HÓA THÀNH VÀ BẢO SỞ TRONG PHẨM HÓA THÀNH DỤ CỦA KINH PHÁP HOA
HÓA THÀNH VÀ BẢO SỞ
TRONG PHẨM HÓA THÀNH DỤ CỦA KINH PHÁP HOA
ĐỖ THỊ THU HƯƠNG
Vì một đại sự nhân duyên của chúng sanh ở cõi Ta bà này mà Thế tôn xuất hiện: “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”1. Ban đầu, đức Phật giảng Tứ Diệu Đế chỉ rõ nguồn gốc của khổ đau, kế đó Đức Phật triển khai rộng về thực tính vô thường vô ngã của các pháp, cuối cùng đức Phật chỉ ra phương pháp để chúng sanh đạt đến Giác ngộ một cách rốt ráo, tức thể nhập Chơn Như Phật tánh. Nhân duyên hội đủ, đức Phật đã "Ẩn thực hiển quyền, Quy tam vu nhất" chỉ ra một lộ trình duy nhất và rốt ráo - nhất Phật thừa nên đã thuyết giảng Kinh Pháp Hoa này. Pháp Hoa là kinh do Phật hộ niệm, do Bồ tát Đại Trang Nghiêm mang đến, chư Phật và Bồ tát mười phương đồng tán dương. Kinh diễn bày cảnh giới thậm thâm vi diệu mà chỉ có chư Phật, chư đại bồ tát mới thấu tột, vì thế vượt ra ngoài phạm vi ngôn ngữ, luận lý đối đãi của nhị nguyên. Nội dung của kinh chuyển tải những ý nghĩa thâm sâu, cốt tủy của lời dạy Đức Phật, trong phạm vi bài viết này, người viết chủ yếu tìm hiểu về nghĩa của ba châu chín dụ, phân tích về ý nghĩa của hóa thành và bảo sở được đề cập trong phẩm Hóa Thành Dụ của kinh Pháp Hoa.
1. Giới thiệu kinh Pháp Hoa
Kinh Pháp Hoa gọi đầy đủ là Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sutra). Diệu pháp là chân lý, chân lý chỉ bày thật tướng của các pháp; Liên hoa là hoa sen trắng, tượng trưng cho sự thanh khiết, thanh tịnh, không ô nhiễm. Trong cõi đời uế trược ô nhiễm này, chúng sanh vẫn có thể vươn lên giải thoát hoàn toàn, như hoa sen mọc ở trong bùn mà vươn lên trên bùn, không bị ô nhiễm mà còn tỏa sắc hương. Kinh Pháp Hoa được xem là kinh tối thượng của Phật giáo Đại thừa, bởi vì kinh này chỉ ra được cảnh giới thậm thâm vi diệu, thường tự vắng lặng mà chư Phật chứng ngộ. Cảnh giới mà “chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chơn thật của các pháp”2, vượt ra ngoài tầm tư duy và suy luận của ngôn ngữ phàm phu. Chân lý Pháp Hoa là ‘khai Tam thừa nói Nhất thừa hay khai phương tiện bày chân thật’ cho các vị thánh đệ tử, bởi vì các vị A la hán các lậu hoặc đã được dứt trừ, ngã chấp pháp chấp đã diệt tận, đã hội đủ điều kiện chuẩn bị bước lên giải thoát rốt ráo.
Điều này, chư vị Tổ sư tu tập chứng đắc được minh chứng qua các thi kệ. Điển hình như Lục Tổ Huệ Năng, Ngài nhấn mạnh xưa nay tâm thanh tịnh, vắng lặng, tròn sáng không có gì, nên không cần nhắc đến bụi trần.
“Bồ-đề vốn chẳng cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Bụi trần bám vào đâu?”3
Theo Tỳ Ni Đa Lưu Chi: “Tâm ấn ấy tràn đầy thái hư, không thiếu, không thừa, không đi không tới, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn, vốn ở chỗ không sinh, cũng không ở chỗ diệt, không lìa xa mà cũng chẳng lìa xa. Vì phải đối lập với duyên hư vọng mà phải giả đặt ra cái tên như vậy”4.
