HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA,
TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG ĐẠO PHÁP
TT.TS. THÍCH NGUYÊN HẠNH*
Hòa thượng Khánh Hòa một lòng chấn hưng Phật giáo nối truyền mạng mạch Như Lai, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam tương lai.
Dưới danh nghĩa những người đi khai hoá văn minh, thực dân Pháp đã thực hiện ở Việt Nam một chế độ cai trị hà khắc, nhằm nô dịch nhân dân ta về tôn giáo, chính trị, văn hóa, giáo dục, phong tục, tập quán ... Và chứ Latin từng bước lấn át chữ Nho. Kinh Phật lúc bây giờ hoàn toàn là chữ Nho (Hán ngữ) nên lại càng xa vời với nhiều tu sĩ và nho sĩ.
Đứng trước tình trạng đau lòng đó nhiều Tăng sĩ và các cư sĩ trí thức đã trăn trở tìm cách chấn hưng Phật giáo, trong số đó có Hòa thượng Khánh Hòa với một nhiệt tâm cao cả: “Ông đã du hành khắp Tổ đình Nam kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Ông liên kết được một số các vị cao Tăng đồng chí, trong số đó có Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh những người đã hoạt động chặt chẻ với ông trong suốt thời gian hoạt động của ông sau này”1. Với đường lối ôn hòa, tránh bút chiến, tránh tranh luận, Ngài đã tích cực đem lại cho Phật giáo Việt Nam một luồng tư tưởng mới. Đây là người mở đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào thế kỷ XX, quyết tâm đem ánh sáng của thời hoàng kim Lý-Trần trả lại về cho Phật giáo Việt Nam.
Có vốn hiểu biết rộng về Nho học và Phật học, đi đây đi đó nhiều nơi, giao thiệp rộng với các nhân sĩ, trí thức, cư sĩ Phật giáo, đặc biệt sống gần gũi với quần chúng tín đồ nên Hòa thượng Khánh Hòa có một sự hiểu biết sâu sắc về đời sống của nhân dân, nguyện vọng, ước mơ của họ cùng tình hình xã hội của Nam kỳ trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Cùng với một số nhà sư có tinh thần yêu nước, tiến bộ như sư Khánh Anh, sư Huệ Quang, sư Thiện Chiếu… Hòa thượng Lê Khánh Hòa tiến hành một cuộc vận động chấn hưng đạo Phật. Chính Hòa thượng là người sáng lập "Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội" và "Lưỡng Xuyên Phật học hội", quy tụ nhiều vị cao tăng và nhân sĩ Phật giáo có tiếng tăm lúc bấy giờ. Hòa thượng nêu cao chủ trương:
1) Chỉnh đốn Tăng già, lập hội Phật giáo.
2) Kiến lập Phật học đường, đào tạo Tăng tài.
3) Thỉnh Đại tạng kinh, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ.
4) Xuất bản báo, tạp chí phổ biến giáo lý.
Trong Tự Trần của Hòa thượng Khánh Hòa đã nói rằng: -Như muốn truyền bá tư tưởng thì các nhà học Phật nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cắt nhà thư –xã thỉnh ba tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được pháp luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo. Kẻ giả đồ kia cải nghiệp thì Phật Pháp mới chuyển tăng hưng vượng.
Còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sanh tân nghiệp luôn luôn. Học cho thông Ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhậm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu diễn dương diệu pháp, thì mới trông mong Tăng giới được tinh tấn.
Giả sử muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo, cứ như hai phương diện trên đây thì mới thấy hoàn toàn kết liễu, bằng như phúc hủy ngoài cái phạm vi ấy thì không bao giờ kiến hiệu nổi2.
Thiết nghĩ, đây là đây là việc làm chính đáng nêu lên một tấm lòng thiết tha chấn hưng đạo Phật của Hòa thượng Khánh Hòa, vì Hòa thượng nhận thấy rõ tình trạng đã xảy ra trước mắt: “Không đọc được kinh Phật, nên tín đồ không hiểu giáo lý Phật là gì. Bắt đầu từ đó họ xa dần đạo Phật. Đạo Phật bắt đầu suy đồi. Cho đến là tín đồ mà không hiểu đạo Phật là gì, ai là người khai sáng đạo Phật, giáo lý đạo Phật ra sao. Đến nỗi cả toàn quốc không có một trường học Phật”3. Đây là một hiện trạng đau lòng của những người mang nặng tâm huyết chấn hưng Phật giáo. Vì thế, Hòa thượng Khánh Hòa quyết tâm mở mang lĩnh vực thông tin báo chí, đem ánh sáng Phật pháp đến với quần chúng, vì hiểu rõ giá trị truyền thông của báo chí. Một bàn tay vỗ chẳng nên kêu, ở tại một nơi thì không thể đem giáo pháp phổ biến cùng quần chúng. Việc làm thiết thực nhất là nhờ vào phương tiện báo chí gởi gắm tâm huyết đến mọi người. Tư tưởng chủ trương của Hòa thượng đã tỏ rõ trong tờ báo Pháp âm lời lời chữ chữ chứa đầy nhiệt huyết chấn hưng Phật giáo. Theo đề nghị của Hòa thượng thì các nhà học Phật nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cất nhà thư xã thỉnh ba tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ quốc ngữ để cho mỗi người xem đọc đều hiểu được Phật pháp. Quan niệm của Hòa thượng đã đặt ra trong báo Pháp âm giúp đỡ cho dân chúng rất nhiều, nhờ đọc được kinh mà hiểu được đạo, nhờ hiểu được đạo mới thành tâm ủng hộ Phật pháp thì Phật pháp mới có cơ hưng vượng. Còn phần học Phật là việc làm thiết thực của người Tăng sĩ nếu không hậu quả sẽ như sau:
“Chư Tăng hầu hết chỉ lo đi cúng đám làm nghề sinh nhai. Đến đổi ông Tăng không khác gì người tục! Đạo Phật bây giờ bị người chê là yếm thế, tiêu cực hay nhu nhược. Ông Tăng không có giá trị gì cả!”4. Vì thế: Học cho thông Ngũ giáo Tam thừa, rồi ra trách nhiệm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu diễn dương diệu pháp, thì mới trông mong Tăng giới được tinh tấn. Quả thật những quan niệm của Hòa thượng Khánh Hòa đã mở đầu cho lịch sử Phật đi vào một trang sử mới. Đây là công lao to lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa.
Phần Tự trần của Hòa thượng Khánh Hòa đã nói lên quan niệm và tâm nguyện tha thiết cao cả của Ngài, cũng là trong những chủ trương của Ngài, phổ biến giáo lý, chấn hưng quy củ thiền môn. Quả thật là phần quan trọng của người con Phật. Nếu là con Phật mà không biết giáo lý, mặc kệ cho quy củ Thiền môn hư nát thì có tu cũng không ra một người Tăng chân chính. Lập hội Phật giáo để kêu gọi tánh đoàn kết của Phật môn, vì đoàn kết là sức mạnh, cả ngoài đời cũng thế thì trong đạo cũng không khác gì. Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài, ta có thể thấy cách đây cả trăm năm Hòa thượng Khánh Hòa đã có cái nhìn sáng suốt về việc này. Vì Tăng ni là người nối truyền mạng mạch Như Lai, nếu đã là đệ tử Như Lai mà không biết gì Phật pháp thì lấy gì mà chấn hưng Phật giáo.
Trong phần Nhật ký trích dẫn những đoạn: Đây là câu trả lời của Hòa thượng Khánh Hòa với sư trụ trì Phước An Tự: - Vì nghĩ rằng: đạo Phật ở Nam kỳ ta hiện thời, trong thì Tăng đồ thất học, làm sai pháp luật, ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan, bây giờ mình hiệp nhau lập Thơ viện thỉnh Tam Tạng Kinh, một mặt thì lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản, hoặc tòng thơ hoặc tạp chí, để lưu thông trong thiên hạ khiến mọi người thông hiểu được cái giáo lý của đạo, mới mong trừ tuyệt những điều mê tín kia. Một mặt thì ra sức giáo hóa cho Tăng đồ có tư cách, phòng gánh vác Phật sự sau này, có học mới biết đường mà tu, không thì họ cứ mượn chùa ra làm nhà riêng của mình, kẻ trước vậy, kẻ sau vậy, chắc đạo Phật phải tiêu ma, nên tính phải lập trường học để đào tạo nhân tài, ấy là cái trọng trách của người xuất gia vậy5.
Qua những suy nghĩ của Hòa thượng Khánh Hòa đặt trong báo Pháp âm, ta thấy rõ ràng rằng tâm nguyện của Ngài trước sau như một với chí hướng chấn hưng Phật giáo nối truyền mạng mạch Như Lai đã không ngại vất vả đi khắp nơi để kêu gọi sự đồng lòng hưởng ứng chấn hưng Phật giáo, phá bỏ những tệ nạn trước mắt, giáo hóa cho Tăng đồ có trách nhiệm với Phật pháp, với chúng sanh.
Phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam
Ngoài sự tác động của nhân sĩ trí thức lúc bấy giờ, phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam còn có sự tác động của phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa do Thái Hư Đại sư khởi xướng trên tạp chí Hải Triều Âm. Do vậy, Hòa thượng Khánh Hòa lấy tâm lực cao cả làm hành trang theo Ngài trên mọi nẻo đường từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ngài đem hết can tràng tha thiết chỉ rõ sự suy đồi và nguy cơ bị tiêu diệt của Phật giáo nếu không sớm chấn hưng.
Các tổ chức hội
Hòa thượng Khánh Hòa cùng quý Hòa thượng khác lập ra Hội Lục Hòa vào năm Canh Thân (1920). Đó là mục tiêu ban đầu nằm trong hoài bão, nhằm tạo sự đoàn kết, tương thân theo đúng pháp Phật trong giới Tăng sĩ. Ngài còn lo mở trường gia giáo để đào tạo Tăng tài hầu đảm nhiệm trọng trách hoằng dương chánh pháp, dìu dắt người sau. Bên cạnh đó, Ngài cần mẫn dịch Kinh, Luật, Luận ra chữ quốc ngữ để phổ cập được trong mọi tầng lớp quần chúng.
Năm 1928, Ngài cùng các vị Thiện Chiếu, Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lập Thích Học Đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn (Cầu Muối). Cùng năm này, chư Tôn đức tỉnh Bình Định mở trường hạ tại Tổ đình Long Khánh (Quy Nhơn), đã cung thỉnh Ngài làm Pháp sư chủ giảng suốt 3 tháng tại đây.
Năm Tân Mùi (1931), Ngài cùng nhiều vị Tôn đức và các cư sĩ học giả, thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đặt Hội quán tại chùa Linh Sơn - Sài Gòn. Ngài đã cổ động hàng cư sĩ Phật tử Trà Vinh, thỉnh và hiến cúng Tam Tạng Kinh điển cho hội để có tài liệu nghiên cứu và diễn dịch.
Bước đầu tiên, hội không có tài chánh để xây thư viện hầu lưu trữ Tam Tạng Kinh, Ngài bèn về chùa Tuyên Linh thương lượng với bổn đạo, hiến ngôi chánh điện cho hội, để xây Pháp Bảo Phường, lưu trữ Pháp Bảo Tam Tạng Kinh. Hiện Tam Tạng Kinh và Pháp Bảo Phường vẫn còn tại chùa Linh Sơn - Sài Gòn. Đây là việc làm không tưởng đối những người học Phật và khiến bổn đạo ngỡ ngàng vì sự hy sinh lớn lao cho tiền đồ Phật pháp mai sau của hòa thượng.
Sau đó, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, nhưng chỉ hai năm hoạt động, Hội đang có chiều hướng tiến triển, thì có sự độc tài của một vài cá nhân kỳ thị, khuynh loát Thích Học Đường không khai giảng được. Nhận thấy nguy cơ không có khả năng chỉnh đốn lại nên Ngài cùng Tổ Huệ Quang lui gót trở về Lục tỉnh.
Năm Quý Dậu (1933), vẫn không nản lòng, Ngài cùng các Tổ Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh... thành lập Liên đoàn Phật học Xã nhằm tiếp tục con đường đào tạo Tăng tài. Tổ chức này có hình thức di động không trú xứ, luân phiên mỗi chùa 3 tháng phải chu toàn, đài thọ các mặt hoạt động của Liên đoàn, sau đó lại đến chùa khác. Tổ chức này ra đời bằng hình thức khai mở lớp gia giáo, bắt đầu từ chùa Từ Hòa (chùa Tổ Huệ Quang) thuộc làng Long Hòa, huyện Tiểu Cần; rồi đến khai giảng tại chùa Thiên Phước, quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, sau đó đến chùa Viên Giác, tỉnh Bến Tre. Nhưng công việc đang hanh thông giữa chừng thì lại gặp chướng duyên, xem như gãy đổ hoàn toàn (năm 1934).
Bên cạnh đó, Ngài còn kiến tạo Phật Học Đường và khóa đầu tiên được khai giảng năm Ất Hợi (1935) với số lượng học Tăng ba mươi vị. Trong số đó có các Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ... Hội Lưỡng Xuyên Phật học tồn tại cho đến khi chiến tranh xảy ra năm 1945.
Báo, tạp chí Phật học ra đời
Để đẩy mạnh việc truyền bá Phật pháp, Ngài cùng các Hòa thượng khác cho xuất bản tập san Phật học bằng chữ quốc ngữ tên là Pháp âm. Số ra mắt đầu tiên là ngày 13.8.1929. Đây là tờ báo Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam và cũng là tờ báo làm tiền đề cho những báo, tạp chí Phật học xuất hiện tại miền Nam.
Pháp Âm tạp chí thành công
Dẫn đường sanh chúng những mong an hòa
Chấn hưng Phật giáo nước nhà
Mở ra trang sử chói lòa muôn năm.
Sau đó là tập san Phật hóa Tân thanh niên ra đời năm 1930 cũng bằng chữ quốc ngữ nhưng có nội dung tiến bộ hơn, nhắm vào hàng cư sĩ trí thức và Tăng sĩ trẻ. Nhưng không lâu, nhiều nội ngoại chướng dồn dập, hai tập san đều ngưng hoạt động.
Công việc không thuận lợi, nhiều vị tỏ ra yếm thế chán nản. Chỉ có Hòa thượng Huệ Quang, Kim Huê, Vạn An, Liên Trì, Viên Giác... tỏ ra đồng tình ủng hộ triệt để và hết lời ca ngợi việc làm cao đẹp này. Ngoài ra, hầu hết chỉ nghĩ đến tông môn mình, chùa mình và từ chối thoái thác cộng tác. Đôi khi Ngài còn bị những người ấy công kích hủy báng hết sức thậm tệ. Có lúc Hòa thượng Khánh Hòa tự than rằng: “Ôi! Phật pháp suy vi, Tăng đồ hủ bại đến thế là cùng. Rồi đây, họ sẽ bị trào lưu đào thải!” Nhưng bản thân Ngài vẫn không nản chí, mà ngược lại càng nhẫn nại và sáng suốt hơn bao giờ hết.
Đến năm 1932, Ngài cho xuất bản tạp chí Từ bi âm và được cử làm Đệ nhất Phó Hội trưởng kiêm Chủ nhiệm báo Từ Bi Âm.
Năm Giáp Tuất (1934), Ngài lại cùng các Tổ Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải... và các cư sĩ tỉnh Trà Vinh xuất bản tạp chí Duy Tâm và thỉnh Đại Tạng, Tục Tạng để làm tài liệu nghiên cứu và dịch giảng.
Kết luận
Hòa thượng Khánh Hòa một lòng chấn hưng Phật giáo nối truyền mạng mạch Như Lai, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam tương lai. Chúng ta, mọi người con Phật nhận thấy được giá trị đích thực mà Hòa thượng đã để lại trong suốt chiều dài lịch sử: Đó là tấm gương sáng ngời trong đạo pháp giúp cho thế hệ mới những người con Phật ngày nay đang thừa hưởng, ngõ hầu tiếp bước "theo dấu chân xưa", phát huy tinh thần tích cực chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn bùng nổ thông tin, nhằm góp phần giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là nhiệm vụ của những người con Phật, về mặt tinh thần của Phật giáo Việt Nam, làm sáng tỏ hơn nữa tinh thần khế lý, khế cơ mà Đức Phật đã để lại, đã được lưu truyền một thời huy hoàng và thịnh vượng trên quê hương Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua.
Đại nguyện trùng hưng tỏa sáng ngời
Đem nguồn Chánh Pháp trải ngàn nơi
Xây trường trí huệ ươm mầm đạo
Làm báo Từ bi chiếu trí người
Lập hội Tăng già hưng cảnh Phật
Xây kho Giáo Lý thịnh dòng đời
Kinh văn nguyện dịch ba ngàn tạng
Quy củ Thiền môn sửa sáng ngời.
* Chánh Văn phòng Viện NCPH Việt Nam.
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb Văn học,2011, tr. 784.
2. Nguyệt san Pháp âm trang 17.
3. Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr. 26.
4. Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr. 27.
5. Tạp chí Pháp âm, Nhật ký hành trình cổ động của Hòa thượng Khánh Hòa, tr. 43.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết