Thông tin

HIỂU NHÂN QUẢ ĐỂ CHUYỂN ĐỔI HÀNH VI

HIỂU NHÂN QUẢ ĐỂ CHUYỂN ĐỔI HÀNH VI

                                                         

NHUẬN NGHI

 


 

1. Nhân quả và tái sinh, là một triết lý cơ bản của đạo Phật, Đức Phật Thích ca Mâu ni đã nối tiếp triết lý này trong đời sống tâm linh của xã hội đương thời và Ngài đã diễn giải sâu sắc có sức thuyết phục mọi người, mọi thời đại và hiện tại. Phật tử đến chùa nghe thuyết pháp hoặc nghe nhìn qua máy điện tử đều có thể hiểu về triết lý nhân quả. Am hiểu nhân quả và tái sinh trong vòng luân hồi truyền qua nhiều kiếp để tự điều chỉnh hành vi, nâng tầm phúc đức của cuộc sống hiện tại và kiếp vị lai. Từ biết đến thấu hiểu và tu tập, thực hành theo triết lý nhân quả phụ thuộc vào mỗi con người, không ai làm thay ai trong luân hồi sinh tử.

Mỗi một tác ý dẫn tới hành vi cụ thể tạo ra nghiệp, nghiệp báo về sau có cái nhãn tiền (thấy ngay trước mắt) trong sinh hoạt hàng ngày, như kẻ trộm bị chê trách, bị xử phạt, bị bắt tù… có lúc liền sau hành vi sai phạm của hắn. Luật thế gian rất cụ thể để đảm bảo xã hội hoạt động và tiến triển không ngừng. Nhưng rất nhiều hành vi xấu, rất tệ của kẻ ác không bị trừng phạt làm như luật nhân quả không linh nghiệm, người làm ác vẫn lao vào cuộc sống tội lỗi, làm bật lên nhận thức kẻ mạnh, người khôn ngoan làm chủ cuộc đời mình, chết là hết, sống trên luật thế gian và hưởng thụ theo ý muốn của mình.

Tái sinh trong luân hồi nhiều kiếp là triết lý của đạo Phật và nhiều đạo khác như đạo Hindu. Triết lý này giải trình những hiện tượng kiểu như bất công trong xã hội đương thời. Vì sao không ai chọn bố mẹ cho mình, ra đời người thừa hưởng gia sản giàu sang từ gia đình, người đói khổ thiếu kém từ lúc chào đời, người bệnh tật bẩm sinh; trí tuệ thông minh được sinh thành riêng có, có bậc thiên tài, có người ngu dốt lại phụ thuộc rất ít gia cảnh… Có tái sinh hay không? Rất khó chứng minh, các vị Lạt-ma Tây Tạng minh chứng rất cụ thể, cá biệt có người nhớ được kiếp quá khứ của mình… song tất cả các trường hợp minh chứng không phổ biến nên tái sinh vẫn là ẩn số của thực nghiệm.

Chúng ta học Phật, nghe các câu chuyện Đức Phật thuyết giảng về kiếp quá khứ của từng người khi thỉnh ý của Ngài. Đặc biệt là các câu chuyện liên quan đến các kiếp quá khứ của chính Đức Phật, có câu chuyện qua nhiều tầng nấc, nhiều nhân duyên cụ thể, rất thứ lớp, rất hợp lý, minh chứng cụ thể về luật nhân quả, về khía cạnh cụ thể nào đó trong giáo lý của Ngài. Độc giả khó hoặc không thể hoài nghi các tình tiết, tiểu tiết nêu ra trong câu chuyện của Ngài, qua đó thuyết phục về tái sinh một cách cảm nhận chân lý, không thể thực nghiệm.

Lịch sử Phật giáo chỉ ra rằng: Đức Phật thiền định 49 ngày đêm và đã giác ngộ; đạt túc mạng minh tức đã nhìn thấu các kiếp quá khứ từ trước đến kiếp lâu xa, thấy quá trình tu tập, thấy hành vi đúng truyền thừa, hành vi sai được sám hối khắc phục, nên kiếp người của Phật là kiếp cuối cùng, Ngài đã nhập niết bàn, không còn tái sinh nữa; đạt thiên nhãn minh nên Ngài thấy rõ luân hồi các kiếp, thấy diễn tiến vị lai của mọi người… thật là kỳ diệu về trí huệ của Phật. Nhiều vị la hán, đại sư thiền định đạt được các thần thông này.

2. Thuyết nhân quả để uốn nắn hành vi, hướng thiện, là mục tiêu nhiệm vụ của quý sư thầy và học giả Phật giáo. Đây là phần nhân sinh của giáo lý Phật giáo, thuyết phục mọi người hướng thiện bằng thuyết giảng thấu đáo triết lý nhân quả là vấn đề thực tế sinh động. Để thấu hiểu nhân quả phải gắn với thuyết tái sinh, luân hồi; không thấu hiểu và tin tưởng về tái sinh, thuyết nhân quả khó minh chứng, đó là phương pháp thuyết phục người học Phật.

Ở Đức Phật, Ngài nói thẳng lẽ nhân duyên, làm người đến thỉnh ý hoặc chất vấn Ngài tỉnh ngộ ngay và thấu suốt lẽ tu hành để đắp dầy công quả hoặc để giác ngộ thành Phật. Đó là bước khởi đầu, chỉ khi nhìn nhận có tái sinh, có luân hồi, người học Phật mới thấy điều cao siêu và cách sống của các tăng ni và các cư sĩ hết lòng tu tập.

Bước tiếp theo của người học Phật là suy ngẫm chính hành vi bản thân mình, mang đối chiếu với luật nhân quả. Chúng ta thành đạt vì đã dày công học hành và rèn luyện từ chuyên môn nghề nghiệp đến ứng xử trong quan hệ xã hội; hành động nào nghiêm chỉnh thường có kết quả hợp lý, rõ ràng từ nguyên nhân cụ thể và có kết quả tương ứng. Song, còn quá nhiều hoạt động, nỗ lực chính đáng nhưng kết quả không đạt, tức thất bại; chính những thất bại này lại có thể dẫn tới suy nghiệm rằng: con người có số mạng và khoa tử vi ra đời để đáp ứng sự ưu tư chờ đợi của mỗi người. Người con Phật suy nghĩ khác: có do nguyên nhân từ kiếp trước, nên kiếp này ta bị nghiệp báo ác nên không thành công… Đây không phải để xoa dịu sự bất thành mà là một hướng suy nghĩ thoát tục, tìm đến tận cùng. Đức Phật Thích Ca bỏ cả sự nghiệp làm vua để tu luyện, để giải đáp “sinh, già, bệnh, chết”, để tìm thấy con đường “bát chánh đạo”, để giải thoát khỏi kiếp luân hồi... Đức Phật đã truyền dạy các triết lý từ nhân sinh đến tâm linh huyền bí, sâu sắc; và Ngài chỉ là người dẫn đường, tu hành là nỗ lực chính yếu của bản  thân mỗi người.

Chúng ta chưa nhìn thấy được kiếp quá khứ của mình vì chưa đạt thần thông “túc mạng minh”, song rút từ các câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật và các chuyện liên quan được Đức Phật và các vị cao tăng truyền dạy, đã có thể hiểu thấu luật nhân quả, kiếp luân hồi luôn lưu giữ các nghiệp thiện ác của mọi sinh linh. Những học thuyết thế gian như “chống bất công”, “trường sinh bất tử”, “cầu thần linh, thượng đế về cõi thiên đàng”, “cầu về cõi cực lạc”… tuy có giá trị nhất định nào đó, song đều không giải đáp được nhu cầu giải thoát tận cùng. Tu dưỡng theo luật nhân quả để uốn nắn hành vi, sám hối nghiệp ác, không làm điều ác, luôn làm điều thiện tạo quả phúc cho kiếp hiện tại và vị lai; điều này vừa thiết thực cho đời sống chính mình và xã hội đương thời, chuẩn bị và tu hành tích cực ngay bây giờ và liên tục trong nhiều kiếp để đạt cõi niết bàn.

Trên thực tế cuộc sống xã hội, có con người làm điều ác ghê gớm, họ không sợ luật pháp thế gian, tù tội, thậm chí tử hình. Nếu họ hiểu được rằng, tái sinh và quả báo bất thiện đó phải đền trả ở nhiều kiếp lai sinh thì hành vi ác đó có thể giảm dần hoặc dừng hẳn; thậm chí chuyển tích cực sang tu hành chánh pháp. Câu chuyện Đức Phật và tướng cướp Angulimala là một điển hình về chuyển nghiệp từ ác sang thiện: Angulimala vốn là một người thông minh, học giỏi, bị dèm pha và thầy giáo buộc ông nộp 1.000 ngón tay; ông đã giết người và thu thập 999 ngón tay, ông không thể đuổi theo Phật để hoàn thành ác nghiệp 1.000 ngón tay của mình; “Này Tu sĩ, hãy dừng chân”, Đức Phật nói bằng giọng từ tốn, “Mặc dù ta đang đi, nhưng ta đã dừng chân. Còn nhà ngươi đã dừng chân hay chưa?”; tên cướp dần dần hiểu ra, quy phục và đã được truyền giới, tu đạt được chánh quả.

Sức mạnh từ chân lý đến chúng ta nhiều lượt rất bất chợt và đơn giản, khi ai cũng lý giải rất tự nhiên về cặp phạm trù “nguyên nhân - kết quả”, nhưng thấu hiểu và tác dụng luật “nhân - quả” của nhà Phật lại cao siêu và thiết thực, góp phần định hướng hành vi đạo đức trong đời sống mỗi người và xã hội đương đại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6946736