Thông tin

HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA VỚI LƯỠNG XUYÊN PHẬT HỌC HỘI

 

LÊ THỊ MẾN*

 

Ngày nay, khi nhắc đến Hòa thượng Khánh Hòa, ai cũng nghĩ đến phong trào chấn hưng Phật giáo và khi nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo ai cũng nhớ về Lưỡng Xuyên Phật học hội. Chính nơi đây gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của ngài.

Lịch sử nhân loại được viết nên bởi nhiều thế hệ nhân sinh. Mỗi tiền nhân với thân tứ đại của một con người rồi sẽ khuất chìm vào cát bụi, chỉ còn sự nghiệp tiếng tốt để lại, chứng tích ấy được truyền tụng đến đời sau từ những sử liệu ghi chép, để khiến họ sống mãi trong tâm tưởng với thời gian1.

Lật lại từng trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam, ắt hẳn chúng ta sẽ thấy được hình bóng của các vị tăng sĩ danh đức. Tuy các ngài đã ra đi nhưng tên tuổi và sự nghiệp mãi lưu danh cho hậu thế. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷXX có nhiều vịdanh tăng nổi tiếng, tuy mỗi người một nhân cách, một chí hướng khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng là tận tâm cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, lợi lạc nhân sinh.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo Việt Nam trải qua hơn 2.000 năm, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng vẫn luôn tồn tại, đồng hành, phát triển và không ngừng đổi mới để thích ứng với thời đại. Do vì Phật giáo Việt Nam thời nào cũng có những vị danh tăng tài đức lỗi lạc, đem hết tâm huyết của mình để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Trong đó, phải nói đến vị danh tăng tiêu biểu đầu thế kỷ XX là Hòa thượng Khánh Hòa.

Người thắp đuốc cho phong trào chấn hưng Phật giáo.

Ở Việt Nam, phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu bằng sự vận động của Hòa thượng Khánh Hòa. Ngài được xem là người thắp đuốc cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Cũng từ đây, phong trào lan tỏa khắp cả ba miền. Ngài kêu gọi sự hợp tác giữa các vị tôn túc, trong đó có Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải… Từ đó, tư tưởng thống nhất Phật giáo đã tập thành một khối đại đoàn kết để phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Năm 1923, nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, ngài vận động mời tất cả chư vị tôn túc khắp Tiền Giang và Hậu Giang về Tiểu Cần tham dự lễ, đồng thời họp bàn vấn đề chấn hưng Phật giáo. Kết quả là Hội Lục Hòa được thành lập và trong buổi họp có sự hiện diện của chư vị tôn túc như: Ngài Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả… đều đồng tình tham dự. Mục đích của hội là vận động thành lập Hội Phật giáo toàn quốc, nhưng trong nhiều năm mà vẫn không thành lập được hội này.

Trong bài “Tự trần” của Hòa thượng Khánh Hòa cung cấp cho chúng ta những chi tiết về quá trình chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Khởi đầu là việc quan Huỳnh Thái Cửu kêu gọi sửa đạo (1926) ở Trà Vinh, sau đó là cuộc gặp gỡ giữa Hòa thượng với ngài Huệ Quang và sư Thiện Chiếu tại chùa Long Khánh tháng 2 năm Đinh Mão (1927). Cũng trong năm này, Hòa thượng cử sư Thiện Chiếu ra Bắc để liên lạc với các tổ đình ngoài ấy, xúc tiến việc thành lập Phật giáo Tổng hội (tức thống nhất Phật giáo toàn quốc). Sau mùa An cư tại Quy Nhơn, Hòa thượng trở về Nam và đề nghị khởi xướng phong trào ở Nam kỳ, Ngài cùng các đồng chí lo việc xây dựng Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn – Sài Gòn. Năm 1929, ngài cho ấn hành tập san Phật học bằng chữ quốc ngữ, lấy tên là Pháp âm, đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột - Mỹ Tho, đó là tờ báo Phật giáo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Khi công cuộc vận động đang xúc tiến một cách thuận lợi, ngài triệu tập các đồng chí và một số cư sĩ ở Sài Gòn thành lập hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931), tiếp theo đó là tạp chí Từ bi âm ra đời (1932), do ngài làm Chủ nhiệm.

Thời gian sau, ngài đến chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh, cùng với các vị Hòa thượng Khánh Anh, Huệ Quang… nhất trí mở Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934) với mục đích đào tạo Tăng tài, chấn hưng Phật học.

Nói về Hội Lưỡng Xuyên Phật học, đầu tiên có tên gọi là Tiền Giang Phật học (do cụ Khánh Hòa đặt tên), sau đó cụ Khánh Anh đổi là Hậu Giang Phật học, thấy vậy cụ Huệ Quang thống nhất với các cụ đổi tên chính thức là Lưỡng Xuyên Phật học. Từ đó, cái tên Lưỡng Xuyên Phật học hội nổi tiếng khắp nơi và được xem như chiếc nôi Phật giáo Nam kỳ.

Vai trò của Hòa thượng Khánh Hòa với Lưỡng Xuyên Phật học hội

Vấn đề đào tạo Tăng tài

Vì tương lai Phật pháp, nên Hòa thượng rất nóng lòng về việc đào tạo tăng tài, đầu tiên ngài về chùa Long Hòa, tổ chức Phật học đường lưu động lấy tên là Liên đoàn Phật học xã và lớp học đầu tiên, khai giảng tại chùa Long Hòa, gồm 50 học tăng, do các ngài Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải giảng dạy. Ngài Khánh Hòa kêu gọi tín đồ Phật tử ủng hộ tài chánh để lớp học được duy trì.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, nhiệm vụ cấp thiết của các cụ là vấn đề đào tạo Tăng tài, nhằm xây dựng một đội ngũ tăng già có đầy đủ năng lực và phẩm hạnh đạo đức để gánh vác Phật sự. Vì “Đào tạo Tăng tài là trước hết các Phật sự2,tức là chú trọng đến nguồn “nhân lực”, là hàng ngũ Tăng bảo, giữ vai trò chủ đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Phật pháp. Như vậy, Phật pháp có được hưng thịnh vẻ vang hay không, trước tiên nhìn vào phương thức đào tạo Tăng tài, truyền trì mạng mạch là nhiệm vụ chính yếu của Tăng già. Hơn nữa là đào tạo các đạo tiểu, vì những vị này trong tương lai sẽ là rường cột Phật pháp, rường cột xã hội. Phật giáo sau này phát triển hay ngưng trệ, là do các đạo tiểu hiện thời được đào tạo hay không được đào tạo. Trong Duy tâm Phật học có ghi: “Muốn biết tăng đồ tương lai thông minh đủ tài, để làm cho Phật giáo được tốt đẹp vẻ vang, hay là dốt nát ngu muội… chỉ xem ngay các đạo tiểu trong chùa thì rõ3. Vì vậy, nơi nào có những vị tăng được đào tạo tốt, thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại và phát triển.

Mặt khác, các vị Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX có trình độ học vấn lại càng ít ỏi, bởi “Cái học nhà nho đã hỏng rồi/ Mười người đi học, chín người thôi” (thơ Tú Xương). Vì vậy, “Hàng triệu Phật tử cư sĩ đang ở vào tình trạng thiếu các bậc tăng già hướng dẫn4. Tỉnh hội cũng đã khao khát một vị Tăng già trụ trì tại địa phương mình hướng dẫn cho Phật tử tu học, hay thuyết giảng giáo lý hàng tháng cho các khóa tu. Nhưng thỉnh thoảng chỉ có các vị giảng sư chỉ giảng một vài lần vào những dịp đại lễ rồi thôi. Bởi vì có đạo tràng tu học mà không có tăng sĩ hướng dẫn, không khí tu học sẽ trở nên tẻ nhạt, tinh thần tu học sẽ trở nên rời rạc, đường lối tu học sẽ trở nên lệch lạc. Như vậy, chánh pháp của Phật được lưu truyền hay ngưng trệ, tín đồ được giác ngộ chân chính hay mê tín dị đoan cũng đều do nơi Tăng già làm mô phạm. Do đó, vấn đề đào tạo tăng tài ở thời điểm này là điều khẩn thiết. Trong số các vị hòa thượng sớm nhận thức được tiền đồ Phật pháp sắp bị mai một và cần phải chấn chỉnh lại là Hòa thượng Khánh Hòa. Nhìn vào hiện trạng Phật giáo giai đoạn này, ngài đứng ra vận động mở Phật học đường Lưỡng Xuyên để đào tạo các vị Tăng tài. Đầu tiên, ngài mở các lớp gia giáo, cốt yếu sửa đổi bản thân, rèn luyện giới đức hạnh kiểm, phương pháp tu hành, trở thành người toàn chân-thiện-mỹ.

Chấn chỉnh, phục hồi các giá trị của Phật giáo

Sau khi các tổ chức Phật giáo được thành lập, các kinh sách được sưu tầm, biên dịch ấn tống rộng rãi, các tạp chí Phật học lần lượt ra đời làm phương tiện chấn chỉnh về phương diện giáo lý, lễ nghi và sự tu hành.

