HÒA THƯỢNG KIM CƯƠNG TỬ (1914–2001)
Hòa thượng pháp húy Kim Cương Tử, pháp hiệu Thúy Đồ Ba Thành, thế danh Trần Hữu Cung, sinh ngày 16 tháng 10 năm Giáp Dần (1914) tại xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ngài là con trai độc nhất trong gia đình, thân phụ là cụ ông Trần Hữu Tạo, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Quy.
Vốn sinh ra trong gia đình phúc hậu, nhiều đời tín kính Tam bảo, sâu trồng nơi ruộng phước Tăng già. Ngay từ thuở thiếu thời trước khi đến trường học tập, ngài đã được thân phụ truyền dạy Nho học và chữ Quốc ngữ. Năm 15 tuổi, ngài được thân mẫu cho đi lễ bái thăm viếng các chốn tổ đình như chùa Đọi, chùa Hương Tích… Ngài đã sớm nhận thức được cảnh trần gian ảo mộng, cuộc đời giả huyễn vô thường.
Năm 19 tuổi (1933), ngài từ biệt song thân xả tục xuất gia đầu Phật tại chùa Cả, thành phố Nam Định, đầu sư học đạo với sư Tổ Pháp, hiệu Chính Đản. Sau khi xuất gia, ngài được nghiệp sư cho theo hầu Sư tổ chùa Hương Tích được nửa năm và được hầu Sư tổ Thanh Mậu tại chùa Thầy trong thời gian một năm.
Năm 1937, ngài trở về chùa Cả, tỉnh Nam Định phụng Phật, sự Sư. Do thông tuệ đức hạnh cẩn mật, tháng 2 năm 1937, ngài được Sư tổ đăng đàn truyền giới cụ túc tại tổ đình chùa Cả, lúc ấy ngài ở tuổi 22. Từ đây, ngài thực sự dự vào hàng Tăng bảo. Với tính cần mẫn, hiếu học tinh tiến không ngừng, ngài được nghiệp sư cho tham học Kinh, Luật, Luận với Sư tổ chùa Văn Điển, Sư tổ chùa Tân Cốc, tỉnh Nam Định. Năm 23 tuổi (1938), tại hạ trường chùa Cả, ngài đã học thông suốt cả bộ Luật Tứ Phần.
Năm 24 tuổi (1939), ngài tham dự khóa thi đầu tiên tại Trường Trung học Phật giáo Bắc kỳ và giành giải nhì tại kỳ thi đó. Danh thơm của ngài từ đấy tỏa mát khắp nơi. Không dừng ở đây, ngài vẫn tiếp tục học tập tham gia nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác Cổ và tham gia thuyết pháp tại chùa Quán Sứ, đồng thời viết bài đăng báo Đuốc Tuệ cho phong trào chấn hưng Phật giáo, sau này là Hội Phật giáo Bắc Việt.
Năm 1953, ngài ở lại Hà Nội tham gia giảng dạy tại Trường Trung học Phật giáo Bắc Việt và dạy ở một số trường lẻ như Vân Hồ, Linh Đường, Bồ Đề, Bái Thạch, chùa Cả (Nam Định) và Hải Phòng.
Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, trong bối cảnh chính trị đất nước chưa ổn định, để cống hiến trọn đời mình cho Phật pháp, ngài đã tham gia Hội Phật giáo cứu quốc Bắc kỳ. Ngài là một trong những người sớm nhất tham gia thành lập Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô và góp phần vận động xây dựng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
Năm 1956, ngài giữ chức Trưởng Ban Nghi lễ Phật giáo Thủ đô. Do sẵn có khả năng và kinh nghiệm sâu sắc, ngài được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô bổ nhiệm xuống Hải Phòng xây dựng phong trào Phật giáo yêu nước từ năm 1957 đến năm 1983.
Suốt 26 năm công tác Phật sự tại Hải Phòng, ngài đã có công lớn trong việc xây dựng phong trào Phật giáo yêu nước, đã sớm thành lập được chi hội Phật giáo Thống nhất Hải Phòng, trước khi các chi hội Phật giáo Thống nhất ở các địa phương khác ra đời.
Trước khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngài đã về quê theo bản nguyện hóa gia vi tự, ngài đã xây dựng tòa Kim Cương bảo tháp trên đất hương hỏa của tổ tiên để lại. Từ đó, quê hương ngài mới có một ngôi chùa và được gọi là chùa Làng Mỹ.
Khi nước nhà đã hoàn toàn độc lập, non sông liền một dải, để tiến tới có một ngôi nhà chung của Phật giáo cả nước, năm 1980, ngài đã tích cực tham gia là thành viên trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc.
Tại Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước tháng 11 năm 1981, ngài được suy cử làm Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, giữ chức Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là giảng viên dạy môn Luật học tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam khóa I, tại chùa Quán Sứ - Hà Nội.
Năm 1982, do đảm trách công tác trọng trách của Giáo hội, ngài được Trung ương Giáo hội điều động về trụ trì chùa Trấn Quốc - Thủ đô Hà Nội, tham gia lãnh đạo Phật giáo TP. Hà Nội. Ngài được Tăng ni thủ đô suy cử giữ chức Phó trưởng Ban Trị sự, kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng ni Thành hội Phật giáo TP. Hà Nội từ năm 1987 đến cuối đời.
Năm 1985, ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, kiêm Trưởng Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1990, ngài được cử giữ chức Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Năm 1988, ngài được Giáo hội cử tham dự Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam đi thăm Phật giáo các nước Liên Xô, Mông Cổ, Campuchia, góp phần thắt chặt tình hữu nghị đoàn kết; thông cảm hiểu biết lẫn nhau với Phật giáo các nước bạn.
Tuy gánh vác nhiều công tác Phật sự nặng nề của Trung ương Giáo hội, nhưng ngài vẫn luôn quan tâm tới Phật sự của Phật giáo TP. Hà Nội. Đặc biệt, ngài rất chú trọng tới việc giáo dục đào tạo tăng tài, chú ý lớp Tăng ni trẻ, chăm lo sự học hành tu tập của Tăng ni, nêu cao tinh thần lục hòa cộng trụ. Ngài là một trong những bậc trưởng lão có công đức lớn trong việc mở Trường Cơ bản Phật học cho lớp Tăng ni trẻ tu học, là tiền thân của Trường Trung cấp Phật học hiện nay.
Tại các khóa hạ thường niên, ngài tham gia tích cực, nhiệt tình khai tràng thuyết pháp, là giảng sư của các trường hạ và giữ ngôi Đường chủ tại Trường hạ Bà Đá trong nhiều khóa, là bậc thầy mô phạm cho hàng tứ chúng nương theo.
Ngài là bậc cao tăng am hiểu Tam tạng thánh giáo, đặc biệt ngài chuyên chú nghiên cứu sâu về môn Luật tạng. Ngài đã dày công phiên dịch nhiều tài liệu tạng Luật từ chữ Hán ra chữ Việt để giúp cho Tăng ni học tập nghiên cứu, ngài còn là chủ biên của Hội đồng phiên dịch bộ Đại Luật, chủ biên bộ Từ điển Phật học Hán Việt và tham gia hội đồng phiên dịch Tam tạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đối với chốn tổ đình Trấn Quốc là một Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng lớn của dân tộc, trên cương vị trụ trì, từ năm 1983, ngài đã tận tâm trong việc hoằng dương chánh pháp, ngoài việc giảng dạy cho Tăng ni tín đồ Phật tử tu học, ngài đã cùng với các cơ quan ban ngành các cấp, Nhà nước và nhân dân, Phật tử địa phương luôn luôn chăm lo tu bổ, giữ gìn và phát triển. Năm 1999, ngài cho xây dựng ngôi bảo tháp Lục Độ đài sen để chiêm bái, cùng với việc di chuyển trồng lại cây bồ đề do Thủ tướng Ấn Độ Prasat kính tặng Hồ Chủ tịch nhân dịp sang thăm Việt Nam năm 1957, làm cho di tích cổ tự danh lam ngày một trang nghiêm tố hảo, xứng đáng là chốn tổ đình của đạo pháp, là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh lâu đời của dân tộc.
Thấm nhuần lời dạy của chư Tổ: Phật pháp bất ly thế gian giác, phục vụ chúng sanh tức cúng dường chư Phật, tuy Phật sự đa đoan, nhưng ngài dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội, các phong trào đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước. Ngài là một tăng sĩ trí thức yêu nước khế lý, khế cơ, đem đạo vào đời, gắn mạng sống của Phật pháp với vận mệnh dân tộc.
- Năm 1958, ngài đã tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hải Phòng.
- Năm 1983, là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội khóa 10 và khóa 11.
- Năm 1985, tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II và III; và Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiều khóa – là đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội khóa 9, 10, 11.
- Ngài đắc cử Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên tiếp các khóa 8, 9, 10.
Do công đức đóng góp cao dày của ngài đối với đạo pháp-dân tộc, Hòa thượng đã được trao tặng:
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất.
- Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Nhiều bằng khen, giấy khen của Giáo hội, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội.
Luật vô thường đâu có hẹn, bốn đại theo duyên tăng giảm, từ ngày 26 tháng 3 năm 2001, ngài lâm bệnh nặng. Mặc dù đã được được sự chăm sóc nhiệt tình của các cấp Giáo hội, sơn môn pháp phái, thân quyến, pháp quyến, các bác sĩ Đông Tây Y của bệnh viện E, bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô tận tình cứu chữa nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 16 giờ 54 phút, ngày 23 tháng 4 năm 2001 (tức ngày mồng Một tháng Tư năm Tân Tỵ), trụ thế 88 năm, hạ lạp 65 năm.
Cả cuộc đời hơn 80 mùa sen nở, Hòa thượng hiến dâng trọn đời cho đạo pháp, cuộc đời hành đạo và hóa đạo của ngài rất bình dị chân tu thực học, nghiêm trì tịnh giới, luôn khơi đèn trí tuệ Văn Thù và thể hiện hạnh nguyện Phổ Hiền Bồ tát, tốt đời đẹp đạo. Ngài thật xứng đáng là một Luật sư giáo thọ của Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là bậc cao tăng thạc đức của thế kỷ XX và đầu XXI.
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI – TRỊ SỰ HỘI ĐỒNG – THƯỜNG TRỰC PHÓ CHỦ TỊCH, MA HA SA MÔN TỲ KHEO GIỚI PHÁP HÚY KIM CƯƠNG TỬ HIỆU THÚY ĐỒ BA THÀNH LUẬT SƯ GIÁC LINH PHÁP KHÔNG TỌA HẠ.
- Tiểu sử do Văn phòng I TWGHPGVN và môn đồ pháp quyến chùa Trấn Quốc kính soạn.
- Đại đức Thích Phước Triều VP II TWGHPGVN cung cấp.
- Tiểu sử đăng trong báo Giác Ngộ số 72 năm 2001
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết