 10/10, nhân dân và khách thập phương về dự lễ rất đông[30]. Xin xem thêm bảng thống kê (chưa đầy đủ) các ngôi chùa của tỉnh Nghệ An được xây dựng từ thời Bắc thuộc đến thời Trần[31] sẽ thấy con số 40 chùa được xây dựng từ thời Bắc thuộc đến thời Trần trong bảng thống kê này chỉ là rất nhỏ so với số chùa thực tế đã hiện diện trên đất Nghệ An xưa. Vì, đến đầu thế kỷ XX, theo thống kê sơ bộ thì ở Nghệ An có 363 chùa lớn, nhỏ.

Trong những năm gần đây, nhiều nơi trên vùng quê xứ Nghệ đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại các ngôi chùa cổ bằng công đức của nhân dân. Đủ thấy, sự phát triển và phổ biến của đạo Phật thể hiện ở việc chùa chiền được xây dựng như thế nào. Ngược thời gian, theo ghi chép của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục thì ở thời Trần, chùa chiền dựng lên khắp nơi: "Làng lớn có đến hơn mười nơi, làng nhỏ cũng chừng năm, sáu, bao ngoài bằng rào lũy, tô trong bằng vàng son..."[32]. Nếu lấy trung bình thì có lẽ một làng phải có từ 5-7 chùa. Nay, trong mỗi làng, chùa không còn nhiều như xưa nhưng với sự hằng tâm của nhân dân và sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan cùng chính quyền địa phương, trong tương lai, nhiều ngôi chùa khang trang sẽ được hiện diện trên đất Nghệ An.



* Viện Sử học, Viện khoa học Xã hội Việt Nam

[1] Thập thiện: 1. Không được giết người; 2. Không được ăn trộm; 3. Không được làm ô uế thân thể; 4. Không được nói dối; 5. Không được lăng nhục người khác; 6. Không được nói hai lời; 7. Không được theo thị dục; 8. Không được đại ngôn; 9. Không được quá giận; 10. Không ngu muội.

[2] Thành phố Vinh; Thị xã Cửa Lò, Thị xã Thái Hòa; 10 huyện miền núi: Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; 7 huyện đồng bằng: Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành

[3] Theo Vũ Ngọc Tiến, đăng tải ngày 12.05.2011. Nguồn  NEWVIETART.COM.

[4] Chùa này được Lý Đạo Thành dựng từ thời Lý, được trùng tu tôn tạo trong các thế kỷ tiếp theo và đến thời Nguyễn vẫn còn một phần kiến trúc cổ.

[5] Đến thời Nguyễn, chùa Yên Quốc vẫn còn kiến trúc cổ.

[6] Đại Nam nhất thống chí, Tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.167-168.

[7] Truyền thuyết và sự thật về chùa Đại Tuệ:Vào khoảng 8 giờ sáng, ngày 23 tháng 9 năm 2009, ông Nguyễn Nghĩa Bình, một người coi giữ chùa hơn 20 năm nay, trong lúc đang quét dọn ở trong khuôn viên thì thấy hai “cụ” rùa, mai đen nhánh đang ẩn im lìm sau ngôi chùa.Hai "cụ" rùa ước chừng độ tuổi khoảng 140 năm, nặng đến 15kg. Điều đặc biệt là ngôi chùa này nằm giữa núi rừng và xung quanh không hề có hồ ao, khe suối... 
Tin “hai cụ” rùa xuất hiện tại “chùa Đại Tuệ” làm xôn xao dư luận trong vùng khiến nhiều người kéo nhau đến để chiêm bái. Sách “Nghệ An cổ lục” chép rằng về vùng đất này “thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng loá, hình như sao chổi, sao hoá đá, đá ấy rất thiêng”. Thực tế, sau lưng động chùa là đỉnh động Thăng Thiên (tương truyền đây là nơi người hạ giới lên trời và nơi người
trời xuống hạ giới).

[8] Tại Hội thảo, những bài tham luận và ý kiến phát biểu đều tập trung vào vấn đề cần phải phục dựng chùa Đại Tuệ. Theo giáo sư Ninh Viết Giao, việc phục dựng chùa Đại Tuệ là phục dựng một di tích, danh thắng, một địa chỉ sinh hoạt văn hoá tâm linh, tạo thêm một điểm du lịch mới cho Nam Đàn, Nghệ An. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến phân vân: Ai xây dựng chùa Đại Tuệ và chùa Đại Tuệ được xây dựng chính xác vào thời gian nào? Một số ý kiến cho rằng Hoàng đế Hồ Quý Ly xây dựng vào đời Hồ (1400 - 1407) hoặc vào những năm 1397 - 1400 khi ông giữ chức Phụ chính thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự nhà Trần. Lại có ý kiến cho rằng chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ 14 đời Trần hoặc trước đó nữa. Nhưng trên núi Đại Huệ có tấm bia còn dòng chữ Đại Huệ tự bi và Cảnh Trị lục niên mà Cảnh Trị lục niên là năm 1668. (Theo Trần Đình Hà: Hội thảo khoa học: Phục dựng chùa Đại Tuệ. Nguồn: VTR.ORG.VN).

[9] Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cách đây không lâu một Ban vận động tài trợ xây dựng chùa Đại Tuệ được thành lập do Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - nguyên Tư lệnh Quân khu IV làm trưởng ban. Tham gia Ban vận động có các thành viên như Thiếu tướng Võ Trọng Thanh - nguyên Giám đốc Công an Nghệ An, và lãnh đạo các ban ngành đương chức như các ông: Cao Đăng Vĩnh - Giám đốc sở VH - TT&DL; Nguyễn Văn Đỗ, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc sở GTVT; ông Thái Khắc Thư - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, bà Thái Thị Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, nhạc sỹ Phan Thanh Chương, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch xã Nam Anh…

[10] Lê Thạch Vĩnh: Chùa Đại Tuệ: Một không gian tâm linh thiêng liêng. Nguồn: Báo Công An Nghệ An. Tham khảo thêm: http://daituetu.vn. Xem thêm: Nguyễn Duy: Khởi công xây dựng Chính điện chùa Đại Tuệ. Bào Dân Trí, Ngày 11-3-2012.

[11] Theo Nguyễn Đức Bá, Chùa Cần Linh – Trung tâm Phật giáo tỉnh Nghệ An, đăng ngày 12-6-2012. Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ điện tử.

[12] Chùa Cần Linh (Chùa Sư Nữ). Nguồn: cinet.gov.vn. Mục Tên địa danh

[13] Trong “Bản lược kê lý lịch Di tích lịch sử” của UBHC xã Hưng Dũng ngày 25/5/1964 do Chủ tịch Nguyễn Tiến Chiến kí. Ngoài ra, tài liệu “Lý lịch hiện vật” của Bảo tàng Nghệ An ngày 27/12/2006 ghi là chùa được xây dựng vào năm 1939

[14] Mẫu Trung Bộ, một mẫu bằng 4.970 m2.

[15] Trong chùa có chuông bằng đồng cao 1m, đường kính 0,48m, 1 lư hương bằng đá cao 60cm, đường kính 27cm. Chùa có tượng Phật Thích Ca ngồi trên bệ sen cao 1,45m, bề ngang 1,65m; hai tượng phật A Di Đà cao 1,5m, bề ngang 1m; hai tượng Phật Quan Âm cao 1,3m, bề ngang 80cm; một tượng Đức Thánh Trần cao 1,2 m, bề ngang 60cm; một tượng Đức Thánh Quan cao 1,65m, bề ngang 1,2m. Phía ngoài cổng có tượng hai ông Hộ Pháp cao 1,55m, bề ngang 1m. Ngoài ra còn có 30 tượng làm bằng gỗ mít kích cỡ to nhỏ khác nhau. Chùa có bia bằng đá granito khắc chữ Hán và chữ Pháp, ngoài ra còn có nhiều hoành phi, câu đối, đồ tế khí trang trọng. (Theo “Bản lược kê lý lịch Di tích lịch sử” của UBHC xã Hưng Dũng ngày 25/5/1964).

[16] Chùa Tập Phúc bao giờ được phục dựng?, đăng ngày 11-5-2012. Nguồn: huongsenxunghe.com. Tham khảo thêm: vanhoanghean.com.vn.

[17] Chùa Cổ Am. Nguồn huongsenxunghe, đăng ngày 1-4-2012

[18] Ngày 11- 4- 2012, tại chùa Gám- Chí Linh tọa lạc tại xóm 6 xã Xuân Thành, Yên Thành (Nghệ An) đã diễn ra Lễ rót đồng đúc Đại Hồng Chung chùa Chí Linh. Buổi lễ diễn ra với sự có mặt của các thượng tọa đến từ các Thiền viện Trúc Lâm trong cả nước cùng hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử gần xa tới dự.

Đại Hồng Chung tại Thiền viện Trúc Lâm Chí Linh cao 2,5m, đường kính 1,5m và nặng 1,5 tấn. Đại Hồng Chung do những nghệ nhân đến từ cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Minh, TP Huế thực hiện. Sau khi hoàn thiện, đây sẽ là chuông chùa lớn nhất tỉnh Nghệ An. Theo Phan Lâm, Lễ đúc chuông chùa lớn nhất. Nguồn: Phật tử Việt Nam, ngày 11-4-2012.