Đối với Ni sư Diệu Nhân dạy người học đạo, nếu trở về được nguồn tự tính thì đốn ngộ hay tiệm ngộ cũng sẽ tuỳ đó mà thể nhận5. “Nguồn của tự tính” đó là cõi Bồ đề giác ngộ nằm ngay trong thế giới Ta bà trần tục, trong bản thân mỗi con người, không cần đâu xa.
Đại sư Khuông Việt cho rằng:
“Trong cây sẵn có lửa
Có lửa, lửa lại sanh
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xác làm gì sanh”6.
Vì thế, Thiền sư Thanh Từ nhận định: "Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến" có khác gì câu "Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật" của Thiền tông. Phẩm Tín Giải và phẩm Thọ Ký của kinh Pháp Hoa nào xa lạ gì với việc "trình kiến giải" được "ấn chứng" của Thiền tông. Cho đến sự tu hành thủy chung đều không khác. Chỉ vì chúng ta không nhận được lý kinh, cứ chạy theo ngôn cú nên thấy dường như khác biệt”7.
Kinh Pháp Hoa được trình bày qua hai hình thức: Tích môn và Bổn môn. Phần Tích môn đề cập giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có sanh ra, lớn lên, xuất gia, thành đạo, nhập diệt, hoằng pháp lợi sanh. Phần Bổn môn là gốc, là nền tảng của Tích môn, nêu lên chân lý tuyệt đối, chỉ ra Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, Ngài hiện hữu suốt chiều dài của thời gian và phổ biến cả không gian. Sự tồn tại của Đức Phật là vĩnh cửu, mọi hiện tượng dưới con mắt người giác ngộ đều là biểu hiện chân lý. Trên phương diện bản thể quán sát hiện tượng giới, tầm nhìn của Đức Phật chính xác đúng như thật, không giống như tầm nhìn của chúng sanh còn hạn hữu trong Tam giới.
Giáo sư D. T. Suzuki (1870-1966) nhà Phật học người Nhật nổi tiếng, trong tác phẩm “Nghiên cứu Kinh Lăng già” nơi bàn về: “Tầm cỡ của Phật giáo Đại thừa” đã viết: “Chẳng hạn, Kinh Pháp Hoa đánh dấu thời kỳ lịch sử Phật giáo khi Đức Thích Ca Mâu Ni không còn xem là một nhân vật lịch sử phải chịu số phận của mọi chúng sanh giả tạm, vì Ngài không còn là Đức Phật mang tính chất người mà chính là một vị sống bằng sự vĩnh cửu đối với lợi ích của mọi loài chúng sanh”8.
Thật vậy, Chân lý thì toàn diện, siêu việt, trong khi ngôn ngữ của chúng sanh thì phiếm diện, giới hạn, cho dù sử dụng ngôn ngữ tinh xảo đến đâu cũng không chuyển tải hết sự thật. Vì vậy, Pháp Hoa chọn cách sử dụng ngôn ngữ biểu tượng để chuyển tải sự thật đến mức tối đa. Các đệ tử từ hàng phàm phu bát địa vượt lên chứng A la hán, phá được sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm là bộc phá quá lớn lao đối với họ, do vậy đức Phật khai phương tiện môn, giảng nói nhiều ban đầu chỉ ra Niết bàn để họ nghỉ ngơi tạm. Sau đó, Đức Phật mới chỉ ra chỗ rốt ráo tột cùng để dẫn mọi người về nhất Phật thừa, làm cho tất cả đều thành Phật “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”9.
Vì thế, mục đích của người thọ trì kinh Pháp Hoa là phải đạt đến cứu cánh tối thượng, mang lại cho mình sự thanh tịnh, an lạc, tự tại, giải thoát và giác ngộ.
2. Thuyết Pháp Châu, Thí Dụ Châu và Nhân Duyên Châu
"Pháp Hoa hải hội Đức Phật thân tuyên, ba châu chín dụ nghĩa kín mầu...". Kinh Pháp Hoa đề cập đến ba châu và chín dụ, ba châu gồm thuyết pháp châu, thí dụ châu và nhân duyên châu. Phần thuyết pháp châu là phần thọ ký cho hàng thượng căn thượng trí, trong kinh chỉ cho Ngài Xá Lợi Phất, bởi vì chỉ có Ngài Xá Lợi Phất mới thâm nhập được chân lý, tức liễu tri được bản chất như thật của các pháp, thấu hiểu được quy luật sinh tồn diễn tiến từ bản thể khởi ra hiện tượng và từ hiện tượng trở về bản thể10. Trong khi các vị Thanh văn khác khi tu tập từ bỏ thế giới hiện tượng, tách ly thế giới hiện thực, tìm cầu Niết bàn. Niết bàn mà phần lớn các vị Thanh văn này truy cầu chỉ thuộc về Vô dư Niết bàn, cảnh giới tịch diệt, cô đơn, từ bỏ mọi thú vui trần thế, chưa phải là cứu cánh. Tinh thần của Pháp Hoa, hướng hành giả đến Hữu dư Niết bàn, tức Niết bàn nhân bản, nhập thế và đó cũng chính là nền tảng của Đại thừa Bồ tát đạo. Ngài Xá Lợi Phất đã thể nhập vào Chân Như bản thể, lãnh hội được tư tưởng Bồ tát đạo thâm sâu ấy nên Ngài được Đức Phật thọ ký đầu tiên trong hàng Thanh văn.
Ngày nay, chúng ta tu tập và thực hành hạnh Bồ tát, trước tiên cần phát khởi Bồ đề tâm, bởi vì kinh Hoa Nghiêm kinh dạy: "Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp"11, nếu quên phát khởi Bồ đề tâm dù chúng ta tu bao nhiêu thiện hạnh cũng đều là ma nghiệp. Tuy nhiên, phát Bồ đề tâm chân chánh hành giả phải lặn sâu vào Chân như bản thể, tức từ tâm Chơn như mà phát. Muốn đi sâu vào Chân như bản thể, hành giả phải có sở đắc về những cảnh giới thâm sâu của thiền định, và con đường cần thiết phải đi qua là Giới - Định - Tuệ. Phần thuyết pháp châu, dành cho hạng thượng căn thượng trí, chứng ngộ bản tâm và triển khai sâu rộng tinh thần Bồ tát đạo như Ngài Xá Lợi Phất.
Những người thiện căn sâu dày, căn trí nhạy bén như Ngài Xá Lợi Phất được gặp Phật nghe pháp chỉ trong một niệm liền chứng A la hán, còn phần lớn hạng trung căn như từ Ngài Ca Diếp, Tu Bồ Đề trở xuống đều phải nghe pháp, tu tập quán chiếu nhiều mới chứng đắc được các cảnh giới thâm sâu của thiền định và hưởng được trạng thái thanh tịnh của Niết bàn. Phần thứ Hai của kinh Pháp Hoa, đức Phật muốn hóa độ các vị Thanh văn ở căn tánh bậc trung nên phải sử dụng các phương tiện để thuyết pháp. Phương tiện Phật dạy ở đây hiểu theo nghĩa khế cơ và khế lý. Khế cơ có nghĩa là phù hợp với thời cơ, hoàn cảnh, xứ sở, cảnh giới, không gian và thời gian; khế lý có nghĩa là phù hợp với chân lý, đạo lý, pháp lý.
Ngày nay, đa phần chúng ta tu tập theo Bồ tát đạo, vận dụng nhiều phương tiện huyền xảo để hòa nhập vào dòng đời, đem giáo lý đến gần với chúng sanh. Trong đó, không ít người hiểu sai và lạm dụng hai chữ “phương tiện” theo đúng tinh thần Phật dạy mà vận dụng “phương tiện” như là “phao cứu hộ” để biện minh cho những việc làm sai trái, không phù hợp với chánh pháp với danh nghĩa là “tùy duyên phương tiện”.
Nghĩa chính của phần phương tiện là Đức Phật đưa ra những ví dụ giúp chúng sanh, nhận chân được Như Lai Phật tánh nơi bản tâm thanh tịnh của mình. Ngài không muốn vào Niết bàn, vì Ngài muốn chỉ dạy cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến ấy. Nhưng đức Phật nhìn thấy căn tánh chúng sanh phần nhiều thấp kém, nghiệp lực sâu dày nên ban đầu Ngài không nói nhất Phật thừa, chờ đợi thời cơ chín mùi, căn tánh của các vị đệ tử tăng dần, có khả năng chuẩn bị bước vào thế giới Niết bàn chân thật, Đức Phật mới diễn thuyết kinh này.
Phần thứ hai của kinh gọi là thí dụ châu, thông qua những ví dụ hóa độ các vị đệ tử thuộc hạng trung căn, sau đó đức Phật thọ ký cho hàng Thanh văn căn tánh trung bình. Phần thứ ba là nhân duyên châu, những đệ tử có duyên nghe Phật thuyết pháp, có duyên được gần Phật, thấy Phật và ngộ được những gì Phật dạy là do có nhân duyên sâu xa từ trước. Nhân duyên dụ được cụ thể hóa thông qua sự thuyết minh của Ngài về Đức Phật Đại Thông Trí Thắng:
"Các thầy Tỳ Kheo! Thuở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghì a tăng tỳ kiếp đã qua, bấy giờ có Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn". Nước đó tên Hảo Thành, kiếp tên Đại Tướng12
Đại Thông Trí Thắng là chỉ cho thể của Phật hay là Phật tánh, tức Pháp thân sẵn có nơi mỗi chúng ta, không phải đơn thuần là tên riêng của một vị Phật. “Đại” chỉ cho số lượng lớn, số lượng vượt ngoài khả năng tính toán, đo lường của phàm phu; “Thông” nghĩa là thông suốt, không bị ngăn ngại ở bất cứ chỗ nào. “Trí Thắng” là trí vượt qua tất cả mọi trí trên thế gian, là chỗ bặt hết chỗ hiểu biết, bặt mọi cái suy nghĩ của tâm thế gian. Trí Thắng ám chỉ Phật tánh nơi mình, bặt hết mọi chỗ so sánh, luôn sáng suốt không mê mờ. Tu tập đạt đến bản tâm thanh tịnh, Phật tánh nơi mình đồng nghĩa với thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai vậy. Như Chánh Trí Mai Thọ Truyền nhận định:
“Ai cũng có tâm và tâm ai cũng như tâm ai, đồng Đại Thông Trí Thắng như nhau. Nhưng nếu tâm ấy mà bị dục vọng, vô minh che đậy, thì gọi là chúng sanh. Trái lại nếu vô minh, dục vọng dứt, tâm trở lại căn bản “Đại Thông Trí Thắng của nó thì gọi là Phật”13.
Đức Thích Ca thuyết minh về Đức Phật Đại Thông Trí Thắng nhằm mục đích làm cho các vị đệ tử ngộ ra, từ vô lượng kiếp đến nay mình quên đi bản tâm thanh tịnh, Phật tánh nơi mình, nếu ngày nay gắng sức tu tập quán chiếu giác ngộ trở lại, thấy được tri kiến Phật của mình, tức là thấy Đức Đại Thông Trí Thắng.
Về lịch sử, lúc Đức Phật Đại Thông Trí Thắng chưa xuất gia có mười sáu vị vương tử, các vị vương tử ấy căn tánh lanh lẹ, nghe vua cha xuất gia đặng vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bèn đi đến chỗ vua cha xin xuất gia. Trăm nghìn đại thần, nhân dân cùng nhau đến chỗ Đức Phật Đại Thông Trí Thắng để được gần gũi và cúng dường. Khi đã đến nơi tất cả đem đầu mặt mình lạy chân Phật, đi vòng quanh đức Phật xong, đều chắp tay một lòng chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, rồi nói kệ khen Phật. Trước khi xuất gia đức Đại Thông Trí Thắng cai trị đất nước bằng đức hạnh của mình, do đó đất nước Ngài cai trị nhân dân đều được thái bình. Khi thành Phật đức Đại Thông Trí Thắng thọ mạng đến 540 vạn ức na do tha kiếp. Mười sáu vị vương tử nói kệ khen đức Phật rồi liền khuyến thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân: "Đức Thế Tôn nói pháp luân được an ổn thương xót làm lợi ích cho các trời và nhơn dân". Các vị Vương tử phát nguyện nếu các vị ấy thành Phật, các vị ấy cũng như đức Như Lai tuyên thuyết kinh Pháp Hoa, giáo hóa chúng sanh tu thiện chuyển nghiệp, ngộ nhập