Đứng trước tình cảnh Phật pháp suy đồi, cư sĩ Khánh Vân có bài viết: “Có kẻ lại mượn Phật làm danh cũng ngày đêm hai buổi công phu thọ trì, sóc vọng cũng sám hối như ai, bấy nhiêu đó làm sự nghiệp đạo đức chưa đủ, lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngãi…khi ông lên lúc bà xuống, ngáp vắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu dân độ thế, cả lợi dụng lòng mê muội của chư thiện tín, mở rộng túi tham quơ vét cho sạch sành sanh để tư dưỡng lợi kỷ… Cái hiện trạng như thế, bảo sao Phật giáo chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà Duy vật mai mỉa5. Vì vậy, năm 1934, Hòa thượng Khánh Hòa cùng chư vị tôn túc đứng ra thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học và xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học. Với mục đích đem giáo lý cao thượng của Đức Phật đến với mọi người, nhằm góp phần xoa dịu bao nỗi khổ đau, làm thăng hoa tri thức nhân loại, sửa đổi những phong tục cổ hủ xấu xa. Cũng từ đấy có nhiều cuộc trao đổi, tranh luận về Phật học, về lịch sử Phật giáo, về tình hình Phật giáo đương đại, cùng những vấn đề đặt ra được đăng tải trên các tạp chí thu hút sự quan tâm của giới Phật giáo và xã hội tạo ra không khí sôi nổi của phong trào chấn hưng Phật giáo. Hòa thượng Khánh Hòa là người cổ vũ mạnh mẽ việc đổi mới Phật giáo, đứng ra kêu gọi mọi người xuất bản tạp chí, nhằm phổ biến giáo lý đạo Phật, kêu gọi hàng Tăng sĩ chấn hưng lại nếp sống Tăng đoàn, và đã có nhiều tạp chí Phật giáo ra đời để làm phương tiện hoằng pháp, phục vụ đạo pháp, dân tộc.

Kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ

Công việc đầu tiên của Lưỡng Xuyên Phật học hội là:

- Xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học với mục đích phổ biến giáo lý Phật đà, diễn dịch kinh sách, nghiên cứu văn hóa Phật giáo.

- Lập thư viện Phật giáo: Lưỡng Xuyên Phật học hội lập một tủ kinh sách dành riêng cho tăng ni và cư sĩ Phật tử tu học: gồm bộ Đại Tạng Kinh và nhiều kinh sách nghiên cứu khác.

- Mở trường Phật học: Ngày 13/8/1934 thành lập Lưỡng Xuyên Phật học, trụ sở đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh). Mục đích của hội là sưu tầm kinh điển Phật giáo, hoằng pháp và đào tạo tăng tài. Cụ thể: “Năm 1934, Lưỡng Xuyên mở lớp Cao đẳng có 10 học tăng theo học như: thầy Đồng Huy, thầy Quảng Liên, thầy Huyền Quang… Cụ tổng lý Huệ Quang viết thư mời chư Thượng tọa, pháp sư ở Huế vô sống trọn năm tại Lưỡng Xuyên để dạy học gồm quý ngài: Mật Thể, Như Ý, Nhựt Liên…”6. Ngoài các lớp học dành cho chư tăng, Hòa thượng Khánh Hòa còn mở thêm Phật học đường cho ni chúng tại chùa Vĩnh Bửu (Bến Tre). Khi ấy, chùa Vĩnh Bửu còn chật hẹp nên cụ Tịnh Minh mới dời lớp của chư ni qua học tạm ở Lưỡng Xuyên. Như vậy, mục đích kiến lập Phật học đường để làm cơ sở cho chư tăng qua lại, trao đổi liên lạc một cách dễ dàng, sống khép mình theo giới luật, kỷ cương. Tức là sống trật tự theo đoàn thể. Đây là điều cần yếu hơn hết, vì không có Phật học đường, thì không đủ tăng tài lãnh trách nhiệm hoằng truyền giáo pháp, dù là Phật học hay thế học cũng phải có học đường chuyên môn.

Kết luận

Nhìn lại một giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Khánh Hòa là người có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XX, với vai trò là người gánh vác trọng trách, kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, với mục đích đào tạo tăng tài, vững chãi về kiến thức Phật học lẫn thế học để họ tham gia vào các công tác Phật sự.

Ngày nay, khi nhắc đến Hòa thượng Khánh Hòa, ai cũng nghĩ đến phong trào chấn hưng Phật giáo và khi nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo ai cũng nhớ về Lưỡng Xuyên Phật học hội. Chính nơi đây gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của ngài. Cũng từ Phật học đường Lưỡng Xuyên này đào tạo biết bao thế hệ tăng tài cùng thời với ngài như: Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh… và các thế hệ sau này như: Hòa thượng Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh, Hành Trụ… là những bậc tòng lâm thạch trụ, đứng ra chống đỡ ngôi nhà Phật pháp vượt qua bao sóng gió để phát triển bền vững đến hôm nay.

 


 * Thích Nữ Trung An.

1. Thích Đồng Bổn (2017), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Tập 1 (tái bản lần thứ 1), Nxb Tôn giáo, tr. 9.

2. Diễn từ (đọc trong dịp lễ mãn khóa niên học 1995 của Ban Giám đốc Phật học đường Nam Phần Trung Việt), Phật học đường Tổng hội ấn hành, 1995, tr. 5.

3. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1939),“Muốn có Tăng tài cần phải đào tạo ngay các đạo tiểu trong mỗi chùa”, Duy tâm Phật học, số 38, tr.58.

4. Phật giáo Việt Nam, số 11, ra ngày 15 tháng 6 Đinh Dậu, Tổng hội Phật giáo Việt Nam xb, tr. 15.

5. Khánh Vân(1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy tâm Phật học, số 18, tr.304.

6. Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.Tổng Hợp, TP.Hồ Chí Minh, tr. 115.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6195129