[19] Nguyễn Trọng Hà, Chùa Gám sắp được khởi công trên đất Yên Thành. Báo Nghệ An, ngày 8- 1- 2012.

[20] Tham khảo: Phật tử Nguyên Hoa: Lịch sử chùa Thuần Hậu, xóm 4 xã Bắc Thành. Nguồn: chuagamyt

[21] Các chùa ở huyện Yên Thành. Nguồn: chuagamyt

[22] Các lễ - hội của Đình - Đền - Chùa Đức Hậu

Tháng giêng: Lễ Nguyên Đán: 8 giờ sáng ngày 01, Lễ Tịch Chủ: ngày 02, Hạ lễ tết: ngày 03, hạ nêu - Khai hạ - lễ cầu yên: ngày 07, tết nguyên tiêu: ngày 15.

Tháng 2: Lễ tế thần nông cầu mưa thuận gió hoà từ ngày 12 đến 15.

Tháng 3: Tết thanh minh (Tại Chùa có thêm lễ Kỳ yên Tam Bảo).

Tháng 4: Lễ phật đản: ngày 08 (Chỉ lễ tại chùa).

Tháng 5: Tết đoan ngọ, ngày 05.

Tháng 6: Đại lễ Lục Ngoạt 3 năm một lần từ ngày 11 đến 14, tiểu lễ Lục Ngoạt hàng năm vào ngày 13.

Tháng 7: Tết Trung nguyên từ ngày 14 đến 15.

Tháng 8: Tết Trung thu vào ngày 15.

Tháng 9: Lễ Thường tân (Cúng cơm mới).

Tháng 11: Lễ Đông chí (Xuống mùa).

Tháng 12: Lễ tất niên vào ngày 15, lễ tiễn táo quân. vào ngày 23, lễ giao thừa vào đêm 30, thường ngày ở chùa có lễ bán khoán, làm chay. Lễ ở Chùa thường diễn ra trước ở Đền một buổi và thường tổ chức vào ban đêm.

[23] Sáng 27- 10 - 2009 (tức 10- 9 năm Kỷ Sửu), tại chùa Ân Hậu,  xã Nghi Đức, Tp.Vinh, Nghệ An đã long trọng diễn ra Đại lễ công bố Quyết định phục hồi và bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Trí trụ trì chùa.

[24] Đại đức Thích Minh Trí - Uỷ viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng thành hội Phật giáo Hà Nội đương vị trụ trì tổ đình Quang Ân – Thanh Trì – Hà Nội và đại công trình chùa Hà Tiên – Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc, được coi là vị kế đăng truyền thừa dòng Mật tông – Kim Cương thừa do cố Thượng tọa Viên Thành đưa về Việt Nam năm 1993.

[25] Hồng Sương, Nam Đàn: Khởi công công trình tôn tạo chùa Vĩnh Phúc. Nguồn: Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An ,ngày 26-12-2011.

[26] Đàm Hiền, Chùa Lô Sơn-Điểm tham quan hấp dẫn của khách du lịch ở Cửa Lò. Cua Lo Travel. Nguồn: CuaLo.vn

[27] Theo Travel 5, 2012. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

[28] Nguyễn Trọng Cường, Di tích Lịch sử - Văn hóa chùa Bà Bụt (Nghệ An). Nguồn: Báo Nghệ An. Cập nhật: 13 – 04- 2010.

[29] Văn Lý, Đại đức Thích Quảng Bảo trụ trì chùa Chung Linh. Nguồn: Đài Phát thành truyền hình Nghệ An, ngày 5-7-2012. Ngày 10- 6- 2012, tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An đã tổ chức Lễ bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Bảo trụ trì chùa Chung Linh. Đến dự có đại diện của Sở Nội vụ Nghệ An, đại diện các cơ quan ban ngành huyện Thanh Chương cùng 83 phái đoàn Phật giáo trong cả nước.

[30] Nguồn: Vietgle- Tri thức Việt

[31] Thanh Thủy: Ứng xử của người Nghệ với văn hóa Phật giáo. Nguồn: Báo Nghệ An điện tử - Nghean Online - http://www.baonghean.vn. Cập nhật lúc 17:23'  2- 4- 2010. Tham khảo thêm: Nghệ An lịch sử và văn hóa do PGS Ninh Viết Giao chủ biên và Trang thông tin điện tử của Hội Phật giáo Việt Nam

[32] Nguyễn Dữ: Truyền kỳ mạn lục, Nxb. Văn Nghệ, Hội Nghiên cứu giảng dạy Văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 146.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 224
    • Số lượt truy cập : 6948100