HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU ĐỒNG (1913-1985)
Hòa thượng pháp húy Nhựt Cẩm, pháp hiệu Bửu Đồng, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh Ngô Văn Chẩm, sinh năm Quý Sửu (1913), tại làng Mỹ Thạnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc tỉnh An Giang. Ngài sinh trưởng trong một một gia đình nông dân, giàu lòng yêu nước, trọng nghĩa, hiếu học. Mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, nhân dịp tang gia hiếu sự nên có duyên lui tới chùa, gần gũi chư Tăng nghe kinh, học Phật pháp. Năm tháng trôi qua được nương ánh đạo vàng tìm về bến giác.
Năm Quý Hợi (1923), duyên lành hội đủ, ngài được thế phát xuất gia với bổn sư Thích Quảng Đạt, trụ trì chùa Phước Hội (chùa Bà Lê), được Hòa thượng thu nạp làm đệ tử. Từ khi cạo tóc ở chốn thiền môn, ngài được sự thương yêu dạy dỗ của thầy, sự giúp đỡ của bạn nên sớm thông thạo chữ Hán và Quốc ngữ. Ngoài việc học nội điển Phật pháp, ngài cũng thích đọc thơ văn của những bậc chí sĩ yêu nước như các vị: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Văn Trị và những gương sáng các bậc anh hùng khác...
Năm Ất Hợi (1935), ngài được Hòa thượng bổn sư cho đăng đàn thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại Trường kỳ giới đàn chùa Phước Hậu, huyện Mỹ Phước, tỉnh Long Xuyên, do Hòa thượng Pháp Cự làm Đàn đầu truyền giới.
Năm Canh Thìn (1940), ngài được bổn sư giao nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hội và nhận chức Giáo thọ tại Đàn giới năm này.
Từ khi thay mặt bổn sư đảm nhiệm trụ trì chùa Phước Hội, ngài tiếp nối truyền thống bổn tự, lo thi ân bố đức phục vụ bá tánh bổn đạo địa phương. Những lúc có gia đình bổn đạo nghèo, gặp khó khăn hữu sự, cầu thỉnh ngài đến tụng kinh siêu độ, hoặc cầu an, dẫu trời mưa nhà dột cột xiêu, ngài vẫn điềm nhiên tụng niệm cho xong, rồi đích thân ngài đi vận động thôn xóm lo tu sửa lại để che nắng mưa, giúp cho bổn đạo bá tánh địa phương. Từ đó, uy tín của ngài dần cao trong dân làng và trong giới Phật giáo huyện nhà.
Vào đầu thập niên 1930, khi các phong trào yêu nước phát triển mạnh, chống lại chính quyền thực dân Pháp, ngài giúp đỡ tài lực ủng hộ và tham gia phong trào ái quốc. Sau đó, ngài vừa tu hành vừa hoạt động tích cực trong phong trào Phật giáo Cứu quốc. Năm Đinh Hợi (1947), ngài tùy duyên kết nạp vào đảng Cộng sản Việt Nam(1).
Năm Quý Tỵ (1953), ngài tham dự Trường hương tại chùa Giác Hòa, làng Thanh Hóa Trung Nhứt, Long Xuyên và sau đó là Trường kỳ giới đàn khai mở nơi đây, ngài được cung thỉnh đương vi Yết ma A xà lê và được Hòa thượng Huệ Quang ấn ký cấp bằng Yết ma vào ngày 13.3.1953 (28 tháng Giêng Quý Tỵ).
Về hoạt động, ngài thường lui tới các chùa trong tỉnh An Giang và các chùa tỉnh bạn để giao lưu trong việc tu học và nắm tình hình, để góp phần chiến lược đối phó với địch, giúp cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp bảo vệ lãnh thổ. Ngài đã tích cực hưởng ứng “tuần lễ vàng”, với lòng nhiệt tình yêu nước, cùng nhân dân huyện Chợ Mới góp nhiều công, nhiều của cho cách mạng. Bản thân ngài đã hiến một đại hồng chung và nhiều pháp khí bằng đồng thờ cúng nơi bổn tự, để hóa thân vũ khí ngăn giặc giữ nước.
Năm Giáp Ngọ (1954), sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, ngài ủng hộ con em gia đình Phật tử và thanh niên địa phương tập kết ra miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp cách mạng xây dựng đất nước.
Năm Mậu Tuất (1958), ngài được cung thỉnh đương vi Hòa thượng giới sư tại giới đàn chùa Bửu Linh, làng Hòa Tú, Bạc Liêu vào ngày 27.3.1958 (mùng 8 tháng 2 Mậu Tuất).
Năm Quý Mão (1963), trước chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Phật giáo đồ Bạc Liêu cũng đã bị bắt bớ giam cầm, chiêu dụ và cưỡng bức Tăng ni Phật tử, ngài kiên trì khí thế chống chế độ độc tài đến cùng, chẳng quản ngại sự trù dập để bảo vệ chánh pháp.
Tháng 3 năm Kỷ Dậu (1969), trên đường về sau khi hộ niệm lễ Đại tường xả tang cho tín đồ Phật tử, thì chùa Phước Hội bị quân lính và cảnh sát bao vây. Ngài bị chúng bắt trói khi chưa kịp thay pháp phục. Dù bị tra tấn dã man bằng nhiều nhục hình, ngài vẫn một mực không khai báo. Do không chứng cớ, chúng giải ngài về trại giam Chợ Mới, rồi trại giam Long Xuyên và chuyển xuống khám lớn Cần Thơ. Ngài bị giam nơi đây 14 tháng.
Sau khi thống nhất đất nước, ngài tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang suốt 3 nhiệm kỳ từ 1976 đến 1984.
Năm Ất Sửu (1985), do tuổi cao sức yếu, thân tứ đại đã đến hồi biến dịch. Mặc dù được sự tận tâm lo lắng bởi chính quyền địa phương và đệ tử bổn đạo cũng như các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng ngài đã an tường xả báo thân trong chánh niệm vào lúc 07 giờ 30 sáng ngày 24.4 Âm lịch (12.6.1985). Ngài trụ thế 73 Xuân, an cư 53 Hạ, trụ trì 45 Đông.
Do công lao góp phần phụng đạo yêu nước, ngài được Nhà nước tặng thưởng:
- Huân chương Kháng chiến hạng I.
- Bảng Vàng Danh dự chống Mỹ cứu nước.
Hòa thượng Bửu Đồng thật xứng danh: “Hộ Quốc An Dân, Phụng Đạo Yêu Nước”.
(1) - Ông Nguyễn Văn Hơn, Bí thư Tỉnh ủy An Giang (đã về hưu), chủ trì buổi lễ kết nạp Đảng.
- Website Phật giáo Bạc Liêu www.phatgiaobaclieu.com
- Tiểu sử do Tỳ kheo Thích Vân Phong biên soạn
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết