HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA, NGƯỜI TIÊN PHONG
TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
HT.TS. THÍCH THANH NHIỄU*
Sự dấn thân của ngài xứng đáng được lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận: Hòa thượng Khánh Hòa là một trong những người đầu tiên và có công lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hòa thượng thế danh là Lê Văn Hiệp, sinh năm 1877, quê làng Phú Lỗ, tổng Bảo Trì, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ, ngài học chữ Nho và hai năm cuối theo học thầy Nguyễn Đình Chiểu, nhờ vậy đạt được nền tảng rất vững chắc về Hán học.
Tháng 4 năm 1896, ngài tới chùa Khải Tường ở vùng trên xin thầy Chơn Tính, trụ trì chùa cho phép xuất gia. Thấy ngài thông minh lại chăm chỉ, thầy Chơn Tính liền gửi ngài lên chùa Kim Cang ở Long An theo học giới pháp với sư cụ Chánh Tâm - vị Hòa thượng am tường kinh điển, diễn giảng Kinh, Luật, Luận mà chư tăng khắp vùng Sài Gòn, các tỉnh ai cũng nghe danh. Tại đây, Hòa thượng Chánh Tâm nhận Lê Văn Hiệp làm đệ tử và đặt pháp danh là Khánh Hòa, hiệu Như Trí.
Ròng rã hơn 10 năm (1896-1906) tu học tại chùa Kim Cang, nhờ có được nhân duyên lớn gặp được minh sư, bản thân lại sớm tối chuyên cần, Hòa thượng Khánh Hòa đã trở thành một nhà sư không những thông thạo nội điển mà còn giỏi cả quốc văn, một trường hợp hiếm có lúc bấy giờ trong giới Tăng sĩ Nam kỳ.
Năm 1906, bổn sư của Hòa thượng Khánh Hòa viên tịch. Cùng năm đó, Hòa thượng Rằng - trụ trì chùa Tuyên Linh (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) cũng về thị Phật, không có sư kế đăng để trụ trì. Do đó, Phật tử cùng bản làng chùa Tuyên Linh lên chùa Kim Cang thỉnh sư Khánh Hòa về trụ trì chùa Tuyên Linh.
Mặc dù về trụ trì ngôi chùa nhỏ nằm giữa đồng có luỹ tre bao quanh, Hòa thượng Khánh Hòa vẫn thường qua lại các chùa trong vùng Sài Gòn, Gia Định học hỏi thêm, mở rộng tầm nhìn và ngài đã gặp được vị sư có nhiệt tâm, cùng chí hướng học hành vững chắc, nhất là có đầu óc canh tân, đó là Hòa thượng Từ Phong (1864-1939). Từ đó, hai ngài trở thành người bạn đạo thân thiết; hai ngài cùng có chí hướng canh tân, kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa các Tăng sĩ, sách tấn chư Tăng các chùa tu học nghiên cứu kinh điển, đi đúng chính Pháp của Như Lai1.
Năm 1920, Hòa thượng Khánh Hòa cùng Hòa thượng Từ Phong thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp ở chùa Giác Hải, nơi ngài Từ Phong trụ trì, nhằm quy tụ những Tăng sĩ có chí nguyện lo cho tiền đồ Phật pháp, thường xuyên gặp nhau trao đổi ý kiến, vạch định đường hướng, nhất là tạo không khí hòa hợp chúng trên tinh thần đoàn kết với nhau giữa Tăng già, rồi sau đó phát khởi phong trào chấn hưng Phật giáo mới có kết quả.
Tuy nhiên, trải qua thời gian không ngắn, kể từ khi thành lập đến năm 1926, việc chấn hưng Phật giáo của Hội Lục hòa Liên hiệp chưa tiến triển được chút gì vì các tăng sĩ chí khí thì có nhưng bị hạn chế về tài chính và gặp nhiều chướng duyên khác nên thật khó có thể thực hiện được.