Phật tri kiến. Đức Phật nói lên nhân duyên liên hệ giữa chúng sanh với Đức Đại Thông Trí Thắng Phật, ngoài việc giúp đệ tử tu tập, quay về với Chân như Phật tánh mà còn giúp các vị Thanh văn phá tan các nghi ngờ về ngã chấp và pháp chấp, chuyển các vị này từ Tiểu thừa sang Đại thừa. Đức Phật biết chúng sanh thường ham nơi ngũ dục, tu tập thì tham ưa các pháp nhỏ, nên mới vì họ mà nói Niết bàn, mở bày phương tiện triển khai Tam thừa để họ có lòng tin mà tiến tới giải thoát, sự thật hoài bảo lớn lao của Đức Phật là Nhất Phật thừa. Đức Phật dạy:
"Chỗ tu của các ông chưa xong, bực của các ông ở gần với huệ của Phật. Phải quan sát suy lường Niết Bàn đã đặng đó chẳng phải chơn thật vậy. Chỉ là sức phương tiện của Như Lai, ở nơi một Phật thừa phân biệt nói thành ba. Như vị đạo sư kia vì cho mọi người ngơi nghỉ mà hóa làm thành lớn, đã biết nghỉ xong mà bảo đó rằng: "Chỗ châu báu ở gần, thành này không phải thiệt, của ta biến hóa làm ra đó thôi"14.
Đoạn kết của phẩm này nói về hóa thành để chỉ hai Niết bàn mà Phật đã nói trong suốt bốn mươi năm đồng thời nêu lên ví dụ đức Phật tiêu biểu cho vị Đạo sư và các Tỳ kheo là người đi tìm của báu. Đức Phật khẳng định Ngài chỉ là một Đạo sư, một người chỉ đường cho loài người. Đức Phật và chúng ta đồng nhau không khác, cũng như người dẫn đường đối với người đồng hành giống như nhau.
3. Hóa Thành và Bảo Sở
Hiện nay, nền văn minh khoa học phát triển vượt bậc, nhu cầu về đời sống vật chất của con người từng bước được nâng cao, thế nhưng phần lớn rơi vào trạng thái lo lắng, bất an và đau khổ nhiều hơn. Thân bệnh thì có thể dùng thuốc để chữa trị, tâm bệnh thì chỉ có một loại thuốc duy nhất để trị, đó chính là tu tâm. Chúng ta có phước báo được sinh ra trong thời đại phát triển toàn diện, nếu chúng ta không tiếp tục vun đắp, xây dựng đời sống tinh thần, tu nhân tích đức, bỏ ác làm lành, kiến lập đời sống tâm linh vững chắc, thì phước báo ngày càng cạn dần.
Trong công việc Phật sự, chúng ta hay tùy duyên và phương tiện, thậm chí bị lệ thuộc vào phương tiện. Phương tiện là yếu tố tạm thời, vay mượn, mục đích của phương tiện là để đạt đến cứu cánh. Tuy nhiên, chúng ta đa phần không đủ tỉnh táo để phân biệt được đâu là cứu cánh và đâu là phương tiện, vì vậy công việc Phật sự luôn gặp chướng ngại và khó khăn. Hành Bồ tát đạo, đệ tử Phật phải biết đối diện với nghịch cảnh, vượt qua những chướng duyên, phải tu tập và chuyển hóa bản thân mình ngay trong cõi đời trược uế này. Hạnh nguyện của chư Phật và Bồ tát là muốn chúng ta thiết lập cảnh giới Tịnh độ ngay cõi Ta bà khổ đau này, tu tập để biến cõi khổ đau này thành cảnh giới thanh tịnh, chuyển hóa nội tâm cấu nhiễm phiền não này thành thanh tịnh và sáng suốt. Kinh dạy: “Vô ma khảo bất thành Đại Đạo”, không có nghịch cảnh thử thách, làm sao chúng ta thành tựu được đạo lớn. Cổ nhân cũng từng nói cảnh khó là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng của người khôn khéo nhưng là vực thẳm của người yếu đuối. Hiểu được điều này, người tu có thêm động lực và ý chí mãnh liệt trên bước đường phụng sự đạo đời.
Tu tập và hành trì theo tinh thần kinh Pháp Hoa càng khó khăn hơn, kinh này biểu trưng cho sự kết hợp giữa thể và dụng của các pháp, hiển thị sự kết hợp giữa thế giới hiện thực và thế giới của bản thể. Trên mặt hiện tượng, Pháp Hoa mở bày vô số phương tiện khác nhau, mỗi phương tiện hàm chứa vô số phương tiện khác và tùy vào tâm thức và nghiệp duyên của chúng sanh mà hình thành nên các phương tiện sai biệt, nhưng tất cả đều chung một bản thể tánh chân không rốt ráo. Vì thế, hiện thực và bản thể tuy hai mà một, phương tiện thiện xảo nhằm để phô bày một pháp giới toàn chân “chân không - diệu hữu” của thật tánh. Điều này, được chư vị Bồ tát hiển thị, biến đổi một cách linh hoạt và tự tại trong phương tiện.
Cụ thể nhất là đức Phật Thích Ca, Ngài đã và đang thể hiện sự kết hợp này một cách trọn vẹn, Ngài thị hiện Niết bàn cách đây trên 25 thế kỷ, nhưng báo thân Ngài vẫn đang hiện khắp pháp giới. Chúng sanh tu tập vẫn cảm nhận được sự an lạc giải thoát từ sự giáo hóa của Ngài. Khi Đức Phật còn tại thế, mục đích chính là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Tuy nhiên, với diệu pháp cao thâm vi diệu ấy, đòi hỏi người nghe pháp căn tánh phải thuộc hạng thượng căn. Quán chiếu thấy căn tánh đa phần chưa đủ khả năng lĩnh hội, sợ chúng sanh chán nản bỏ cuộc, Đức Phật mới phương tiện nói pháp chỉ ra Hóa thành để chúng sanh tạm nghỉ ngơi, khi nhận thấy căn tánh chúng sanh đã đạt đến một trình độ nhất định, Đức Phật tiếp tục giúp họ xả bỏ pháp chấp hướng đến Bảo sở.
Hóa thành là chỗ chư Phật biến hóa ra chưa phải là chân thật cứu cánh. Bảo sở là chỗ quý báu chân thật, chỉ cho cảnh giới Phật tính hiện hữu nơi mỗi người. Do vì tính tạm thời của Hóa thành nên không phải là chỗ dừng nghỉ lâu dài, không phải nơi ở vĩnh viễn, cần phải đi tiếp tiến về Bảo sở. Đức Phật tạo ra Hóa thành vì sợ nhiều vị Thanh văn tập khí còn nặng, tâm hạnh yếu kém, nghe nói quả Phật lâu xa, trãi qua ba A tăng kỳ kiếp thực hành Bồ tát hạnh, tâm họ khiếp nhược, thối thất chọn lựa an trú trong Niết bàn an vui.
Đức Phật nhắc lại nhân duyên sâu xa của Đức Đại Thông Trí Thắng để mọi người có niềm tin mạnh mẽ hơn. Nếu người dùng sức mài cõi Tam thiên này thành mực rồi qua cõi nước nhiều vô lượng đó, rồi nghiền hết cõi như vậy thành hạt bụi, cứ một hạt bụi là một kiếp, từ kiếp lâu xa như vậy, tính ra thì đức Phật đó diệt độ đến nay còn nhiều hơn số đó. Vì thực chất, Đại Thông Trí Thắng là bản thể của pháp thân sẵn có nơi mình.
Phật tánh, bản giác vốn dĩ tồn tại trong ta, do vì mê mờ không nhận ra được chúng ta quên đi bản giác ấy, nên trôi lăn trong biển cả luân hồi. Nói cách khác, chúng sanh mê mờ từ vô lượng kiếp trước, số kiếp, nhiều như số cát bụi vi trần, chỉ có khi giác ngộ hiện khởi, tâm mê mờ liền tan biến, giống như trong nhà tối trải qua hằng trăm nghìn kiếp tối như vậy, nhưng nếu mình đem chiếc đèn vào thì nó tự soi sáng, không cần phải đem đèn vào thời gian vô lượng kiếp căn phòng mới sáng. Cũng vậy, tuy là mê mờ của chúng sanh đã trải qua vô số kiếp không thể tính kể, mà ngay đây nếu giác ngộ được thì vượt qua vô số kiếp liền sáng tỏ như xưa.
Niết bàn mà đức Thế Tôn dạy cho các vị Thanh văn trước khi ngài giảng Pháp Hoa chính là Hóa thành, chỗ tạm dừng chân, cần phải phát tâm rộng lớn tiến về Bảo sở. Phát tâm rộng lớn tức là phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát hạnh để đi tới Bảo sở tức đến Phật vị. Mục đích của người xuất gia là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, nghĩa là tu tập làm sao để ngộ được cái tâm thanh tịnh vượt không gian và thời gian nơi mình. Nhận chân được tánh giác cũng chính là đến được đích Bảo sở mà người tu chúng ta luôn mong về. Vấn đề đặt ra là tánh giác của chúng ta sẵn có bao trùm hết cả không gian và thời gian, tại sao từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta không thể nhận ra?
Chúng ta lang thang trôi nổi trong cõi luân hồi, vì nghiệp lực chi phối, nghiệp do thân khẩu ý huân tập nhiều kiếp mà thành. Mỗi một hành động của chúng ta, trong điều kiện nhất định sẽ tạo thành quả, quả đó chín nó sẽ tác động đến người tạo ra nó. Một hành động của thân khẩu ý sẽ tạo thành quả báo tốt hay xấu là do sự tác ý, hay cố ý. Chính vì sự cố ý đó những tạo tác của thân khẩu ý, tạo thành chủng tử huân vào tâm thức, các chủng tử lại không hề mất đi, nó sẽ biểu hiện trở lại thành hiện hành khi gặp điều kiện thuận lợi, và đó chính là nhân tố khiến chúng sanh luân hồi tái sinh trong các cảnh giới. Quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy cho rằng, nếu một chúng sanh có nghiệp lực quá nặng thì không thể có duyên lành để gặp được Tam bảo, nếu có duyên gặp được Tam bảo thì con đường tu tập giải thoát sẽ gặp nhiều chướng duyên. Đối với Đại thừa Phật giáo thì cho rằng:
“Người nào không thể liên tục phát khởi Vô-thượng Bồ-đề tâm hoặc không tạo điều kiện để mình cùng mọi chúng sanh thành tựu trí giác Phật-đà, thì kẻ ấy là người đa mang nhiều nghiệp chướng nặng nề”15.
Vì sao Phật giáo Đại thừa chú trọng nhiều đến sự phát khởi Bồ đề tâm, vì khi Bồ tát phát tâm rồi, liền xa lìa sự khiếp nhược, không rơi vào lĩnh vực Nhị thừa, không còn bị nghiệp lực chi phối. Chúng ta nghe nói chư Phật, Bồ tát trải qua vô lượng ức kiếp hành Bồ tát đạo mới thành tựu Niết bàn, phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp siêng năng khổ nhọc mới được Niết bàn. Còn Đức Phật và chư vị Bồ tát biết được tự tánh các pháp xưa nay là Niết bàn, không chờ đợi Niết bàn ở đâu xa. Do không thể đạt đến trình độ quán chiếu tự thân huyễn hóa này tự tánh vốn dĩ vô sanh vô diệt, cho nên chúng ta không thể thấy được Niết bàn tịch tĩnh, giác tánh thanh tịnh, bình đẳng của ta và chư Phật vốn dĩ có mặt ngay trong giây phút hiện tại này16.
Kinh dạy chúng ta không nên chấp vào thân tứ đại, ngũ uẩn, bởi vì các yếu tố cấu thành của 5 uẩn đều bị thay đổi và biến hoại. Các yếu tố cấu tạo nên thân thể luôn thay đổi biến dịch không có thực thể cố định. Nói cách khác, cái mà ta tạm gọi là “Ta” tức là bản ngã không thật có, mọi sự vật hiện tượng có mối liên hệ tương quan tương duyên với nhau, hợp rồi lại tan, không có bền chắc. Người tu đạo phải có con mắt quán chiếu mọi vật là vô ngã, có được tuệ giác vô ngã thì chúng ta không còn bị khổ đau phiền não, không bị nghiệp lực chi phối. Quán chiếu các pháp vô ngã chúng ta sẽ thấy được các pháp dù hữu vi hay vô vi đều do tâm biến hiện, tức từ nghiệp thức vô minh chuyển biến, cảnh giới ở cõi đời này đều là ảo mộng, đều do tâm bất giác hiện ra.
Phẩm Hóa Thành Dụ mở đầu cho phần nhân duyên châu trong kinh Pháp Hoa, nói lên sự liên hệ giữa Phật và chúng đương cơ. Thông qua câu chuyện của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, đức Phật muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành Bồ tát đạo, tu tập dũng mãnh để hướng về nhất Phật thừa, trở về với bản tánh thanh tịnh, tịch tĩnh, sáng suốt của mình. Tư tưởng “Ẩn thực hiển quyền, Quy tam vu nhất” mà Đức Phật đề cập chính là trọng tâm của kinh Pháp Hoa. Đầu tiên, đức Phật dạy về phương pháp tu tập, đoạn trừ các lậu hoặc để tiến đến Niết bàn, nhưng Niết bàn tịch tịnh ấy chưa phải là đích đến cuối cùng, mà đích đến cuối cùng là chứng thành Phật quả giống như Ngài. Thấy căn tánh của phần lớn đệ tử Thanh văn chưa được thuần thục, nghĩ rằng Phật đạo lâu xa mới hoàn thành, sinh tâm khiếp nhược nên Phật nói Niết bàn. Khi nhân duyên hội đủ, căn cơ của các đệ tử tăng trưởng, đức Phật vì họ nói Nhất thừa. Nhất thừa là Phật thừa, là bản thể, là tính Phật… như nhiên sẵn có của nhân sinh và vũ trụ. Nó không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường, không thể nhận biết, lĩnh ngộ bằng tư duy lý trí. Thế nên, Phật đã khéo dùng phương tiện thiện xảo, thí dụ, nhân duyên, ngôn ngữ… để tạm diễn đạt, phân biệt, đặt tên là ba thừa: Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát, khiến người học Phật nói riêng, mọi thành phần xã hội nói chung có cơ hội thâm nhập, nhận chân và cuối cùng là trở về bản lai sẵn có. Quả thật: “Vị trí Pháp Hoa trong kinh điển Đại thừa là một vị trí rất cao, vị trí kết thúc biểu lộ bản hoài ra đời thuyết pháp của Phật, cốt đưa tất cả chúng sanh về Nhất thừa Phật quả”17.
1. Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr.65
2. Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr.54.
3. (Nguyên) Tông Bảo: “Lục Tổ Huệ Năng Bảo Đàn Kinh” quyển 1, Đại Tạng Kinh quyển 48, tr. 349.
4. Phân viện nghiên cứu Phật học: “Thiền uyển tập anh”, Hà Nội, Nxb. Văn học, 1990, tr. 166-167.
5. Kim Sơn Thiền sư: “Thiền Uyển Tập Anh”, Hà Nội, Nxb. Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, 1967, tr67a.
6. Phân viện nghiên cứu Phật học: “Thiền uyển tập anh”, Hà Nội, Nxb. Văn học, 1990, tr. 26.
7. Thích Thanh Từ: “Thiền Tông Việt Nam”, Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 312.
8. Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn (dịch): “Nghiên cứu Kinh Lăng già”, 1992, tr. 105.
9. Đại Tạnh Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2003, tr.46.
10. Thích Trí Quảng, Lược Giải Kinh Pháp Hoa, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.251.
11. https://www.dharmasite.net/khuyenphatbodetam
12. Thích Trí Quảng, Lược Giải Kinh Pháp Hoa, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.252
13. Chánh Trí Mai Thọ Truyền: “Pháp Hoa Huyền Nghĩa”, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, 2006, tr. 52.
14. Thích Trí Tịnh: “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2010, tr. 249.
15. https://thuvienhoasen.org/a17934/nghiep-nang-va-su-cuu-do-cua-duc-phat
16. Thích Thanh Từ, Luận Đại Thừa Khởi Tín Giảng Giải, Nxb. Tổng Hợp Tp.Hồ Chí Minh, tr.222.
17. Thích Thiện Siêu: “Kinh Pháp Hoa giữa các Kinh điển Đại thừa”, Nxb. Tp.HCM, 1999, tr.97.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết