Thông tin

HÒA THƯỢNG KHÁNH THÔNG

VÀ BÀI CHÚC TỤNG BẰNG CHỮ NÔM NHÂN LỄ ĐẠI TƯỜNG

 

NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU*
PHAN MẠNH HÙNG**

 

Hòa thượng Khánh Thông 慶通 (1871-1953)1, Trụ trì chùa Bửu Sơn (tỉnh Bến Tre) là danh tăng của Phật giáo Bến Tre, Tây Nam Bộ và Việt Nam. Ngài có nhiều đóng góp cho sự phát triển, chấn hưng Phật giáo dân tộc. Trong những di văn lịch sử còn truyền lại, chúng tôi có cơ duyên tiếp cận bài bài chúc tụng nhân lễ Đại tường (lễ giỗ thứ hai) của ngài. Bài chúc tụng viết bằng chữ Nôm, ngoài những giá trị về văn bản học chữ Nôm ở Nam Bộ, còn cho chúng ta biết thêm hành trạng, đạo hạnh của Hòa thượng Khánh Thông – một nhân cách đáng kính ngưỡng.

Hòa thượng Khánh Thông

Hòa thượng Khánh Thông người làng An Thủy, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nay là xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tục danh Hoàng Hữu Đạo, pháp hiệu Khánh Thông, pháp húy Như Tín, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 39. Ngài xuất thân trong một gia đình Nho học giàu có và một lòng kính tin Tam bảo, thân phụ ngài là Hoàng Hữu Nghĩa, thân mẫu là Đặng Thị Sa. Lúc nhỏ, ngài từng theo học với cụ Đồ Chiểu2, trở thành một trong những học trò xuất sắc của Cụ đồ, làu thông Dịch học, đông y, phong thủy địa lý… Về tính cách, ngài là một người con chí hiếu với cha mẹ, hòa nhã, bao dung với mọi người, vì thế ngài được biết tới là nhà trí thức mô phạm nổi tiếng khắp vùng Bến Tre.

Năm 27 tuổi (Thành Thái năm thứ 9, 1897), ngài xuất gia tại chùa Long Khánh xã Bình Tây, nay thuộc huyện Ba Tri, thọ giới với Hòa thượng bổn sư Thích Chấn Bửu, được ban pháp danh Nguyên Nhơn. Sau đó đến cầu Chánh pháp nhãn tạng với Lão Thiền sư Minh Lương, pháp hiệu Chánh Tâm, Trụ trì Tổ đình Kim Cang tỉnh Tân An, nay thuộc ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An3, được ban pháp húy Như Tín, hiệu Khánh Thông.

Thành Thái năm thứ 16 (Giáp Thìn, 1904), ngài trở về quê nhà thành lập chùa Bửu Sơn4, nhiều lần tổ chức Đại giới đàn tại đây. Đại giới đàn hai lần đầu (lần 1 năm 1905 sau khi chùa Bửu Sơn hoàn thành; lần 2 năm Đinh Mùi 1907) ngài mời Hòa thượng bổn sư làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới. Đại giới đàn các năm Tân Dậu 1921, Tân Mùi 1931, Giáp Thân 1944 do chính ngài làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới. Ngoài ra ngài còn được mời làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới ở một số chùa khác trong địa hạt tỉnh Bến Tre như chùa Thắng Quang, nay thuộc huyện Ba Tri (vào hai năm Quý Hợi 1923 và Đinh Mão 1927), chùa Long Nhiễu, nay thuộc huyện Giồng Trôm (vào hai năm Tân Mùi 1931 và Đinh Sửu 1937)... Đặc biệt, có một lần ngài vinh hạnh được vua Bảo Đại mời đến chứng minh một Trường Hạ ở kinh đô Huế5. Danh tiếng, đức độ của ngài được mọi người gần xa kính ngưỡng.

Năm Ất Sửu 1925, ngài phó pháp truyền đăng, trao Chánh pháp nhãn tạng Thiền phái Lâm Tế đời thứ 40 cho đệ tử pháp húy Hồng Hạnh, pháp hiệu Vĩnh Đạt (1913-1987) và bổ nhiệm Vĩnh Đạt về trụ trì chùa Bửu Linh, xứ Cái Mít, nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm6. Đến năm Quý Tỵ 1953, thị hiện chút bệnh duyên, ngài phó chúc và truyền trao Phật sự cho đệ tử Vĩnh Huệ tiếp nối trụ trì chùa Bửu Sơn, sau khi khuyến tấn môn đồ pháp quyến, ngài an nhiên thu thần thị tịch, hưởng thọ 83 tuổi, an cư 55 hạ, trụ trì 47 năm7.

Hòa thượng Khánh Thông có người con trai thứ hai (cũng là đệ tử của ngài) sau khi xuất gia pháp hiệu là Vĩnh Huệ. Hòa thượng Vĩnh Huệ (1894-1976) pháp húy Nguyên Ngôn, xuất gia khi tuổi đã ngoài 50, được Hòa thượng Khánh Thông phó chúc kế tục trụ trì chùa Bửu Sơn. Nguyên trước khi xuất gia, vị này cũng lập gia đình, có con và kết thông gia với một người tên là Nguyễn Xuân Phong ở xã An Ngãi Trung, tổng Bảo An, nay là xã An Ngãi Trung huyện Ba Tri,tỉnh Bến Tre. Sau khi Hòa thượng Khánh Thông viên tịch hai năm, nhân lễ Đại tường của Hòa thượng, ông Nguyễn Xuân Phong viết một bài chúc tụng bằng chữ Nôm bày tỏ lòng tôn kính và thể hiện ước mong Hòa thượng được “siêu thăng Tịnh Độ, trực vãng Tây Thiên” xứng đáng với đạo hạnh và đức độ của ngài.

Nguyên văn bài chúc tụng như sau (nguyên văn có dùng nhiều từ ngữ và câu chữ Hán, chúng tôi dịch hoặc giải thích ý nghĩa của chúng bằng chữ nghiêng trong dấu ngoặc đơn ngay phía sau nhằm tiện cho người đọc theo dõi):

Bài chúc tụng nhân lễ Đại tường

“BÀI CHÚC TỤNG LỄ ĐẠI TƯỜNG

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG BỬU SƠN TỰ

Trình quý chư tôn cùng chư quý vị nhà sư và chư quý thiện tín.

Nguyên ngày hôm nay là ngày lễ Đại tường của Sư cụ Đại đức Lão Hòa thượng pháp danh Khánh Thông, Bửu Sơn tự, Bảo Trị tổng, Tân Vĩnh thôn, vi lễ nghi càng tận thiện, mà lại tận mỹ. Cận duyệt viễn lai (người gần mến yêu, người xa tìm đến), cả đều dự lễ long trọng.

Nguyên quý ngài Hòa thượng thật là một vị bác lãm nho y thi xã (đọc rộng kinh sách nhà Nho, y dược, thơ văn) và quán thông kinh luật thiền gia (thông suốt kinh luật nhà Thiền). Bởi sao như thế? Vì tự ấu chí trưởng (từ nhỏ đến khi trưởng thành), ngài có chí sùng tôn nền đạo đức, bác ước việc lễ nghĩa (học rộng lễ nghĩa và một lòng giữ gìn lễ nghĩa), Phật giáo cao thâm (hiểu sâu giáo lý nhà Phật), từ hàng bác ái (yêu thương khắp mọi người như con thuyền từ bi cứu độ chúng sanh).

Nguyên nay, môn đệ cực đa (môn đệ rất nhiều), tâm tang bất hãn (ai cũng ôm lòng thương tiếc), tất cả hầu đến kỷ niệm, làm lễ Đại tường Sư cụ, kỳ siêu vong linh Sư cụ hưởng cảnh Cực Lạc tiêu diêu.

Nay tôi xin phép dẫn giải hai chữ pháp danh của Sư cụ, quý tự Khánh Thông. Phù khánh giả, khánh kỳ thiện nguyện, dĩ tu kỳ thân, nhi hậu đạt thành Phật giáo chi đại đạo; Cái thông tai, thông kỳ đạo lý, dĩ bố kỳ nhân, sở đương phát triển môn đồ chi áo nghĩa (“Khánh” là vui việc thiện nguyện để tu sửa bản thân, nhờ đó đạt thành đạo lớn của nhà Phật; “thông” là thông tỏ đạo lý để dạy truyền nhân thế, từ đó mà phát triển nghĩa huyền diệu cho môn đồ.) Thực là một vị hoằng hóa Phật pháp chi huyền cơ, y bát chân truyền chi lãnh tụ (thực là một vị lãnh tụ nhận được y bát chân truyền, [có công] hoằng khai, giáo hóa huyền cơ của Phật pháp).

Hầu dẫn buổi tiền nhật (thuở trước), ngài đến Trung kỳ chứng minh tại Quảng Ngãi, nhiều nhà học giới, tuấn kiệt anh tài, cả đều sùng bái văn chất của ngài, tài đức của ngài. Thực là một vị rường cột của nhà Phật Thích Ca Như Lai. Nên tông giáo nhà Nho có lời rằng “Phù học giả, quốc chi tinh lương, thế chi đại bảo” (Người có học là giống quý của quốc gia, là vốn quý trên đời [Minh tâm bửu giám]), chính vị đạo lý chi trân (đáng gọi là trân bảo của nền đạo lý), bởi lời xưa đáng tôn đáng trọng, đáng kính đáng yêu. Đến nay, ngài lâm Cửu tuyền chi hạ (ngài đã về chốn Cửu tuyền), trải đấyba thu, mà người hằng ca tụng phương danh của ngài, địa vị của ngài, nên cổ ngữ có lời rằng “Thị tử do sinh, thiên thu bất hủ” (xem người đã chết vẫn như còn sống, muôn thuở không quên).

Sau đây, tôi xin dẫn lịch sử của ngài, hầu buổi còn ở thế, ngài hạ sanh một vị quý trọng nam (cách gọi trang trọng người con trai thứ hai), pháp danh Vĩnh Huệ. Sau đây, thầy Hoàng Vĩnh Huệ có chí noi dấu tông giáo của vị nghiêm quân (cách gọi trang trọng người cha). Ngày hôm nay, thầy Hoàng Vĩnh Huệ sùng tu nhà Phật giáo, suất tính chí từ bi (bản tính rất mực từ bi), học vấn thâm uyên, ngôn từ phi độ (ngôn từ không câu thúc). Đối như địa vị của thầy, thực là một vị kế chí thuật sự (tiếp nối chí nguyện và thuật lại sự nghiệp của người xưa), nói sao cho xiết. Nên thánh kinh (kinh điển nhà Nho) có lời rằng “Phù hiếu giả, thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự” (“Hiếu” chính là khéo noi theo chí của người trước, khéo thuật lại sự nghiệp của người trước [Lễ ký - “Trung dung”]), khả vị hiếu hĩ (đáng gọi là “hiếu” vậy).

Nguyên tôi là nghĩa thông gia với quý trọng nam của Sư cụ. Nay tôi, bạc vật kiền tương thành tâm khấu bái (lễ vật đơn sơ với lòng thành lễ bái), lễ tuy bất túc (lễ tuy không đầy đủ), mà kính diệc hữu dư (lòng tôn kính không bao giờ phai nhạt), niệm Sư ông âm linh cảm lễ (mong hương hồn Sư ông chứng cho lễ này). Nay tôi diễn lời văn trước án, kỳ nguyện (cầu nguyện) Sư ông, ước đặng siêu thăng Tịnh Độ, hầu mong trực vãng Tây Thiên (về thẳng Tây Thiên).

Hựu liên tiếp nhất thi Thủ vĩ ngâm (tiếp sau đây là một bài thơ theo lối Thủ vĩ ngâm).

Thủ vĩ ngâm

慶通和尚法流通

獨立寶山貴號翁

傳播儒醫千古頌

宏開經律萬家封

生前達德才非淺

死後芳名道最隆

南北同歌當宇宙

慶通和尚法流通

Khánh Thông Hòa thượng pháp lưu thông,

Độc lập Bửu Sơn quý hiệu Ông.

Truyền bá nho y thiên cổ tụng,

Hoành khai kinh luật vạn gia phong.

Sinh tiền đạt đức tài phi thiển,

Tử hậu phương danh đạo tối long.

Nam Bắc đồng ca đương vũ trụ,

Khánh Thông Hòa thượng pháp lưu thông.

(Khánh Thông Hòa thượng lưu truyền Phật pháp trên đời,

Một mình dựng chùa Bửu Sơn, mọi người quý trọng gọi Sư ông.

Truyền bá nho học, y dược, được ngàn đời xưng tụng,

Rộng giảng kinh luật, được khắp nơi tôn sùng.

Khi còn sống đức độ cao vời, tài năng to lớn,

Sau khi thác tiếng thơm còn mãi, đạo học luôn hưng thạnh.

Nam Bắc đều ngợi ca ngài đáng sánh cùng vũ trụ,

Khánh Thông Hòa thượng lưu truyền Phật pháp trên đời).

Thiên vận Ất Mùi niên bát nguyệt sơ tứ nhật. Bảo An An Nghĩa Trung liệt sĩ Nguyễn Xuân Phong đốn tụng.

(Ngày mồng 4 tháng 8 năm Ất mùi, 1955. Kẻ sĩ thấp hèn Nguyễn Xuân Phong ở xã An Ngãi Trung, tổng Bảo An cúi đầu viết bài chúc tụng.)”

Mấy nhận xét bước đầu

Qua văn bản trên, chúng ta thấy đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, người Nam Bộ vẫn còn dùng chữ Nôm trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng.

Vốn trước khi xuất gia, Hòa thượng Khánh Thông học theo Nho giáo, làu thông kinh điển Khổng Mạnh. Nền giáo dục Nho giáo đã rèn cho ngài nhiều đức tính tốt đẹp như hiếu, hòa, nhân, nghĩa… và tài văn chương thi phú. Ngài lại là học trò của cụ Đồ Chiểu nên cũng có tài về Dịch học và Đông y. Với những sở trường này, ngài thường chữa bệnh miễn phí giúp người nghèo và hướng dẫn người dân trong việc xây dựng nhà cửa, làm ăn buôn bán. Ngài cũng thường được nhờ viết đối liên vào những dịp tết.

Trong quá trình tham học Nho giáo, ngài cũng có dịp tiếp xúc kinh điển, sách vở Đạo giáo, Phật giáo. Với bẩm tính thông minh, thích tìm tòi, nghiền ngẫm, rất mau chóng ngài đã am tường rất nhiều kinh sử trong Tam giáo Cửu lưu. Đặc biệt ngài thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhà Phật. Tỏ ngộ lẽ vô thường, ngài quyết chí xuất gia. Từ đó, cuộc đời hành đạo của ngài gắn liền với chữ “nhân” của nhà Nho và chữ “từ bi” của nhà Phật.

Bổn sư của Hòa thượng Khánh Thông là Hòa thượng Chánh Tâm (1837-1906) thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 38. Sau khi về trụ trì chùa Phước Long, do nhân duyên thù thắng8, Hòa thượng Chánh Tâm đã đổi tên chùa thành Kim Cang và dời đến vị trí hiện tại, cách vị trí cũ khoảng 500m. Trước kia, vì mến mộ uy đức của bậc chân tu nên dân chúng thỉnh ngài về đây hoằng pháp, đến nay uy đức của ngài càng tỏa sáng, đạo tràng chùa Kim Cang ngày càng hưng thịnh. Ngài đã chủ trì thành lập pháp hội khắc bản và in ấn kinh sách Phật học tại chùa. Ngài cũng là người mở pháp hội đào tạo tăng tài đầu tiên ở Nam Bộ lúc ấy. Nhiều vị đệ tử của ngài sau này trở thành những bậc cao tăng thạc đức, góp phần chấn hưng, làm xương minh Phật giáo Miền Tây Nam Bộ nói riêng và cả Miền Nam nói chung, trong đó có Hòa thượng Khánh Thông. Từ năm 1872 đến trước khi viên tịch, ngài từng được thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng cho nhiều đại giới đàn ở các chùa Hoàng Long (Cai Lậy, Tiền Giang), Phước Lâm (Cai Lậy), Bửu Sơn (Bến Tre), Khánh Quới (Cai Lậy)… Đạo hạnh và uy đức của ngài được tứ chúng khắp nơi quy ngưỡng.

Là đệ tử của Hòa thượng Chánh Tâm, trưởng thành từ pháp hội đào tạo tăng tài và thừa hưởng trực tiếp chánh pháp của thầy, Hòa thượng Khánh Thông cũng đã trở thành một vị chân tu có công lớn trong việc tiếp nối đào tạo tăng tài, góp phần chấn hưng và hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh, xứng đáng là “một vị hoằng hóa Phật pháp chi huyền cơ, y bát chân truyền chi lãnh tụ”, “một vị rường cột của nhà Phật Thích Ca Như Lai” như ông Nguyễn Xuân Phong đã khẳng định qua bài chúc tụng.

Phạm vi hoàng pháp của Hòa thượng Khánh Thông chủ yếu ở Miền Tây Nam Bộ, nhưng khi đủ nhân duyên, ngài cũng đến các vùng khác để làm Phật sự và hoằng truyền Phật pháp. Ngoài dịp đến Huế chứng minh Phật sự theo lời mời của vua Bảo Đại, qua nội dung bài chúc tụng, chúng ta còn biết Hòa thượng Khánh Thông từng đến Quảng Ngãi chứng minh Phật sự. Điều này chưa được Danh tăng Việt Nam, trang web “daophatngaynay.com” cũng như các vị tôn túc mà chúng tôi hỏi chuyện nói đến. Tại Quảng Ngãi, ngài cũng được các bậc tôn túc tăng ni, các nhà học giới, nhiều nhà tinh thông Phật học và dân chúng sùng bái, ngưỡng mộ. Qua đó cho thấy uy đức, văn chất, cốt cách của ngài đáng để cho người đương thời và đời sau kính ngưỡng.

 


* TS. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

** Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

1. Về năm sinh của Hòa thượng Khánh Thông, Thích Đồng Bổn (chủ biên) trong Danh tăng Việt Nam (Thành hội Phật giáo TP.HCM xuất bản, 1996) và trang web “www.daophatngaynay.com” theo lời thuật lại của Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt (có thân tộc hiện ở gần Tổ đình chùa Bửu Sơn) do pháp điệt Thích Vân Phong kính biên tập đều cho là năm Canh Ngọ 1870. Ở đây chúng tôi căn cứ theo bia mộ trên tháp cốt và bài vị hiện thờ tại chùa Bửu Sơn xác định là năm Tân Mùi 1871.

2. Lúc cụ Đồ Chiểu từ Cần Giuộc tị nạn về làng An Bình Đông (nay là tị trấn Ba Tri) mở trường dạy học.

3. Hòa thượng Chánh Tâm (1837-1906) vốn trụ trì chùa Hàn Lâm (nay thuộc Thành phố Tân An, tỉnh Long An), năm 1860, thể theo lời thỉnh cầu của Phật tử, ngài hứa khả về chùa Kim Cang (lúc này còn mang tên cũ là Phước Long) hoằng truyền chánh pháp.

4. Đại đức Thích Minh Hạnh, Trụ trì chùa Bửu Sơn hiện nay, lại cho biết Hòa thượng Khánh Thông thành lập ngôi chùa này vào khoảng 10 năm sau khi cầu đạo ở Long An, tức năm 37 tuổi, tính theo đó niên đại thành lập chùa là năm 1908.

5. Tương truyền, lúc ấy nhân việc Hoàng Thái hậu thân thể bất an, nhà vua và hoàng tộc thỉnh ngài vào cung để chăm sóc, giúp cho lịnh bà tứ đại điều hòa. Sau đó được vua ban tặng hồng y thêu hình rồng vàng, mão Hiệp chưởng, mão Tì lư, bộ kỷ trà bằng trầm hương, tịnh tài và một bài thơ ngự bút chúc khánh tuế: “Kính mừng Hòa thượng tuổi linh quy,/ Tiếng tốt Trung, Nam khắp lưỡng kỳ./ Minh kính gương soi lòng trí huệ,/ Bồ đề gốc dựng dạ từ bi./ Làm con Đức Phật, làm thầy chúng,/ Tỏ lối đàng Nho, tỏ đạo y./ Non nước còn dài ơn vũ lộ,/ Hoa sen nức nở chốn liên trì.” (“www.daophatngaynay.com” (bđd.)

6. Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt người xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, vốn thuộc họ Khổng, do hoàn cảnh đặc biệt, sau khi tham gia hoạt động Phật giáo cứu quốc, đổi thành họ Nguyễn. Ngài cũng làm Trụ trì ở một số chùa khác trong những khoảng thời gian khác nhau như Tổ đình Long Khánh (chùa Ông Đồ, huyện Ba Tri), chùa Mỹ Thành (huyện Ba Tri). Chùa Long Phước (Vĩnh Long), chùa Vạn Đức (Sóc Trăng), Sắc tứ Tam Bảo cổ tự (Hà Tiên). Năm Nhâm Dần 1962 ngài được Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì Phước Hưng cổ tự ở Sadec (Đồng Tháp) cho đến khi viên tịch.

7. Phần tiểu sử Hòa thượng Khánh Thông có tham khảo một số chi tiết từ: “www. daophatngaynay.com” (bđd.); Thích Đồng Bổn (sđd.); Lời kể của Sư thầy Thích Minh Hạnh.

8. Tương truyền vào năm 1865, một hôm, Hòa thượng Chánh Tâm mộng thấy thần Kim Cang bảo vị trí cũ của chùa địa thế không tốt, muốn hưng thịnh phải dời vào cạnh bờ sông. Hôm sau, trong khi đi chấp tác quanh chùa, ngài thấy con rắn to xuất hiện đuổi ngài chạy đến bờ sông thì biến mất. Nghĩ rằng thần Kim Cang hóa thân rắn chỉ chỗ xây dựng chùa, ngài quyết định dời chùa Phước Long về đây và đổi hiệu thành Kim Cang. Gần 13 mẫu đất xây chùa do Phật tử Bùi Bá Kim người địa phương hỉ cúng.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 84
    • Số lượt truy cập : 6952518