Tháng 7 năm Bính Dần (1926), Hòa thượng Khánh Hòa sang Trà Vinh thuyết giảng Hạ trường tại chùa Long Phước; 9 tuần đã mãn, ngài cùng chư tôn đức Hòa thượng được quan Huyện hàm Cửu2 mời về nhà riêng ở Trà Sất (gần Trà Vinh) để cúng dàng trai tăng. Thế rồi, trong bài tác bạch long trọng trước chư tôn đức Hòa thượng, Huyện Cửu mô tả hiện trạng của Phật giáo đang bị suy đồi và vạch ra con đường làm sáng lại tinh thần Phật pháp. Ông kêu gọi chư Hòa thượng hãy mạnh dạn hợp tác lập hội, làm khởi lên phong trào nghiên cứu, chấn chỉnh Đạo pháp. Lời lẽ thống thiết để khôi phục đạo Phật của Huyện Cửu làm cho một số Hòa thượng cảm động rơi nước mắt như Hòa thượng chùa Bảo Lâm (Sa Đéc).
Khi mãn tiệc, quý Hòa thượng ra về không ai biểu lộ một chút suy tư nào, không nói lời nào. Hòa thượng Khánh Hòa trong tâm can như ngọn lửa bùng cháy xôn xao sâu thẳm trong huyết quản. Nhớ đến những giọt nước mắt nóng hổi chảy trên đôi gò má nhăn nheo của ông Huỳnh Thái Cửu, ngài có cảm giác bao lời lẽ ấy nói cho tất cả, nhưng nói riêng thiết cốt với ngài3. Nó là động cơ thôi thúc ngài dấn thân vào con đường chấn hưng Phật giáo đầy phiền não sau này ở Nam kỳ.
Tháng 8 năm Bính Dần, Hòa thượng Khánh Hòa từ Bến Tre qua làm chủ tọa cho lớp giảng về giáo pháp tại chùa Long Phước4. Ở đây, ngài gặp Sa môn Huệ Quang5 khi ấy 38 tuổi, đang trụ trì chùa Long Hòa ở huyện Tiểu Cần. Thầy Huệ Quang ân cần nhắc lại lời thỉnh cầu tha thiết của Huyện Cửu hồi tháng trước, và đề nghị Hòa thượng Khánh Hòa (lúc này 55 tuổi) phải đứng mũi chịu sào, phải chủ động mãnh liệt cho cuộc vận động này, đừng nhờ vào uy tín của quý sư cụ nữa, vì tới nước này phải biết quý sư cụ không chút quan tâm do tuổi già và thấy việc chấn hưng này là việc làm xa lạ, không đánh giá được hết mọi công việc ấy.
Nghe lời khẩn khoản chí thiết của Sa môn Huệ Quang, Hòa thượng Khánh Hòa suy tư rồi chỉ rõ cho thầy Huệ Quang thấy hiện trạng suy đồi của Phật giáo, ngài ngậm ngùi thốt lên trước mặt người bạn này: “Ôi thôi! Tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi!”, chung quy là do Tăng đồ thất học mà xảy ra nông nỗi này. Rồi, ngài vạch ra chương trình cho thầy Huệ Quang ý thức sáng tỏ việc cần làm để chấn hưng Phật giáo và kể: “Độ trước, tôi đã nghe Hòa thượng Giác Viên (1857-1930) ở Chợ Lớn, cùng các vị đại đức dự đám trai tăng ở Cầu Ngang (Trà Vinh), nghe các vị đàn việt quan viên yêu cầu sửa đạo, đến nay đã hẹn lâu mà vẫn còn im lặng như tờ. Ngài Giác Viên có uy tín lại trụ trì chùa to, có nhiều tiền của mà không làm gì được, mình ở “biên địa” danh chưa có bao nhiêu thì có xướng lên rồi cũng như không”. Nghe đoạn, thầy Huệ Quang càng thấy rõ hơn trùng trùng khó khăn hiện ra trước mắt, rồi họ chia tay.
Sang tháng 2 năm Đinh Mão (1927), Hòa thượng Khánh Hòa qua đám thượng lương6 chùa Long Khánh (Trà Vinh), gặp thầy Huệ Quang, lại bàn tiếp vấn đề chấn hưng Phật giáo. Tại đây, ngài gặp Giáo thụ Thiện Chiếu (1898-1974), một nhà sư thanh niên giỏi Hán học lẫn tân học, bấy giờ đang trụ trì chùa Linh Sơn (Cầu Muối, Sài Gòn); một người mà theo Hòa thượng Khánh Hòa, đánh giá: “Người cũng lại tỏ rõ cái cảnh đoạn trường của Phật giáo, tâm đầu ý hợp, từ đây mới có chút hy vọng cho tương lai. Nhưng cũng gác để bên trong lòng, hậu đợi khi phân hồi sẽ tiến thủ”7. Tại đây, Hòa thượng Khánh Hòa báo cho thầy Huệ Quang biết là kỳ nhập hạ năm nay (Đinh Mão) trường Hạ Long Khánh (Quy Nhơn) có gửi thư mời ngài ra đó giảng Hạ, rồi ngài mời thầy Huệ Quang cùng ra đấy với mình. Ra đó để quan sát tình hình Phật giáo và chiêu nạp anh em đồng chí hướng thì việc ta định làm ắt có cơ duyên thuận tiện. Còn Giáo thụ Thiện Chiếu thì ra Bắc tìm hiểu tình hình chấn hưng Phật giáo ở xứ Bắc8.
Thượng tuần tháng 4 năm Đinh Mão, hai ngài ra Bình Định, được tiếp đón ân cần. Thời gian giảng kinh ở đây, Hòa thượng Khánh Hòa gặp Hòa thượng Bích Liên (1876-1950) đang là đường chủ trường Hạ này. Nghe qua sự trình bày đường lối chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa, thầy Bích Liên tán đồng ý chí đó và ngài cũng thổ lộ tâm tư nguyện vọng của mình về tiền đồ Phật giáo, rất thích hợp với đường lối của Hòa thượng Khánh Hòa. Ngài hứa sẽ hợp tác (nên khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập, ngài Bích Liên đã vào Sài Gòn làm Chủ bút tạp chí Từ bi âm của Hội từ 1932).
Qua tháng 5 năm Đinh Mão, sư Thiện Chiếu từ Hà Nội về Nam, ghé vào trường Hạ Long Khánh. Hòa thượng Khánh Hòa vui vẻ đón người bạn đầy tâm huyết. Thầy Thiện Chiếu đưa cho ngài xem mấy quyển Hải triều âm của Phật giáo Trung Hoa mới xuất bản. Ngày 10 tháng 7 Đinh Mão, chính là ngày sắp mãn Hạ. Trở về, Hòa thượng Khánh Hòa tạm dừng nơi chùa Linh Sơn bàn lại công việc. Thầy Thiện Chiếu khuyên rằng cần phải cấp tiến, lại đưa chương trình của Phật giáo hội Trung Hoa cho Hòa thượng Khánh Hòa xem và bảo thiết lập ngay, chớ nên để trễ. Điều này càng thôi thúc ngài.
Cuối tháng 7 năm ấy, hai ngài Khánh Hòa và Huệ Quang lên chùa Linh Sơn bàn tính tiếp việc chấn hưng với thầy Thiện Chiếu. Cuối cùng, họ thống nhất chọn công việc, duy nhất còn một vấn đề là tài chính không biết giải quyết bằng cách nào? Bỗng nhiên, Hòa thượng Khánh Hòa nảy ra một ý kiến táo bạo là bán ngôi chính điện chùa Tuyên Linh nơi ngài đang trụ trì cho làng làm đình, được 1.000$. Tháng 8 năm Đinh Mão, ngài cùng thầy Huệ Quang và một vị cư sĩ đi khắp các chùa lớn ở Sài Gòn - Gia Định, như chùa Hội Khánh, Giác Hải, Tứ Ân, Giác Viên, v.v… kêu gọi ủng hộ tài chính cũng như tinh thần để cho việc chấn hưng Phật giáo.
Sang năm Mậu Thìn (1928), Hòa thượng Khánh Hòa triệu tập một cuộc họp tại chùa Linh Sơn với các Hòa thượng Huệ Quang (Trà Vinh), Từ Nhẫn (Cần Giuộc, Long An), Chơn Huệ chùa Linh Thứu (Mỹ Tho), sư Thiện Chiếu, Commis Trần Nguyên Chấn ở tòa Đốc lý (Sài Gòn), cư sĩ Thái Bình Ngô Văn Trương, bàn tổ chức Phật học viện, Thư xã. May nhờ ông Chấn và ông Trương giúp đỡ tài chính, lại được thầy Thiện Niệm chùa Viên Giác, thầy Từ Phong chùa Liên Trì sẵn lòng quyên trợ ít nhiều9.
Bắt đầu từ tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1929), Hòa thượng Khánh Hòa đi suốt hơn một tháng khắp các chùa ở lục tỉnh10 tìm người trí thức, đồng tâm hợp tác, nhưng kết quả không mấy về tài chính. Tháng 3, ngài trở về chùa Linh Sơn, thấy các đồng chí ở nhà đã bước vào biên tập tạp chí Pháp âm. Tháng 4 năm đó, thầy Thiện Chiếu nhường quyền trụ trì chùa Linh Sơn cho Hòa thượng Khánh Hòa. Tháng 8, tạp chí Pháp âm, tờ báo Phật giáo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ra đời. Một tháng sau, thầy Thiện Chiếu cũng tự xuất bản tạp chí Phật hóa Tân thanh niên ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo. Cuối năm 1929, thì Thư xã và Phật học viện xong công trình. Đại Tạng Kinh được thỉnh về tôn trí trong Thư xã gọi là Pháp bảo phường hay Tàng kinh thất.
Như vậy, tới cuối năm 1929, sau 4 năm dấn thân không mệt mỏi trên con đường chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Khánh Hòa đã đạt nhưng kết quả đáng khích lệ: Cơ ngơi đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ đã thành hình mà trụ sở là chùa Linh Sơn ở Cầu Muối (nay thuộc quận 1 – TPHCM); hai cơ sở Phật học viện và Tàng kinh thất đã xây xong, bắt đầu phiên dịch kinh và in tập san, sẵn sàng cho việc đào tạo Tăng tài.
Từ 1930 trở đi, Hòa thượng Khánh Hòa cùng những người bạn đồng chí hướng tiếp tục công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ với việc thành lập Hội Nghiên cứu Phật học Nam kỳ, ra tạp chí Từ bi âm; rồi thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học ra tạp chí Duy tâm Phật học, khai mở các trường đào tạo tăng tài, viện Ni Vĩnh Bửu…với những lớp Tăng ni trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết trở thành thạch trụ cho Phật giáo miền Nam sau này, như Hòa thượng Trí Tịnh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hành Trụ…; các sư ni như Diệu Ninh, Diệu Nghiêm…
Có lúc, Hòa thượng Khánh Hòa than rằng: “Ôi! Kể từ hồi động cơ học Phật là năm Bính Dần (1926) đến nay là năm Kỷ Tỵ (1929), đôi ba năm trời Bắc Nam bôn tẩu, yêu cầu đại đức lận đận trần ai, nghĩ lại nửa đời, lẩn bẩn chốn Không môn, rờ tay lên đầu đã ngoài thiên mạng11, mà chưa có một chút chi lợi ích cho đời, thật lấy làm đau lòng xót dạ. Hôm nay, mắc lấy cái hoàn cảnh tiến hóa đó nó buộc phải nên làm cho tôi lóng ngóng ngoài cửa thiền môn”12. Nhưng ngài đã không nản chí như thầy Tâm Lai ở xứ Bắc13! Ngài đã linh hoạt kết giao cùng giới cư sĩ vượt mọi khó khăn, đẩy nhanh phong trào chấn hưng Phật giáo: “Vả lại bạn đồng chí quyết định làm tùng lâm, y theo luật Bá Trượng (tức Bách Trượng Hoài Hải, đệ tử giỏi nhất của Mã Tổ Đạo Nhất) đời Đường thì chức việc phải có thay đổi, nên tôi mới chịu tạm lãnh đó thôi”14.
Sự dấn thân của ngài xứng đáng được lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận: Hòa thượng Khánh Hòa là một trong những người đầu tiên và có công lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
* Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPG Việt Nam
1. Trí Không, Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ
1950 trở đi, GHPG Việt Nam, chùa Xá Lợi, 2009.
2. Tức ông Huỳnh Thái Cửu (1866-1935), người Trà Vinh từng làm Hương văn, Thôn trưởng, Phó tổng, Cai tổng 30 năm. Năm 1925 ông được phong Huyện hàm. Ông qua Campuchia học tiếng Pà li, thông giáo lý, được vua Campuchia tặng chức Thầy giảng kinh, gọi là Lục chà ca. Ông hết sức chăm lo việc chấn hưng Phật giáo. Ông là sáng lập viên Hội Lưỡng Xuyên Phật học năm 1934, làm Hội trưởng đầu tiên của hội này.
3. Trí Không, Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi, GHPG Việt Nam, chùa Xá Lợi, 2009.
4. Lớp học dạy trong chùa. Dạy bất thường, có khi dạy luôn mấy tháng rồi nghỉ, hoặc dạy mỗi tuần một, hai buổi về kinh, luật. Gia giáo có nghĩa dạy con em ở nhà, dạy tư.
5. Tức Hòa thượng Thích Huệ Quang (1888-1956), quê huyện Ô Môn, Cần Thơ. Từng 10 năm làm Tổng lý Hội Lưỡng Xuyên Phật học và Chủ nhiệm tạp chí Duy Tâm Phật học của Hội. Từ 1945-1950, ngài là Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc 10 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1953, ngài được suy tôn làm Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt.
6. Lễ thượng lương còn gọi là lễ gác đòn dông hay lễ cất nóc. Lễ này được coi là quan trọng nhất khi làm nhà, không thể bỏ qua. Theo phương Đông xưa, khi cất nhà to, đình, chùa, làm cột kèo đòn xiên sẵn, xem ngày giờ tốt dựng lên, cuối cùng đưa đòn tay dông lên đặt giữa chót nóc. Thế gian xem hướng đòn dông đâm về hướng nào, theo tuổi chủ nhà, làm ăn mới yên ổn, phát đạt.
7. Theo “Tự trần” của Sa môn Khánh Hòa, tạp chí Pháp âm ra ngày 13-8-1929.
8. Sách Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi, của Trí Không lại cho rằng, ngài Khánh Hòa gặp Thiện Chiếu lần đầu tiên “khi Thiện Chiếu nhân ra Bắc, ghé lại chùa Long Khánh một bữa”, có lẽ Trí Không đã nhầm so với sự kiện trong “Tự trần” của ngài Khánh Hòa nêu.
9. Xem “Tự trần” của Sa môn Khánh Hòa, tạp chí Pháp âm, ra ngày 13-8-1929.
10. Lục tỉnh gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Nay là các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
11. Ý nói đã ngoài 50 tuổi là tuổi tri thiên mệnh (biết mệnh trời).
12. Xem “Tự trần” của Sa môn Khánh Hòa, tạp chí Pháp âm ra ngày 13-8-1929.
13. Sư Tâm Lai, trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ động tự) ở Đồng Bẩm, Đồng Hỷ, Thái Nguyên thuộc sơn môn Bà Đá (Linh Quang tự), Hà Nội. Ông là người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo xứ Bắc với những bài viết về chấn hưng Phật giáo trên các báo Khai hóa nhật báo, Thực nghiệp dân báo, Đông Pháp… và dịch kinh ra chữ quốc ngữ. Tháng 5 năm Đinh Mão (1927), sư Thiện Chiếu ra Bắc có lên Thái Nguyên gặp sư Tâm Lai tại chùa Hang, bàn việc chấn hưng Phật giáo. Do bất đồng quan điểm nên việc không thành. Ít lâu sau thấy lời kêu gọi chấn hưng không được Phật giáo Bắc Kỳ ủng hộ, lại bị vu là hoạt động chính trị (tham gia Quốc Dân đảng), sư Tâm Lai thối chí, về làm đương gia chùa Phương Lăng ở huyện Thuỷ Nguyên, tỉnh Kiến An (nay thuộc Hải Phòng). Xem Nguyễn Đại Đồng và TS. Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929-1945), NXB Tôn giáo, 2010.
14. Xem “Tự trần” của Sa môn Khánh Hòa, tạp chí Pháp âm ra ngày 13-8-1929.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết