Thông tin

HÒA THƯỢNG PHÁP VĨNH (1891 – 1977)

 

 

Hòa thượng Pháp Vĩnh, pháp danh Dhammasàro, thế danh Nguyễn Thức sanh năm Tân Mão 1891 (Thành Thái năm thứ 3) tại thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nề nếp, thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Biểu. Song thân Ngài đều là những cư sĩ mộ đạo thuần thành.

Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra thông minh có ý chí hướng thượng, được song thân cho quy y Tam bảo làm người Phật tử thuần thành tại chùa Khánh Vân tỉnh Bình Định. Đã nhiều lần, Ngài có ý định xuất gia tu Phật, nhưng vốn dĩ sống trong gia đình có truyền thống Nho học chuẩn mực, vả lại Phật cũng đã từng dạy : “Phụng sự cha mẹ là cúng dường Như Lai”, nên đành giữ trọn chữ hiếu, một lòng chờ đợi duyên lành.

Mãi đến năm 1945, xả bỏ hết mọi trần duyên thế sự để bước vào con đường giải thoát thanh cao. Ngài quyết định xuất gia theo giáo đoàn Khất sĩ Minh Đăng Quang với pháp danh là Thiện Ngộ, làm người sứ giả Như Lai đi khắp nơi truyền bá đạo mầu.  

Trên bước đường hóa duyên truyền đạo, một duyên may chợt đến, Ngài được gặp các vị Tăng sĩ của Phật giáo nguyên thủy (Theravàda). Qua trao đổi kinh nghiệm tu tập và giáo lý, Ngài mới nhận ra rằng : tu học Phật pháp có nhiều phương tiện, nhiều con đường để đi về một điểm cuối, nên người tu hành tùy hợp căn cơ, vừa sức của mình mà thực nghiệm. Do đó, một lần nữa, Ngài tạm biệt các huynh đệ đồng tu ở giáo đoàn khất sĩ, đến cầu pháp thọ giới bên giáo đoàn Phật giáo Nguyên thủy. Vào dịp này, có các giới tử theo Hòa thượng Thiện Luật sang Campuchia tu học đạo pháp, Ngài liền tháp tùng đi theo, tinh cần tu tập.

Mùa xuân năm 1950, Ngài được Hòa thượng Vĩsuddhiransĩ làm Thầy tế độ thọ giới Tỳ khưu, dưới sự tuyên ngôn của vị Thầy Yết ma Candavijira và chư Tăng tham dự rất đông. Hòa thượng tế độ ban cho Ngài pháp danh Dhammasàro tức là Pháp Vĩnh. Sau khi thọ giới Tỳ khưu, Ngài chú tâm hành đạo và làm tròn phận sự của một đệ tử đối với Thầy Tổ.

Năm 1955, sau 5 năm tu học ở nước ngoài, Ngài được phép trở về quê hương hoằng dương đạo pháp và được mời làm thành viên trong Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam, khi Giáo hội được thành lập vào năm 1957.

Cuối năm 1957, Giáo hội cử Ngài về quê hương Bình Định để hoằng pháp. Nơi đây, từ trước đến giờ chưa có Phật giáo Nguyên thủy, nên có thể nói Ngài là vị Tổ đầu tiên đem sắc thái Nam truyền, giáo lý Phật giáo Nguyên thủy về mảnh đất này, mở rộng công việc giáo hóa độ sanh. Vốn là người sống trong địa phương này từ nhỏ đến lớn, Ngài rất thấu hiểu các phong tục tập quán, nên việc truyền bá giáo pháp không gặp nhiều trở ngại. Đi đến đâu, dân chúng, Phật tử đều nhiệt tâm ủng hộ, quy thuận theo lời giảng dạy của Ngài.

Năm 1958, đức hạnh của Ngài càng được nhiều người biết đến, tín đồ khắp nơi ngưỡng mộ rất đông. Trước nhu cầu đó, Ngài cùng Phật tử kiến tạo chùa Phước Quang tại thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định để tiện việc giáo hóa và phụng sự tín ngưỡng.

Những năm sau đó, Ngài tiếp tục duy trì sứ mạng hoằng dương chánh pháp ngay tại địa phương, đồng thời mở mang thêm các chùa cảnh trong tỉnh. Năm 1964, Ngài thành lập Niệm Phật đường ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước – Bình Định. năm 1965, thành lập chùa Huệ Quang, số 16 Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn – Bình Định.

Lúc này, tuổi Ngài đã cao, thân tứ đại suy yếu dần, nhưng Ngài vẫn thường xuyên giảng dạy đệ tử, thuyết pháp cho tín đồ. Nhiều giới tử xuất gia được Ngài tế độ, dìu dắt nay trở thành những bậc Tăng tài của Giáo hội trong và ngoài nước.

Đã đến lúc duyên cõi này trọn phước, quả cõi khác đón chờ. Ngài an nhiên thị tịch vào lúc 5 giờ sáng ngày 25 tháng 12 năm Đinh Tỵ 1977, trụ thế 86 tuổi, với 32 năm xuất gia hành đạo.

Cuộc đời và sự nghiệp tu hành phổ độ chúng sinh của Ngài thật bình dị trong sáng, một niệm vì quê hương, đất nước, vì đạo pháp, con người. Ngài đã có công lớn trong việc khai phá, phát triển Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy ở tỉnh Bình Định, góp phần bồi đắp cho mảnh đất này sắc thái đa dạng của ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam ngày thêm phong phú.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 6950106