Thông tin

HIỂN TÔNG HIẾU MINH HOÀNG HẬU (1680-1716)

 

HỒ XUÂN THIÊN*

 

I. Về thân thế của Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Hậu

Bà húy là Tống Thị Được, còn có tên là Quyền. Bà nguyên họ Hồ, khi nhập cung đổi qua họ Tống. Bà có cha là Chưởng Dinh Hồ Văn Mai và mẹ là Hồ Thị Ruộng.

Bà sinh giờ Sửu ngày mồng 01 tháng 09 năm Canh Thân (1680), chánh quán làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Gia đình bà có mối quan hệ với phủ Chúa: ông cố Hồ Quang Đại làm quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Tần suốt 26 năm từ năm 1652; năm 1687 Hồ Quang Đại làm Thị Giảng Tri Kinh Diên cho chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691); năm 1691 Hồ Quang Đại được tiếp tục làm Thị Giảng Tri Kinh Diên cho chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675-1725); ông nội Hồ Văn Duyên làm chức Cai Hợp, chú Hồ Văn Chữ làm Chánh Đề Đốc, Hồ Quang Ân làm chức Tri Phủ; cha Hồ Văn Mai làm chức Tri Bạ.

Chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi năm 1691, lúc chúa được 17 tuổi. Hai năm sau (1693) Hồ Thị Được tiến cung, lúc đó bà 14 tuổi. Tôi nghĩ, Hồ Quang Đại tiến cung cô cháu gái Hồ Thị Được cho chúa.

Năm 1693, gia đình Hồ Văn Mai tổ chức lễ trai đàn, tụng kinh cầu nguyện. Sau buổi lễ, Hồ Văn Mai được chúa Minh triệu vào Phủ Chúa. Chúa phán: "Ta thành tâm cầu tự, đêm qua nằm mộng thấy vị thần bảo rằng: Ngoài thành, về phía trái, gần trai đàn có người con gái đứng ôm gốc cây phan, nhìn thì đó là người con gái quý. Ta liền phái thị thần ngầm đến chỗ trai đàn để dò xét. Quả nhiên thấy một người con gái đứng dưới gốc cây phan. Hỏi thì đó là con gái của nhà ngươi. Nếu muốn tiến vào cung thì phù hợp với giấc mộng tốt lành.” Hồ Văn Mai tuân chỉ chúa tiến bà vào cung. Khi tiến cung bà được xếp vào bậc Hữu Cung Tần thứ tư, kế được phong làm Chiêu Nghi. Bà tính nhân hậu, cung kính, người trong cung đều noi đức tốt.

Bà sinh hạ được hai trai, con lớn là Nguyễn Phúc Thụ (1697-1738), sau này là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng Đế, con thứ hai là Nguyễn Phúc Tứ làm chức Nội Hữu Cai Đội, về sau được phong là Luân Quốc Công.

Bà mất giờ Tuất ngày 12 tháng 2 năm Bính Thân (1716) được ban Minh Phi Liệt Phu Nhân, thụy là Từ Huệ, táng ở Vĩnh Thanh Lăng (thuộc làng Trúc Lâm, huyện Hương Trà). Năm Gia Long thứ 5 (1806) truy tôn là Từ Huệ Cung Thục Ý Đức Kinh Mục Hiếu Minh Hoàng Hậu, thờ chung với chúa Minh Nguyễn Phúc Chu tại gian thứ ba bên trái trong Thái Miếu.

Năm 1753, chúa Nguyễn Phúc Khoát làm phủ đệ cho Nội Hữu Cai Đội Nguyễn Phúc Tứ tại quê mẹ ở Hương Cần, nhân đó có dựng một ngôi chùa lợp ngói tại nơi mà ngày trước đã lập trai đàn cùng cấp 3 mẫu 1 sào công điền tốt làm hương hỏa.

II. Về dòng tộc của Quốc Sư Hồ Quang Đại

1. Đời thứ nhất

Ông tổ 6 đời của Hồ Quang Đại là Hồ Minh. Hồ Minh là một chiến binh trong đội quân Trung Nghĩa của Nguyễn Hoàng (1525-1613).

Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) chúa Tiên đem bà con quyến thuộc, người đồng hương huyện Tống Sơn và một ngàn nghĩa quân vào trấn thủ Thuận Hóa. Dựng dinh ở xã Ái Tử (thuộc huyện Vũ Xương, nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Năm Canh Thân (1560), quân nhà Mạc vào đánh Nghệ An thường theo đường biển. Chúa Nguyễn sai phái quân lính lập đồn ở cửa biển để phòng ngừa. Một đồn như thế lập tại cửa Thuận An, một đồn khác tại Sịa bên bờ phá Tam Giang, một đồn tại Thành Lồi bên sông Hương, lại một đồn nữa tại thành Hóa Châu. Quân lính tại các đồn vừa có nhiệm vụ bảo vệ, vừa có nhiệm vụ kinh tế khai khẩn đất hoang. Sau khi hết công tác, họ đã xin ở lại nhập tịch tại làng họ có công khai khẩn. Làng Hòa Duân ở Thuận An, làng Thủ Lễ ở thị trấn Sịa, làng Nguyệt Biều ở Huế, làng Hương Cần bên sông Bồ đều có họ Hồ xin nhập tịch mà các thủy tổ của họ đều có gốc gác là chiến sĩ đội quân Trung Nghĩa năm xưa. Hồ Minh là thủy tổ họ Hồ Nguyệt Biều và họ Hồ Hương Cần có gốc gác như vậy.

2. Đời thứ hai, ba, tư, năm: Thám, Tú, Ỷ, Quận.

3. Đời thứ sáu

Hồ Quang Đại có cha là Hồ Đình Quận, làm chức Câu Kê, người xã Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Thi Hương Cống khoa Nhâm Thìn (1652) đậu thủ khoa, được bổ vào Văn Chức Viện. Năm 1656, được trao chức Tri huyện Phú Vang. Năm 1659 được thăng làm Tri phủ Thăng Hoa (Quảng Nam). Năm 1667, lại được triệu về chính dinh làm văn chức. Năm 1669, Hồ Quang Đại được cử đi đo đạc toàn bộ đất ruộng công tư tại Đàng Trong suốt từ phủ Quảng Bình đến phủ Diên Ninh (Khánh Hòa) để lập sổ địa bạ năm 1669. Cũng năm 1669, Hồ Quang Đại được chúa cử đi duyệt tuyển dinh Thái Khương gồm hai phủ Thái Khương và Diên Ninh tức tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Tần mất, chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái lên thay. Hồ Quang Đại được cử giữ chức Thị Giảng Tri Kinh Diên. Năm 1691, chúa Nghĩa mất, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu nối ngôi, Hồ Quang Đại được tiếp tục làm Thị Giảng Tri Kinh Diên cho chúa Minh. Hai năm sau, 1693, Hồ Quang Đại đã tiến cung cháu gái Hồ Thị Được, sau là Hiếu Minh Hoàng Hậu.

Hồ Quang Đại mất, chúa Minh rất thương tiếc phong tặng Phụ Chính An Biên Phúc Đức Quốc Sư. Dân làng Hương Cần đã xây dựng miễu thờ Hồ Quang Đại trên khu đất rộng ba sào gọi là Miễu Ngài Hồ. Được tôn làm Thành Hoàng làng Hương Cần.

Bài vị thờ Hồ Quang Đại tại đình làng Hương Cần: Bổn Thổ Thành Hoàng Hồ Thiện Phước Đức Quý Công.

Bài vị thờ Hồ Quang Đại tại Miếu Ông làng Nguyệt Biều: Nhâm Thìn Niên Thí Trúng Giám Sinh Triều Nghị Đại Phu Thị Giảng Phụ Chính An Biên Phúc Đức Quốc Sư Hồ Quý Công Thần Vị.

4. Đời thứ bảy: Tài, Ân, Đôn, Tằng, Năm, Nẩm, Út, Duyên (cha Hồ Văn Mai).

5. Đời thứ tám

Hồ Văn Mai (1648-1715) là cha của Hiếu Minh Hoàng Hậu, trước làm chức Tri Bạ, tháng 11 năm 1706 làm chức Cai Đội coi đội Tả Trung Bộ. Tháng 9/1713 được thăng làm Cai Cơ coi cơ Tả Súng. Tháng 2/1715, Cai Cơ Hồ Văn Mai chết, tặng Chưởng Cơ rồi tặng Chưởng Dinh.

6. Đời thứ chín

Hồ Thị Được là Hiếu Minh Hoàng Hậu.

Tống Hồ Thụ tự Nguyên làm chức Đô Chỉ Huy Sứ kiêm Chỉ Huy Sứ Cai Đội.

7. Đời thứ mười

a. Tống Hồ Huân

Tống Hồ Huân tự Hà, còn có tên là Đổng, làm Cai Đội dinh Bình Thuận. Vợ là Công Nữ Nguyễn Phúc Ngọc Hoãn, con gái của Nội Hữu Tôn Thất Tứ (con trai thứ hai của Hiếu Minh Hoàng Hậu).

