HÒA THƯỢNG CHÂU MUM (1921-2002)
Hòa thượng Chôtlappanha Châu Mum, sinh vào tháng 12 năm Canh Tuất (1921), tại ấp Bư Sbâu, xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình bần nông. Thân phụ là cụ Châu Mók và thân mẫu là cụ bà Săng. Hòa thượng có tất cả 8 anh em gồm 6 trai, 2 gái. Hòa thượng là con cả trong gia đình.
Lúc 9 tuổi, Hòa thượng Châu Mum đã được cha mẹ cho đi học tại chùa Tầm Du dưới sự giáo huấn của Sư Cả Ny. Hòa thượng học chữ Khmer và chữ Quốc ngữ từ thầy Mr.Mon và sau đó đi học tại Truờng Samakum Sóc Trăng đến lớp Superieur (lớp 4, gồm 3 ngôn ngữ là Khmer - Việt - Pháp). Do hoàn cảnh khó khăn, Hòa thượng phải nghỉ học để trở về giúp việc gia đình, làm ăn nuôi cha mẹ và các em.
Đến tuổi 20, ngài xin phép cha mẹ vào chùa quy y, thế phát làm Sa di tại chùa Tầm Du vào ngày 8 tháng Giêng năm Tân Tỵ (1941) do Sư Cả Ny làm Hòa thượng truyền giới. Đến 21 tuổi, ngài thọ giới Tỳ kheo tại chùa Bông Sa do Sư Cả Noông là Hòa thượng đàn đầu, Sư Cả Bảy là Giáo thọ, Sư Cả Ny là Yết ma và Sư Cả Chhiêng là truyền giới. Lúc bấy giờ là năm 1942.
Sau khi xuất thân đi tu, Hòa thượng Châu Mum có dịp học hành và có tin thần cầu tiến, vừa học về đạo pháp vừa học các môn tự nhiên. Sau khi Sư Cả Ny là trụ trì xuất tu thì Sư Cả Noông đã cùng với đồng bào Phật tử đề cử ngài làm trụ trì vào ngày 8 tháng 5 năm Mậu Tý 1948.
Cùng năm 1948, Sư Cả Noông đề cử Hòa thượng làm Yết ma. Đến năm 1981, đại hội Đại biểu toàn quốc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tấn phong ngài lên ngôi vị Hòa thượng.
Vào năm 1945, do tình hình bất ổn xảy ra lúc bấy giờ, Hòa thượng đứng lên đấu tranh chống xâm lược. Đến 1948, Hòa thượng giác ngộ Cách mạng, tham gia Cách mạng với ông Ba Nguyên, ông Trịnh Thới Cang, ông Huỳnh Cương và một số anh em khác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lúc bấy giờ, bà con Khmer tham gia phong trào Việt Minh, bị địch bắt tù đày, ngài đã lên Sài Gòn đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải trả tự do cho bà con Khmer.
Hòa thượng còn xuất tiền, lúa gạo và đồ dùng sinh hoạt nuôi chứa hàng trăm cán bộ hoạt động Cách mạng và tổ chức các cuộc biểu tình chống bắt quân dịch.
Năm 1963, dưới sự điều động của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, có ông Maha Sơn Thông, ông Maha Huỳnh Cương, ông Trịnh Thới Cang tổ chức lại các tỉnh miền Tây Nam Bộ nơi có sư sãi và bà con Khmer để thành lập Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, và ngài là thành viên của hội.
Năm 1972, chính quyền Sài Gòn đến bao vây chùa bắt 30 vị sư sãi dân tộc Kinh đang tham gia phong trào cách mạng và một số lính đào ngũ đem đi Cần Thơ. Lúc bấy giờ, Hòa thượng dẫn dắt sư sãi toàn tỉnh biểu tình đòi quyền tự do cho sư sãi đã bị bắt được trở về.
Năm 1980, Hòa thượng là một đại diện Sư sãi Khmer phát động phong trào sư sãi ở các hệ phái đồng tâm nhất trí, không phân biệt sắc tộc với tiêu chí: “Tôn giáo – Dân tộc- Xã hội chủ nghĩa” góp phần dẫn đến thành công Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 1981. Tại Đại hội này, Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Châu Mum đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu như sau:
- Huân chương Kháng chiến hạng I;
- Huân chương Kháng chiến hạng II;
- Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc;
- Huy chương Vì sự nghiệp Phát triển dân tộc và miền núi;
- Các bằng khen và giấy khen của Trung ương và địa phương.
Trong cuộc đời của Hòa thượng luôn là niềm tin, cố gắng hết sức mình để hoàn thành những công việc có ích cho dân tộc và tôn giáo theo chủ trương của Giáo hội và Nhà nước.
Ngày 25.7.2001, ở tuổi 81, Hòa thượng đã lâm bệnh nặng. Được Giáo hội, Nhà nước, và đồng bào Phật tử chuyển đến bệnh viện Quân Y 121 tại Cần Thơ. Sau một thời gian chữa trị, Hòa thượng đã quay về chùa. Từ đó, sức khỏe của Hòa thượng ngày càng yếu dần tuy được các y bác sĩ chuyên khoa tận tình cứu chữa, nhưng đến ngày 16.10.2002, bệnh của Hòa thượng bắt đầu tái phát. Một lần nữa, Hòa thượng được chuyển đến bệnh viện Quân Y 121, nhưng sức khỏe của ngài càng lúc càng suy giảm.
Hòa thượng Châu Mum đã thu thần tịch diệt vào ngày 22.11. 2002 (nhằm ngày 18.10 ÂL), trụ thế 82 năm, hạ lạp 60 năm.
- Tiểu sử đăng trên báo Giác Ngộ số 199 năm 2002.
- Tỳ kheo Đồng Bổn, Cư sĩ Vu Gia biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết