Thông tin

HIẾU LÀ LẮNG NGHE

HIẾU LÀ LẮNG NGHE

                                                                                                         

NGUYÊN CẨN

 

 

 Những bi kịch của phận làm cha mẹ 

Trong tác phẩm “Vàng trên biển đá đen”* của  Elena  Pucillo Truong, nhà văn  Ý sống và viết truyện ngắn ở Việt Nam, chúng ta thấy có hai câu chuyện buồn trong đó nói về thân phận các bậc cha mẹ. Một bà lão bị cô con dâu tiếm quyền, đối diện sự   ruồng rẫy ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bà cô đơn và bất lực. “Bị giam hãm giữa bốn bức tường, tôi như chết từng ngày, lặng lẽ ngồi cô đơn trên thành giường mà chẳng có căn phòng riêng nào để trú ẩn. Những tiếng động bên kia bức tường là của những người xa lạ, của những người hàng xóm không quen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của tôi...”. Ở một đoạn khác “… sự khiếp đảm và kinh hoàng đẩy tôi qua lại giữa những chồng gạch xây cao, như con chim bị nhốt trong lồng đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua những chấn song để tìm tự do”. (truyện Con chim nhỏ trong lồng). Ngày nọ bà thấy mình “… chẳng còn gì khác, đứa con dâu đã vứt bỏ tất cả những gì còn lại trong căn nhà, quần áo, vật dụng, cuộc đời... và sự phiền hà duy nhất mà tôi mang lại cho đứa con dâu chỉ là một bát cơm… nhưng tôi cũng chẳng còn muốn nuốt”. Cuối cùng, bà đã chọn cho mình một lối thoát:  lao mình ra ngoài cửa sổ tìm chút tự do cho riêng mình! “trên môi tôi vẫn nở một nụ cười, thật ngọt ngào để khỏi phải thét lên, sợ làm phiền người  khác” (CCNTL). Một ông bố bệnh hoạn, sống những ngày cuối đời trong căn nhà của mình, ôm di ảnh vợ tâm sự từ lúc hai vợ chồng lấy nhau: “… Sau này các con mới xuất hiện, và anh từng nghĩ là chúng sẽ lớn lên như mơ ước của chúng mình. Chỉ đến bây giờ anh mới hiểu là điều đó không bao giờ có. Dù chúng ta đã gieo những hạt mầm đúng đắn, đã cố gắng truyền đạt những giá trị quan trọng về cuộc đời, dạy chúng biết thế nào là lòng bác ái, về tình người, và tâm từ bi...”. Một đêm, ông nằm tình cờ nghe các con bàn về chuyện có nên đưa ông đi bệnh viện hay không. Ông lặng người khi nghe chúng nói: “Bác sĩ nói cần cho ổng nhập viện / Vậy là phí bao nhiêu tiền của? / Thì dùng tiền mà ổng bả để dành đó. Thế thì còn gì cho bọn mình? Một mớ tiền lẻ à? Biết đâu thằng cha già vô dụng này chưa chịu chết... và thế là hết  sạch./ Câm mồm đi - Chính mày đã bán căn nhà của ổng và còn giữ tiền… / Đứa khác thì  suy nghĩ kiểu như “Nếu đưa ổng đi nhà thương thì ai đi ăn với sếp. Thôi để ổng chết cho rồi!”.

 Anh nghe “bao nhiêu điều xấu xa nhưng giả vờ câm lặng. Nhưng vì quá đau đớn mà anh suy sụp (…) chúng đang chờ đợi và thèm nhỏ dãi đoạn kết đời anh để thừa hưởng gia tài và sau đó còn lớn tiếng rêu rao là ở kề cận cha mình cho đến phút lâm chung”. (Chút hơi ấm cuối cùng). Và ông bố này đã chọn giải pháp “tâm sự” với người vợ quá cố qua di ảnh và cũng tìm đến giải pháp như bà mẹ kia, là uống một nắm thuốc ngủ “bấy nhiêu quá đủ để trái tim già này ngưng đập”. Lúc  nhắm mắt, ông nghe thấy “Một hơi ấm ở đâu tràn tới, như thể anh đang nằm giữa vòng tay của ai. A, hiểu rồi là em, người yêu quý nhất của anh.” (CHACC). Những bi kịch ấy phải chăng Elena lấy những “nguyên mẫu” có thật trong đời hay bà hư cấu? Chúng ta tin rằng cho dù có hư cấu thì khi đọc báo hay những tin tức trên mạng, còn nhiều bi kịch ghê hơn thế! Có những đứa con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà sau khi ký xong giấy tờ nhà, chuyển quyền sở hữu, hay đưa vào trại nuôi người già… hay làm nhiều hành động táng tận lương tâm khác. Tại sao như thế?

Khi còn bé, con cái hay trách cha mẹ là không lắng nghe mình, độc tài, gia trưởng, muốn các con phải chiều theo ý mình, hạn chế tự do của chúng. Nhưng rồi khi lớn lên, con cái có bao nhiêu đứa chịu khó lắng nghe cha mẹ, để hiểu tâm tư họ, liệu có ai đi làm về ngồi lại, dành ít phút tâm sự với cha mẹ, hay chỉ lo công việc sự vụ, và lo cho gia đình nhỏ của mình? Nuôi cha mẹ không phải chỉ cho họ ăn mặc là đủ. Họ rất cô đơn, cảm giác bất lực, bệnh hoạn, già yếu, như người thừa trong gia đình tạo nên mặc cảm trong tâm thức khiến họ sợ làm khổ con cháu…

Bài học không biết nghe ấy đã có từ nghìn xưa chúng ta  trong sự tích về vua A Xà Thế. 

Chuyện kể rằng vua Tần Bà Sa La  và hoàng hậu đã nuôi Thái tử A Xà Thế hết lòng. Lúc thái tử còn bé, một hôm, mọc cái nhọt ở ngón tay, mưng mủ rất đau nhức, khóc suốt ngày đêm. Vua  đã ngậm ngón tay con vào miệng cho dịu ấm làm giảm đau, và để mủ sớm chín muồi cho ngón tay chóng lành. Suốt mấy ngày đêm ngậm như vậy thì cái nhọt vỡ mủ. Rút ngón tay ra thì sợ con đau, nên vua vẫn ngậm và nuốt luôn cả máu mủ.

Sau này, Thái tử A Xà Thế lớn lên, một đêm mang gươm vào cung cấm định giết vua cha để làm vua sớm hơn. Âm mưu bị phát giác, lính đến bắt thái tử cùng với thanh kiếm tịch thu được trình lên vua. Vua cho mời hai vị quan lớn thân tín đến để hội ý. Cuối cùng, vua tha tội chết, lại ban chiếu mười ngày sau đó Thái tử A Xà Thế sẽ đăng quang. Dù biết được vụ hành thích này là do tôn giả Đề Bà Đạt Đa bày mưu cho thái tử, nhưng vua cũng tha tội chết cho tôn giả để mong tất cả học được bài học từ bi. Nhưng ngay sau đó, khi lên ngôi, Thái tử liền giam cha mình và hai vị quan thân tín vào ngục. Tàn nhẫn hơn nữa, A Xà Thế cho người vào gọt da chân vua cha rồi trét muối, hơ lửa cho đến chết trong quằn quại, đau thương. Khi cái chết đang dần hành hạ vua cha trong ngục tối, đúng ngay lúc ấy đứa con đầu lòng của vua A Xà Thế chào đời, ông vội vàng chạy đi tìm mẹ để tâm sự. Ông nói: “Thưa mẹ hiền, con vừa được tin hoàng nhi chào đời, trong lòng con giờ đây trào dâng niềm thương yêu vô hạn, một niềm cảm xúc dạt dào xưa nay con chưa từng biết đến. Dạ thưa mẹ, ngay bây giờ con yêu hoàng nhi hơn chính bản thân con, không biết ngày xưa phụ hoàng có yêu con như vậy hay không?”.

Nghe đến đây, mẫu hậu Vi Đề Hy nghẹn ngào: “Sao con hỏi mẹ điều ấy? Mẹ dám chắc trên cõi đời này không ai giàu lòng nhân ái như cha con khi còn tại vị. Cha con lúc vừa nghe tin mẹ có thai, đã vui mừng tột độ, dẫn đến quên ăn mất ngủ để chăm sóc cho mẹ. Rồi mẹ bỗng dưng thèm máu của cha con mà không dám nói ra vì sợ Ngài buồn. Thấy mẹ càng ngày càng xanh xao, gầy yếu, cha con tìm cách an ủi, vỗ về. Mẹ mới thú thật cùng cha con như vậy.

Cha con liền trách sao mẹ không nói sớm để đến nỗi thế này. Nói xong, cha liền cắt tay cho mẹ nếm máu, kể từ đó mẹ ăn uống lại bình thường. Do điềm ấy mà các nhà tiên tri phỏng đoán con sau này có thể giết cha để cướp ngôi vua, nên mới đặt tên cho con là A Xà Thế, tức “kẻ thù trong bào thai”.

Nghe đến đây, mẹ vô cùng sợ hãi nên định phá thai nhưng cha con không chịu, và con chào đời trong niềm vui mừng vô hạn của cha con, mẹ thì trong lòng lo lắng vô cùng, vì sợ điềm ấy sẽ trở thành sự thật”.

Vua A Xà Thế nghe đến đây trong lòng cảm thấy nghẹn ngào xúc động, hai hàng nước mắt tuôn trào trong khóe mắt, ông ngồi đơ người ra như kẻ mất hồn.

Hoàng hậu Vi Đề Hy mới kể tiếp: Con biết không, thuở nhỏ có lần con bị mụn nhọt nơi ngón tay đau đớn không chịu nổi, con gào thét rất nhiều khiến cho vua cha động lòng chịu không nổi. Rồi bà kể chuyện như trên…

Nghe đến đây, vua A Xà Thế liền hoảng hốt kêu la thất thanh: “Mau thả cha ta ra!”. Vua A Xà Thế miệng la, chân chạy như kẻ mất hồn để tìm đến ngục tối, nhưng khi đến nơi vua Tần Bà Sa La đã chết từ lâu rồi.

Theo HT. Thích Giác Viên** thì vì “quá hối hận cho việc giết cha, lại hợp sức với tôn giả Đề Bà Đạt Đa trong việc phá hòa hợp tăng nên vua A Xà Thế lâm bệnh nặng. Ngự y Kỳ Bà cũng như các đạo sĩ Bà la môn nổi tiếng được mời đến chữa trị, tham vấn đều không hiệu quả. Dịp này, vua thường tâm sự nhiều riêng tư với ngự y Kỳ Bà, ngự y đã biết rõ nguyên nhân gốc của bệnh nhưng vẫn im lặng. Khi vua hỏi: “Sao khanh không nói gì hết?”. Kỳ Bà đáp: “Tâu bệ hạ, thần chỉ muốn nói cái điều khi mà bệ hạ thấy cần nghe. Theo thần, bệ hạ nên đến thăm Phật. Ban đầu vua ngần ngại vì ông đã nhiều lần hại Phật, sợ Phật báo thù nhưng được cận thần trấn an và ca tụng đức hạnh Phật, nên vua an tâm đi đến, và ngay hôm đó, vua hỏi Phật: “Bạch sa môn, đi tu có lợi gì mà đông đảo người đi theo đến vậy?”. Nhân đó, Đức Phật giảng kinh Sa Môn Quả, tức là hoa trái của sự thực tập chánh pháp, nương tựa Tam bảo. Hoa trái đầu tiên là dù một người tự thân làm tôi đòi ngày đêm cho chủ, mà nếu phát tâm đi tu, thì vị ấy trở thành tu sĩ như bao nhiêu tu sĩ khác. Pháp luật không cho phép bắt vị ấy bỏ tu để làm tôi đòi trở lại, lại được cúng dường đủ các điều kiện tu học. Nghe vậy, vua rất tâm đắc và đồng tình thực hiện hoàn toàn. Phật từ từ giảng tiếp về vị tu sĩ sẽ tu tập giới luật, sống hạnh tri túc, nên rất thảnh thơi an lạc. Cứ như thế, vị tu sĩ tu tập các pháp môn khác một cách sâu sắc hơn, đến lúc được giải thoát khỏi sự trói buộc của mọi phiền não trong và ngoài bản thân, sống đời sống tự do thanh thản nên có khả năng giúp nhiều người thực tập và đạt kết quả... Khi còn  trong ngục, vua Tần Bà Sa La luôn hướng cái nhìn về núi Thứu, một lòng tu tập. Vua cha Tần Bà Sa La và vua con là A Xà Thế đều được gặp chánh pháp, tu tập, chuyển hóa có an lạc hạnh phúc. Một cái chết từ bi có công năng chuyển hóa nhiệm mầu.

Nếu ngay từ đầu, A Xà Thế nghe người mẹ kể chuyện vua cha chắc ngài cũng không trở thành tàn ác đến vậy! Tiếc thay, do không  biết lắng nghe mà lại nghe Đề Bà Đạt Đa nên ngài đi theo con đường sai trái, phá hoại tăng đoàn, giết chết vua cha, ám sát Đức Phật…

Nghe làm sao? Nghe theo cách nào?

Theo Krisnamurti có bốn điều kiện nghe: Nghe trong tĩnh lặng; nghe không qua mạng che; nghe vượt qua ngôn từ; nghe không tư tưởng; nghe tạo nên tự do; và nghe không cố gắng.

Ông nói về việc nghe không qua mạng che: “Bạn nghe cách nào đây? Phải chăng bạn nghe thông qua chính những dự phóng tham lam, dục vọng, sợ hãi, âu lo của mình, phải chăng bạn chỉ nghe điều bạn muốn nghe, điều làm bạn hài lòng, thỏa dạ, thấy dễ chịu, tạm thời xoa dịu khổ đau?... Nếu bạn chỉ nghe theo dục vọng của mình, rõ ràng bạn chỉ nghe theo tiếng nói của bạn, bạn chỉ nghe theo tiếng nói dục vọng của mình…”. Hay nghe vượt qua ngôn từ, không tư tưởng là “Khi bạn nhìn một đóa hoa, hãy cứ nhìn, đừng gọi tên, đừng phân loại, đừng bảo nó thuộc loài nào, giống nào – làm thế là bạn không còn nhìn hoa nữa. Vì vậy, tôi mới nói, nghe là vụ việc khó khăn bậc nhất, nghe người cộng sản, đảng viên xã hội, vị dân biểu, nhà tư bản, bất kỳ người nào, vợ bạn, con bạn, người hàng xóm, người lái xe buýt, tiếng chim – chỉ nghe một cách đơn giản thôi – chỉ khi bạn nghe mà không kèm theo ý tưởng, tư tưởng, niệm tưởng, bạn mới tiếp cận trực tiếp và có tiếp cận bạn mới hiểu điều người ấy nói là thực hay giả, đúng hay sai, bạn không cần phải thảo luận.

Chúng ta phải tập tánh nghe từ ngay trong chính mình. Tóm lại, xã hội chúng ta đang không biết lắng nghe. Chúng  ta phóng tâm theo những chuyện bên ngoài nhiều quá, không lắng nghe quanh mình còn bao nhiêu tiếng thở than, bao nhiêu nỗi băn khoăn, bao nhiêu oan khuất, bao nhiêu trăn trở. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta về nhà hỏi han cha mẹ một lời, nghe các cụ tâm sự về nỗi đời riêng cần chia sẻ. Phần đông chúng ta sống thờ ơ, hững hờ. Còn đó những bức xúc không được giãi bày, giải quyết, những buồn phiền chất chồng, để rồi đưa đến những cái chết vì tự tử do bế tắc, không thấy sự chia sẻ, đánh mất niềm tin vào công lý hay thiện tâm của con người khi không tìm ra lối thoát.

Lòng từ bi cần phải lắng nghe

Trong bài viết năm ngoái, chúng tôi đã đề cập đến chữ hiếu - chính là lòng từ bi. Khi chúng ta yêu thương, lân mẫn hoàn cảnh ai đó, tình yêu thương đòi hỏi phải có sự cảm thông hai chiều, gọi là tương thông, tương dung, nghĩa là cùng nhau chia sẻ và nâng cao tâm hồn nhau lên. Đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng được đề cập trong Lục Độ Tập Kinh, hiếu đâu phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của trăm hạnh.

Như vậy, bản chất của Hiếu là Từ bi, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất như Hiếu Kinh mà còn phải đánh thức vô lượng tâm trong cha mẹ nếu như ta không may làm con những người thiếu đức. Cha mẹ có bổn phận tuyệt đối với con cái và con cái đối với cha mẹ cũng vậy.

Đức Phật luôn luôn giáo dục cảnh giác mọi người không nên chỉ vì lý do phụng dưỡng cha mẹ mà tác tạo các nghiệp phi pháp, bất chánh, tổn hại mình và người.

Ai hiếu dưỡng cha mẹ,

Kính trọng bậc gia trưởng

Nói những lời nhu hòa,

Từ bỏ lời hai lưỡi,

Chế ngự lòng gian tham,

Là một người chân thực.

(Kinh Tăng chi bộ)

Tác dụng của từ bi là vô lượng. Cho nên Kỳ Bà chờ cơ hội tốt nhất để giúp A Xà Thế, thể hiện lòng thương kính của một người dân, của một thầy thuốc có lương tâm lên vua của nước mình, bằng lời chân thực từ tuệ giác rằng “Phật là y vương không ai sánh được”. Cái thương, cái tuệ giác là một loại chân ngôn có khả năng diệt trừ tất cả mọi khổ nạn, nên vua hoan hỷ nhận lời và kết quả tốt đẹp như đã nói trên. Lại nữa, được tưới tẩm thêm bằng sữa chánh pháp, bệnh nặng cũng lành, làm sao trong lòng vua không thấy rõ mối thâm tình cha con mà vua cha đã truyền trao lại cho mình. Vua đã hủy bỏ hai cuộc chiến là nhờ nghe lời can ngăn bằng giáo pháp từ Phật và từ ngự y Kỳ Bà. Một khi giáo pháp đã thấm nhuần vào lòng quân vương là lúc dừng lại máu đổ xương rơi, cùng với bao hệ luỵ khôn lường khác nữa của chiến tranh, của tham vọng hận thù.

 Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: “Không chỉ người trẻ, mà ngay cả người lớn cũng phải biết “lắng nghe”, “nhìn lại”. Cuộc sống hôm nay, người ta quá bận rộn, không có thời gian để nhìn nhận đúng sai mọi việc. Tu thiền giúp con người ta nhìn sâu, nghe rõ, hiểu biết mọi việc, để chấp nhận, tha thứ và nuôi dưỡng yêu thương. Bố mẹ hiểu con không đúng, thì sẽ làm khổ con cái, làm người trẻ mất phương hướng... Vì thế, bố mẹ cũng phải “nhìn lại” mình, biết “lắng nghe” để hiểu sâu con cái, có như thế mới tạo nên hạnh phúc gia đình, mới có sự yên bình trong cuộc sống”. (Pháp thoại với Thiền sư ở chùa Bằng - Hà Nội, đầu tháng 5.2008. Báo Lao Động).

Nghĩa là chúng ta phải lắng nghe sự thật dù nó có khó nghe, chướng tai thế nào đi nữa. Người trên kẻ dưới đều cư xử với nhau bằng sự chân thật. “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” là châm ngôn mà Thiền sư Nhất Hạnh từng lấy làm tôn chỉ khi giảng dạy môn đồ, không chỉ ở Làng Mai.

Hãy tập lắng nghe để chia sẻ, cuộc sống sẽ bớt đi nhiều nỗi cô đơn và sầu khổ do ngộ nhận, biên kiến, định kiến và tà kiến, giúp chuyển hóa bạo lực trong gia đình, học đường và cả xã  hội, thành tình yêu thương và sự cảm thông. Từ đó, chúng ta sẽ  nhìn cho đúng, nuôi dưỡng chánh kiến và chánh tư duy. Đó là phép lạ của tâm từ bi. Mong thay!


Ghi chú

(*) Nguyên tác tiếng Ý: L’ORO TRA LE PIETRE NERE – bản dịch do nhà văn  Trương Văn Dân chuyển ngữ - NXB Tổng hợp TPHCM - 2018

(**) Thích Giác Viên: Để cùng nuôi lớn tình thâm http:// www. plumvillage.org

(***) Krisnamurti: Sống thiền  365 ngày – Bản dịch Đào Hữu Nghĩa – NXB Thời đại - 2010

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6472228