Hồ Công Diệu làm quan triều Tây Sơn Nguyễn Quang Toản chức Thượng thư Bộ Lại. Tổ bốn đời của Hồ Công Diệu là Hồ Văn Nê. Ông nội là Hồ Công Gi. Cha là Hồ Công Lữ. Hồ Công Lữ làm chức Giáo tập. Mẹ là Trần Thị Quý. Năm 1801, Thượng thư Bộ Lại Hồ Công Diệu cùng với Phụng Chính Trung thư Trần Văn Kỷ ra hàng Nguyễn Ánh. Hồ Công Diệu không bị giết vì bà con bên ngoại, còn được vua Gia Long cho lãnh chức Chánh Đốc học Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài. Đến tháng 9/1809 Hồ Công Diệu được về hưu.

b. Hồ Hữu Thẩm

Ông nội là Hồ Quang Thanh làm tri huyện. Cha là Hồ Quang Ánh làm quan chức Đô Chỉ Huy Sứ Chánh Dinh Tả Tượng Cơ. Mẹ là Võ Thị hiệu Từ Trinh.

Hồ Hữu Thẩm làm Tri Bạ Đồ Gia, năm 1819 đổi làm Biện Lý Nội Vụ Phủ quản lý phẩm vật của triều đình. Trải qua nhiều chức vụ: Hàm Lâm Viện Thị Giảng (1825), Hàn Lâm Viện Biên Tu (1831), Hồng Lô Tự Khanh kiêm Quang Lộc Tự Khanh (1825), Đại Lý Tự Thiếu Khanh (1832), thăng Hữu Thị Lang Bộ Lễ, Tả Thị Lang Bộ Lễ (1828), Tả Thị Lang Vũ Khố (1829), Thiêm Sự Bộ Hộ (1820), Án Sát Khánh Hòa, Án Sát Quảng Trị, Bố Chánh Quảng Trị (1834).

Cuộc đời làm quan của Hồ Hữu Thẩm có nhiều lúc gặp rủi ro. Như năm 1829 mới nhận lãnh Thị Lang Vũ Khố được nữa năm thì bị tội cách lưu. Lý do là vua ra thăm lễ duyệt voi tại cồn Dã Viên trước Kinh Thành. Buổi lễ đang diễn ra, bỗng nhiên con cọp bị buộc sổng dây, nhảy tới thuyền vua ngự. Quân lính giết ngay được cọp. Một lần khác (1831), Hoàng Hữu Nhẫn là nhân viên Nội Vụ Phủ gian lận vàng bạc trong kho. Thị Lang Hồ Hữu Thẩm xin giảm án tử cho đương sự. Vua Minh Mạng bắt tội phải bị về làm dân.

8. Đời thứ mười một

Tống Phước Đạm là con Tống Hồ Huân, mẹ là Công Nữ Nguyễn Phúc Ngọc Hoãn. Tống Phước Đạm là vị tướng giỏi, được phong tặng Vọng Các Công Thần. Khi chúa còn ở Vọng Các, Đạm đã vượt biên qua Vọng Các tìm gặp chúa, xin chúa về nước vì anh em Nguyễn  Nhạc-Nguyễn Huệ bất hòa. Về nước, Tống Phước Đạm được phong làm Giám Quân Trung Dinh. Chết được phong Đệ Nhất Công Thần, được thờ tại Miếu Trung Hưng Công Thần.

9. Đời thứ mười hai

Hồ Thị Ý Nhi có tổ bốn đời là Tri Phủ Hồ Quang Tuyên, cha là Thủ Lĩnh Hồ Quang Lương, mẹ là bà Nguyễn Thị Trân. Bà sinh ngày 15 tháng 11 năm Bính Tuất (1826). Bà sinh một hoàng nữ là Nguyễn Phúc Gia Phúc, con gái út của vua Thiệu Trị. Gia Phúc sinh năm Đinh Mùi (1847). Năm Quý Hợi (1863) bà hạ giá lấy Phò Mã Đô Úy Nguyễn Lâm (con trai Nguyễn Tri Phương). Bà mất năm Mậu Tí (1888). Bà có ba con trai và hai con gái.

10. Đời thứ mười ba

Quảng Vụ Thái Giám Hồ Xuyên: cha là Hồ Hữu Khâm, mẹ là Võ Thị Màng. Nguyên năm Thiệu Trị thứ hai (1842) Tăng Cang chùa Giác Hoàng là thiền sư Nhất Định rời chùa Giác Hoàng về lập am An Dưỡng ở làng Dương Xuân. Thiền sư an nhiên thị tịch ngày 7 tháng 10 năm Đinh Mùi (1847). Thiền sư Hải Thiệu-Cương Kỷ thay thế thầy hoằng hóa am này.

Năm Mậu Thân, thiền sư Cương Kỷ và các thái giám, cung giám xây dựng am An Dưỡng thành một ngôi chùa to lớn và được vua Tự Đức sắc phong ban danh cho chùa: Sắc Tứ Từ Hiếu Tự.

Năm Ất Dậu (1885) được sự trợ duyên của Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ và cung giám, thái giám, thiền sư Hải Thiệu cho trùng tu lại chùa Từ Hiếu.

Năm Giáp Ngọ (1894), chùa Từ Hiếu đã bị hư mục, nên thiền sư Cương Kỷ cho trùng tu lần thứ hai. Lần này Quảng Vụ Thái Giám Hồ Xuyên là người đứng ra lo liệu. Bia trùng tu chùa Từ Hiếu có ghi: "Tháng 8 năm Mậu Ngọ, triều Thành Thái, một cuộc trùng tu lớn lao đã được thực hiện, mở rộng điện thờ, đúc thêm hai tượng Phật, tiền đường, nhà trước, nhà sau, đình bia, cống nước, nhất nhất đều được sửa sang lại cả. Thái giám Hồ Xuyên quyên tiền trong đồ chúng, đứng ra lo trùng tu lại chùa".

11. Đời thứ mười bốn, mười lăm: Tống Hồ Hương, Tống Hồ Lương.

12. Đời thứ mười sáu

Tống Hồ Cầm (1918): cha là Tống Hồ Lương (1887), mẹ là Nguyễn Thị Sỏi (1890), vợ là bà Nguyễn Thị Hồng (1919). Có bốn trai là: Tống Hồ Thanh Kỳ, Tống Hồ Thanh Huân, Tống Hồ Thiện Chơn tức Chí Thành, và Tống Hồ Viên Nguyên. Ông là nhà báo. Năm nay (2011) mặc dù đã 93 tuổi, ông vẫn còn làm việc tại Báo Giáo Ngộ, chức vụ phó tổng biên tập.

13. Đời thứ mười bảy

a. Hồ Xuân Anh

còn có tên Hoàng Anh Tuấn (1924): cha là Hồ Xuân La hàm Thị Độc Học Sĩ, mẹ là Hoàng Thị Bân, con gái ông Hồng Lô Tự Khanh Hoàng Trọng Đàn. Thi đỗ trung học, làm việc phán sự tòa Lâm Chính Trung Kỳ (1944).

Tham gia bộ đội Giải Phóng Quân. 1945 cùng một lần với cậu ruột là nhà văn Hoàng Trọng Quỵ tác giả Pháp Việt Tân Tự Điển, sau này là thứ trưởng bộ Văn Hóa Thông Tin chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Năm 1972 Hoàng Anh Tuấn được cử làm trưởng phái đoàn quân sự của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tại hội nghị quân sự bốn bên tại trại Davis, phi trường Tân Sơn Nhất.

Sau giải phóng 1975, ông được phong hàm thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó chuyển qua ngành ngoại giao, ông được cử giữ chức đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.

Vợ là bác sĩ Lê Thị Trì, người làng Bác Vọng, Quảng Điền, Thừa Thiên. Ông có bốn gái: Hồ Thị Phước Hải, Hồ Thị Quỳnh Lương, Hồ Thị Minh Liên, người còn lại không rõ tên.

b. Hòa Thượng Thích Phước Toàn

Trụ trì chùa Vạn Đức, Quận Tân Phú, Thành Phố Hồ Chí Minh.

c. Đại Đức Thích Tâm Định

Thế tục là Hồ Xuân Trung. Ông nội là Hồ Xuân Triêm, chánh đội trưởng đội kinh tượng. Cha là Hồ Xuân Đài, pháp danh Tâm Tế, sinh năm 1942, hiện đang sinh hoạt tại gia đình phật tử chùa Dương Biểu, thành phố Huế, chức vụ Đoàn Phó Nam Phật Tử.

Đại Đức Thích Tâm Định đã du học tại Myanmar về Thiền Định Vipassana. Đang giữ các chức vụ sau:

- Ủy Viên Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Đắc Lắc, kiêm Ủy Viên Ban Hoằng Pháp.

-Phó Thường Trực đại diện Phật Giáo huyện Cưkmgar, kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp.

- Trụ Trì chùa Phổ Quang, xã Quảng Tiến, huyện Cưkmgar, tỉnh Đắc Lắc.

Đại Đức Thích Tâm Định có hai em trai đều xuất gia: Đại Đức Thích Hạnh Thường, xuất gia tại chùa Thọ Đức Huế, Sư Thích Đức Thiện đang tu học tại Thái Lan.

14. Đời thứ mười tám, mười chín:Tống Hồ Thanh Hải, Tống Hồ Quốc Tuấn.



* Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6795013