Thông tin

HÌNH TƯỢNG PHẬT ĐẢN SINH TRONG KINH SÁCH NHÀ PHẬT

VÀ TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT BẮC BỘ

 

BÙI THẾ CƯƠNG (PHÚC KIM)

 


 

Cách đây hai nghìn sáu trăm bốn mươi tư năm, vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền bắc Ấn Độ xuất hiện một sự kiện vĩ đại làm rung chuyển cõi Nhân Thiên. Đó chính là sự kiện Bồ Tát Hộ Minh từ cung Trời Đâu Suất đản sinh xuống trần gian qua hình hài Thái tử Tất Đạt Đa, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia.

Vui thay Đức Phật ra đời,

Vui thay Giáo Pháp giảng lời sâu xa.

Vui thay hòa hợp Tăng-già,

Lành thay tứ chúng vui mà đồng tu.

Nhân sự kiện hy hữu này, những người con Phật trên toàn thế giới hằng năm lấy ngày trăng tròn tháng tư âm lịch làm ngày Phật đản, hay còn gọi là Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là kỷ niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày Ngài nhập Niết Bàn. Mục đích chính là tôn vinh giá trị những giáo lý do Ngài mang đến cho chúng sinh cõi Sa Bà. Vì vậy, cứ mỗi lần Phật đản trở về, những người con Phật có dịp ôn lại những lời Phật dạy để ứng dụng vào cuộc sống và nhắc nhở cho toàn nhân loại về những giá trị ấy với mong muốn góp phần làm tăng trưởng các phẩm chất tốt đẹp của con người, giảm thiểu những khổ đau mà con người đang gặp phải.

Hình ảnh cuộc đời Đức Thế Tôn đã hiện hữu trong cuộc đời này để thức tỉnh nhân loại. Đạo Pháp đã đi vào đời, vào trái tim của chúng sinh. Mỗi chúng sinh tùy theo căn cơ mà có thể thấy Phật thị hiện dưới những hình tướng khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là tâm cung kính, tâm biết ơn Ngài bởi Ngài là Bậc Vô Thượng Sỹ, Thiên Nhân Sư. Chúng con giới thiệu chuyên đề hình tượng Phật đản sinh trong Kinh sách nhà Phật và trong văn hóa dân gian người Việt Bắc Bộ để thấy được những giá trị của giáo lý Đức Phật tồn tại, hiện hữu qua nhiều thế kỷ trong đời sống nhân dân Việt Nam.

Hình tượng Phật đản sinh trong Kinh Sách nhà Phật

Thuyết “Tám tướng thành đạo” theo Đại thừa là: Đâu Suất giáng thần, Nhập thai, Trụ thai, Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo, Chuyển Pháp Luân và Nhập Niết Bàn. Có vài điểm mà theo quan niệm thế gian, người ta cho là xa với thực tế. Nhưng theo quan niệm Phật giáo thì các pháp đều như huyễn, huyễn pháp tùy theo nghiệp duyên thiện ác mà biến hiện không lường, huống nữa với Thái tử Tất Đạt Đa, một vị Bồ Tát đã từng nhiều kiếp tu chứng Lục độ vạn hạnh. Vậy không nên đem tâm tư thế gian mà đoán định.

Theo các kinh Trung Hoa phiên dịch, thời gian Phật đản sinh nhằm ngày mùng tám tháng tư:

今朝正是四月八 Kim triêu chính thị tứ nguyệt bát

淨飯王宮生悉達 Tịnh Phạn vương cung sinh Tất Đạt

Nhưng gần đây, quyết nghị của Hội Phật giáo thế giới xin các nước Phật giáo lấy ngày 15 tháng 4 âm lịch làm ngày kỷ niệm Phật đản. Lại, theo quyết nghị chung, Phật giáo thế giới năm 1952 đã đồng ý lấy năm Đức Phật niết bàn, tức là 544 năm trước kỷ nguyên, làm năm kỷ niệm “Phật lịch” thống nhất của Phật giáo. Thế thì Ðức Thích Tôn giáng sinh vào khoảng thời gian 624 - 544 năm trước Tây lịch.

Bồ Tát giáng thần

Hộ Minh Bồ Tát từ nơi Pháp hội của Đức Ca Diếp Thế Tôn, giữ gìn cấm giới, phạm hạnh trong sạch, sau khi mệnh chung, chính niệm sinh lên cõi Đâu Suất Đà Thiên. Sau khi vãng sinh, Bồ Tát trụ nơi nội viện thiên cung. Các cung điện ở cõi Đâu Suất ánh sáng huy hoàng, sự trang nghiêm tốt đẹp vô lượng vô biên. Đó đều do sức công đức uy thần của Hộ Minh đại sĩ mà tự nhiên hóa hiện. Các Đại Phạm Thiên Vương và hàng A Tu La uy đức lớn, đều vân tập nơi cung trời Đâu Suất, vây quanh Bồ Tát, thưa thỉnh Pháp âm. Vô lượng chúng sinh khi sinh lên cõi Đâu Suất, thấy sự vui ngũ dục nhiệm mầu, phần nhiều đều mê nhiễm, không nhớ bản nguyện và hạnh tu đời trước. Bồ Tát tuy thấy cảnh ngũ dục thắng diệu, song vẫn không mê hoặc, lại nhớ đến nhân duyên của mình vì dẫn dạy chúng sinh nên mới ứng hiện nơi cõi này. Thọ mệnh của chư Thiên cõi Đâu Suất đến bốn nghìn năm. Bồ Tát vì hàng chư Thiên ấy thuyết pháp giáo hóa, chỉ rõ pháp tướng, khiến cho đại chúng đều hoan hỷ.

