Thông tin

HÒA THƯỢNG MAHA SARÂY (1918-2001)

 

 

Hòa thượng Maha Thạch SaRây, sinh năm Mậu Ngọ, Phật lịch 2462 (dương lịch 1918) tại Phum Pnô-răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Cha tên Thạch Long và mẹ tên Thạch Thị Nône. Gia đình Hòa thượng có 5 anh chị em.

Lúc còn nhỏ, Thạch SaRây là một người con ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ và siêng làm việc phụ giúp gia đình. Đến năm 1931, Thạch SaRây đã lên 13 tuổi, cha mẹ đưa Thạch SaRây đi ở chùa Phnô-răng là chùa quê quán để được vị sư dạy chữ.

Đến năm 1933, sau khi học chữ khá thành thạo cha mẹ tổ chức cho SaRây xuất gia cũng tại chùa Phnô-răng do Hòa thượng Thạch Khêm ban tế độ. Sau 2 năm tập trung học hành kinh kệ, chữ nghĩa, được sư phụ Thạch Khêm chấp thuận cho thọ Sa di (1935).

Thạch SaRây đến chùa Kôk, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) để tiếp tục học chữ Khmer và học thêm Pali. Do tình hình học chữ Khmer-Pali lúc bấy giờ ở quê nhà còn rất hạn chế, nên đến năm 1937, Sa di Thạch SaRây phải lên đường sang chùa Pô-thi-weal, tỉnh Bate Đom Boong (Campuchia) để tiếp tục học. Sau 2 năm học chữ Khmer-Pali ở chùa Pô-thi weal, Sadi Thạch SaRây lại đến tỉnh Siêm Riệp (Campuchia) để tiếp tục học và tốt nghiệp Sơ cấp Pali vào năm 1939.

Với tuổi đời tròn 21, Sa di Thạch Sa Rây đã được Hòa thượng và chư vị Đa văn của chùa tỉnh Siêm Riệp (Campuchia) ban tế độ bậc Tỳ khưu. Với ý chí trên con đường học vấn, Tỳ khưu Thạch SaRây đã quyết định quay trở về thành phố Phnôm- Pênh để dự thi và đã đậu vào Trường Cao cấp Pali.

Sau khi thi đậu, với tình cảm thương nhớ quê hương xứ sở, phum sróc, chùa chiền, Tỳ khưu Thạch SaRây lại quay về chùa Phnô-răng để thăm sư phụ và các huynh đệ, sư môn, thăm song thân anh chị em thân bằng quyến thuộc sau 2 năm xa cách. Rồi Tỳ khưu Thạch SaRây quay trở lại thành phố Pnôm-Pênh (Campuchia) để bước vào học Trường Cao cấp Pali.

Sau 4 năm tiếp tục phấn đấu miệt mài học hành trên đất khách quê người, Tỳ khưu đã tốt nghiệp. Hoài bão cuối cùng trên con đường học vấn nâng cao trí thức lúc bấy giờ của Hòa thượng Maha Thạch SaRây đã thành đạt.

Với sự cảm thông sâu sắc về trình độ học thức thấp kém dẫn đến việc ngu muội nghèo nàn lạc hậu của đồng bào Phật tử, huynh đệ đồng môn ở quê nhà, Tỳ khưu Thạch SaRây đã quyết định quay về chùa Phnô-răng - là nơi giúp cho Thạch SaRây biết mặt chữ và tiếp cận Phật giáo đầu tiên - để cùng sư phụ, sư môn kiến thiết chùa chiền mở rộng dạy chữ, truyền bá giáo lý đức Phật cứu độ chúng sanh.

Sau khi trở lại chùa, Tỳ khưu Thạch SaRây được Hòa thượng Thạch Kông trao việc phân nhiệm cương vị Đa văn phụ giúp Hòa thượng trông nom điều hành Phật sự trong chùa. Không được bao lâu, Hòa thượng Thạch Kông bệnh nặng và viên tịch vào năm 1960.

Ngài Thạch SaRây được chư Tăng, môn đồ bổn đạo trao nhiệm vụ trụ trì chùa Phnô-răng để kế tục sự nghiệp của Hòa thượng Thạch Kông. Từ ngày nhận nhiệm vụ trụ trì, ngài Maha Thạch SaRây luôn toàn tâm toàn ý cùng với chư tăng, đồng bào Phật tử bổn đạo xây dựng cơ ngơi thờ tự, phát triển lớp học, đẩy mạnh công tác xã hội, mở rộng hoạt động từ thiện góp phần làm cho chùa và phum sróc Phnô-răng ngày càng tốt đẹp hơn.

Năm 1980, ngài được Phật giáo tỉnh Cửu Long bầu chọn giữ chức vụ Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh.

Năm 1981, trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được đại hội Phật giáo cả nước bầu chọn giữ chức vụ Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với năng lực trình độ và đức độ của một vị chân tu, năm 1983, ngài Maha Thạch SaRây được các chùa trong huyện Cầu Ngang cung thỉnh giữ chức Hòa thượng tế độ.

Năm 1987, ngài được Đại hội chư tăng Phật giáo Khmer của tỉnh Cửu Long bầu giữ chức vụ Prắs Mêkone Phật giáo Nam tông Khmer của tỉnh.

Năm 1992, ngài được Đại hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh lần 2 bầu giữ chức vụ Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước của tỉnh.

Ngoài chức vụ trong đạo, ngài còn được tín nhiệm bầu chọn vào các tổ chức chính trị khác của Nhà nước:

- Ủy viên Ủy ban Nhân dân và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cầu Ngang (1980).

- Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh 2 nhiệm kỳ. Từ năm 1992 đến ngày viên tịch.

- Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999).

Suốt cuộc đời từ khi lớn lên cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi đời 82 và hạ lạp 67 năm. Tấm gương của ngài được tất cả Tăng và tín đồ Phật tử hôm nay cũng như mai sau kính phục, học tập noi theo.

 


- Tư liệu do BTS Tỉnh hội Phật giáo Trà Vinh cung cấp.

- Theo giấy giới thiệu của VP II do HT Thích Thiện Nhơn đề nghị.

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 69
    • Số lượt truy cập : 6949660