Thông tin

HÒA THƯỢNG PHÁP LẠC (SUKHA DHAMMA THERA) (1904–2001)

 

 

Hòa thượng Pháp Lạc, thế danh là Trần Công Khuê, sinh ngày 28 tháng 02 năm 1904 (nhằm ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngài là trưởng nam của cụ ông Trần Công Trác và cụ bà Phạm Thị Cải.

Năm Quý Dậu 1923, lúc 29 tuổi, nhân duyên đầy đủ, ngài từ bỏ gia đình, tìm đường học đạo giải thoát. Tuy đã áp dụng nhiều phuơng pháp tu hành của nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng ngài vẫn chưa toại nguyện khi chưa tìm ra chánh đạo.

Năm 1945, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngài tạm gác việc tu hành tham gia phong trào Việt Minh và hướng dẫn anh em trong gia đình tham gia cách mạng.

Từ năm 1946 đến năm 1954, ngài được bầu làm Bí thư chi bộ xã Tiên Phước, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1954, khi đất nước tạm thời bị phân chia theo Hiệp định Genève, ngài được trao nhiệm vụ ở lại miền Nam hoạt động bí mật. Trong thời kỳ này, nhiều đảng viên đang hoạt động bí mật bị chính quyền miền Nam bắt bớ, giam cầm hoặc thủ tiêu. Bản thân ngài cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Thật may mắn trong thời gian tìm đạo, Ngài có học đạo với các vị chức sắc đạo Cao Đài nên khi hay tin ngài gặp nạn, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã kịp thời cứu thoát.

Năm Đinh Dậu 1957, ngài tìm đường vô miền Nam. Phước duyên của ngài tạo trữ bấy lâu, đã đến lúc ứng hiện từ tấm lòng nhiệt thành cầu đạo, đã chiêu cảm đến chư Thiên, chư Long thần Hộ pháp, nên một hôm ngài đến viếng chùa Kỳ Viên, lúc bấy giờ là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Khi ấy Hòa thượng Bửu Chơn, là vị Tăng thống đương nhiệm đang thuyết pháp cho hội chúng cư sĩ tại gia. Lắng nghe bài pháp của vị cao tăng, ngài cảm nhận cuối cùng đã tìm được ánh sáng Phật pháp mà bấy lâu nay mình tìm kiếm trong vô vọng. Hòa thượng Bửu Chơn đã truyền quy y và ngũ giới cho ngài vào năm 55 tuổi.

Năm 1959, ngài và người em thứ ba (Hòa thượng Huệ Chơn sau này) đến xin xuất gia tại chùa Giác Quang, Bình Đông, Sài Gòn. Năm 1960, ngài thọ giới Sa di tại chùa Giác Quang. Thầy nương nhờ của vị tân sư là Hòa thượng Giác Quang.

Năm Tân Sửu 1961, ngài thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Thiện Luật tại giới đàn chùa Giác Quang. Kể từ đó, bước chân của một hành giả Như Lai đã vân du khắp mọi miền đất nước để thắp lên ngọn đuốc từ bi và trí tuệ.

Năm 1964, ngài trở về quê hương truyền bá đạo Phật Nguyên thủy, lập nên chùa Thái Bình, chùa Bất Nhị, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1965, ngài được Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đề cử ra Phan Thiết lập chùa Bình Long.

Năm 1966, được sự ủy nhiệm của Hòa thượng Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, ngài về Mỹ Tho thành lập chùa Pháp Bảo trong điều kiện buổi ban đầu hết sức khó khăn. Nhưng nhờ lòng kiên trì và chí nhẫn nại vô bờ bến mà ngôi chùa được xây dựng khang trang và phát triển cho đến ngày nay.

Từ năm 1964 cho đến năm 1975, ngài liên tiếp được cử làm Kiểm soát viên Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Trong những năm chiến tranh ác liệt và thiên tai bão lụt, ngài được Giáo hội cử làm Trưởng Ban Cứu tế xã hội, hoạt động cứu giúp cho đồng bào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1976 ngài được bầu vào chức vụ Phó Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Trong nhiệm kỳ đó, Hòa thượng Ấn Lâm đảm nhiệm chức vụ Tăng thống.

Năm 1981, ngài là Phó Trưởng đoàn Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Năm 1985, ngài được suy cử vào Ban Chứng minh Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

Năm 1997, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ IV, ngài được đại hội suy cử vào thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1998, sau khi Hòa thượng Hộ Nhẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự đựơc chư Tăng Nam tông suy tôn chức vụ Tăng Trưởng hệ phái, Hòa thượng Tăng Trưởng đã cung thỉnh ngài vào chức vụ Cố vấn Ban Trợ lý hệ phái.

Năm 2000, mặc dù tuổi cao sức yếu, ngài vẫn đứng ra vận động tu bổ lại chùa Thái Bình, chùa Bất Nhị, ngay ở tại quê hương ngài, để tạo duyên lành tế độ bà con quyến thuộc tu tập theo chánh pháp.

Cuộc đời ngài là tấm gương sáng ngời của bậc xuất gia, luôn sống và thể hiện hạnh nguyện tự giác và giác tha cao cả:

Bớt ăn, bớt ngủ, bớt nói năng

Thêm học, thêm hành, thêm minh sát

Chẳng làm, chẳng lo, chẳng tính toán

Quyết tâm, quyết chí, quyết tu hành

Tứ Diệu Đế luôn luôn suy xét

Bát Chánh Đạo tin chắc thực hành

Trước độ mình thoát khỏi sông mê

Sau độ người vượt qua bể khổ.

Hành trang của ngài trải dài non thế kỷ là bài học thân giáo, với ý nghĩa của bốn vương pháp, đó là: Chân Thật, Nhẫn Nại, Tri Ân và Tinh Tấn.

Ngài là một bậc Thầy đầy lòng từ bi, kiên nhẫn để tiếp dẫn hậu lai. Người hội đủ phước duyên thì được ngài ban cho giới pháp xuất gia, sống đời Tăng sĩ thoát tục. Kẻ thì lại được gieo duyên lành, quy ngưỡng Tam bảo, trở thành những người Phật tử thuần thành, an trú trong vai trò của người cư sĩ hộ pháp, hành thiện.

Nhiều vị đệ tử xuất gia của ngài đã trưởng thành như:

- Đại đức Chí Tâm, trụ trì chùa Thiền Quang II - Long Thành;

- Đại đức Bửu Hiền trụ trì tổ đình Pháp Bảo Tự;

- Đại đức Trí Phước trụ trì chùa Bình Long - Phan Thiết;

- Các Tu nữ xuất gia tu học tại các chùa Phật giáo Nam tông như Thiền viện Phước Sơn - Đồng Nai, chùa Tu nữ ở thị xã Gò Công.

Năm 2001, luật vô thường đã đến, kiếp số đã mãn, ngài an nhiên thị tịch vào lúc 5 giờ chiều, ngày 12 tháng 5 năm 2001, với 98 năm trụ thế, nhập 40 mùa hạ lạp an cư.

 


- Tiểu sử do tổ đình Pháp Bảo soạn trước năm 2006.

- Đối chiếu bản sau khi ngài mất trên trang nhà Binh An Son

- Tỳ kheo Đồng Bổn và Phước Định biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 126
    • Số lượt truy cập : 6949800