HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA
VỚI CÔNG VIỆC HOẰNG TRUYỀN CHÁNH PHÁP
ĐĐ.TS. THÍCH TRUNG SAN
Hòa thượng Khánh Hòa là một tu sĩ có giới hạnh tinh nghiêm, uyên thâm Phật học và linh hồn của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam mà tầm ảnh hưởng vẫn còn lan tỏa cho đến hôm nay.
Phật giáo truyền vào Việt Nam đã trên dưới 2.000 năm. Trải qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử đất nước, cộng với quá trình tiếp biến, giao lưu, hội nhập với văn hóa bản địa trong tinh thần phương tiện đã tạo nên một Phật giáo Việt Nam với những bản sắc đặc thù. Nhờ vào tinh thần rộng mở, dân chủ, bình đẳng và bằng con đường hòa bình khi truyền bá nên Phật giáo dễ dàng được các cư dân ở các quốc gia với các nền văn hóa khác nhau sẵn sàng mở cửa đón nhận. Vì thế, Phật giáo đã nhanh chóng phát triển chẳng khác nào như hạt giống được gieo trồng trên đất phù sa. Dấu ấn dung thông tam giáo (Phật - Lão - Khổng) trộn lẫn những tín ngưỡng, tập tục của văn hóa bản địa hiện vẫn tồn tại rõ nét trong nhiều lĩnh vực của Phật giáo Việt Nam hiện nay.
***
Khi nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam nửa đầu thế XX, có một điểm đáng lưu ý quan tâm, đó là trước khi Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Hội chính thức ra đời ngày 26 tháng 8 năm 1931, Hòa thượng Lê Khánh Hòa là một trong những người khởi xướng đã cùng các tăng sĩ đồng chí hướng bền bỉ vận động cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam và việc thành lập cơ quan nghiên cứu Phật giáo Nam kỳ.
Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947) tên thật là Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, là người làng Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1895, ngài xuất gia cầu đạo tại chùa Long Phước (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Với tấm lòng quyết chí cầu đạo và chuyên tu, ngài sớm được các bậc cao Tăng ở nhiều nơi quý mến và tên tuổi vang xa. Đứng trước tình hình Phật giáo ngày một suy đồi, Hòa thượng Khánh Hòa với nhiều vị cao Tăng đương thời như: Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải, và Thiện Chiếu… đã cộng tác chặt chẽ với ngàiquyết tâm chỉnh đốn tình hình Phật giáo đúng theo chánh pháp của Đức Phật, đào tạo Tăng tài để phục vụ, chuyên sâu nghiên cứu dịch thuật các kinh điển ra chữ Quốc ngữ để phổ biến cho quần chúng nhân dân.
Phong trào chấn hưng và công tác đào tạo tăng tài
Một tổ chức Tăng sĩ được hình thành: Hội Lục hòa Liên hiệp (1923) với mục đích là vận động thành lập một Hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc, đây là cơ sở đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo hồi nửa đầu thế kỷ XX, nhưng rất tiếc là cuộc vận động thành lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất của cả nước lại bất thành. Sau đó, Hòa thượng cùng các vị sư như Từ Nhẫn, Chơn Huệ, Thiện Niệm tổ chức xây dựng Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn Sài Gòn (1928)… Với chí nguyện cao cả và quyết tâm chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu đã đi vận động khắp nơi đến các Phật tử hữu tâm kêu gọi ủng hộ tài chính để mua bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 bộ cho Thư xã. Hòa thượng còn chủ trương ra tờ tập san Phật học bằng Quốc ngữ: Pháp âm. Đây là tờ báo đầu tiên của Phật giáo phong trào chấn hưng. Không bao lâu sau, sư Thiện Chiếu cho ra đời Phật hóa Tân Thanh niên, nhằm hướng tới giới thanh niên trí thức tân thời. Hòa thượng còn vận động để thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931) tại Sài Gòn, với sự cộng tác của các cư sĩ như: Trần Văn Khuê, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Nhơn, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Lê Văn Phổ, Nguyễn Văn Cần… năm 1932, xuất bản tạp chí Từ bi âm. Bên cạnh vai trò hoằng dương chánh pháp thì tờ tạp chí này còn có một đóng góp lớn là phổ thông hóa, đại chúng hóa Phật học qua phương tiện chữ Quốc ngữ. Để tiếp tục thực hiện chí nguyện đào tạo tăng tài, năm 1933, Hòa thượng Khánh Hòa đã cùng với các vị Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải… đứng ra thành lập Liên đoàn Học xã tại chùa Viên Giác (Bến Tre). Mục đích chính của Liên đoàn Học xã là đào tạo tăng tài theo hình thức cứ mỗi chùa sẽ hỗ trợ chi phí trong vòng 3 tháng liên tiếp cho các buổi thuyết pháp và dạy học. Chương trình được bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 tại chùa Long Hòa (Vĩnh Long), tiếp theo là chùa Thiên Phước (Trà Vinh) và cuối cùng là chùa Viên Giác (Bến Tre) thì tan rã. Năm 1934, Phật học đường Lưỡng Xuyên được thành lập tại Trà Vinh, đã cung thỉnh ngài làm pháp sư. Ngôi Phật đường này đã đào tạo nhiều bậc cao tăng cho Phật giáo nước nhà sau này như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Hành Trụ… Năm 1947, Hòa thượng Khánh Hòa về chùa Tuyên Linh và viên tịch tại đây.
Nhìn chung, cả cuộc đời của Tổ Khánh Hòa là sự phấn đấu và cống hiến không mệt mỏi vì công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà và sự nghiệp đào tạo Tăng tài kế tục1.
***
Trên tinh thần chấn hưng, Hòa thượng Khánh Hòa đã nói lên quan niệm và tâm nguyện tha thiết cao cả của ngài, cũng là trong những chủ trương của ngài, phổ biến giáo lý, chấn chỉnh quy củ thiền môn. Quả thật là phần quan trọng của người con Phật. Đã là con Phật mà không biết giáo lý, mặc kệ cho quy củ thiền môn hư nát thì có tu cũng không ra một Tăng sĩ chân chính. Lập hội Phật giáo để kêu gọi tính đoàn kết của Phật môn, vì đoàn kết là sức mạnh, cả ngoài đời cũng thế thì trong đạo cũng không khác gì. Dịch ba Tạng kinh điển ra tiếng Việt, đây là việc làm chính đáng mở rộng số người biết về giáo lý Phật, có hiểu giáo lý Phật thì mới có thể tin Phật, có tin Phật mới có thể ủng hộ Phật pháp. Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài, ta có thể thấy Hòa thượng Khánh Hòa đã có cách nhìn sáng suốt về việc này. Vì Tăng Ni là người nối truyền mạng mạch của Như Lai, mà không biết gì Phật pháp thì lấy gì hạ hóa chúng sinh? Như vậy, ta thấy tư tưởng và chủ trương của Hòa thượng Khánh Hòa là sáng suốt, dẫn đường cho đàn hậu tấn mai sau, mở đầu một trang sử ngời sáng trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Chúng ta cũng được thấy trong Nhật ký trích dẫn những đoạn giữa Hòa thượng Khánh Hòa với sư trụ trì chùa Phước An như sau: “Vì nghĩ rằng: đạo Phật ở Nam kỳ ta hiện thời, trong thì Tăng đồ thất học, làm sai pháp luật, ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan, bây giờ mình hiệp nhau lập thơ viện thỉnh Tam Tạng Kinh, một mặt thì lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản, hoặc tòng thơ hoặc tạp chí, để lưu thông trong thiên hạ, khiến mọi người thông hiểu được cái giáo lý của đạo, mới mong trừ tuyệt những điều mê tín kia. Một mặt thì ra sức giáo hóa cho Tăng đồ có tư cách, phòng gánh vác Phật sự sau này, có học mới biết đường mà tu không thì họ cứ mượn chùa ra làm nhà riêng của mình, kẻ trước vậy, kẻ sau vậy, chắc đạo Phật phải tiêu ma, nên tính phải lập trường học để đào tạo nhân tài, ấy là cái trọng trách của người xuất gia vậy”2.
Nhà sư Thiện Chiếu cũng đã nhận xét: “Phật giáo nước ta suy đồi do nơi Tăng đồ thất học, Tăng đồ ví cũng như nguyên khí, nguyên khí suy mòn tất nhiên sinh nhiều quái chứng; muốn khỏi biến sinh quái chứng và thân thể được bình phục như xưa thì phải bồi thực nguyên khí. Vậy muốn Phật pháp trùng hưng thì ai là Tăng đồ hoặc tín đồ nữa cần phải nghiên cứu Phật học”3. Như vậy, chấn hưng Phật giáo là tạo nền móng con người (tức nguyên khí) cho Phật giáo chuyển đúng hướng, hòa nhập với mạch nguồn dân tộc.
Qua những tư tưởng trên cho ta thấy rõ ràng rằng tâm nguyện của Hòa thượng Khánh Hòa cũng như các vị Hòa thượng cùng thời trước sau như một với chí hướng chấn hưng Phật pháp, nối truyền mạng mạch Như Lai đã không ngại vất vả đi khắp nơi để kêu gọi sự đồng lòng hưởng ứng chấn hưng Phật giáo, phá bỏ những tệ nạn làm cho đạo Phật suy đồi, giáo hóa cho Tăng đồ có trách nhiệm với Phật pháp, với chúng sinh.
Để đáp ứng yêu cầu trên phong trào chấn hưng Phật giáo lúc đầu khởi xuất ở miền Nam, rồi lan dần ra Trung và Bắc.
Nội dung chủ yếu của cuộc chấn hưng Phật giáo lúc này có mấy nét cơ bản đại thể là:
- Chỉnh đốn Tăng già, lập hội Phật giáo.
- Kiến lập Phật học đường, đào tạo Tăng tài.
- Thỉnh Đại Tạng Kinh, diễn dịch và xuất bản Kinh sách Việt ngữ.
- Xuất bản báo, tạp chí, phổ biến giáo lý.
Qua từng chủ trương, chúng ta nhận thức rõ được những băn khoăn, trăn trở của Hòa thượng Khánh Hòa về tiền đồ của Phật giáo nước nhà và bốn chủ trương ấy sẽ luôn mãi mãi còn đúng đắn không chỉ cho tổ chức Phật giáo Việt nam mà còn bất kỳ cho tổ chức nào muốn tồn tại và phát triển một cách chân chính. Hòa thượng Khánh Hòa cùng các vị tôn túc đã khởi xướng và tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo, vừa phù hợp với xu hướng của thời đại, vừa đáp ứng hoàn cảnh thực tế đặc thù của đất nước và dân tộc Việt Nam, đã được sự cổ vũ và ủng hộ từ nhiều tầng lớp xã hội thời đó. Những chủ trương và sự nghiệp của ngài và phong trào chấn hưng Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn giá trị thiết thực cho đến ngày hôm nay.
Như chúng ta đã biết, hoằng truyền Phật pháp và đào tạo Tăng tài là một trong những việc làm có ý nghĩa thiêng liêng và cao cả đối hàng đệ tử Đức Phật và cũng là sứ mạng vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển của một tôn giáo thì đạo Phật cũng không ngoại lệ.
***
Hòa thượng Khánh Hòa, người đã dành trọn tâm huyết và cuộc đời mình cho việc đào tạo tăng tài. Và cũng chính ngài là người đã đặt nên những tảng đá đầu tiên cho sự ra đời và phát triển của nền giáo dục tân học Phật giáo Việt Nam cũng như đào tạo những thế hệ tăng tài vững chãi về mặt kiến thức Phật học lẫn thế học để họ tham gia vào các hoạt động Phật sự, thế sự ở cấp trung ương và ở nhiều địa phương trên cả nước. Và đã có được các vị như: Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, Hiển Không, Quảng Liên, Huyền Không, sư bà Như Huệ… không chỉ đi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo tăng tài, ngài còn là tấm gương sáng đầy mẫu mực của một tín đồ nhà Phật luôn hết lòng vì đạo pháp. Dù phải trải qua nhiều gian lao, thử thách gặp không ít rào cản trên con đường vận động chấn hưng Phật giáo, nhưng ngài đã luôn giữ vững niềm tin vào sự trường tồn của đạo pháp để tô điểm thêm những nét đẹp trong bức tranh lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Đây là những việc làm chính đáng nói lên tấm lòng thiết tha chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Lê Khánh Hòa. Vì ngài nhận thấy rõ tình trạng đã xảy ra trước mắt: “Không đọc được kinh Phật, nên tín đồ không hiểu giáo lý Phật là gì. Bắt đầu từ đó họ xa dần đạo Phật. Đạo Phật bắt đầu suy đồi. cho đến là tín đồ mà không hiểu đạo Phật là gì, ai là người khai sáng ra đạo Phật, giáo lý đạo Phật ra sao. Đến nỗi cả toàn quốc không có một trường học Phật”4.
Hòa thượng là người rất giỏi về Nho học và am tường sâu sắc về Phật học, ngài đã đi khắp đó đây, giao thiệp và vận động các nhân sĩ, trí thức, cư sĩ Phật giáo. Đặc biệt, ngài cũng đã sống và sinh hoạt gần gũi với tín đồ Phật tử nên ngài đã hiểu sâu sắc về đời sống của nhân dân, nguyện vọng ước mơ của họ cùng tình hình xã hội ở Nam kỳ trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Cùng với một số nhà sư có tinh thần yêu nước, tiến bộ đã tiến hành một cuộc vận động chấn hưng đạo Phật. Chính Hòa thượng là người sáng lập các Phật học hội nghiên cứu và đã xuất bản báo, tạp chí phổ biến giáo lý trong những năm giữa đầu của thế kỷ XX. Với công tác vận động này Hòa thượng đã quy tụ nhiều vị cao Tăng và nhân sĩ trí thức Phật giáo có tiếng tăm lúc bấy giờ.
Nguyên nhân dẫn đến công cuộc vận động chấn hưng
Sự lo lắng đầu tiên của Hòa thượng Khánh Hòa và các vị tôn túc có tâm huyết cho Phật giáo Việt Nam là giới Tăng sĩ bị guồng máy trụy lạc lôi kéo và sa đọa. Giới Tăng sĩ ít học trong giai đoạn này với số lượng đông đảo do hai nguyên nhân: không có trường đào tạo và tiền thân xuất gia không được học tập, họ không thông hiểu Phật pháp mà chỉ nhờ vào sự cúng bái theo yêu cầu của nhân thế nhằm để kiếm lợi, xa rời nếp sống thanh quy. Với số lượng lớn Tăng sĩ ít học đã khuynh loát cả các vị Tăng sĩ có học, chính từ đấy tạo nên bức tường ngăn cách dần người dân với niềm tin Phật giáo. Và đây chính là niềm lo âu của các bậc tôn túc có tầm nhìn, làm thế nào để giải quyết vấn nạn này.
***
Các tổ chức Phật giáo đã thực hiện các bước nhằm chấn chỉnh lại giới Tăng sĩ như thành lập Hội đồng Giám luật, tạo các mạng lưới về tận chùa để kiểm soát sự sai phạm giới luật và có cách chấn chỉnh kịp thời; thành lập Ban Nghi lễ để tách riêng với giới thầy cúng, trong trang phục cũng khác, hàng Phật tử tại gia các đạo tràng thì được hướng dẫn kỹ càng hơn, tổ chức các lớp học Phật pháp… đã tạo ra một cuộc cải cách về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tư cách của Tăng đồ trong Phật giáo. Qua đó, hoàn thiện thêm về cơ cấu tổ chức và hoạt động theo một khuôn phép chặc chẽ… làm cho Phật giáo ngày càng trở nên tinh anh và tăng cường niềm tin của quần chúng vào đạo hạnh của Phật giáo.
Cho đến nay có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về ngài Khánh Hòa từ hành trạng đến sự nghiệp, từ kiến thức đến đức độ… do nhiều giới trong xã hội thực hiện ở nhiều thời kỳ với nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, có một điều chung nhất đó là: Ngài là một tu sĩ Phật giáo có giới hạnh tinh nghiêm, uyên thâm Phật học và linh hồn của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam mà tầm ảnh hưởng vẫn còn lan tỏa cho đến hôm nay.
***
Là một tu sĩ Phật giáo có giới hạnh tinh nghiêm, uyên thâm Phật học, ngài đã tham gia tích cực các trường gia giáo và sớm trở thành một giảng sư nổi tiếng kể từ khi giảng Kinh Kim Cang Chư Gia tại chùa Long Huê (Gia Định). Việc thỉnh và dịch Tam Tạng Kinh điển ra chữ Quốc ngữ để phổ biến rộng khắp đến nhiều đối tượng qua các báo Pháp âm, Từ bi âm, Duy tâm Phật học… là một việc làm có ý nghĩa rất to lớn vì vào thời điểm đó, báo chí là một phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại và hữu hiệu nhất. Hơn thế, ngài đã khởi nguồn việc hình thành Việt Tạng bằng chữ Quốc ngữ, một việc làm cần thiết nhất cho Phật giáo nước nhà hôm nay và mãi mãi về sau. Chính việc truyền bá giáo lý đạo Phật của ngài trong công cuộc chấn hưng Phật giáo đã giúp tri thức Phật giáo phổ cập đến không chỉ giới Phật tử mà còn cả những người hâm mộ có cơ hội tìm hiểu Phật pháp. Những vị học tăng từ Thích học đường Lưỡng Xuyên đã trở thành rường cột chính trong ngôi nhà Phật giáo sau này. Các vị đó không chỉ phát huy rạng rỡ chánh pháp của Đức Phật mà còn là tấm gương tiêu biểu cho mọi thế hệ mai sau về giới hạnh, sự nghiệp và tinh thần dân tộc. Công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo và công tác giáo dục của ngài là tấm gương sáng tỏa đã để lại cho Phật giáo Việt Nam đương thế và hậu thế một giá trị vô cùng to lớn.
Có thể nói rằng, chấn hưng Phật giáo Việt Nam là tâm nguyện suốt cả cuộc đời của Hòa thượng Khánh Hòa. Trong đó, hoạt động mà ngài kỳ vọng sẽ mang lại hơi thở mới cho Phật giáo Việt Nam lúc này là đào tạo ra được các Tăng Ni sinh vững chãi về mặt kiến thức Phật học lẫn thế học. Điều này được minh chứng một cách rõ nét qua quá trình ngài đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo cũng như khi phong trào đi vào vận hành thì ngài đã dành tất cả tâm huyết của mình cho hoạt động này.
Vốn là người mang nặng tâm huyết chấn hưng đạo pháp, nhưng đứng trước thực trạng của nền giáo dục Phật giáo đang ngày càng tụt dốc như vậy, Hòa thượng Khánh Hòa đã phải thốt lên rằng: “Đến nỗi cả toàn quốc không có một trường Phật học”5. Phải làm cách nào, làm như thế nào để khắc phục được nan đề này? Trong khi ở Nam Bộ lúc này “chỉ còn đôi ông bạn học rộng hiểu xa, nhưng lải rải ở các lục châu (Lục tỉnh Nam kỳ) chưa biết có ai đồng chí nhiệt thành mà để xướng thật hành phương pháp ấy”6. Trong một bài viết đăng tải trên nguyệt san Pháp âm, ngài lại một lần nữa kêu gọi Tăng ni, Phật tử có lòng nhiệt thành vì đạo cùng chung tay xây dựng thư viện, lập trường học và dịch kinh sách Phật giáo sang chữ Quốc ngữ cho tiện tu học. Ngài viết: “Muốn truyền bá tư tưởng thì các nhà học Phật nên hiệp tác với nhau chung cùng tư phủ cất nhà thư xã, thỉnh ba tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ Quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ khiến cho mọi người xem đọc đều hiểu được pháp luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo… Còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sinh tân nghiệp luôn luôn. Học cho thông ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhiệm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu xiển dương diệu pháp, thì mới trông mong tăng giới được tinh tấn”7. Đây chính là vấn đề vô cùng thiết yếu và cấp thiết đặt ra cho các Tăng ni, Phật tử lúc bấy giờ.
Có thể thấy rằng, ngoài những nhân tố khách quan bên ngoài, sự khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX chủ yếu bắt nguồn từ những nguyên nhân như tăng đồ thất học, tăng già suy vi, tăng đoàn rời rạc… Do vậy, việc vận động lập hội Phật giáo chủ yếu là để kêu gọi tinh thần đoàn kết của Phật môn, vì đoàn kết là sức mạnh, là phương tiện để Phật giáo Việt Nam đi đến thống nhất.
Giá trị phong trào chấn hưng và bài học kinh nghiệm
Trong lịch sử xuyên suốt kéo dài trải qua từng giai đoạn của cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đáng nhớ đó chính là những đức tính cao cả của Hòa thượng Khánh Hòa xứng đáng là tấm gương sáng chói cho các thế hệ đi sau làm bài học kinh nghiệm cho thế hệ tương lai đó là:
- Mỗi lần thất bại là mỗi lần cố gắng đứng lên, kiên tâm nhẫn nại, cương quyết như sắt đá, không hề thối chí nản lòng.
- Suốt đời hy sinh, hiến thân cho đạo pháp, không nề gian lao, chẳng từ khó nhọc, hy sinh cả tài sản chùa mình để sung vào của công, góp phần chấn hưng, không màng danh lợi, quyền tước và danh vọng.
- Thân già yếu bệnh nhưng chí hướng không già, lúc nào cũng tỏ ra hăng hái trước mọi công việc, không chán nản với Phật sự.
Phải nhìn nhận rằng, cuộc vận động phong trào chấn hưng Phật giáo trong hoàn cảnh này vô cùng khó khăn có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Khó khăn lớn nhất của phong trào chấn hưng Phật giáo là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ tầng lớp tu sĩ Phật giáo và sự suy thoái nặng nề về Phật pháp và ý chí của các Tăng đồ, thế nhưng Hòa thượng Khánh Hòa cùng các đồng chí vẫn kiên nhẫn, cương quyết không thối chí, sẵn sàng hy sinh cả thân mạng cũng như tài sản, góp phần cho công cuộc chấn hưng được thành tựu viên mãn. Trong đó, việc đào tạo tăng tài và vận động tăng già đoàn kết thống nhất được quan tâm hàng đầu.
Nhìn chung, có thể nói hoạt động của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã thực sự đem lại sinh khí cho đạo Phật Việt Nam, có những đóng góp vô cùng quan trọng cho việc xây dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam và đã trở thành nền tảng tiếp nối các cơ sở đào tạo Tăng ni trên cả nước đã bước vào những năm tháng sau này.
Phật giáo Việt Nam hiện nay không còn hiện tượng suy đồi như thời chấn hưng Phật giáo ở đầu thế kỷ XX, nhưng điều đó không đồng nghĩa chúng ta đang ở giai đoạn đỉnh cao của trí tuệ, mà Phật giáo Việt Nam so với thế giới còn rất lạc hậu về mặt nghiên cứu học thuật. Vì thế, trách nhiệm đằng sau của chúng ta còn rất nặng nề đối với công việc hoằng truyền chánh pháp, “Truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.
1. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I, Thành hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh ấn hành, 1995.
2. Tạp chí Pháp âm, Nhật ký hành trình cổ động của Hòa thượng Khánh Hòa, tr. 43.
3. Theo Thiện Chiếu “Nước ta ngày nay cần phải chấn hưng Phật giáo” đăng trong Nguyễn Đại Đồng – TS Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929-1938), Nxb Tôn giáo tr. 54.
4. Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện Hóa đạo, Sài Gòn, 1970, tr. 26.
5. Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập1, Viện Hóa đạo xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr. 26.
6. Khánh Hòa (1929) “Tự trần”, Pháp âm, số 1,tr. 18.
7. Khánh Hòa (1929) “Tự trần”, Pháp âm, số 1, tr. 17 – 18.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết