HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU Ý
- BẬC DANH TĂNG LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC
VÀ VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA NGÀI TRONG TỔ CHỨC
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
Hòa thượng THÍCH NHẬT ẤN
Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN
Phó Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh
Một khi nhắc đến các bậc giáo phẩm tiền bối trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, thì tất cả chúng ta đều nghĩ ngay đến Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Ý, ngài là một trong số ít danh Tăng lãnh đạo xuất sắc của hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng xuyên suốt các thời kỳ, từ những ngày đầu thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng vào năm 1952 cho đến những ngày cuối cùng tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình vào năm 1981.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều bài viết tôn vinh, tán thán, ngợi ca và bày tỏ tấm lòng tri ân của các bậc giáo phẩm trong và ngoài tổ chức hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng về đức hạnh, về tấm gương hy sinh và những công lao to lớn của Hòa thượng Thích Bửu Ý đối với đạo pháp và dân tộc. Chính vì vậy, trong hội thảo lần này, với tư cách là đệ tử duy nhất của ngài, tôi xin phép được trình bày cùng quý vị đại biểu những bài học sâu sắc về tinh thần dấn thân không mệt mỏi, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ của ngài, miễn sao mang lại nguồn sống an lạc hạnh phúc cho đồng bào, cho đất nước; đó cũng là những bài học quý giá về trí tuệ, sự thông minh nhạy bén, nhưng cũng rất chân thành, ngay thẳng trong giao tiếp, trong ứng xử của ngài đối với mọi diễn biến tình hình khi ngài đối mặt. Tôi nghĩ rằng, chính những bài học thực tế này sẽ hình thành chân giá trị của một bậc danh Tăng lãnh đạo xuất sắc của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại, đồng thời qua đó cũng sẽ khẳng định vai trò lịch sử của ngài trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Trên tinh thần này, tôi xin đóng góp cùng hội thảo bài tham luận: “Hòa thượng Thích Bửu Ý - Bậc danh Tăng lãnh đạo xuất sắc và vai trò lịch sử của ngài trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”.
Dù đây là hội thảo khoa học, nhưng trong khi trình bày tham luận, điều đầu tiên cho phép tôi xin không gọi phương danh Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Ý, mà xin phép được gọi là thầy, vì Đại lão Hòa thượng chính là thầy Bổn sư của tôi. Và một điều nữa rất cần sự đồng cảm của quý vị, đó là trong nội dung tham luận này, tôi chỉ thuật lại những gì mà tôi từng chứng kiến, được nghe, được thấy, được thọ nhận tiếp thu những bài học quý giá từ chính con người bằng xương bằng thịt ở thầy, chứ không phải ở trên giấy bút, chính vì vậy, đa phần đều không có nguồn gốc tư liệu nào để trích dẫn, bởi tất cả những bài học mà tôi học được ở thầy tôi đã thấm sâu vào tiềm thức tôi hàng mấy thập kỷ qua.
Trên thực tế này, tôi xin được chia tham luận này làm hai phần như sau: Phần một, tôi xin mạn phép trình bày về đức hạnh, tấm lòng từ bi bao la vô bờ bến của ngài; đường lối lãnh đạo và tính cách của ngài thể hiện qua lòng nhẫn nại và kiên định của ngài quá trình dấn thân hoạt động đấu tranh yêu nước. Phần hai, tôi xin tường thuật lại một số tình huống thể hiện trí tuệ, sự thông minh và nhạy bén hơn người của ngài trong thời kỳ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam thể hiện vai trò hộ quốc an dân, tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc. Tôi không rành về mặt học thuật nên chỉ biết nói nôm na đây là tâm hạnh từ bi rất dạt dào và trí tuệ uyên bác rất tuyệt vời của ngài, và tôi nghĩ đây cũng là nền tảng bất di bất dịch của đạo Phật mà người con Phật dù ở bất cứ vị trí nào trong tổ chức Giáo hội cũng đều không thể thiếu vắng hai yếu tố then chốt này.
1. Tâm từ bi thể hiện bằng sự dấn thân quên mình vì đạo pháp và dân tộc đã nói lên nhân cách tuyệt vời của một bậc danh Tăng lãnh đạo xuất sắc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
Bình sinh thầy tôi thâm trầm, suy tư và ít nói, nhưng khi tiếp xúc với người, dù người đó là ai thì thầy tôi vẫn luôn nở nụ cười tươi với ánh mắt sáng ngời. Ngài ân cần lắng nghe những điều người đối diện trình bày cũng như tâm sự, khi cần nói, thầy tôi luôn chân thành và ngay thẳng góp ý, đó là tính cách vừa từ bi hỷ xả, lại vừa nghiêm nghị nơi thầy, khiến mọi người luôn kính nể mến phục. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi một sự kiện mà bản thân tôi từng theo hầu thầy và đã chứng kiến: Đó là lần tôi được đi theo hầu Hòa thượng công tác Phật sự tại các tỉnh miền Tây và tham dự lễ khai giảng Trường Phật học cơ bản Kiên Giang khóa I. Nhân dịp này, tại chùa Ông Mẹt, thị xã Trà Vinh, thầy tôi thừa ủy quyền của Ban Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm việc với chính quyền thông qua việc phục hồi chức Phó pháp chủ cho Hòa thượng Maha Saray. Đến nay tôi vẫn hình dung nguyên vẹn giọng nói trầm ấm, ôn tồn, với dáng vẻ khoan thai, đức độ, từ hòa, khiêm tốn của thầy trong buổi làm việc, nhưng thầy cũng rất kiên quyết giữ vững lập trường quan điểm cho đến khi giải quyết xong xuôi mọi công việc, kết quả cuối cùng thành công tốt đẹp, mọi người đều cởi mở và hoan hỷ. Qua lần đi công tác Phật sự ở các tỉnh miền Tây năm đó, thầy tôi đã để lại trong lòng Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và các cấp chính quyền các tỉnh một ấn tượng vô cùng thiện cảm về một bậc chân tu khả kính.
Nói về tấm lòng từ bi của thầy, vào ngày đại lễ Phật đản Phật lịch 2517 tại Tổ đình chùa Long Thạnh, thầy tôi đã dạy: “Hôm nay quý vị nam, nữ Phật tử tụ hội về đây để tỏ lòng thành kính thiết tha, chiêm ngưỡng, cảm hoài tôn nhan đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trải qua lịch kiếp hy sinh tất cả, ngõ hầu thật chứng tất cả những gì chơn thật, tốt đẹp và hoàn hảo nhất, chỉ vì một mục đích khai minh con đường chánh giác, lợi tha, với bổn hoài cứu vớt chúng sanh ra khỏi chốn sông mê bể khổ và xây dựng một nền tảng công bằng, bác ái, tự do, tươi sáng muôn đời bền vững cho nhân loại... Nay đứng trước cuộc lễ kỷ niệm tôn nghiêm của đức Thích Tôn từ phụ, với hương trầm ngút tỏa, để tỏ ra xứng đáng là người Phật tử, dù xuất gia hay tại gia, không đến đỗi là một người con hoang đàng, phế bỏ, không giữ gìn được một phần nào cái gia bảo từ bi cứu khổ của đức Phật trên bước đường hoằng pháp lợi sinh của mỗi chúng ta trong giai đoạn hiện tại, cũng như điều ước vọng ở tương lai, nhất là đối với tình trạng đất nước dân tộc Việt Nam ta nói riêng và nhân loại nói chung, có biết bao sự tang tóc, đau thương nói sao cho xiết. Tôi thiết nghĩ, tất cả chúng ta là hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia, học theo đường lối cứu khổ độ sanh của đức Phật. Vậy trong lúc chí thành đảnh lễ trước kim thân của ngài, chúng ta nên kiểm điểm lại quá trình hành đạo gần nhất trong một năm qua, có những sự sai lệch như thế nào đối với nền giáo lý lợi sinh ấy?”. Rồi giọng nói của thầy hạ xuống trầm buồn dường như thầy đang xúc động: “Hằng ngày chúng ta tụng kinh, trì chú, niệm Phật chúng ta đều cầu nguyện “Tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo” mà trong lòng của chúng ta đã có sự thành thật thiết tha chia sớt những niềm đau khổ tang tóc với những người xung quanh chúng ta đang rên xiết dưới ách thống trị của ngoại bang hay không? Chúng ta có can đảm và nhẫn nại đối với thuận và nghịch cảnh trên bước đường hoằng pháp lợi sanh chưa? Trong những cảnh xã hội bất công, biết bao những kẻ khốn cùng cơm không đủ no, áo không đủ mặc, thử hỏi tinh thần trách nhiệm của chúng ta ở đâu? Chúng ta có bao giờ tự hỏi lòng mình rằng, điều mà chúng ta thể hiện hằng ngày có trái lại với bản nguyện dữ lạc bạt khổ mà đức Phật đã vạch ra không? Tóm lại, chúng ta muốn thù ân cho Phật Tổ và không phản bội lại ý nguyện độ sanh, chúng ta là Phật tử thuần thành thì hãy nên cố gắng khắc phục những gì sai lầm trên mọi tật xấu xa, tham lam ích kỷ, để đem lại một tinh thần bác ái vị tha, xây dựng một xã hội công bằng có tình thương và uất hận tiêu tan với tinh thần đoàn kết tương thân tương ái...”.
Có thể nói rằng, những phát ngôn đầy trách nhiệm và tha thiết này chỉ có thể lưu xuất từ nơi tâm hồn sâu xa của bậc bồ tát tái thế và nó đã hiển hiện nơi thầy tôi một tấm lòng từ bi vô bờ bến. Tôi nghĩ, hạnh nguyện độ sanh sâu dày này chỉ có thể có ở một tấm lòng thật sự yêu nước thương dân mới thốt ra được như vậy.
Nói về tính cách của thầy, thì sự bình tĩnh, kiên trì và nhẫn nại, chính là một trong những đặc tính ưu việt của thầy. Tôi còn nhớ vào ngày 27/5/1976, khi đó tôi còn là một thanh niên Tăng trẻ khỏe, còn thầy tôi lúc đó đã gần lục tuần (chính xác là 59 tuổi), thời bấy giờ là những ngày đầu thành phố mới giải phóng, nên gần như hầu hết các đoàn thể, ban ngành đều được huy động làm công tác thủy lợi đưa nước vào đồng, khi đó tôi là một thanh niên nên hăng hái cùng Tăng Ni Phật tử thành phố tham gia lao động một cách tích cực, nhưng thầy tôi với tư cách là một bậc giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, hơn nữa thầy đã lớn tuổi, thế nhưng thầy vẫn cùng lớp trẻ chúng tôi nhiệt tình tham gia lao động, nhìn hình dáng và phong cách của thầy, với đặc điểm nổi bật là thầy rất hăng say, phấn khởi, luôn miệng động viên mọi người tập trung cho hoàn thành công việc. Khi toàn đoàn Phật giáo tập kết đến công trường Đoàn Kết của Ủy ban Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh đóng tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, thì vị trưởng đoàn phân công, giao trách nhiệm cho từng tổ, ai nấy cũng hoan hỷ lao xuống dòng kênh, người tay cuốc, người tay xẻng, không kể chân lấm tay bùn, đều ra sức đào sâu xuống mở rộng dòng kênh. Khi đó tôi cũng được bố trí lao động cùng tổ với thầy. Tôi nhớ, khi mặt trời bóng ngả về chiều, lúc đó thầy trông thấy tôi đã thấm mệt nên thao tác có phần chậm chạp, sợ tôi không đạt chỉ tiêu được giao, nên thầy đã kéo tôi lại gần, rồi chỉ tôi cách ấn mạnh cán leng theo chiều xuôi để lấy được phần đất sâu vất lên bờ đê mau lẹ, tôi nhìn thầy thao tác thuần thục và liên tục mà trong lòng ngập tràn sự cảm thương, tôn kính lẫn nể phục một bậc chân tu đức độ. Chính sau đợt lao động công ích đó, tôi mới nghiệm ra rằng, thầy không chỉ giỏi về lãnh đạo, ứng xử, giao tiếp, về giáo thọ, thuyết pháp, mà ở nơi thầy luôn toát ra đức hạnh từ bi, luôn nghĩ đến những lợi ích lớn lao trong đời sống con người, và thầy lấy đó làm nguồn hạnh phúc trong đời sống của thầy, có thể nói đây là bài học sâu sắc và thực tế nhất về tấm lòng từ bi với tầm nhìn quảng đại của bậc chân tu mà tôi vinh dự được học tập trực tiếp ở thầy.
Lúc sinh thời, thầy thường khuyên dạy tôi về tính kiên trì và lòng nhẫn nại, thầy quan niệm, tất cả mọi công tác Phật sự muốn thực hành thành công viên mãn thì nhất thiết phải thực hiện lòng nhẫn nại, vì đây là kho tàng chứa đựng những kỳ công tốt đẹp, quý hóa trong đời sống con người. Thầy từng dạy tôi: “Trong việc trau dồi tâm đức và trí tuệ, để lợi mình và giúp được người khác, thì con phải luôn luôn kiên tâm trì chí, thật sự nhẫn nại thì mới có thể thông suốt trên bước đường tu hành và hoằng đạo sau này”. Và thầy dạy rất rõ 3 vấn đề mà bất kỳ người xuất gia có tấm lòng từ bi thương tưởng chúng sanh, cũng như kiên định lý tưởng giác ngộ giải thoát đều phải hướng đến, đó là: “Thứ nhất là tự đả thông trí tuệ và khai mở để tất cả mọi người thấu tỏ được bản tâm thanh tịnh của mình xưa nay vốn sẵn có, đồng một thể cùng chư Phật, xưa nay không khác. Thứ hai là dùng phương tiện pháp môn phù hợp hướng dẫn cho tất cả mọi người để giúp họ được giác ngộ, loại bỏ tận gốc những sai lầm phiền não, giúp họ tiến lên chỗ giải thoát tự do, tự tại. Thứ ba là sử dụng các phương tiện trong khả năng sẵn có của mình, giúp đỡ mọi người trong cơn nguy nan cùng khốn, hầu xoa dịu sự đau thương khổ cực trong tâm hồn và thể xác, ở hiện tại cũng như trong tương lai”. Qua đó cho thấy, từ những bài học sâu sắc này đã nói lên thầy là bậc chân tu thạc đức, là bậc danh Tăng liễu ngộ lý tánh nguồn chơn, nhất là lòng từ bi lân mẫn, luôn thương tưởng đến nỗi khổ nhân sinh ở nơi tâm hồn thầy chưa bao giờ vơi cạn.
Thuở mới vào chùa, có một lần tôi mạo muội hỏi thầy về đường lối của Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, thầy tôi rất thích tôi hỏi câu này và thầy liền vui vẻ trả lời rằng: “Đường lối của Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam là sáu phương pháp để chư Tăng cùng nhau hòa hợp tu hành trên một tập thể của Giáo hội, đó là giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng trú, thân hòa đồng trụ, lợi hòa đồng quân, khẩu hòa vô tranh và ý hòa đồng duyệt. Ý nghĩa Lục Hòa Tăng tức là cùng nhau bảo tồn sự sống còn của Phật pháp, phá vỡ mọi giai cấp bất bình đẳng, điều này tương quan mật thiết đến nền Phật giáo cổ truyền vốn có từ thời đức Phật tại thế”. Nhân câu hỏi này, thầy đã chỉ ra cho tôi những điều vô cùng ý nghĩa mà đến tôi vẫn còn nhớ mãi: “Đối với quá trình hành đạo xa xưa kia là thế nhưng với hiện tại thì sao, nhất là đối với tình hình đất nước, nền Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng trên phương tiện hành đạo phải thế nào, để trả lời câu hỏi này, thì người Phật tử chân chính, dù xuất gia hay tại gia, cũng đều phải thuần thành với tôn chỉ của đức Phật đã vạch ra, đó là phải lấy sáu pháp an hòa này làm kim chỉ nam để xây dựng bản thân trên đường tu chứng, cũng như hướng dẫn dân tộc trên đường đạo pháp mà lịch sử ta đã nhiều thế hệ ghi chép rõ ràng. Và tất cả mọi phương tiện tu hành không ngoài tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) tức là con đường giúp chúng sinh nói chung và nhân loại nói riêng dữ lạc bạt khổ, điều này dù trải qua hàng ngàn năm vẫn bất di bất dịch” Rồi thầy hỏi lại tôi: “Con có biết tại sao đối với đại đa số Phật giáo đồ cần phải chung sống hòa hợp đoàn kết, cần phải cứu khổ chúng sinh?”. Thấy tôi lúng túng, thầy mỉm cười trả lời thay tôi: “Hiện nay nước nhà còn khó khăn chồng chất, lại chịu thêm thiên tai bão lụt, hỏa hoạn bất thường, đó là khổ thượng gia khổ, trập trùng không sao xiết kể, cho nên nền Phật giáo Cổ truyền Lục hòa Tăng Việt Nam luôn xác định trách nhiệm hộ quốc an dân, mà muốn giải quyết những nổi khổ trên, thì không gì hơn là xây dựng một tình thương bao la, chỉ có tình thương to lớn không ngằn mé thì mới đem lại cho an vui hạnh phúc cho dân tộc ta trên mọi phương diện cứu tế xã hội, ngõ hầu xoa dịu đi một phần nỗi đau khổ! Và chỉ có tình thương mới thực thi một sự đoàn kết không cần kêu gọi mà nó vẫn chặt chẽ vô cùng”…
Với tâm từ bi và tính cách nhẫn nại của thầy trong khuôn khổ giới hạn của tham luận này, tôi chỉ tóm lược như vậy thiết nghĩ cũng đã đủ cho chúng ta hình dung về nhân cách đức độ của thầy. Nhưng có một điều hết sức đặc biệt trong sinh hoạt tu hành hằng ngày của thầy ở Tổ đình chùa Long Thạnh mà chỉ có những người trong cuộc như hàng đệ tử chúng tôi mới chứng kiến, đó là việc thầy tôi cho dù Phật sự đa đoan đến đâu, công việc bộn bề thế nào đi nữa, thì thầy vẫn ít khi bỏ qua những thời khóa tụng hằng ngày ở chùa, nhất là thời hô chuông vào lúc 2 giờ chiều mỗi ngày luôn được thầy duy trì thường xuyên từ thời còn trai trẻ cho đến những ngày người già yếu. Tôi còn nhớ, trong lần đến phúng điếu lễ tang của thầy tôi vào ngày mồng 1 tháng 12 năm Ất Hợi (tức ngày 20/1/1996), Hòa thượng Thích Hiển Pháp khi đó là Phó Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, Chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, sau khi viếng lễ, ghi sổ tang xong, ngài chỉ kim quan thầy tôi rồi bảo với tôi rằng: “Ngài (tức thầy tôi) là một chân tu mẫu mực thuộc hàng xưa nay hiếm, tôi (tức Hòa thượng Thích Hiển Pháp) nhiều lần đột xuất đến chùa Long Thạnh liên hệ công tác Giáo hội và lần nào cũng thấy ngài tay lần chuỗi còn miệng lâm râm niệm danh hiệu A Di Đà Phật, nếu đến buổi chiều thì phải đợi thầy dộng đại hồng chung xong thì mới được diện kiến với ngài để thưa trình công việc Giáo hội”…
Trên thực tế, thầy tôi dù ở cương vị nào, từ chức vụ Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyển Việt Nam; Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì thầy vẫn là thầy, vẫn chân chất, từ hòa, khiêm tốn và ngay thẳng, vẫn là vị thầy luôn lắng nghe và bao dung độ lượng, chính vì vậy mà thầy tôi luôn được kẻ trên người dưới quý mến. Thầy tôi dù được tôn xưng là bậc cao tăng thời đại, nhưng khi thực hiện các công tác Phật sự của Giáo hội, thầy tôi luôn thể hiện bản chất của người nông dân Nam bộ, giản dị, chất phác, thật thà, luôn hòa mình cùng mọi người trong mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội.
Có thể nói rằng, với trách nhiệm cao cả và tâm từ bi tận tâm tận lực vì đạo pháp và dân tộc, cùng với tất cả những đức tính ưu việt hiện hữu nơi thầy, đã kết tinh và hình thành nên một nhân cách tuyệt vời của một bậc danh Tăng lãnh đạo xuất sắc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
2. Sự chân thành, ngay thẳng và thông minh nhạy bén trong ứng xử, đối phó với mọi tình huống, đã nói lên trí tuệ tuyệt vời của một bậc lãnh đạo tài năng xuất chúng, qua đó nêu bật lên vai trò lịch sử của ngài trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
Nói đến sự thông minh nhạy bén và chân thành ngay thẳng trong ứng xử đối phó với mọi tình huống của thầy tôi, nhân đây tôi xin kể ra một vài mẩu chuyện mà bản thân tôi trực tiếp được thầy tôi kể lại cho tôi nghe, cũng như những bậc cao Tăng giáo phẩm trong hệ phái Lục Hòa Tăng thuật lại, nay tôi cũng lược ghi ra nhằm chứng minh trí tuệ tuyệt vời của thầy trong vai trò lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
Đầu tiên là việc sư Trí Hưng đã lợi dụng uy tín và danh nghĩa của thầy tôi trong việc tổ chức Đại hội thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn nhằm tại chùa Giác Lâm vào năm 1961. Sự kiện này được Hòa thượng Huệ Xướng thuật lại như sau: “Tôi (Hòa thượng Huệ Xướng) nhớ trong buổi trà đàm giữa Hòa thượng Bửu Ý và Hòa thượng Trí Tấn, Hòa thượng Bửu Ý đã nói với Hòa thượng Trí Tấn về sự kiện thành lập tổ chức Cổ Sơn Môn vào năm 1961 nội dung như sau: “Cổ Sơn Môn do sư Trí Hưng lãnh đạo thực chất là một tổ chức Phật giáo do chính quyền Ngô Đình Diêm dựng lên nhằm theo dõi chống phá các phong trào đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo, vì muốn hợp thức hóa tổ chức và tạo vị thế trong cộng đồng Phật giáo, đồng thời chính quyền Ngô Đình Diệm cũng muốn dùng ngay chính con người của Lục Hòa Tăng làm tay sai, qua đó sẽ làm xấu hình ảnh và truyền thống đấu tranh yêu nước của hệ phái Lục Hòa Tăng, nên vào năm 1961, chúng đã dùng sư Trí Hưng như một con cờ nhằm thực hiện âm mưu thâm độc này, tôi (tức Hòa thượng Bửu Ý) nhớ lúc đó sư Trí Hưng tận dụng tên tuổi của mình trong tổ chức Lục Hòa Tăng, và với danh nghĩa là Tăng trưởng Lục Hòa Tăng tỉnh Quảng Ngãi, nên sư Trí Hưng đã dùng Tổ đình Giác Lâm để tổ chức Đại hội thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn và cho mời bằng được tôi (tức Hòa thượng Bửu Ý) đến chứng minh và tham gia vào ban chức sự, vì tôi lúc đó là Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng. Tuy nhiên, khi nghe cơ sở đã báo cáo lại cho tôi biết là buổi lễ diễn ra hôm đó dưới sự cố vấn của chính quyền Ngô Đình Diệm, do đó đã có một số Tăng sĩ và những người thân tín của chính quyền Ngô Đình Diệm đến dự, họ (chính quyền Diệm) đã hậu thuẫn bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để Đại hội sẽ thành công như ý của họ. Tôi (tức Hòa thượng Bửu Ý) còn nhớ, lúc bấy giờ chính quyền đã sử dụng cả máy bay trực thăng để chở đại biểu về dự đại hội này. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong buổi diễn ra đại hội, ngoài sư Trí Hưng, thì hầu như không có sự hiện diện nào của các vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, sốt ruột mong đợi mãi mấy tiếng đồng hồ mà chẳng thấy ai tới dự đại hội, vào lúc này sư Trí Hưng chỉ mong chờ mỗi một mình tôi đến dự để ký vào văn bản đại hội, và nếu được như vậy tức là xem như đại hội đã thành công. Tuy nhiên, do tôi (tức Hòa thượng Bửu Ý) sớm biết được đây chỉ là sự lôi kéo mình vào để tổ chức này khuếch trương thanh thế và tạo ảnh hưởng cho Cổ Sơn Môn sau này, nên lúc đó tôi (Hòa thượng Bửu Ý) đã khéo léo tránh mặt không đến dự đại hội, chính vì vậy mà đại hội lần đó đã bất thành và Giáo hội Cổ Sơn Môn cũng không thành lập được theo ý đồ của chính quyền Ngô Đình Diệm”. Trên đây là lời kể lại của thầy tôi cho Hòa thượng Trí Tấn trong một lần Hòa thượng Trí Tấn đến thăm thầy tôi tại Tổ đình chùa Long Thạnh, vào lúc đó, Hòa thượng Huệ Xướng là thị giả của thầy tôi, đã nghe hai vị tôn túc đàm đạo và thuật lại như trên.
Qua câu chuyện trên đây có thể nói rằng, thầy tôi đã rất sáng suốt, với trí tuệ và tầm nhìn sâu sắc, sự né tránh kịp thời của thầy đã ngăn chặn được một ý đồ thâm độc của chính quyền Ngô Đình Diệm, cũng như những toan tính của sư Trí Hưng trong việc lợi dụng danh nghĩa của tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng phục vụ cho mục đích phá hoại các phong trào đấu tranh của Phật giáo vì sự nghiệp thống nhất hòa bình đất nước và nhất là ý đồ của chính quyền nhằm làm suy giảm uy tín của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Ở đây tôi chỉ sơ lược sự kiện này chứ không cần thiết phải nói rõ về tổ chức Cổ Sơn Môn, nếu quý vị muốn tìm hiểu sau về tổ chức này xin tìm đọc quyển sách “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam” của Hòa thượng Thích Huệ Thông sẽ tường minh.
Một câu chuyện nữa nói lên trí tuệ thông minh sắc sảo và cách ứng xử linh hoạt khôn khéo của thầy tôi trong những năm tháng đối phó với chính quyền Sài Gòn vào những năm 1960 của thế kỷ trước, khi họ muốn tranh thủ sự ủng hộ của Giáo hội Lục Hòa Tăng mà thầy tôi là bậc tôn túc trong hàng giáo phẩm có uy tín cao đại diện cho tổ chức hệ phái.
Nguyên là sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân năm 1968 đến năm 1972, các vị giáo phẩm trong Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam như thầy tôi và quý Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thiện Nghị… trong tổ nòng cốt Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các chủ trương của cấp trên chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ và tạo thời cơ, nên qua các phong trào từ trung ương đến các địa phương đều phát triển mạnh mẽ, chính nhờ vậy mà Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã nhanh chóng trở thành trung tâm tập hợp các cánh tiến bộ trong các tông phái, giáo phái tại thành phố tham gia hình thành mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước một cách rộng rãi và hiệu quả.
Nhìn nhận được uy tín và tầm ảnh hưởng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nên các phe phái trong chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ rất muốn có được sự ủng hộ của các bậc tôn túc trong hệ phái và câu chuyện sau đây đã nói lên bản tính vừa thông minh, khôn khéo, vừa nhẫn nại, nhưng cũng rất kiên quyết của thầy tôi khi phải đối đầu với những sứ giả của chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ.
Theo lời kể của Thượng tọa Thích Quảng Tiến, Thư ký Ban Đại diện Phật giáo quận 5, vào năm 1970, Thượng tọa là Phó Trưởng Ban Văn nghệ kiêm Trưởng đoàn múa lân – võ thuật của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và thầy Hiệp Khánh (trụ trì Tổ đình Thiên Thai - Bà Rịa) là Trưởng ban. Nhóm của quý thầy cùng với anh em sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên Phật tử có nhiệm vụ đem lời ca tiếng hát nhằm cổ động phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu, riêng Thượng tọa Quảng Tiến còn phụ trách đoàn múa lân võ thuật, phục vụ các dịp khánh lễ, tiếp rước các đoàn khách quan trọng. Trong hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền lúc đó, thầy tôi là bậc tôn túc luôn gần gũi, thân thiết với anh em trong nhóm, là bậc thầy khả kính của quần chúng Phật tử và đồng bào yêu nước nên mọi chỉ đạo của thầy tôi đều được anh em trong nhóm luôn xem đó là mệnh lệnh. Lúc bấy giờ, thầy tôi không cách nào khác nên buộc phải gặp sứ giả của Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu, do họ mong muốn được gặp thầy tôi để tranh thủ sự ủng hộ, tuy nhiên bằng sự nhạy bén sâu sắc và tài ứng xử thông minh, thầy tôi đã không để cho đối phương áp đặt được ý đồ mà họ mong muốn. Sự kiện này đã được Thượng tọa kể lại trong “Kỷ yếu tưởng niệm Hòa thượng Bửu Ý” và được xem là nguồn tư liệu quý khi nói về tính cách và bản lãnh của chư tôn đức hệ phái Cổ Truyền Lục Hòa Tăng trong quá trình đấu tranh với các thế lực đi ngược đường lối hòa bình thống nhất đất nước. Nay tôi xin lược thuật lại như sau:
Sự việc thứ nhất diễn ra vào năm 1971, ông Nguyễn Cao Kỳ đến thăm Trường Hương chùa Giác Lâm, khi đó thành phần ban chức sự trường hương gồm quý tôn túc lãnh đạo Giáo hội như Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Thành Đạo và thầy tôi (Hòa thượng Bửu Ý)… Vì đây là Trường Hương có tầm cỡ lớn nhất từ trước đến nay, tập trung nhiều nhân tài, trụ cột của giáo hội, nên dư luận các giới cũng hướng vào theo dõi, cùng nhằm vào thời điểm tình hình chính trị tại Sài Gòn có nhiều biến động. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Cao Kỳ đương là Phó Tổng thống, bị Nguyễn Văn Thiệu cho ngồi chơi xơi nước; Nguyễn Cao Kỳ thất chí, tìm thú vui trong việc buôn lậu và đá gà, sau thời gian im hơi lặng tiếng, bỗng nhiên xuất hiện trở lại chính trường và lên kế hoạch ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới. Để thu hút dư luận về mình, ông Nguyễn Cao Kỳ tuôn ra những lời tuyên bố chống đối Nguyễn Văn Thiệu, tố cáo Thiệu là độc tài tham nhũng, không có khả năng lãnh đạo đất nước, đồng thời ông cùng với vợ là bà Tuyết Mai thường xuất hiện trên các báo, đài qua việc làm từ thiện, tiếp xúc các giới, ủng hộ các nhóm đối lập. Trong những chuỗi công tác xã hội mà ông Kỳ thực hiện trong thời gian này có thể kể đến việc ông đi thăm Trường Hương chùa Giác Lâm, thật ra việc đến thăm Trường Hương chùa Giác Lâm của ông Kỳ chỉ là cái cớ hay nói đúng hơn là đến để tiếp xúc nhằm tranh thủ vận động các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng vì lúc đó đa số chư tôn túc trong hệ phái Lục Hòa Tăng đều nhập hạ tại Trường Hương chùa Giác Lâm. Với cương vị là Phó Tổng Thống, ông Kỳ thừa biết quan điểm, lập trường và lý tưởng của quý Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội là yêu chuộng công lý, chống độc tài, do đó việc đến thăm của Kỳ không phải bình thường, nó còn chứa đựng nhiều ý khác.
Lúc bấy giờ, thầy tôi (Hòa thượng Bửu Ý) là Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, khi nhận được văn thư tuy có bất ngờ, nhưng thầy rất điềm tĩnh, tự nghĩ trong lòng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thầy tôi đã báo cáo lại Hội đồng Viện Hoằng đạo và Ban chức sự Trường hương chuẩn bị đón khách, vì Nguyễn Cao Kỳ đương thời là Phó Tổng thống.
Theo sự phân công của chú Hoàng Minh (phát ngôn viên Giáo hội) thì Thượng tọa Quảng Tiến chịu trách nhiệm nghi thức đón tiếp, nên Thượng tọa Quảng Tiến đã tập hợp 60 anh em trong đoàn múa lân, võ thuật và khoảng 200 thanh thiếu niên Phật tử làm dàn chào; trước đó một ngày, thầy tôi và Thượng tọa Quảng Tiến đã đến chùa Giác Lâm xem xét địa hình để chuẩn bị cho việc tiếp đón và trao đổi với vị phụ trách lễ tân của văn phòng Phó Tổng thống. Sau đó, Thượng tọa Quảng Tiến đã trình bày kế hoạch đón tiếp phái đoàn ông Nguyễn Cao Kỳ như sau: Phần Thượng tọa Quảng Tiến chịu trách nhiệm đội lân, dàn chào tiếp rước từ cổng ngoài vào đến bậc thềm chánh điện, tại đây sẽ có quý Hòa thượng sẽ tiếp vào lễ Phật, đàm đạo. Khi xe của Phó Tổng thống đỗ ngoài cửa, sẽ có 30 em võ sinh đứng hai hàng chào đón và đội lân sẽ múa rước vào, suốt đoạn đường từ cổng vào đến chùa, hai bên có khoảng 200 thanh thiếu niên Phật tử đứng làm hàng rào danh dự. Trước khi ra về sẽ mời Phó Tổng thống xem biểu diễn võ thuật…
Khi trao đổi nội dung chương trình đón tiếp, vị phụ trách tiền trạm của ông Kỳ rất chăm chú lắng nghe, sau đó vị này đã đề nghị Thượng tọa Quảng Tiến (hay nói đúng hơn là ra lệnh) hai việc: Một là đoạn đường từ cổng ngoài vào đến chùa quá dài (khoảng 300m) mà chỉ bố trí 200 người đứng làm dàn chào thì quá mỏng, ông đề nghị tăng cường 300 em học sinh do ông điều động đến, để phóng viên, báo đài đến quay phim chụp hình cho có khí thế. Hai là mỗi em đều phải cầm cờ (tất nhiên là cờ vàng ba sọc đỏ) vẫy chào, như tiếp đón vị nguyên thủ quốc gia… Trước sự điều chỉnh thay đổi này, Thượng tọa Quảng Tiến đã không đồng ý, viện lẽ “quân nào tướng nấy chỉ huy”, các em học sinh chưa quen sinh hoạt, chưa thông hiểu nghi thức, điều lệ của nhà chùa, nên không thể điều động, quản lý số người quá đông và việc bảo đảm an ninh sẽ phức tạp. Còn việc cầm cờ thì Thượng tọa nói rằng ở chùa thì cầm cờ Phật giáo, còn việc cầm cờ như quý ông đề nghị thì do không nghe quý Hòa thượng chỉ đạo nên không thể làm theo. Trong khi Thượng tọa Quảng Tiến đang trao đổi với vị phụ trách lễ tân của văn phòng Phó Tổng Thống, thì bất chợt thầy tôi từ trong nhà thiền bước ra, với dáng vẻ khoan thai, từ tốn tiến đến chỗ mọi người đang bàn, Thượng tọa Quảng Tiến báo cáo lại sự việc trên với thầy tôi, ngay lúc đó thầy liền điềm tĩnh trả lời mà không cần suy nghĩ, nhưng rất khôn khéo nên không làm mích lòng vị khách. Thầy tôi nói “Trong thông báo gởi đến chỉ cho biết Phó Tổng Thống đến chùa lễ Phật và thăm Trường Hương (thầy tôi rất thông minh khi nêu lý do chính đến chùa của ông Kỳ) nên việc bố trí Phật tử đón tiếp là đúng theo luật thiền môn, còn việc cầm cờ thì trong văn bản không có chỉ dụ xuống (thầy tôi dùng từ chỉ dụ, tức chiếu chỉ của vua, mà ông Kỳ thì chưa phải là vua), nếu tổ chức phô trương rườm rà sợ có dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy danh của ngài Phó Tổng Thống. Khi nghe thầy tôi giải thích quá hợp tình hợp lý nên người phụ trách lễ tân của ông Kỳ không có cơ sở bắt bẻ hoặc quy tội là không tôn trọng chính thể quốc gia qua việc không chịu cầm cờ tiếp đón.
Đến sáng hôm sau, Thượng tọa Quảng Tiến đã sắp xếp đội hình theo đúng kế hoạch do thầy tôi chỉ đạo, chỉ có phần biểu diễn võ thuật là bãi bỏ, do số vệ sĩ của Kỳ sợ mọi người tập trung đến xem đông, phức tạp.
Qua sự việc này cho thấy, thầy tôi ứng xử hết sức tài tình, vì trong văn bản chỉ thông báo vỏn vẹn ngày giờ, lý do đến thăm, còn việc tiếp rước, đi đứng ăn nói ra sao sẽ do lễ tân phối hợp cùng nơi đến sắp xếp; hơn nữa, việc ông Nguyễn Cao Kỳ đến thăm là nhằm mục đích tranh thủ vận động cho chiếc ghế Tổng thống, chẳng lẽ vì việc nhỏ đó mà đám quân sư kia gây khó dễ, làm hỏng đại cuộc ông Kỳ. Chính vì nắm rõ ý đồ và nhu cầu của ông Kỳ nên thầy tôi đã khôn khéo thẳng thắn từ chối mà không hề sợ đụng chạm đến chính quyền.
Sự việc thứ hai, đó là sự kiện đón tiếp sứ giả của ông Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1971, theo hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa, thì năm 1971 là năm bầu cử Tổng Thống. Do được sự bảo trợ của Mỹ, nên Nguyễn Văn Thiệu muốn làm Tổng Thống muôn đời. Tuy nhiên để nhằm loại bỏ hai đối thủ có phần lợi hại là Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ một cách hợp pháp, ông Thiệu đã chỉ đạo cho Hội đồng bầu cử (người của Thiệu) ra Sắc luật như sau: Một là người ra ứng cử Tổng thống phải ký quỹ 100 triệu (tiền Sài Gòn bấy giờ); hai là phải có đủ chữ ký giới thiệu của 150 dân biểu Quốc hội, mỗi dân biểu chỉ giới thiệu một ứng cử viên. Chính sắc luật này đã gây ra không ít rắc rối cho đối phương tham gia tranh cử, vì tiền thì có thể kiếm được, nhưng tìm ở đâu ra 150 chữ ký của dân biểu trong tổng số 250 dân biểu, mà hơn phân nửa đã bị Thiệu mua chuộc từ lâu; nhóm dân biểu đối lập như Nguyễn Phước Đại, Kiều Mộng Thu, Nguyễn Văn Hàm đều chỉ là thiểu số, nhìn thấy nước cờ này, nên hai ông Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ thấy không thể thắng nổi nên đành chịu bỏ cuộc. Nhận thấy không còn đối thủ cạnh tranh, ông Thiệu bèn chơi trò độc diễn, một mình ra tranh cử với chính mình và chọn ngày 31/10/1971 là ngày bầu cử, mọi người đi bỏ phiếu chỉ gạch một trong hai câu hỏi được in sẵn trong lá phiếu là có tín nhiệm hay không tín nhiệm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nếu số phiếu tín nhiệm hơn 50% thì Thiệu vẫn tiếp tục làm Tổng thống, còn ngược lại thì Thiệu ra đi, đương nhiên là tín nhiệm rồi, vì toàn bộ nhân viên bầu cử là người của Thiệu và khi công bố kết quả đã có 99% cử tri tín nhiệm. Trước cuộc bầu cử bất minh này, nên các nơi nhân dân nổi lên, biểu tình đấu tranh chống trò hề độc diễn của Thiệu, nhằm xoa dịu dư luận, Thiệu chỉ đạo và mua chuộc một số tổ chức, đoàn thể đang tuyên bố ủng hộ Thiệu và việc Nguyễn Văn Thiệu cử sứ giả đến chùa Giác Lâm gặp quý Hòa thượng trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng xin cúng 300 triệu cho việc xây dựng bảo tháp Xá Lợi cũng nằm trong ý đồ đó.
Sự việc này diễn biến sự việc như sau: Số là sau chuyến viếng thăm của Nguyễn Cao Kỳ hơn một tháng, Nguyễn Văn Thiệu cử Hoàng Đức Nhã đến chùa Giác Lâm, Hoàng Đức Nhã là cháu vợ của Thiệu, được Mỹ đào tạo và cho về Việt Nam giữ chức Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi khi mới 32 tuổi. Cũng như Nguyễn Cao Kỳ, Thiệu và Nhã cũng đều có nhận định chung là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng có xu hướng thân cộng, nếu lôi kéo được sẽ có ảnh hưởng đến hàng triệu cử tri, nhất là vùng nông thôn.
Ban đầu Hoàng Đức Nhã đến chùa Giác Lâm không có tổ chức đón rước long trọng như Nguyễn Cao Kỳ (theo yêu cầu của Nhã), chỉ gặp riêng quý hòa thượng lãnh đạo, lúc bấy giờ, Hội đồng Viện Hoằng đạo phân công thầy tôi tiếp chuyện với Hoàng Đức Nhã. Trước tiên ông Hoàng Đức Nhã chuyển lời của Tổng thống chúc sức khỏe quý Hòa thượng, hỏi thăm tình hình tu học, sinh hoạt, việc xây dựng bảo tháp, sau đó ông Nhã mới chính thức vào đề: “Tổng thống có thiện ý muốn giúp 300 triệu cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng dùng vào việc xây dựng bảo tháp, số tiền này sẽ mang danh nghĩa một công ty Đại Hàn trao tặng. Để dư luận khỏi dị nghị, xin quý vị cho phép công ty đó treo bảng quảng cáo sản phẩm của họ trước chùa, sau ngày bầu cử 31/10/1971, quý vị muốn dỡ hay không thì tùy quý vị, có điều là kính mong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng chỉ cần ra một thông báo ủng hộ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục lãnh đạo quốc gia thêm một nhiệm kỳ nữa, để có điều kiện đem lại nền hòa bình thật sự cho đất nước Việt Nam”. Thoạt nghe qua số tiền ba trăm triệu, ai cũng phải giật mình vì số tiền quá lớn, xây xong bảo tháp cũng còn dư tiền để làm nhiều việc khác, dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến, tuy nhiên lúc đó thầy tôi rất điềm tĩnh, vì bản chất thầy vốn có thói quen trong hội nghị thường trầm tư suy nghĩ khi nghe mọi người phát biểu, không biểu hiện sự lo âu hay vui vẻ, có lẽ do thói quen đó đã tạo cho Hòa thượng phong cách điềm tĩnh, chững chạc, không vội vàng phát biểu khi chưa thấy cần thiết, khó ai đoán được ẩn ý của thầy khi thầy chưa lên tiếng. Lúc đó, Hoàng Đức Nhã dù còn trẻ, nhưng được đào tạo bài bản từ các trường nổi tiếng của Mỹ, về nước làm Tổng trưởng Bộ Dân vận chiêu hồi, một cơ quan tuyên truyền, chuyên dụ dỗ đối phương bỏ ngũ để trở về với “chánh nghĩa quốc gia”, là tay mưu sĩ đắc lực của Thiệu, cũng thuộc loại cáo già. Thấy thầy tôi có vẻ đăm chiêu tư lự, Nhã tấn công tiếp: “Việc làm này rất có lợi, quý vị sẽ thực hiện được sứ mệnh hoàn thành ngôi bảo tháp, thực hiện được kỳ vọng mà Tăng Ni Phật tử đã gửi gắm cho quý vị, lại không mang tiếng nhận tiền của Tổng thống, vì đã qua trung gian công ty Đại Hàn, cứ xem như cho họ thuê mướn quảng cáo…”. Khi đó xét thấy cần phải lên tiếng để chấm dứt buổi tiếp xúc này, thầy tôi điềm tĩnh trả lời: “Thay mặt cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, chúng tôi nhờ ngài Tổng trưởng chuyển lời kính thăm và chúc sức khỏe Tổng thống cùng gia đình, cám ơn sự quan tâm ưu ái của Tổng thống. Việc xây dựng bảo tháp Xá Lợi là do Giáo hội chúng tôi khởi xướng, nhưng nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử là mong muốn được chính mình đóng góp công sức vào đó để tạo phước đức cho con cháu mai sau, nếu nhận 300 triệu của Tổng thống thì sẽ phụ lòng Tăng Ni Phật tử, đạo Phật là đạo từ bi, luôn nghĩ tới lợi lạc quần sanh, ban vui và tạo phước cho mọi người”. Thầy tôi chỉ trả lời vỏn vẹn có thế thôi và tuyệt nhiên không đề cập đến chuyện chính trị hay cù cưa cho qua việc khi đối mặt với ông Tổng trưởng tuy còn trẻ nhưng lắm mưu nhiều kế này, nghe thầy tôi ôn tồn nhưng dứt khoát như vậy, thấy không còn lý do gì ở lại, Hoàng Đức Nhã đành khiếu từ ra về, chư tôn đức ra tiễn đến tận cổng, khi trở vào ai nấy cũng lộ trên gương mặt một niềm vui.
Qua lời lẽ từ chối tuy mộc mạc, nhẹ nhàng, nhưng rất khôn khéo kiên quyết đó, đã nói lên trí tuệ tuyệt vời của thầy tôi, vì thầy tôi biết rằng, 300 triệu là cái mồi không chỉ nhắm đến sự ủng hộ của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam mà họ còn nhắm đến sự mua chuộc hàng giáo phẩm trong hệ phái với ý đồ nham hiểm lâu dài. Việc không nhận số tiền lớn này thầy tôi còn chứng minh cho chính quyền thời bấy giờ biết rằng tiền bạc vật chất không thể làm xao động lý tưởng giác ngộ giải thoát của người xuất gia tu hành, càng không thể nào làm phai mờ lý tưởng đấu tranh vì sự nghiệp thống nhất hòa bình đất nước của Phật giáo đồ.
Diễn biến sự việc là như vậy, nhưng mấy ngày sau, dư luận trong Tăng Ni Phật tử lại rộn lên, có người thán phục quyết định trên là đúng đắn, nhưng cũng có người chê trách, nói tại sao không chịu nhận, họ đem đến cúng chùa mà, chớ đâu phải mình đi xin, còn việc ra thông báo đó chỉ là tờ giấy lộn, qua việc rồi thì tìm cách cải chính. Tuy nhiên, sau ngày 30/4/1975, trong dịp húy kỵ Hòa thượng Thích Thiện Thuận tại chùa Giác Lâm, khi gặp lại thầy tôi, Thượng tọa Quảng Tiến có nhắc lại sự việc trên, thì thầy tôi đã mỉm cười và nói rất vui rằng “Phải chi lúc đó lỡ nhận thì bây giờ có nước độn thổ rồi”.
Thời gian cứ trôi qua, thế rồi miền Nam được giải phóng, đất nước được hòa bình thống nhất, tình hình Phật giáo trong nước dần dần trở lại ổn định. Tuy nhiên để Phật giáo có được sự ổn định và phát triển bền vững, cũng như góp phần hiệu quả vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, thì điều kiện đầu tiên là cần phải thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước lại thành một mối trên tinh thần “lục hòa cộng trụ”. Việc tưởng chừng đơn giản này nhưng kỳ thật không phải dễ dàng thực hiện, nếu như không được sự đồng thuận nhất trí cao của chư tôn đức trong hàng giáo phẩm của các hệ phái, và nhất là sự hưởng ứng ủng hộ của chư Tăng, Ni, Phật tử trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Đây không chỉ là điều băn khoăn, trăn trở của hầu hết các bậc tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, mà đây còn là tầm nhìn chiến lược, là trách nhiệm thiêng liêng trước đạo pháp và dân tộc trong thời đại.
Trước yêu cầu cấp thiết này, tháng 8/1975, Chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc yêu nước TP. HCM làm tiền đề cho việc thống nhất Phật giáo sau này. Ban Liên lạc yêu nước TP. HCM do Hòa thượng Minh Nguyệt là Chủ tịch, thầy tôi làm Phó Chủ tịch, Hòa thượng Thiện Hào làm Tổng Thư ký; thành phần trong Ban Liên lạc yêu nước TP HCM lúc bấy giờ có quý Hòa thượng từng là lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, như các Hòa thượng Pháp Dõng, Hòa thượng Hiển Pháp, Thượng tọa Từ Thông, Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Đức, Đại đức Thiện Xuân… Đến năm 1980, Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, các vị tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, cũng đứng ra gánh vác trọng trách, khi đó Hòa thượng Trí Thủ là Trưởng ban, thầy tôi làm Phó Trưởng ban kiêm Phó Ban dự thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1980 – 1981).
Lúc bấy giờ, phái đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc và Thủ đô Hà Nội vào tháng 10/1979 gồm có thầy tôi làm Trưởng đoàn, Hòa thượng Pháp Võng là Phó đoàn, Hòa thượng Pháp Lan là Thư ký đoàn; tháp tùng đoàn còn có quý Thượng tọa Từ Nhơn, Thượng tọa Huệ Thới, Thương tọa Từ Thông, Đại dức Thiện Đức (chùa Pháp Vân), Thượng tọa Trí Quảng, Đại đức Minh Thành (chùa Ấn Quang), Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Xuân.
Về suy nghĩ hay cảm giác thì trước đây người ta cứ cho rằng, chư tôn đức và Tăng sĩ trong hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng là những người chuyên tổ chức đấu tranh, biểu tình, nuôi giấu cán bộ, hoạt động cơ sở nội thành và nhất là chuyên môn tán tụng nghi lễ Phật giáo, nhưng có ai ngờ, các ngài đều là những bậc cao Tăng thạc đức, tâm hồn bao dung độ lượng, lòng từ lân mẫn, trí tuệ sáng ngời, mà mỗi khi có dịp được tiếp xúc, người đối diện mới có thể cảm nhận sự thật đó. Nhân đây tôi xin thuật lại một câu chuyện ngắn về tình cảm và trí tuệ của các bậc tôn túc trong hệ phái Lục Hòa Tăng xoay quanh những chuyến công tác trong những ngày vận động thống nhất Phật giáo mà Hòa thượng Huệ Xướng là người trong cuộc đã kể lại rất tỷ mỷ sau chuyến đi giàu cảm xúc và đầy kỷ niệm đẹp ngày hôm đó. Câu chuyện mà Hòa thượng Huệ Xướng kể lại có nội dung như sau: Thoạt đầu khi đến thăm chùa Cổ Lễ, Hòa thượng Bửu Ý cùng các thành viên trong đoàn đang xem hình ảnh chư Tăng miền Bắc cùng toàn dân tham gia kháng chiến, khi đó Hòa thượng Thích Thế Long là thành viên lãnh đạo Hội Thống Nhất Phật giáo Việt Nam, ngài đã hỏi Hòa thượng Bửu Ý: “Hòa thượng suy nghĩ gì về chư Tăng miền Bắc?”, lúc đó tôi nhớ rất rõ, Hòa thượng Bửu Ý ung dung trả lời rất ngắn gọn: “Phật giáo ta từ thời Lý - Trần đã có lòng yêu nước, nay vì đất nước thuận theo lòng dân mà cầm quân đánh giặc, trong khế Kinh cũng có nói: “Hộ quốc tùy dân hưng binh đấu giả đắc phước vô tội”, nghe xong, Hòa thượng Thế Long rất tâm đắc, kính nể và cảm mến Hòa thượng Bửu Ý từ đó. (Theo lời kể của Hòa thượng Thích Huệ Xướng trong dịp Hòa thượng cùng phái đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc và Thủ đô Hà Nội vào tháng 10/1979 để trao đổi ý kiến tạo tiền đề thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam).
Qua câu chuyện nhỏ này, theo tôi nghĩ, nếu như lúc đó thầy tôi không thấu lý đạt tình, không nhạy bén và định tĩnh thì khó có thể trả lời một câu hỏi mang tính thăm dò rất đột xuất của một vị giáo phẩm Phật giáo mà trải qua bao cuộc chiến, hai tổ chức Phật giáo hai miền lần đầu tiên mới có cơ hội tiếp xúc tìm hiểu lẫn nhau.
Có thể nói rằng, bằng tình cảm chân thành, trung thực và cả sự thông minh trí tuệ của các bậc tôn túc trong hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, mà thầy tôi trong vai trò sứ giả đại diện Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc đã tạo được sự tin tưởng, nể nang và kính trọng lẫn nhau, điều này đã tạo nhiều thuận duyên trong quá trình đi đến việc thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, một bước ngoặc rất quan trọng trong tiến trình đi đến hiệp thương và thống nhất Phật giáo nước nhà.
Qua những mẩu chuyện ngắn trên đây, đã cho thấy chính sự chân thành, ngay thẳng, thông minh nhạy bén của thầy tôi trong ứng xử, trong đối phó với mọi tình huống nên đã bảo vệ được danh dự, uy tín của chư sơn môn trong hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng và Chư tôn giáo phẩm trong cộng đồng Phật giáo nước nhà nói chung, và nó đã mang lại kết quả mỹ mãn trong quá trình hoạt động vì sứ mạng hộ quốc an dân, cũng như thống nhất Phật giáo nước nhà sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, điều này đã nói lên trí tuệ tuyệt vời của một bậc lãnh đạo tài năng xuất chúng, qua đó nêu bật lên vai trò lịch sử của ngài trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
3. Thay lời kết
Tóm lại, Phật giáo Việt Nam có lịch sử trên hai ngàn năm mở mang mối đạo, khăng khít với dân tộc như cốt nhục, sự gắn kết keo sơn này đã khiến cho tín ngưỡng đạo Phật dần dà trở thành đạo của dân tộc và lớn lên trong lòng dân tộc. Tư tưởng, tình cảm và sức sống của người theo đạo Phật tại nước ta, dù xuất gia hay tại gia, vẫn luôn thể hiện tư tưởng, tình cảm và sức sống, ý chí của người Việt Nam yêu nước. Truyền thống cao quý đó đã được kế thừa và phát huy qua nhiều thế hệ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, chính nhờ đó, dù trong bất cứ tình huống nào, thì Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam cũng đem hạnh nguyện “hộ quốc an dân” mà tích tụ thành công đức tu hành. Các bậc Tổ đức danh Tăng Việt Nam từ ngàn xưa đã là những bậc thiền sư đạt đạo, đồng thời cũng là những quốc sư đem tài năng thao lược ra cứu nước, giúp đời, vừa truyền thừa mạng mạch Như Lai, vừa góp sức bảo tồn, vun bồi và phát triển nền đạo đức, văn hóa xã hội, cũng như các lĩnh vực có liên quan đến Phật giáo, làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp, thăng hoa và phát triển.
Thời đại ngày nay, cuộc đời hành đạo của thầy như bước chân tiếp nối truyền thống cao quý tốt đẹp đó; với lối sống bình dị, chơn chất, nghiêm trì giới luật, bằng tư tưởng và hành động của mình, thông qua con đường giáo dục hậu tấn, chấn hưng Phật giáo và tham gia các phong trào yêu nước, thầy đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xương minh Phật pháp, phát triển Giáo hội, phụng sự đắc lực hiệu quả cho đất nước và dân tộc, thầy xứng đáng là tấm gương sáng ngời về hạnh nguyện độ sanh để hàng đệ tử chúng tôi mãi mãi noi theo.
Bình luận bài viết