Khi vận kỳ gần đến, sắp phải giáng sinh thành Phật, Bồ Tát quán sát năm việc:

1. Căn duyên của chúng sinh đã thuần thục hay chưa?

2. Đã đến thời kỳ hóa độ chưa?

3. Trong châu Diêm Phù Đề, quốc độ nào ở chính giữa?

4. Trong các chủng tộc, tộc tính nào quý thịnh?

5. Về nhân duyên quá khứ, ai là bậc chân chính, đáng làm cha mẹ mình?

Sau khi quán sát năm việc ấy xong, Ngài biết rõ: Hiện nay các chúng sinh do mình giáo hóa từ khi mới phát tâm, thiện căn đã thuần thục. Đã đến thời kỳ những kẻ hữu duyên có thể lĩnh thụ pháp mầu thanh tịnh. Trong cõi Đại thiên thế giới này, nước Ca Tỳ La Vệ ở giữa châu Diêm Phù Đề. Trong các chủng tộc, có họ Thích Ca thuộc dòng Cam Giá là quý thịnh nhất. Về nhân duyên quá khứ, Bạch Tịnh Vương và Ma Gia hoàng hậu là bậc hiền lương chân chính, có thể làm cha mẹ mình. Theo Kinh Phạm Võng: “Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni, từ lúc sơ khởi hiện thân nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, rồi qua phương Đông đến tại cung của Thiên Vương, diễn nói kinh Ma Thọ Hóa. Sau đó, Ngài giáng sinh nơi cõi Nam Diêm Phù Đề tại nước Ca Tỳ La, Vua Bạch Tịnh là thân phụ, và Hoàng hậu Ma Gia là sinh mẫu, nhũ danh của Ngài là Tất Đạt Đa. Xuất gia bảy năm, ba mươi tuổi thành đạo hiệu Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ Bảo Tòa Kim Cương Hoa Quang nơi đạo tràng Tịch Diệt nhẫn đến nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương, trong mười nơi ấy đức Phật tuần tự ngự đến thuyết pháp. Lúc đó nhân khi xem bảo tràng mành lưới của Đại Phạm Thiên Vương, Đức Phật vì đại chúng mà giảng Kinh Phạm Võng”.

Bồ Tát nhập thai

Bấy giờ, Hộ Minh Bồ Tát xem xét con bạch tượng ở cõi Trời, thấy nó mạnh mẽ vững vàng như sư tử chúa; cưỡi tượng vương này giáng sinh, tất không còn có sự rối loạn sợ hãi, tâm được an điềm. Ngài day lại bảo Chư Thiên rằng: “Các vị nên biết, đã đến giờ ta giáng sinh. Đây là lần thụ thân sau rốt của ta”.

Khi ấy, nơi thành Ca Tỳ La, Ma Gia hoàng hậu trong giấc mơ, thấy có một vị Bồ Tát cưỡi con bạch tượng sáu ngà, đầu voi ửng sắc đỏ, ngà trang nghiêm bằng vàng, từ hư không đi xuống, chui vào hông bên hữu của mình.

Bồ Tát trụ thai

Có những chúng sinh, khi nhập thai không thể chính niệm; hoặc khi nhập thai chính niệm, khi trụ thai không thể chính niệm, hoặc khi nhập thai, trụ thai đều chính niệm, khi xuất thai không thể chính niệm. Lại các chúng sinh khác, khi trụ thai hoặc có lúc ở bên trái, có lúc ở bên mặt, làm cho người mẹ chịu rất nhiều sự nhọc nhằn đau đớn. Bồ Tát khi trụ thai thường ở bên mặt, không di động, không làm tổn đến người mẹ. Các chúng sinh khác, khi trụ thai tất bị nhiễm các thứ không sạch trong thân người mẹ. Bồ Tát khi trụ thai, không có sự kinh sợ, không bị nhiễm chất dơ, ví như bình báu lưu ly được áo trời gói kín, dù đem để chỗ dơ cũng không bị ô nhiễm. Các chúng sinh khác khi trụ thai, người mẹ thường chịu sự nặng nề, nhọc mệt, thân thể không an. Bồ Tát khi trụ thai, người mẹ thân không mỏi mệt, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ đều được an vui. Các chúng sinh khác khi trụ thai, người mẹ hoặc làm những tạp hạnh, hoặc dục tâm hừng thịnh, hoặc thèm các mùi vị, hoặc tham lam bỏn xẻn, hoặc giận hờn độc ác, hoặc thân thể suy yếu, vàng vọt gầy gò. Bồ Tát khi trụ thai, người mẹ ưa giữ giới hạnh, không có lòng dục nhiễm, không tham đắm các mùi vị, ưa bố thí, hằng thương xót không làm tổn hại mọi loài, thân thể mạnh khỏe, dung sắc tươi vui. Trên đây là những pháp vị tằng hữu của hàng Bồ Tát.

Bồ Tát đản sinh

Hoàng hậu Ma Gia mang thai đã gần đủ ngày tháng (bấy giờ bà đã 45 tuổi). Khi ấy, Thiện Giác trưởng giả (A Nâu Thích Ca) sai sứ qua thành Ca Tỳ La tâu với Tịnh Phạn Vương, xin y theo cổ tục đem con gái về quê ngoại là xứ Câu Lợi an dưỡng để chờ ngày sinh. Tịnh Phạn Vương y lời, sai quan Hữu Tư sửa sang con đường từ thành Ca Tỳ La đến thành Đề Bà Đà Ha (Thiên Tý thành) cho bằng phẳng, trừ bỏ gai góc, sạn đá, quét dọn sạch sẽ. Vua lại bảo quan quân thể nữ sắp đặt xe báu, rải hương hoa, tấu các thứ âm nhạc, đưa Ma Gia phu nhân về quê.

Trên quãng đường về, hoàng hậu ghé vào vườn Lâm Tỳ Ni để thưởng ngoạn mùa hoa đang nở. Trong vườn có cây Vô Ưu tàn che rộng rãi, cành rủ thấp bốn bề, hoa lá chen nhau, sắc xanh tím cùng chói dưới ánh triều dương, lộ vẻ muôn phần xinh đẹp. Hoa của loại cây này có mùi hương thanh nhẹ, bay lan theo làn gió thoảng, làm cho người thần trí vui tươi. Hoàng hậu dạo xem khắp nơi, rồi lần chậm rãi bước đến cội Vô Ưu, ngước mắt nhìn lên, đưa cánh tay phải từ từ vịn cành cây xuống. Khi ấy, ánh sáng rực rỡ bốn bề, cõi đất rung động sáu cách, Ma Gia phu nhân đã đản sinh ra Bồ Tát. Bấy giờ, Trời Đế Thích đem hoa sen rải theo lối đi. Bồ Tát chân đạp hoa sen, nhẹ đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, xướng lên rằng: “Đây là thân sau rốt của ta. Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý hơn cả”. Lúc đó, trên hư không, Long Vương phun hai thứ nước: ấm và mát, để tắm gội cho Bồ Tát.

噴水九龍天外來 Phún thủy cửu long thiên ngoại lai

捧足蓮花隨地發 Bỗng túc liên hoa tùng địa phát

Trong sách Thủy Lục chư khoa có viết: 天垂寶蓋 地湧金蓮 “Thiên thùy bảo cái, Địa dũng kim liên” (Trời che lọng báu, đất nảy sen vàng).

Tịnh Phạn Vương hay được tin ấy, liền nghiêm chỉnh đốn binh, cùng với quyến thuộc và một ức người Thích chủng, đi đến vườn Lâm Tỳ Ni. Khi đến nơi, vua thấy Thái tử tướng lạ trang nghiêm, vô cùng hoan hỷ!

Bảy hôm sau ngày sinh nở, hoàng hậu Ma Gia ly trần, sinh lên cung trời Đao Lợi, hưởng phúc tự nhiên, do bởi hoài thai Bồ Tát công đức rất lớn. Thái tử ở tại vườn Lâm Tỳ Ni đủ bảy ngày, rồi được đưa về thành Ca Tỳ La. Vua Tịnh Phạn đặt tên cho Thái tử là Tất Đạt Đa (Nghĩa Thành).

Trong Sám tụng khánh đản có viết:

Sa Bà thị hiện

Thích chủng thụ sinh

Mẫu Ma Gia mộng ứng điềm lành

Vua Tịnh Phạn Phúc sinh con thảo.

Đức Phật ra đời vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh, giúp cho chúng sinh không còn bị nghiệp báo luân hồi chi phối. Để cứu độ chúng sinh, Đức Phật đã ứng thân thị hiện ra nhiều hình tướng khác nhau. Hình ảnh Đức Phật khi đản sinh bước đi trên 7 bông sen chính là một hình ảnh linh thiêng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Số 7 là con số mầu nhiệm mà người Ấn Độ thường hay sử dụng bởi nó bao trùm cả nhân sinh quan, vũ trụ quan, bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Con số 7 bao trùm cả không gian (Đông, Tây, Nam, Bắc) và thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai). Ý muốn nói Pháp thân của chư Phật là chu biến khắp pháp giới.

Bảy đóa sen vàng ngót ngọc

Ba nghìn thế giới đón Như Lai

Nơi nào chúng sinh giữ gìn giới luật tinh tiến thì ở tất cả nơi đó Phật đều thị hiện. Hình ảnh 9 rồng phun nước (theo Phật giáo Đại thừa) hay 2 rồng phun nước (theo Phật giáo Nguyên thủy) đều chung một ý rằng có hai dòng nước nóng và lạnh phun ra tắm cho Đức Phật. Hai dòng nước đó biểu trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch. Cảnh giới thuận chính là cảnh giới làm cho chúng ta có cuộc sống an vui, hạnh phúc, mọi sự như ý muốn. Còn cảnh giới nghịch chính là cảnh giới làm cho chúng ta buồn phiền, đau khổ. Người tu hành thành Phật chính là người tự tại trước hai cảnh giới này. Mỗi năm trong ngày lễ Phật đản, khi thực hành nghi thức tắm Phật, mỗi người tự quán chiếu nội tâm của chính mình, để từng gáo nước tưới lên tôn tượng Đức Phật sơ sinh là một lần ta lắng lòng thanh tịnh, gạt đi tham sân si mạn nghi tà kiến trong tâm, quay về với “Phật tính” sẵn có trong mỗi người, hãy tinh tiến tu tập để “trước thuận duyên không vui mừng, trước nghịch duyên không nản chí”, dù hoàn cảnh nào cũng vững bước tiến tu phấn đấu nỗ lực không ngừng để chuyển hóa Sa Bà đau khổ thành Cực Lạc nở hoa.

Trong Bài tán Phật khóa tụng Thủ Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú có đoạn:

Phiên âm:

Tán lễ Thích Tôn

Vô thượng năng nhân

Tăng kỳ cửu viễn tu chân

Đâu Suất giáng thần.

Trường từ bảo vị kim luân

Tọa Bồ-đề tọa đại phá ma quân

Nhất đổ minh tinh,

Đạo thành giáng pháp lâm

Tam thừa chúng đẳng quy tâm

Vô sinh dĩ chứng

Hiện tiền chúng đẳng quy tâm

Vô sinh tốc chứng

Tứ sinh cửu hữu, đồng đăng

Hoa tạng huyền môn,

Bát nạn tam đồ, cộng nhập Tỳ-lư tính hải.

Dịch:

Xưng tán Đức Thế Tôn

Đấng Vô Thượng Năng Nhân

Từng trải vô lượng kiếp

Tu nhân lành giải thoát,

Từ Đâu Suất giáng trần,

Giã từ ngôi quốc vương,

Ngồi gốc đại Bồ Đề

Phá hết chúng ma quân,

Một sáng sao mai hiện

Chúng nên Đạo Bồ Đề,

Liền chuyển bánh xe Pháp

Độ muôn loài chúng sinh,

Hàng Tam Thừa quy ngưỡng

Đạo vô sinh viên thành,

Đại chúng đang quy ngưỡng

Đạo vô sinh sẽ thành.

Bốn loài, chín cõi đồng về

Mười phương cõi Phật bốn bề trang nghiêm.

Ba đường, tám nạn đảo điên

Đồng vào biển tuệ vô biên sáng ngời.

Hình tượng Phật đản sinh trong văn hóa dân gian người Việt Bắc Bộ

a. Tòa Cửu Long và các bộ tượng thờ liên quan

Tòa Cửu Long tức là tòa thờ tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất, xung quanh có chín rồng lượn trong đám mây, có các vị Bồ Tát và chư Thiên tấu nhạc để cúng dàng Đức Phật giáng sinh. Tòa Cửu Long trong các chùa Việt truyền thống ở Bắc Bộ là điển hình sinh động về hình tượng Đức Phật đản sinh. Chư Tổ, nghệ nhân dân gian xưa đã căn cứ vào kinh điển tạo tượng. Mẫu tượng Phật đản sinh phổ biến ở Bắc Bộ là tòa Cửu Long, song có một vài trường hợp đặc biệt là tạc tượng Hoàng hậu Ma Gia sinh hạ Thái tử. Tòa đầu tiên chúng ta vào chùa là thấy cảnh Đức Thế Tôn đản sinh có chín rồng phun nước, Đức Phật Thích Ca ở giữa. Đây là biểu hiện cho người mới bước chân vào Đạo, mới được sinh ra trong giáo pháp.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sưu tầm được bài hạnh tắm Phật và lời thuyết minh về lễ Phật đản sinh trong chùa Việt một thời ở Bắc Bộ. Đó là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh tại chùa Thanh Long, thôn Thạch Đê, xã Hiền Đa, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Lời bài “Kinh” tắm Bụt của bà nội năm nay gần 90 tuổi, hôm nay tắm Bụt không được đi chùa vì bối cảnh Covid-19. Bà bảo: "Bây giờ Bụt đẻ ngày, chứ ngày xưa chúng tao tắm Bụt kiểu khác. Chiều hôm trước là đã xúng xính áo dài, lễ lạt lên chùa, mỗi cụ một lễ cứ phải có nải chuối, thẻ nhang, kèm theo là bát gạo để nấu cháo với lại một trăm vàng thoi để khao các quan. Chiều hôm mùng 7 cơm nước sớm rồi lên chùa tụng Kinh, tụng Kinh xong thì nằm ngủ tại chùa luôn, đợi đến lúc sang canh thì tắt hết bóng điện đi, chỉ châm có mấy ngọn nến buông tấm y môn vải che trước Tam Bảo xuống rồi cởi áo Bụt mà tắm cho Bụt. Tắm xong thì thay áo mới. Áo Bụt là áo khâu tay bằng vải đỏ, mỗi năm một cụ hoặc một gia đình dâng áo. Mà áo này là may hai lượt 1 áo trong có chân tay có mũ, 1 áo choàng ngoài như tấm tã vuông. Tắm Bụt xong thì các cụ lấy nước ý mà tắm tràng hạt, rửa mặt cho sáng sủa. Mà tắm xong cụ Thích Ca rồi đi lau chùi hết các pho tượng trong chùa, đến rạng sáng hôm sau là vừa. Đến sáng ra thì thỉnh chuông đón lễ của xã, rồi Phật tử đến đông, tụng Kinh rồi thụ lộc. Bà bảo ngày tắm Bụt xong lên chùa là thấy đẹp nhất tượng nào tượng nấy sáng choang mới như tô lại. Mà ngày hôm trước là đi lao động thổi xôi, nấu chè, nấu cháo, đóng oản dán lá mít, đêm hôm tắm Bụt thì cụ nào vãi trẻ thì được phân công trèo lên lau pho Tam Thế (hay Bụt Ốc) rồi bắc ghế mà lau cụ Hộ Pháp.

***

Bài hạnh tắm Phật của các già xưa

Bà Thanh Tân có đức mà lại có nhân

Thụ thai trăm tháng tới tuần sinh ra

Thái tử Thích Ca người ngự trên tòa Thánh đế ngôi cao

Rồng bay phượng múa loan trào

Trăm hoa đua nở bướm vào tháng tư

Dập dìu cá nước hoa lư

Chín rồng lấy nước trời mưa tắm thần

Lúa ngô khoai sắn đứng gần đào tiên

Cao cao dáng đứng ở bên lòng thành

Chín rồng phun nước cơn mưa mịt mù

Trên đầu có những tóc tiên

Chân tay có chữ tứ tung ngũ hành

Quỷ sứ nó lại vây quanh

Phật Bà hóa phép thì thầm tránh xa

Ở đây đã có ba tòa

Bữa no bữa đói chẳng lo thiệt thòi

Bán vườn mua lấy bến đò

Chở người khuya sớm chả lo thẹn thùng

Sông reo nước chảy đùng đùng

Đêm khuya chuông đóng sớm hôm dậy chầu

Nào là quả trước quả sau

Đội ơn Đức Thánh được ngày giáng sinh

Mang thai thấp nguyệt mãn tuần

Sinh ra có được Ông Thích Ca

Người ngự trên tòa người ngự sáu chữ Nam Mô

Nam Mô làm sao Nam Mô thế nào thì ông bảo tôi

Chữ thiên là giời chữ địa là đất

Mọi người cũng tin một lòng

Nam Mô chữ hiếu chữ trung

Ai ở có lòng mới được sáu chữ Nam Mô

Cửa Phật là cửa hải hà

Các cụ dân làng lễ Phật nghiêm trang hiền từ

Hôm nay là ngày 8/4

Là ngày Phật giáng thuở xưa lưu truyền

Tắm Phật sạch sẽ mới yên

Bụi trần bay biến trên nền tòa sen

Phật Bà ngồi tựa hai bên

Thích Ca đứng giữa án tiền uy nghi.

Hai bên tòa Cửu Long thì có một số cách thờ. Có nơi thờ một bên là pho tượng Đế Thích (vua cõi trời Tam Thập Tam Thiên) và một pho tượng Đại Phạm Thiên Vương (chủ tể của vạn vật theo đạo Bà La Môn) hai vị thần này đều phát nguyện hộ trì Phật pháp nên được thờ ở chùa1. Có nơi thì hai bên thay Phạm Thiên, Đế Thích bằng Thổ Địa, Thánh Tăng hoặc Tuyết Sơn, Di Lặc. Tầng trên tòa Cửu Long thờ bộ Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu hoặc Quan Âm… Chúng con xin giới thiệu các bộ tượng phổ biến liên quan đến tòa Cửu Long trong chùa Việt Bắc Bộ là tượng Quan Âm, Tượng Vua Trời (Ngọc Hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích), tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc.

Tượng Phật Bà Quan Âm: Quan Âm Chuẩn Đề hoặc Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn hoặc Quan Âm Nam Hải hay được thờ trên chính điện chùa Việt Bắc Bộ. Quan Âm ngồi giữa, phía tay phải nhìn vào là Thiện Tài Đồng Tử, tay trái nhìn vào là Long Nữ Bồ Tát. Nhưng vào thời Mạc, thời Lê về trước cổ hơn nữa là Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Tay phải nhìn vào là thân phụ - tức vua Diệu Trang Vương, tay trái nhìn vào là thân mẫu của Bồ Tát Quan Âm, theo tích Quan Âm Nam Hải.

Tượng Vua Trời: Nhà Phật và chính Đức Phật phủ nhận có một vị Thượng đế nào đó toàn năng toàn quyền, sáng tạo ra muôn loài và quyết định số phận của muôn loài. Với nhà Phật niềm tin và sự lệ thuộc, nô lệ vào một vị Thượng đế như thế là mê tín, không có chính kiến. Nhưng nhà Phật lại nói có cõi Trời, các chư Thiên và các vị Vua Cõi Trời - điển hình là đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là vua cõi Trời Đao Lợi - vị Bồ Tát hộ pháp của Phật, Đức Ngọc Hoàng rất thờ kính và phụng sự Đức Phật. Dưới lớp tượng Phật trên Đại Hùng Bảo Điện ở chùa Việt Bắc Bộ vào thời Lê về sau, phần lớn các chùa thêm lớp tượng ở giữa là Ngọc Hoàng, tay phải nhìn vào là Nam Tào, tay trái nhìn vào là Bắc Đẩu. Đây là bộ tượng kết hợp văn hóa Tam giáo đồng nguyên vì thời nhà Lê, Phật giáo không còn là quốc giáo nữa, Nho giáo ở vị trí độc tôn. Chính vì vậy để duy trì được Phật pháp, chư Tổ chúng ta đưa cả Nho giáo, Lão giáo vào chùa, nhưng đây là một điểm khéo léo uyển chuyển của chư Tổ chúng ta, là tinh hoa Phật giáo Việt Nam. Có người nói tại sao Tam giáo đồng nguyên không thờ Khổng Tử.

Quan niệm của Nho giáo lấy thiên mệnh Trời nên thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu và được chư Tổ chúng ta giải thích khi Đức Phật ra đời, ngay tại Ấn Độ cũng đã có văn hóa thờ Phạm Thiên. Và chúng ta kết hợp văn hóa Nho giáo ngoài đời với văn hóa Phật giáo là thờ Phạm Thiên và dù có thờ Phạm Thiên đi chăng nữa thì Phạm Thiên cũng là đệ tử Phật, cũng phải quy y Phật trở thành các vị Hộ pháp. Đại Phạm Thiên Vương và Đế Thích Thiên Vương có công thỉnh Phật thuyết pháp, có công thỉnh Phật trụ thế chuyển Pháp Luân. Và cũng là người đầu tiên hầu Đức Phật đản sinh, thành đạo, nhập Niết Bàn nhưng vẫn mang vóc dáng Ngọc Hoàng Đại Đế. Đấy là cái khéo của văn hóa Việt Nam để duy trì đạo Phật trong một thời điểm mà Phật giáo không còn ở vị trí độc tôn.

Có một thuyết khác là thuyết Tam Sơn giải thích ý nghĩa về bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. GS. Trần Quốc Vượng cho một so sánh khá hay về việc thờ 3 vị vua Hùng ở vùng đất Tổ là Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn với Tam Sơn trong Đạo giáo là ba ngôi thượng giới gồm Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Ví dụ được lấy như ở vùng Chí Linh có 3 quả núi liên hoàn mang tên Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu, Nam Tào. Thực ra, đây không phải là người Việt thờ các vua Hùng theo mô hình của Đạo giáo, mà chính Đạo giáo xuất phát từ thời Hùng Vương. Đột Ngột Cao Sơn đã được xác định là vị Thái tổ Đế Minh, chiếm ngôi tối cao của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Như thế 2 vị Ất Sơn và Viễn Sơn là Đế Nghi và Lộc Tục sẽ tương ứng với Bắc Đẩu và Nam Tào. Thật vậy, Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Thông tin mở đầu trong Ngọc phả Hùng Vương ghi rõ vậy. Như thế Đế Nghi là Bắc Đẩu, Lộc Tục là Nam Tào, quá hợp lý. Thật bất ngờ khi nhận ra 3 vị Vua Hùng được thờ là Quốc tổ luôn hiện hữu trong tín ngưỡng người Việt dưới hình ảnh Tam Sơn Ngọc Hoàng - Bắc Đẩu - Nam Tào. Thờ Vua, chư Tổ có một hàm ý nói rằng người bảo vệ được Phật pháp phải là Quốc Vương. Xưa kia, Đức Phật cũng đã từng phó chúc cho quốc vương đại thần hộ trì Phật pháp. Nếu không dựa vào quốc vương đại thần không thể giúp cho Phật pháp hưng thịnh được. Chúng ta có nội lực, có tăng tài nhưng không được nhà nước bảo hộ thì Phật pháp cũng sớm bị suy vi. Lịch sử đã chứng minh các thời kì Phật pháp hưng thịnh, yếu tố đầu tiên dựa vào chính sách nhà nước. Quốc vương đại thần xưa hay chính quyền ngày nay khi họ vào chùa họ thấy hình ảnh của mình họ sẽ không phá hoại Phật pháp nữa. Đó là cái trí tuệ của chư Tổ chúng ta. Chư Tổ còn giáo dục Tăng Ni, Phật tử luôn phải ghi nhớ tứ trọng ân là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn Quốc vương (quốc gia xã hội), ơn Tam Bảo.

Tín ngưỡng tự do nhờ chính phủ

Thiền môn hưng thịnh cậy Tăng - già

Vậy dù thờ với ý nghĩa là Vua Trời (Phạm Thiên, Đế Thích, Ngọc Hoàng Thượng Đế) hay vua Quốc Tổ Hùng Vương trong chùa thì đều có ý nghĩa giáo dục tâm biết ơn những người trong bộ máy chính quyền ủng hộ Phật pháp hưng thịnh trong quốc độ.

Nét đặc biệt là có chùa đặt bộ tượng Quan Âm trên Vua Trời, hoặc có chùa giản lược đi chỉ có bộ Vua Trời hoặc chỉ có Phật Bà... Tuy nhiên, ba bộ tượng Cửu Long, Vua Trời, Phật Bà Quan Âm đều mang nhiều tầng ý nghĩa. Nếu theo chiều dọc từ trên xuống là bộ Phật Bà, Vua Trời, Cửu Long thì ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Tứ Phủ của người Việt (Phật Bà Quan Âm ở ngôi cao nhất) và khiến chúng ta liên tưởng đến 3 mốc quan trọng trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh (hình em bé) - cuộc sống cung đình đầy danh vọng, uy quyền, nhung lụa (hình ảnh Ngọc Hoàng Thượng Đế) - từ bỏ thế tục xuất gia tu hành thành Phật, thể nhập chân như (hình ảnh Phật Quan Âm và các vị Phật ở trên)2. Chúng ta hình dung ra 2 tích truyện kép trong nhà Phật là Quan Âm Diệu Thiện Phật đản sinh. Công chúa Diệu Thiện vốn là con gái vua Trang Vương, tu hành đắc đạo trở thành Bồ Tát Quan Âm về độ vua cha. Theo tuệ giác Phật giáo thường thì trên tòa Cửu Long hay bày tượng Phật Bà Chuẩn Đề hoặc nghìn mắt nghìn tay để che chở Phật sơ sinh, hàng phục tà ma đến quấy phá3. Người Việt xưa theo Mẫu hệ nên không đề cao về các tích liên quan đến vua Tịnh Phạn mà họ chỉ hay đề cập đến Bà "Mẫu" nào đó sinh hạ ra Đức Phật, nên bày trên tượng Vua Trời. Tư duy lý luận của họ thường là "người Mẹ luôn che chở cho con cái". Vì thế, trước lúc tắm Phật nên tụng thêm Đại Bi, Thập Chú, Bát Nhã Tâm Kinh, các bài chú liên quan đến Phật Bà Quan Âm hoặc 7, 21 biến Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú cho đủ bộ. Bởi "Lòng tin là mẹ của công đức đưa chúng sinh tiến đạo", trì tụng và tin tưởng chí thành chí kính vào năng lực các bài Thần chú. Chùa có cách bài trí tượng Phật Bà trên tòa Cửu Long, giản lược đi tượng Vua Trời như chùa Thiên Trù.

