Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU THỌ (1893-1972)

 

 

Hòa thượng pháp danh Như Mật, húy Bửu Thọ, thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 38. Ngài thế danh là Nguyễn Thế Mật, sinh năm Quý Tỵ 1893 (1), tại làng Vĩnh Tế, Núi Sam, Châu Đốc. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Hạc và cụ bà Trịnh Trị Quyên. Ngài đưọc sinh ra trong một gia đình Nho học và kính tin Tam bảo một cách thuần thành. Ông bà cụ thân sinh của ngài vốn là đệ tử của Tổ Nhứt Thừa-Minh Võ, đời thứ 38 dòng phái Lâm Tế-Nguyên Thiều, nguyên là trụ trì tiền nhiệm của Tây An cổ tự.

Năm 16 tuổi (1906), thân phụ ngài qua đời, nhân dịp theo mẹ đi chùa làm tuần thất báo hiếu thân phụ, ngài có duyên lành gặp được Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm, một bậc danh Tăng đang trụ trì hai tổ đình rất lớn là chùa Giác Lâm và Giác Viên. Tổ là người có công rất lớn với sự nghiệp truyền bá Phật giáo tại vùng đất Nam kỳ Lục tỉnh trong giai đoạn tiền chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20. Thấy ngài có tướng người thanh nhã lại có khí chất Tăng tướng, sau này ắt hẳn là bậc pháp khí tòng lâm, Tổ khuyên giáo bà mẹ của ngài cho phép theo Tổ xuất gia học đạo. Mẹ ngài rất vui lòng, ngài được Tổ thế phát và truyền giới Sa di tại chùa Tây An và đặt cho pháp danh là Như Mật, húy Bửu Thọ. Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm còn có pháp danh khác là Diệu Nghĩa-Liễu Khiêm, nên sau khi xuất gia cũng ban thêm cho ngài pháp hiệu là Bửu Thọ-Đạt Mật, đời thứ 39 pháp phái Lâm Tế- Nguyên Thiều.

Năm 20 tuổi (1910), sau thời gian học đạo hầu thầy và đi tham dự các khóa Trường hương quanh vùng để học hỏi giáo lý, ngài được Tổ Hoằng Ân- Minh Khiêm cho đi thọ giới đại giới tại chùa Phước Sơn, làng Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Giới đàn này do Hòa thượng Niệm Nghĩa làm Đàn đầu truyền giới (2). Sau khi thọ giới trở về, do lời khẩn cầu của Ban hội tề làng Vĩnh Tế muốn có vị Tăng quán xuyến công việc chùa Tây An, ngài được Tổ giao chức Thủ tọa, quản lý ngôi cổ tự này khi Tổ vân du hoằng hóa khắp nơi.

Năm 1914, Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm viên tịch tại am Viên Giác, chùa Bửu Lâm, Mỹ Tho (1850- 1914). Kể từ đây, ngài chính thức đảm nhiệm ngôi vị trụ trì đời thứ 7 Tây An cổ tự. Trên cương vị mới, thấy chùa cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, ngài phát tâm kêu gọi tín đồ ủng hộ việc trùng tu ngôi cổ tự này. Do uy tín và đức độ, ngài được các chức sắc trong tỉnh và thí chủ ủng hộ, nên việc xây lại ngôi cổ tự được đẹp đẽ và hoành tráng, xứng tầm danh lam thắng tích của vùng Thất Sơn nổi tiếng. Ngôi cổ tự này từ xưa cũng được gọi là chùa Phật Thầy, do các đệ tử vùng Bảy Núi coi đó là thánh địa phát tích của Phật Thầy Tây An, một vị đạo sĩ tên là ĐoànVăn Huyên, sau xuất gia với Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh, được Tổ đặt pháp danh là Pháp Tạng, húy Minh Huyên (1806-1856) là người khai sáng ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (3).

Năm 1915, một năm sau khi Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm viên tịch, ngài đến cầu pháp học hỏi với Tổ Minh Hòa-Hoan Hỷ ở chùa Long Thạnh, Bà Hom, Chợ Lớn. Được một năm sau, thì Tổ Minh Hòa-Hoan Hỷ cũng viên tịch (1846-1916), lúc này ngài đã vững vàng kiến thức Nho học lẫn Phật học. Ngài không lập hạnh đi hoằng hóa giảng dạy, mà chỉ mở trường gia giáo dạy học cho Tăng ni ngay tại chùa Tây An. Ngài mở nhiều pháp hội thường xuyên thuyết kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Lăng Nghiêm… Tiếng lành đồn xa, học trò Tăng ni tín đồ các nơi tựu về tu học đông đảo.

Năm Bính Dần 1926, chùa Trường Thạnh ở vùng Bến Nghé-Sài Gòn vốn là ngôi miếu thờ Quan Thánh, được vợ chồng ông Hội đồng Lương Khải Ninh mua lại chuyển đổi thành ngôi chùa (4). Sau đó, vợ chồng Hội đồng Ninh dâng cúng ngôi chùa cho Hòa thượng Từ Văn (1877-1931) ở Thủ Dầu Một. Hòa thượng Từ Văn tiến cử ngài Thiện Tòng (1891-1964) về đây trụ trì. Được một thời gian, chùa lại bị chủ đất người Ấn Độ đem phát mãi do ông bà Hội đồng Ninh còn nợ tiền đất. Một số cư sĩ hộ pháp của chùa biết ngài có lòng trắc ẩn hay giúp đỡ đồng đạo, nên lặn lội xuống chùa Tây An cần cầu. Ngài đã hiến cúng 5 tờ giấy bạc bộ lư 100 đồng, để tiếp sức ngài Thiện Tòng lấy lại và bảo tồn ngôi chùa của tông phái.

Năm 1931, trong khi vận động thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), người khởi xướng phong trào có xuống chùa Tây An vận động; hưởng ứng lời kêu gọi góp phần chấn hưng Phật giáo, ngài đã hiến cúng một số bạc lớn để Hòa thượng làm kinh phí xuất bản tạp chí Từ Bi Âm cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo buổi đầu. Trụ sở của hội đặt tại chùa Linh Sơn, Cầu Muối, Sài Gòn.

Ba năm sau (1934), do vì không thành lập được trường Phật học, Hòa thượng Khánh Hòa từ chức Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, trở về Trà Vinh hợp tác với Hòa thượng Huệ Quang (1888-1956) lập ra hội Lưỡng Xuyên Phật học, mở trường Phật học, xuất bản tạp chí Duy Tâm, trụ sở đặt tại chùa Long Phước, Trà Vinh. Ngài cũng thể theo tâm nguyện của chư sơn mà thường xuyên tán trợ tịnh tài cho hội Phật học Lưỡng Xuyên, đồng thời vận động với ông Hàm Trương Hoàng Lâu (nhạc gia của ông Nguyễn Ngọc Thơ) làm đại thí chủ cho trường Phật học này (5).

Về đức hạnh, ngài bản tánh vốn khiêm cung, mẫu mực bình dị, nên trong những Trường hương, Trường kỳ, lễ cúng dường trai tăng nào, chư sơn thiền đức và tín chủ đều cung thỉnh ngài vào ngôi vị chứng minh khai hội. Dù nhận lời làm chánh tọa hay chứng minh, nhưng ngài ít khi tham dự trực tiếp, mà chỉ hỗ trợ tịnh tài và tứ sự cúng dường giúp đỡ các lễ hội. Ngài thường tâm niệm rằng, để lại cái đức thơm cho đời, chứ không muốn làm cái hữu tướng chứng minh hay chứng trai.

Về công hạnh, ngài nổi tiếng là người hay ủng hộ việc trùng tu kiến tạo. Hầu hết các chùa cảnh tại vùng Châu Đốc đều có sự trợ giúp tài lực của ngài để được khang trang rộng rải, xứng tầm những ngôi danh thắng Tam bảo. Công đức hỗ trợ của ngài lan tỏa xa rộng đến khắp nơi, như khuyến hóa cất chùa Già Lam ở ngả bảy Phụng Hiệp, ủng hộ trùng tu các ngôi chùa có dấu tích hoằng hóa của Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh và Hoằng Ân-Minh Khiêm ở Bạc Liêu, Hà Tiên, Đồng Tháp, Mỹ Tho…

Năm 1958, để vâng thừa ý nguyện Tổ sư phó chúc ngôi cổ tự cho ngài với hoài bão trùng tu kiến tạo ngày một đẹp đẽ trang nghiêm tráng lệ, ngài đã cho xây dựng ba ngôi cổ lầu ở mặt tiền chùa và sửa chữa chánh điện, mang dáng dấp kiến trúc phương Đông và kết hợp kiến trúc Ấn - Hồi với các loại vật liệu bền chắc. Đây là ngôi chùa có kiểu dáng kiến trúc rất khác so với kiểu dáng truyền thống xưa nay. Ngài cũng là vị trụ trì ngôi cổ tự này lâu nhất, với 60 năm gắn bó tôn tạo giữ gìn dáng vẻ kiến trúc này.

Trong sự nghiệp kiến tạo của mình tại địa phương, ngài lại tiếp nối công trình của Tổ Nhứt Thừa-Minh Võ, lập dinh thờ quan Bảo hộ Thoại Ngọc Hầu và đề xướng trùng kiến miếu Bà Chúa Xứ, núi Sam-Châu Đốc. Từ một ngôi miếu có lễ cúng nhỏ tại núi Sam, từ từ trở thành tòa kiến trúc nguy nga với lễ hội là một quốc lễ như ngày nay. Các hoành phi, liễn đối tại ngôi miếu này, đa phần là các vị sư Tây An cổ tự chấp bút viết nên, mà ngài là người để nhiều công sức nhất.

Năm 1966, Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973) được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công cử làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Hòa thượng rất kính trọng ngài như dưỡng phụ, do có nhiều vị Phó Tăng thống trong nhiệm kỳ liên tiếp viên tịch, Hòa thượng đã cử thầy Huệ Thới hướng dẫn phái đoàn Hội đồng Viện Tăng thống về tận Tây An cổ tự, cần cầu ngài hứa khả để Hội đồng cung thỉnh vào ngôi vị Trưởng lão trong Hội đồng Viện Tăng thống. Ngài thành thật cảm ơn đến hơn 3 lần, nhất quyết xin khước từ, viện cớ là tài sơ trí kém, tuổi già sức yếu, nhưng thật ra ngài giữ cho mình cái đức khiêm cung, sợ không làm tròn trọng trách Giáo hội giao phó.

Năm 1970, nhận thấy thân tứ đại sắp đến thời kỳ hoại diệt theo định luật vô thường, sự mệt mỏi ngày thêm chồng chất, ngài giao phó việc trụ trì lại cho đệ tử là thầy Huệ Kỉnh, rồi chống gậy vân du đi thăm viếng chư tăng, pháp hữu các chốn tổ, các đạo tràng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Lục tỉnh miền Tây, những nơi mà thuở xưa ngài từng nương tựa tu học. Đến nơi đâu, ngài cũng để thời gian sách tấn hàng xuất gia và tại gia phải chuyên cần tinh tấn trên đường đạo pháp. Năm ấy ngài đã 77 tuổi.

Về truyền thừa, ngài tuy có không nhiều đệ tử xuất gia, nhưng có đệ tử thành danh như: ngài Huệ Thới-Hồng Đại (Hòa thượng Thích Minh Hạnh), người trụ trì tổ đình Ấn Quang sau khi Hòa thượng Thiện Hòa viên tịch; ngài Huệ Kỉnh-Hồng Cung, hiện trụ trì chủa Tây An… và rất nhiều đệ tử nương về cầu pháp. Ngược lại, đức độ của ngài đã cảm hóa vô số tín đồ Phật tử tại gia quy y thọ giáo.

Năm 1972, đến lúc gần kề tuổi đức Như Lai, ngài thường xuyên dặn dò đồ chúng về những yếu chỉ thâm thúy của giáo lý Phật đà qua kinh nghiệm của ngài suốt một đời công phu tu tập. Ngài chỉ dẫn cặn kẽ cho hàng hậu học làm hành trang tự lèo lái con thuyền đạo pháp, vì sẽ không còn thầy dẫn bước nữa. Sau ngày lễ vía đức Phật Di Đà 4 ngày, sức khoẻ vẫn tốt, nhưng nhận biết phút giây giã từ đã điểm, ngài đắp y áo, bảo đồ chúng dìu lên chùa lạy Phật lạy Tổ xong, ngài đọc bài kệ vô thường rồi chắp tay niệm Phật, viên tịch. Lúc ấy là giờ Thìn sáng ngày 21 tháng 11 năm Tân Hợi, nhằm ngày 8.12.1972. Hòa thượng trụ thế 79 tuổi đời, hạ lạp 59 mùa an cư, với hơn 60 năm gắn liền với chốn tổ Tây An (6).

Cũng theo truyền thống phụng đạo yêu nước, ủng hộ sự nghiệp cách mạng, giành độc lập toàn vẹn cho đất nước qua các thế hệ trụ trì chốn tổ Tây An, ngài âm thầm đóng góp vật chất, nuôi chứa cán bộ, giúp đỡ những phong trào cách mạng hoạt động tại vùng Thất Sơn qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Với công lao ấy, sau ngày thống nhất đất nước, Hòa thượng Thích Bửu Thọ mặc dù đã viên tịch, vẫn được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

NAM MÔ LỤC THẬP DƯ NIÊN TRÙNG KIẾN TÂY AN, TRUYỀN Y BÁT, TÍCH TRƯỢNG, TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, NGUYÊN THIỀU PHÁP PHÁI, TAM THẬP CỬU THẾ, THƯỢNG BỬU HẠ THỌ, HÚY NHƯ MẬT, HIỆU ĐẠT MẬT, NGUYỄN CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Tiểu sử được Tỳ kheo Thích Đồng Bổn phụng soạn, căn cứ theo lời kể của Tại gia Bồ tát giới pháp danh Huệ Thanh, húy Hồng Khoa, đệ tử của Hòa thượng Như Mật-Bửu Thọ, hiện sống tại USA.

- Tham khảo quyển “Tiểu sử chùa Tây An Cổ tự” của Trần Kim Đoàn và HT Thích Huệ Kỉnh biên soạn, Châu Đốc 1993.

- Bản viết được Tỳ kheo Thích Lệ Hưng, chùa Phước Hưng Sa Đéc hỗ trợ thêm tư liệu tìm kiếm từ những website:

- http://tour.hivietnam.vn/index.php?mode=place_name/ place_name_detail&place_name_id=1935

- http://saigonmytho.com/webDBSCL/chuatayan.htm

- http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/html/news_detail. php?nid=4170

- Tư liệu phần nhiều được căn cứ trong bộ Danh Tăng Việt Nam, tập I và II, Thích Đồng Bổn chủ biên, NXB TP. HCM và NXB Tôn Giáo, 1995-2002

 

Chú thích:

- (1) Theo tư liệu đăng trên các website, đều ghi rằng HT sinh 1913, mất năm 1973. Nhưng chúng tôi viết lại theo bia ký tại chùa Tây An và theo cư sĩ Hồng Khoa chính xác là HT sinh năm 1893, mất năm 1972.

- (2) Do không ai biết đích xác HT thọ giới tại đâu, chỉ biết Ngài thọ giới vào năm 20 tuổi, chúng tôi thấy vào năm ấy, giới đàn tại chùa Phước Sơn, Bến Tre là uy tín và phù hơp nhất.

- (3) Theo tư liệu lịch sử, chùa Tây An vốn là chùa Công, do quan Tổng đốc Trấn Tây tướng quân Đoàn Uẩn xây nên, (có thuyết nói là do quan Tổng đốc Nguyễn Nhựt An, đi dẹp giặc Cao Miên, ông có lời phát nguyện là khi bình giặc Cao Miên xong, ông sẽ cất một ngôi chùa thờ Phật, nên khi dẹp giặc thành công, ông mới dời một ngôi chùa cũ ở Cao Miên về cất tại chân núi Sam, làng Vĩnh Tế. Năm ấy là là đời vua Minh Mạng-1820) nên ghép chữ Trấn TÂY với AN Giang thành Tây An, được Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh, nguyên là Tăng cang triều Nguyễn khai sơn.

Lúc này, Tổ từ Dịch quán ở triều đình trở về Nam hoằng hóa đạo pháp, có vị đạo sĩ tên là Đoàn Văn Huyên (1806-1956) đang hoạt động từ Sa Đéc đi dần đến Long Xuyên thì bị quan Tổng đốc An Giang mời về điều tra xét hỏi. Nhân có Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh đang hoằng hóa tại núi Sam, đạo sĩ họ Đoàn được gởi vào Tây An để được Tổ khuyến hóa, Tổ đem giáo lý Phật đà giảng dạy, cuối cùng đạo sĩ bằng lòng xuống tóc cạo râu thế độ với Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh, được ban đạo hiệu là Pháp Tạng, húy Minh Huyên, nối dòng Lâm Tế đời thứ 38.

Vì thế, ngài Minh Huyên-Pháp Tạng đồng một thế hệ với các ngài Minh Hòa-Hoan Hỷ, Minh Hải-Pháp Bảo, Minh Vật-Nhứt Tri, Minh Vi-Mật Hạnh, Minh Võ-Nhứt Thừa, Minh Khiêm-Hoằng Ân, Minh Đắc-Chơn Bảo, Minh Hoàng-Tử Dung… Do đó, theo chúng tôi, thì không thể có chuyện truyền khẩu rằng ngài Minh Huyên đã từng theo học đạo với Tổ Minh Hòa-Hoan Hỷ tại chùa Long Thạnh, Bà Hom thời bấy giờ, bởi vì Ngài Minh Huyên chi sống đến 50 tuổi và viên tịch vào năm 1856 tại chùa Tây An.

- (4) Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường viết về HT Thiện Tòng, đăng trong “Danh Tăng Việt Nam” tập I (Sđd)

- (5) Ông Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên là Phó Tổng thống của thời kỳ Ngô Đình Diệm.

- (6) Căn cứ theo cách tính tuổi chuẩn, thì 1893 – 1972 = 79 tuổi, nhưng theo bia ký tại Tây An, thì truyền thống thêm tuổi sau khi mất ghi là HT hưởng thọ 80 tuổi với 60 tuổi hạ lạp. Ở đây, chúng tôi ghi theo tuổi dương lịch, vì thế HT viên tịch năm 79 tuổi vói 59 tuổi hạ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 60
    • Số lượt truy cập : 6949650