Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT HƯƠNG (1900 – 1987)

 

 

Hòa thượng Thích Đạt Hương pháp hiệu là Tánh Đàn, pháp danh là Đạt Hương, thuộc dòng Thiên Thai Giáo Quán Tông, đời thứ 22, thế danh Lưu Văn Ngưu, sanh nam 1900 (Canh Tý) tại xã Thanh Hà, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Ngài sanh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu theo Nho học, có truyền thống đạo đức, song thân Ngài giáo dục con cái rất nghiêm. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã bộc lộ tánh nết ôn hòa, cương nghị, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, chân tình với bạn bè, nên xóm giềng ai nấy đều quí mến.

Lớn lên, vâng lời cha mẹ Ngài lập gia đình, làm ăn lương thiện. Nhưng vốn có tinh thần yêu nước, thương dân nên 1930 Ngài tham gia Hội Kín, bí mật hoạt động chống sưu cao thuế nặng, chống cường hào ác bá dựa thế lực Pháp đàn áp nhân dân.

Nhân một lần, Hội phát động phong trào “diệt ác phá kềm”, Ngài lãnh nhiệm vụ lên núi đốt cây pháo lệnh để tấn công. Nhưng cây pháo do cất giấu lâu ngày ẩm ướt, đốt không nổ, nên lệnh tấn công phát xuất không đồng loạt. Phong trào mau chóng bị đàn áp, dập tắt, bị giặc Pháp truy lùng, Ngài phải trốn lánh vào vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc).

Trên đường tìm chỗ trú thân, bỗng nghe văng vẳng tiếng chuông chùa lâng lâng siêu thoát, Ngài lần theo tiếng chuông tìm đến chùa Phi Lai. Hòa thượng trụ trì sau khi biết thân phận, đã cho phép Ngài lưu lại. Ở đây Ngài được Hòa thượng giảng dạy giáo pháp, lần hồi câu kinh tiếng kệ thâm nhập, giúp Ngài nhận chân được thế sự vô thường, các pháp là giả không, nên ý hướng xả tục xuất gia bắt đầu nhen nhúm trong Ngài.

Một năm sau (1931), tình hình lắng dịu, Ngài trở về Long An, tìm đến chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, xin quy y thế phát với Hòa thượng Liễu Thiền. Hòa thượng hoan hỷ hứa khả, đặt cho Ngài pháp danh là Đạt Hương, nối pháp Thiền phái Thiên Thai Giáo Quán Tông đời thứ 22. Năm ấy Ngày vừa tròn 31 tuổi.

Sau khi xuất gia Ngài được Hòa thượng Bổn sư ân cần dạy bảo, vốn siêng năng tinh tấn lại thêm quyết chí tu hành, nên dầu xuất gia hơi muộn, lại thêm uy nghi vững vàng, đạo hạnh tinh nghiêm nên năm 1938, Hòa thượng Bổn sư khai đàn truyền Cụ túc giới cho Ngài và truyền trao y bát kế thừa pháp hệ. Từ đây về sau, hằng năm Ngài đều tham dự khóa An cư kiết Hạ để thúc liễm thân tâm, tăng trưởng đạo nghiệp.

Năm 1957 (Đinh Dậu), Ngài tham dự khóa đào tạo Như Lai sứ giả do Giáo hội Tăng Gìa mở tại chùa Pháp Hội. Pháp lữ của Ngài còn có Hòa thượng Đạo Hảo, Hòa Thượng Đạt Pháp, Hòa thượng Đạt Đồng…

Năm 1958, Ngài được Hoà thượng Bổn sư cử về trụ trì chùa Phước Lâm, xã Phước Lý, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, Ngài lo trùng tu tam bảo, xây xựng lại ngôi chùa Phước Lâm thêm khang trang, đẹp đẽ, tín đồ quy ngưỡng về quy y thọ giới tu học rất đông, chùa trở nên sùng thịnh từ đấy cho đến năm 1965.

Năm 1963, ông Hội Thông ở Tam Hiệp (Châu Thành- Tiềng Giang) dâng cúng chùa Linh Phong cho Hòa thượng Liễu Thiền. Hòa thượng giao lại cho Ngài trụ trì. Về chùa Linh Phong, Ngày ra sức trùng tu ngôi Tam bảo này. Mỗi năm Ngài đều mở khóa An cư kiết Hạ. Tăng chúng quy tụ về tu học rất đông mỗi kỳ trên dước 30 vị. Ngài thực hiện Phật sự này đều đặn cho đến ngày miền Nam được giải phóng.

Năm 1964, Ngài được đề cử vào Hội đồng Trưởng lão Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ở cương vị này, nhiều nơi tổ chức Đàn giới khóa Hạ đều cung thỉnh Ngài làm Chứng minh.

Năm 1970, Ngài đứng lên xin phép chánh quyền thành lập Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông do Ngài làm Tông trưởng, Hòa thượng Đạt Hảo làm Trị sự trưởng.

Ngài vốn có lòng yêu nước mạnh mẽ, nên trong thời kỳ kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1975 , Ngài bí mật nuôi giấu nhiều cán bộ tại chùa Linh Phước do Ngài dựng lập, thuộc xã Thanh Hà, huyện Bến Lức, Long An, và đóng góp tài chánh để ủng hộ Cách mạng.

Sau ngày miền Nam được giải phóng (1975), Ngài đã hiến điền thổ và mười bảy căn nhà cho Nhà nước để cấp lại cho dân. Năm 1981, trong Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1986 (Bính Dần), Ngài lúc này tuổi đã cao, sức khỏe đã kém. Tháng 4 năm 1987, nhận thấy thân tứ đại đã đến kỳ hư hoại, nên Ngài pháp nguyện tịnh cốc trong 49 ngày. Trong thời gian này, sức khỏe của Ngài rất yếu, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, và luôn tinh tấn niệm Phật. Sắp đến ngày vía Địa Tạng Bồ Tát, Ngài nhẹ nhàng rời bỏ nhục thân, thu thần tịch diệt vào lúc 12 giờ ngày 28 tháng 7 năm Đinh Mão (1987), hưởng thọ 87 tuổi, 49 Hạ lạp.

Hơn 50 năm cống hiến tâm lực cho đạo pháp; cho dân tộc, cánh hoa tứ đại dầu đã rụng xuống cõi vô thường nhưng gương đạo hạnh của Ngài vẫn muôn đời chiếu soi dấu chân hàng pháp lữ Thiện Thai Giáo Quán Tông.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6950052