Thông tin

HÒA THƯỢNG HẢI LƯƠNG - CHÁNH TÂM (1836-1906)

 

Bảo tháp HT. Hải Lương - Chánh Tâm

 

Hòa thượng pháp hiệu Chánh Tâm, pháp húy Hải Lương, pháp tự Minh Lương, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37. Ngài sinh năm 1836 (Bính Thân), tại làng Thủ Thừa, phủ Tân An, trong một gia đình hiền lương, đạo đức, kính tin Tam bảo.

Thuở nhỏ, ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Tánh Châu, hiệu Từ Lưu ở chùa Linh Sơn, được Hòa thượng cho thọ giới Sa di và ban pháp húy là Hải Lương. Tu học với bổn sư giảng dạy những giáo pháp căn bản, ngài bộc lộ là một bậc pháp khí thiền lâm khiến thầy yêu bạn mến.

Sau khi bổn sư viên tịch, ngài đến tổ đình Giác Lâm, cầu thọ cụ túc giới tại Trường kỳ giới đàn do Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh làm Hòa thượng đàn đầu truyền giới, ngài xin cầu pháp được Tổ ban pháp tự là Minh Lương, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 38.

Năm 1860, trên bước đường vân du hoằng hóa, ngài dừng chân tại vùng Phú Thọ, phủ Tân Bình. Nhận thấy địa thế nơi đây thuận lợi cho việc hoằng pháp lợi sanh, ngài bèn cùng dân làng xây dựng một ngôi Tam bảo, lấy hiệu là Hàn Lâm Tự.

Lúc bấy giờ ở địa phận Cầu Voi, thôn Bình Khuê, tổng Thuận Đạo Thượng, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay là xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) có một ngôi chùa hiệu là Phước Long, chùa này do Thiền sư Đại Bồ Thiên Đề, dòng Lâm Tế đời thứ 37 khai sơn. Nhân vị trụ trì viên tịch đã lâu, chùa không người trông coi, nay nghe danh tiếng ngài, dân làng khăn áo đến thỉnh ngài về đảm nhiệm ngôi trụ trì để chốn tổ không bị hoang phế mai một và thiện tín mười phương có nơi nương tựa tu học. Vì hạnh nguyện lợi tha, ngài vui lòng hứa khả.

Về trụ trì ở đây được một thời gian, nhận thấy chùa đã rêu phong hư hoại, và cảnh quan cũng không được như ý, ngài quyết định dời ngôi chùa Phước Long về mảnh đất cạnh bờ sông, trùng kiến lại và đổi hiệu là Kim Cang.

Từ lúc ngài về đây hoằng hóa, tứ chúng khắp nơi nghe danh tiếng, ngưỡng mộ uy đức của ngài, quy tụ về tu học rất đông. Sự kiện thịnh hành Phật pháp ở thời kỳ này theo các nhà nghiên cứu sử học mô tả thì: “Chùa Kim Cang là Trung tâm Văn hóa Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ”(1). Thật vậy, dưới pháp tòa của ngài, nhiều bậc cao tăng thạc đức được sản sanh, góp phần rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo thời kỳ đầu, như:

- Hòa thượng Khánh Hòa (trụ trì chùa Tuyên Linh, Bến Tre).

- Hòa thượng Khánh Thông (trụ trì chùa Bửu Sơn, Bến Tre).

- Hòa thượng Khánh Đức (trụ trì chùa Phước Thạnh, Cái Bè-Tiền Giang)

- Hòa thượng Khánh Huy (trụ trì chùa Phước Lâm, Cai Lậy-Tiền Giang)

- Hòa thượng Khánh Long (kế thế trụ trì chùa Kim Cang).

Và các bậc cao tăng khác như: Hòa thượng Khánh Hưng, Hòa thượng Khánh Dư, Hòa thượng Khánh Tường, Hòa thượng Khánh Thoại, v.v…

Ngoài việc đào tạo tăng tài để truyền trì mạng mạch Phật pháp, ngài còn cho trùng khắc in ấn kinh luật để truyền bá chánh pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu học của tứ chúng. Một số bảng khắc gỗ bằng chữ Hán hiện nay vẫn còn lưu giữ lại tại chùa Kim Cang như:

1. Tứ Phần Luật

2. Bồ Tát Giới Kinh.

3. Sa Di Oai Nghi, Cảnh Sách Luật Giải.

4. Kim Cang Chư Gia.

5. Phật Thuyết Tam Thế Nhân Quả Kinh.

6. Chuẩn Đề Ngũ Hối v.v…

Có thể nói, đương thời uy đức của ngài rất lớn, khắp nơi tăng tục đều kính ngưỡng. Vì vậy, Trường hương, Trường kỳ nào khai mở cũng đều thỉnh ngài chứng minh, đơn cử như:

- Năm 1872, làm Tôn chứng sư giới đàn Huỳnh Long, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

- Năm 1873, làm Tôn chứng sư giới đàn Phước Lâm, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

- Năm 1900, làm Đường đầu Hòa thượng giới đàn chùa Kim Cang.

- Năm 1904, làm Đường đầu Hòa thượng giới đàn chùa Bửu Sơn- Bến Tre.

- Năm 1905, làm Đường đầu Hòa thượng giới đàn chùa Khánh Quới, Cai Lậy- Tiền Giang.

Cả một đời cống hiến tâm lực xây dựng ngôi nhà Phật pháp, chiếc xe tứ đại rồi cũng đến hồi cũ mục, phân ly. Ngày mùng 04 tháng 4 năm Bính Ngọ (1906), ngài thâu thần tịch diệt, hưởng thọ 70 tuổi. Đồ chúng thương tiếc lưu nhục thân Hòa thượng bảy ngày mới khâm liệm mà thân thể vẫn tươi nhuận như lúc sinh tiền.

Cuộc đời hành đạo của ngài thật là tấm gương đạo đức sáng ngời, hết lòng tận tuỵ giảng dạy, từ bi mẫn nạp tứ chúng, danh đức khả kính cho đàn hậu học noi theo.

NAM MÔ KHAI SƠN KIM CANG ĐƯỜNG THƯỢNG TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP THẾ HÚY THƯỢNG HẢI HẠ LƯƠNG HIỆU CHÁNH TÂM HÒA THƯỢNG TỔ SƯ GIÁC LINH.

 


(1) Theo sự đánh giá của Nguyễn Quảng Tuân và Trần Hồng Liên trong tác phẩm “Danh Lam Các Ngôi Chùa Miền Nam”.

- Tiểu sử do Hòa thượng Thích Tắc Ngộ và môn đồ tổ đình Kim Cang biên soạn.

- Cung cấp bởi Tỳ kheo Thích Phước Nhân và cư sĩ Minh Thông, tỉnh Tiền Giang.

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 133
    • Số lượt truy cập : 6949752