Tượng Tuyết Sơn, Di Lặc: Lại có chùa thì thờ hai bên tòa Cửu Long là hai pho tượng Bồ Tát. Một bên là Bồ Tát Di Lặc và một bên là Đức Tuyết Sơn. Bồ Tát Di Lặc là vị Đại Bồ Tát sắp thành Phật và sẽ nối ngôi Đức Thích Ca Mâu Ni làm giáo Chủ cõi Sa Bà này để giáo hóa chúng sinh. Tượng của Ngài bao giờ cũng được tạc hình một vị tăng béo mập ngồi tòa sen, ngực để hở lúc nào cũng cười có vẻ yên vui. Đức Tuyết Sơn tức là hình tượng của Đức Phật Ca khi Ngài tu khổ hạnh 6 năm ở núi Tuyết Sơn. Ngài chỉ ăn mỗi ngày một hạt vừng nên thân thể của Ngài gầy còm chỉ còn da bọc xương. Qua hai pho tượng này với con mắt của người dân quê, người ta cho là Đức Phật Di Lặc béo, cởi trần thì họ gọi là “Ông nhịn mặc để ăn”, còn Đức Phật Tuyết Sơn gầy gò nhưng ăn mặc quần áo đầy đủ thì gọi là “Ông nhịn ăn để mặc”. Tuyết Sơn tay phải, Di Lặc tay trái bởi đây vẫn còn là hai vị Bồ Tát đang tu hành ở ngôi nhất sinh bổ xứ. Hệ thống tượng như thế được chư Tổ giải thích như sau: Tòa đầu tiên chúng ta vào chùa là thấy cảnh Đức Thế Tôn đản sinh có chín rồng phun nước, Đức Phật sơ sinh đứng giữa cũng là biểu hiện cho người mới bước chân vào Đạo, mới được sinh ra… trong giáo pháp. Tu hai hạnh khắc kỷ và khoan nhân. Hình tượng Tuyết Sơn tu khổ hạnh sáu năm đối với bản thân phải khắc khổ, thiểu dục, tiết kiệm, khổ hạnh; hình tượng Di Lặc đối với người phải khoan dung rộng lượng. Đối với các bậc tu hành từ xưa đến nay phương châm khắc kỷ khoan nhân là nền tảng căn bản vào đạo.

Tượng Thổ Địa, Thánh Tăng: Có nhiều chùa thay vị trí hai vị Phạm Thiên, Đế Thích hai bên tòa Cửu Long bằng tượng Thổ Địa, Thánh Tăng. Tượng Thổ Địa thường ở bên phải nhìn vào với hình dáng một cụ già đẹp lão, râu tóc bạc phơ, cai quản đất đai, an Tăng hộ Pháp. Trong tâm thức người Việt quan niệm “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Tượng Thánh Tăng có hình dáng như một chú tiểu nhà chùa, đại diện cho hàng xuất gia Tăng, Ni đạo hạnh chân tu đi khắp mọi nơi hoằng dương Phật pháp cho chúng sinh nhân loại. Người tu sĩ hoằng dương Phật pháp, người cư sĩ hộ trì Phật pháp. Như vậy, trên chính điện chùa Việt hiện diện cả Phật, Bồ Tát và các vị Thánh Tam Phủ (Vua Trời, Thổ Địa, Long Vương) gửi gắm mong ước mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh của cư dân nông nghiệp.

b. Tượng Hoàng hậu Ma Gia hạ sinh thái tử

Loại tượng này không phổ biến nhưng khá độc đáo. Hình tượng Mẫu Ma Gia đã được bản địa hóa mang dáng dấp của người phụ nữ Việt. Hai ngôi chùa có pho tượng này đó là chùa Hàm Long và chùa Thiên Quý.

Chùa Hàm Long tọa lạc tại phường Nam Sơn - thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tượng Phật đản sinh chùa Hàm Long khá đặc biệt. Hoàng hậu Ma Gia đứng, tay phải giơ lên tư thế vịn cành cây Vô Ưu, Đức Phật đản sinh hình tướng chui ra từ nách bên phải Hoàng hậu. Tay phải Đức Phật chỉ lên trời. Đứng hai bên là tượng hai vị Tôn giả là Ma Ha Ca Diếp và A Nan Đà. Phía sau tượng Hoàng hậu Ma Gia là Đức Thích Ca niêm hoa vi tiếu.

Chùa Thiên Quý hay còn gọi là Chùa Kênh, trước thuộc làng Kênh, nay là thôn Ký Con, thuộc xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tượng Phật đản sinh ở đây đa dạng và độc đáo hơn. Tượng Phật đản sinh ở trên núi đá, dưới chân núi lại có một tượng đản sinh theo hình tòa Cửu Long, Đức Phật được mặc áo vải. Sau ngọn núi là có tượng Hoàng hậu Ma Gia tư thế giống chùa Hàm Long, Phật cũng chui ra từ nách phải. Tay phải Đức Phật cũng chỉ lên trời. Trên vách trang trí rồng bay và các đám mây ngũ sắc làm nền cho hình tượng Phật đản sinh.

Một số chùa không thờ Cửu Long trên chính điện mà thờ tòa Cửu Long hoặc chỉ tượng Thích Ca sơ sinh ở gian khác trong chùa như chùa Viên Minh xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội: tượng Cửu Long thờ riêng một ban bên phải hậu cung, bên trái là Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn; hoặc chùa Keo, Gia Lâm, Hà Nội cũng thờ riêng tòa Cửu Long trong một gian, đặt tòa Cửu Long trước tượng Bà Keo...

Thay lời kết

Ngày mồng 8 tháng 4 (theo truyền thống Bắc tông) và ngày 15 tháng 4 âm lịch vẫn là một ngày thiêng liêng trọng đại với tất cả bà con Phật tử ở những vùng thôn quê. Dù đã quy y Tam Bảo hay chỉ theo tín ngưỡng thờ gia tiên cũng đều coi đó là ngày lễ truyền thống của toàn dân tộc, nhà nhà đều thiết lễ cúng Phật, Thánh thần và Tổ tiên. Trong dân gian truyền miệng nhau đó là ngày “Bụt sinh cá đẻ”, một số người làm lễ phóng sinh để cầu Phật ban ân giáng phúc. Đồng thời, nhà nhà đều mang tên tuổi lên chùa nhờ thầy chùa viết sớ cầu Phật gia hộ cho gia đình được hạnh phúc bình an. Tại các chùa truyền thống tắm Phật vẫn được duy trì suốt chiều dài lịch sử, các cụ già thì rủ nhau đi chùa lễ Phật rất đông, mỗi người cũng không quên mang theo một cái chai nhỏ để lấy nước tắm Phật mang về và coi đó như là nước Thánh có thể khiến cho mọi người trở nên thông minh, mạnh khoẻ, bệnh tật tiêu trừ... Ngày 15/4 âm lịch, tại một số chùa ở nông thôn miền Bắc làm lễ vào hè cho bà con tín đồ Phật tử trong làng xã. Ngày Phật đản ở những vùng thôn quê chỉ bình dị và đơn sơ như vậy nhưng cũng nói lên cái ảnh hưởng đậm nét văn hóa Phật giáo của dân tộc ta từ thuở xa xưa, từ thuở Phật giáo từng là quốc giáo. Tư tưởng đạo Phật đã lan toả sâu rộng và giữ vai trò chủ đạo trong nền văn hóa của toàn dân, từ vua quan cho đến thứ dân đều quy hướng, thực hành lời Phật dạy.

Đại lão Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ từng có một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật mô tả, nói rõ bản nguyện xuất thế của chư Phật cũng như sự kiện Đức Phật đản sinh.

Muôn năm một hội hiện hoa Đàm

Đại Giác Từ Tôn xuống thế gian

Bảy bước sen nâng chân tiến hóa

Hai tay chỉ rõ lối thăng trầm

Tràn đầy khí tốt nhà vui thịnh

Lừng lẫy tin mừng cảnh thắng lâm

Cứu khổ ban vui vì nguyện lớn

Đời còn kỷ niệm mãi muôn năm.

Tay phải Đức Phật chỉ trời, tay trái chỉ xuống đất có ý nghĩa tay phải là chân lý, lẽ phải, Đức Phật chỉ cho chúng ta con đường tốt đẹp, hướng thượng. Người mà làm điều hay, nói điều thiện, nghĩ điều lành thì sinh lên cõi Trời, cõi người. Tay trái là điều bất thiện, xấu xa trái đạo lý. Nếu ai làm điều ác, nói lời xấu, nghĩ điều tà thì cuộc đời người đó từng ngày từng giờ sẽ sa đọa vào ba đường ác. Đức Phật không phải là một vị Thượng đế để ban phúc giáng họa cho chúng sinh. Ngài chỉ là vị Đạo sư (thầy chỉ đường), biết mà không đi thì không phải lỗi của người chỉ đường. Ta cũng giống như vị lương y giỏi biết bệnh mà cho thuốc nhưng người bệnh không chịu uống thuốc, bệnh không khỏi thì lỗi cũng không phải do thầy thuốc. Họa phúc của chúng sinh là do tự tạo tự gánh, đấy chính là đạo lý nhân quả.

 


1. Chùa có lối thờ truyền thống kiểu như vậy là chùa Nam Dư Thượng, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

2. Chùa có lối thờ truyền thống kiểu như vậy là chùa Hồng Ân, thôn Tư Can, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

3. Chùa có lối thờ truyền thống kiểu như vậy là chùa Hương Hải, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội; chùa Phúc Lâm, thôn An Liêm, xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; chùa Thánh Chúa, Hà Nội.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6113607