Thông tin

HÒA THƯỢNG HUỆ HẢI - BỔN THỚI (1910-1981)

 

 

Hòa thượng pháp húy Hồng Tường, pháp tự Huệ Hải, pháp hiệu Bổn Thới, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, là đệ tử của Hòa thượng Như Bổn-Khánh Đức. Ngài họ Nguyễn, sanh vào năm 1910, tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ngài sanh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng thâm tín Phật pháp. Gia đình gồm có hai anh em, ngài là anh trưởng và một em gái.

Năm 1917, khi lên 7 tuổi, chẳng may cha mẹ ngài mất sớm, để lại hai anh em đang còn nhỏ dại bơ vơ. Chính vì thế, anh em ngài phải nương nhờ sự đùm bọc chở che của người dì ruột.

Do túc căn từ nhỏ, nên năm 10 tuổi (1920), ngài từ giã người dì ruột và đứa em thân yêu để theo học Phật pháp với Hòa thượng Như Bổn-Khánh Đức, trụ trì chùa Phước Thạnh, Cái Bè, Tiền Giang. Nhận thấy ngài tuy còn nhỏ nhưng phong nghi đĩnh đạc, nên Hòa thượng đã ra sức dạy dỗ, bảo bọc hầu mong ngài trở thành bậc đống lương Phật pháp về sau. Cũng trong năm ấy, ngài được Hòa thượng thế độ xuất gia.

Qua năm 20 tuổi (1930), xét thấy phẩm hạnh đầy đủ, giáo điển chuyên cần, Hòa thượng bổn sư cho ngài tấn tam đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Liên Trì, xã Cổ Cò, huyện Cái Bè, Tiền Giang do Hòa thượng Từ Văn ở chùa Hội Khánh, Bình Dương làm Đàn đầu và ngài được đặt pháp tự là Huệ Hải, hiệu Bổn Thới.

Sau khi thọ giới xong, ngài được Hòa thượng bổn sư cho đi học Trường gia giáo ở đạo tràng Vạn An, Sa Đéc với Tổ Chánh Thành và đạo tràng Bửu An, Bến Tre với Pháp sư Kiểu Lợi.

Về hoằng pháp, ngài trở thành một vị hộ pháp đắc lực cho Hòa thượng bổn sư, đồng thời với sự dìu dắt của thầy, ngài dần trở thành một pháp sư thuyết giảng mô phạm trong tứ chúng. Trên bước đường hoằng pháp, ngài đã đi du hóa khắp Đông Tây nhằm truyền bá giáo pháp và cứu độ chúng sanh. Ngài cũng đã từng nhập hạ tại các Trường hương nổi tiếng như chùa Sùng Đức, chùa Phụng Sơn v.v…

Về pháp sự, do nhân duyên được làm để tử của Hòa thượng Như Bổn-Khánh Đức, một vị pháp sư tinh thông pháp sự nổi tiếng đương thời với tôn hiệu Lục tỉnh Hòa thượng, nên ngài cũng còn là một vị pháp sư tinh thông tất cả các pháp sự, ứng phó đạo tràng.

Từ năm 1933 đến năm 1954, ngài là một thành viên tích cực trong công cuộc chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Như Trí-Khánh Hòa, là sư chú của ngài khởi xướng. Ngài tham gia giảng dạy, thuyết pháp và tổ chức các khóa tu học ở các khắp lục tỉnh thời bấy giờ.

Năm Nhâm Thìn 1952, sau một quãng thời gian tu tập, nghiên tầm Phật lý, ngài được Hòa thượng bổn sư truyền tâm pháp với bài kệ phó chúc truyền đăng như sau:

“Hồng liên nê trung xuất,

Tường ngoại biến trang nghiêm,

Huệ thông do giới định

Hải trí đạt triều âm”

Với tôn hiệu Hồng Tường Huệ Hải Đại Sư.

Năm 1953, Hòa thượng bổn sư của ngài viên tịch, sau khi về thọ tang xong, ngài bắt đầu sống cuộc đời hành hóa của một vị du tăng.

Năm 1963, đứng trước tình hình Phật giáo bị đàn áp bởi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, ngài từng đứng ra kêu gọi thống nhất Phật giáo, liên kết những tổ chức Phật giáo để phản đối lại những chính sách hà khắc của chính quyền đương thời.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ngài bắt đầu hành hóa vùng đất miền Đông Nam bộ. Nhưng nhận thấy cơ duyên không hợp với chúng sanh nơi ấy, nên ngài lại chống gậy hành hóa về chùa Thiền Quang, Long Điền thuộc tỉnh Phước Tuy cũ.

Năm 1976, sau một vài tháng cư ngụ ở Thiền Quang, ngài được sự cung thỉnh của tín đồ Phật tử chùa Phước Quang, xã Suối Nghệ, nên ngài lại chấn tích quang lâm đến vùng đất hoang sơ và nghèo nàn này.

Đúng như tâm nguyện của ngài, ngôi Phước Quang tự nhỏ bé nghiễm nhiên trở thành chốn thanh vắng lý tưởng để ngài ẩn tu lúc về già sau khoảng thời gian hành hóa mệt nhọc.

Mặc dù tâm nguyện luôn muốn chấn hưng cho ngôi phạm vũ huy hoàng, nhưng tình hình sinh hoạt khó khăn, lại thêm tuổi già sức yếu nên suốt thời gian trụ tại nơi này chính là thời gian ngài trau dồi thân tâm để sớm hoàn thành chí nguyện giải thoát.

Nhận thấy cơ duyên đã mãn, đạo nghiệp được viên thành, tất cả mọi việc được hoàn tất. Như củi hết lửa tắt, nên đúng vào lúc 1 giờ sáng ngày 25 tháng 07 năm 1981 (Nhâm Tuất), sau khi biết chính xác thời giờ đã đến, ngài chỉnh trang tư thế, xoay mặt về phía Tây, đầu hướng về phía Bắc, hai chân xếp chồng lên nhau, đúng như tư thế kiết tường của đức Từ phụ, an nhiên thị tịch.

Với 75 năm trong cõi thế, 50 hạ lạp, Hòa thượng đã cống hiến cả cuộc đời đầy gian khổ của ngài cho chúng sanh và cho đạo pháp.

Ngài chính là tấm gương sáng cho tất cả hàng đệ tử Phật noi theo trên con đường tu hành giải thoát và phụng sự chúng sanh.

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ GIA PHỔ TỨ THẬP THẾ, HÚY HỒNG TƯỜNG, THƯỢNG HUỆ HẠ HẢI, HIỆU BỔN THỚI HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Tiểu sử do Tỳ kheo Thích Lệ Hưng, chùa Phước Hưng, Sa Đéc cung cấp.

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 142
    • Số lượt truy cập : 6949763