HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU PHƯỚC (1880-1948)
Hòa thượng Thích Bửu Phước, pháp húy Hồng Thiện, pháp hiệu Bửu Phước, nối pháp đời thứ 39 dòng kệ Lâm Tế chánh tông. Ngài thế danh Nguyễn Văn Hương, sinh năm Canh Thìn 1880, tại làng Tân Bình Đông, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Sử và hiền mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phố.
Vốn sinh trong gia đình trung lưu. Ngài là anh cả của 3 em trai và 2 người em gái. Điều đặc biệt là sáu anh em thì trong đó hết 3 người xuất gia, định hướng đời mình bằng chân giác đạo.
Năm Ất Dậu 1885, vừa tròn 6 tuổi, ngài được song thân cho đến tổ đình Khải Phước Nguyên (Cây số 9, Quốc lộ 80, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Bây giờ, Tổ Như Khả, hiệu Chân Truyền đang tiếp tăng độ chúng. Khi ngài đến đảnh lễ, Tổ hoan hỷ hứa khả đồng thời thu nạp làm đệ tử. Sau đó thế độ cho ngài và ban pháp danh Hồng Thiện, hiệu Bửu Phước.
Không bao lâu, khi hoàn thành tâm nguyện, ngài trở về dìu dắt hai em trai của mình, cùng đến yết kiến Hòa thượng bổn sư xin quy y thế phát xuất gia cùng nhau tu học. Và Tổ ban pháp danh cho người em trai thứ năm là Hồng Trí, hiệu Bửu Quang, còn em trai út pháp danh Hồng Thạnh, hiệu Bửu Tín.
Sợ học trò của mình dừng chân một chỗ sẽ mai một ý chí xuất trần, Tổ Như Khả đã dùng thuyền đưa ba chú tiểu ở bổn tự Khải Phước Nguyên và rước luôn hai chú tiểu ở chùa Tổ (Bửu Lâm Cổ Tự) Rạch Cái Bèo, làng Phong Nẩm, Cao Lãnh, lên tổ đình Long Thạnh, tỉnh Chợ Lớn (nay đường Bà Hom, thuộc huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) để gởi 5 chú tiểu ở đây tu học.
Nơi đây, Tổ Minh Hòa, hiệu Hoan Hỷ là một danh tăng kiêm ưu giới đức, tiếp nhận 5 huynh đệ là Bửu Chung, Trung Nghĩa, Bửu Quang, Bửu Tín và Bửu Phước. Được tu học với Tổ, cả 5 huynh đệ đều tỏ ra hết sức tinh cần và dốc lòng tu học, được Tổ thường xuyên khen ngợi.
Riêng ngài đạo hạnh càng hiển lộ, không chỉ thông tuệ nội điển mà ngoại khoa, am hiểu nho, y, lý, số...
Năm Kỷ Hợi ngày mồng 07 tháng 02 (18.3.1899), niên hiệu Thành Thái năm thứ 11, ngài được bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại tổ đình Thiên Phước, xã Tân Bình, tổng An Phú, huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang (nay thuộc xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Đàn giới này, Tổ sư Minh Thông hiệu Hải Huệ đương vi Đường đầu Hòa thượng, Thiền sư Tôn An đương vi Yết ma A xà lê, Thiền sư Từ Chơn đương vi Giáo thọ A xà lê, Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền đương vi Đệ nhất Tôn chứng sư.
Năm Tân Sửu, ngày mồng 09 tháng giêng (27.02.1901) niên hiệu Thành Thái năm thứ 13, ngài được Hòa thượng bổn sư Như Khả, hiệu Chân Truyền thân thừa tông giáo truyền thọ Tâm pháp ấn kệ rằng:
Tịch tịnh chủ khách đối,
Thường thường chiếu lai tri,
Dạ hằng ách Phật nhãn,
Triêu triêu viễn cộng khởi,
Nhất tâm bất sanh tắc;
Vạn thiện giai cụ túc.
Năm Quý Tỵ (1893), ngày 20 tháng 5 AL, thiền sư Chân Giác (Hòa thượng Tổ Mẹ Nội) viên tịch tại tổ đình Phước Lâm, ngài làm Thị giả hầu Sư ông (Tổ sư Minh Thông, hiệu Hải Huệ).
Năm Tân Sửu 1901, lúc 21 tuổi, nhận thấy ngài đã đủ đạo lực hoằng pháp độ sanh, Hòa thượng bổn sư bổ nhiệm ngài về trụ trì chùa Tân Phước, Rạch Dược, (nay thuộc xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò).
Năm Quý Mão 1903, ông Hương Cả Phụng, đã phát tâm hỷ cúng khu đất rộng để ngài khai sơn ngôi tổ đình Phước Ân, ở hữu ngạn Cai Bường, làng Vĩnh Thạnh, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, chùa vẫn tồn tại đến nay.
Điểm đáng nói là đức hóa của ngài lan tỏa rộng khắp, rất nhiều đàn việt phát tâm hỷ cúng phẩm vật, tịnh tài kể cả những điền sản lớn như ruộng đất, trong đó có phần của một vị quan ở Lái Thiêu, Bình Dương hỷ cúng 10 mẫu ruộng ngang chùa, ở tả ngạn Cai Bường, có sự chứng minh của Hòa thượng Từ Văn, tổ đình Hội Khánh, Thủ Dầu Một, Bình Dương...
Nơi chùa Phước Ân, ngài mở phòng thuốc Nam, xem mạch kê toa bốc thuốc từ thiện, cứu giúp bà con khốn khó xa gần và mở trường dạy chữ Hán Nôm, Đông y Nam dược, giảng dạy Giáo lý Phật đà... Với những công hạnh đức hóa ấy, đến nay bá tánh thập phương vẫn còn tâm niệm mãi:
Quý hóa thay! Bậc thượng nhân,
Lập chùa tạo PHƯỚC thi ÂN cứu người;
Danh Y đại đức sáng ngời;
Thiền Tăng diệu dược đạo đời khắc ghi.
Năm Nhâm Tý (1912), thiền sư Chân Truyền khai Đại giới đàn Minh Thông - Hải Huệ tại tổ đình Khải Phước Nguyên, ngài đương vi Tôn chứng A xà lê sư.
Năm Kỷ mùi 1919, sau khi hoàn thành hiếu sự, lo tròn tang lễ báo đức tôn sư ở tổ đình Khải Phước Nguyên, ngài bổ nhiệm đệ tử trụ trì kế thế. Cũng vào năm này, Đại giới đàn Minh Phước được khai mở tại tổ đình Phước Hưng, ngài được Giáo thọ Vạn Hiển cung thỉnh về Sa Đéc, đương vi Tuyên Luật sư Yết ma A xà lê. Đàn giới này do ngài Từ Vân đương vi Đường đầu Hòa thượng, ngài Vạn Hiển đương vi Giáo thọ A xà lê.
Năm Ất Sửu 1925, ngài bổ nhiệm vị đệ tử là Thượng tọa Nhật Đạt, hiệu Thiền Lý về kế thế trụ trì chùa Tân Phước, Rạch Dược, Lấp Vò.
Năm Đinh Mão 1927, Đại giới đàn Minh Phước tổ chức tại Tổ đình Phước Hưng, Sa Đéc. Ngài được cung thỉnh đương vi Yết ma A xà lê.
Năm Canh Ngọ 1930, Đại giới đàn Nguyên Hòa tổ chức tại Tổ đình Tân Long, Cao Lãnh. Ngài được cung thỉnh đương vi Yết ma A xà lê.
Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20, Thiền sư Như Trí, hiệu Khánh Hòa, cùng với Thiền sư Huệ Quang kêu gọi Tăng ni và trí thức Phật tử trong cả nước hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo. Đáp lời kêu gọi đó, ngài cùng các đồng môn pháp lữ như: Hòa thượng Chánh Thành, tổ đình Vạn An, Rạch Cái Xếp, Nha Mân; Hòa thượng Bửu Chung, tổ đình Phước Long, Rạch Ông Yên, Nha Mân; Hòa thượng luật sư Chánh Quả, tổ đình Kim Huê, Sa Đéc; Hòa thượng Chí Thiền, sắc tứ Tam Bảo, Rạch Giá... đều là những bậc danh tăng long tượng của miền Tây Nam bộ, đứng ra vận động khai mở các trường Gia giáo đào tạo tăng tài. Địa danh Sa Đéc trở thành cái nôi của Phật giáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, Sa Đéc được tôn vinh là vùng đất Phật, cũng chính nơi đây đã sản sinh ra những bậc danh tăng sau này như Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Từ Nhơn... Ni trưởng Như Hoa, Ni trưởng Chí Kiên...(1)
Qua những gương hạnh quý báu đó, chứng minh hành trạng cuộc đời ngài chính là một bài pháp sống động đầy sức thuyết phục, không chỉ soi sáng cho hậu học hôm nay, mà lưu mãi cho hàng hậu thế chung soi học hỏi.(2)
Quán tường tận duyên Ta bà quả mãn, ngài phó chúc Phật sự cho môn đồ đệ tử chu toàn và truyền đệ tử là Thượng tọa Nhật Kỉnh, hiệu Thiền Chí, kế thế tông phong, trụ trì tổ đình Phước Ân.
Năm Mậu Tý 1948, vào giờ Dậu, mồng 10 tháng 02 ÂL (20.3.1948), Hòa thượng an nhiên thu thần tịch diệt. Trụ thế 69 Xuân, giới lạp 49 Hạ, trụ trì 48 Đông.
(1). Đương thời người đời kính trọng thường tôn xưng ngài là “Hòa thượng Cai Bường” và có tài tiên tri hậu vận nên Sắc Tứ Tam Bảo, Rạch Giá lưu truyền:
THẾ ĐẠO THĂNG TRẦM
Thuở còn Hòa thượng Nguyễn Văn Đồng,
Tăng chúng theo Thầy học đạo rất đông,
Cảnh cũ người xưa nay đã khác;
Ai mà cải được luật thiên công.
Tháp xây ở giữa sai thiên lý,
Tuy đã hoàn thành chịu để không,
Hòa thượng Cai Bường tiên đoán trước;
Hậu lai thật đúng những lời Ông.
Cho hay thế sự thường thay đổi,
Bởi luật tuần huờn của tạo công,
Thời tiết bốn mùa luôn chuyển biến;
Vật người trời đất cũng hòa đồng.
Luân hồi nhân quả đâu sai chạy,
Tài sắc lợi danh luống nhọc nhằn,
Hỡi khách bến mê lần thức tỉnh;
Gắng công niệm Phật thoát qua vòng.
(2). Sinh tiền, ngài biên soạn và dịch các tác phẩm:
- Kinh Giải Thâm Mật dịch Quốc ngữ.
- Ẩm Băng Thất dịch Quốc ngữ.
- Thiên Địa Khí Vận Đồ do Ngài biên soạn Quốc ngữ.
- Đông Y Nam Dược do Ngài biên soạn Quốc ngữ.
Nhưng năm 1947, hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nên kinh sách cùng các dịch phẩm ở tổ đình Khải Phước Nguyên cũng bị thiêu hủy.
- Bài tiểu sử của pháp điệt Thích Vân Phong biên soạn
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết