HÒA THƯỢNG THÍCH DIỆU TÂM (1916-2013)
Hòa thượng họ Lâm, sau đổi họ Nguyễn, sinh năm Bính Thìn (1916), tại thôn Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ ông Lâm Du Nhân, pháp danh Tâm Nghĩa, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mua, pháp danh Tâm Đắc. Gia đình Hòa thượng có 7 anh em, 5 trai, 2 gái, ngài là người con thứ 2. Cả gia đình đều trực tiếp tham gia vào sự nghiệp Cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hai cụ thân sinh, do có túc duyên với Tam bảo nhiều đời, nên đã hoan hỷ cho ngài xuất gia. Hòa thượng thuộc đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế và là thế hệ thứ 9 của Thiền phái Liễu Quán.
Năm 19 tuổi (1935), được sự cho phép của song thân, ngài thọ pháp xuất gia với Tổ Trừng Thân- Hoằng Nhơn tại tổ đình Phú Quang, xã Hòa Thịnh, với pháp danh là Tâm Nguyện, pháp tự là Thiện Tu.
Từ 1937-1939, Hòa thượng phát nguyện đi tham cầu Phật pháp với chư vị tiền bối như Yết Ma Vĩnh Tường, chùa Long Quang, xã Hòa Thịnh; Hòa thượng Thiên Hòa tổ đình Kim Cang, TP. Tuy Hòa.
Từ 1939-1942, Tiếp tục chỉ nguyện đi cầu pháp, Hòa thượng phát tâm cầu pháp với Tổ Trừng Thành- Vạn An, tổ đình Hương Tích, xã Hòa Mỹ. Trong thời gian này, ngài được nghe nhiều bộ kinh luận Đại thừa do Tổ Trừng Thành giảng, và Tổ ban pháp hiệu là Diệu Tâm.
Năm 1943, hai cụ thân sinh phát tâm mua đất, Hòa thượng đã đứng ra kiến lập ngôi già lam Phi Lai tại xã Hòa Thịnh và ngài đã trú trì cho tới năm 1975 thì trao lại cho trưởng tử là thầy Thích Thiện Đạo trông coi.
Cũng trong năm 1943, cùng với chư sơn Phú Yên, Hòa thượng đã đến tổ đình Thiên Đức tỉnh Bình Định nhân dịp Đại giới đàn, đảnh lễ Hòa thượng Huệ Chiếu cần cầu thọ Cụ túc giới. Từ đây, ngài chuyên thọ trì pháp môn Tịnh độ và Mật tông, mở đạo tràng hướng dẫn Phật tử tu nhân hành thiện.
Từ 1945 đến 1954, là thời gian cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân ta lan rộng và quyết liệt. Cùng với nhân dân xã Hòa Thịnh, Hòa thượng đã tham gia kháng chiến, tích cực đóng góp sức người sức của vào sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc. Với cương vị một người tu hành yêu nước, ngài đã nắm giữ các chức vụ và công tác:
- Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc xã Hòa Thịnh.
- Hội phó Hội Liên Việt xã Hòa Thịnh.
- Trưởng Ban Kinh tài chi bộ xã Hòa Thịnh.
Trong thời gian này, chùa cũng là trụ sở Ủy ban Mặt trận xã và chi bộ xã Hòa Thịnh.
Từ năm 1954-1964, sau khi hiệp định Genève ký kết, hòa bình được lập lại nhưng đất nước bị chia đôi, Hòa thượng trở về cương vị tu hành và hướng dẫn bá tánh tu tâm hành thiện.
Đầu năm 1964, chùa bị máy bay Mỹ thả bom đốt cháy tiêu hủy, cộng với tình hình chiến tranh mỗi ngày mỗi gay gắt, Hòa thượng phải tạm lánh về thành phố và bắt đầu vân du vào Nam hành đạo.
Từ 1964-1968, trên đường Nam du hành đạo, Hòa thượng đã được mời giữ chức vụ trụ trì chùa Đức Quang, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa thời gian 2 năm, sau đó đến tu học tại tổ đình Quán Thế Am, quận Phú Nhuận, Gia Định.
Năm 1969, Hòa thượng phát nguyện trở lại Biên Hòa và kiến tạo ngôi thảo am Phi Lai tại phường Tân Tiến. Qua bao thăng trầm hưng suy, ngôi thảo am ngày nào bây giờ đã là ngôi phạm vũ huy hoàng kiên cố, có bề thế về mặt tu tập và truyền thừa. Hòa thượng cũng đã thành lập đạo tràng Niệm Phật, đạo tràng Bát Quan Trai, hội Hiếu Nghĩa, tạo duyên lành để bá tánh quy ngưỡng Tam bảo, tu tập chánh pháp, hướng thiện cuộc sống góp phần xây dựng con người và xã hội theo tiêu chí tốt đạo đẹp đời.
Có thể nói, từ ngôi già lam Phi Lai này, công cuộc hoằng hóa của Hòa thượng đã gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Biên Hòa - Đồng Nai, vùng đất có nhiều âm hưởng của Phật giáo Đàng Trong.
Từ 1970-1977, ngài làm Cố vấn Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Biên Hòa.
Từ năm 1977-1981, Hòa thượng làm Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Biên Hòa.
Từ năm 1982-2007, sau khi Phật giáo được thống nhất ba miền, Hòa thượng đã được mời giữ các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Đồng Nai:
- Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khóa IV, khóa V, khóa VI, và khóa VII.
- Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai các khóa I, II, III (1982-1996).
- Phó Ban Trị sự Thường trực Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai các khóa IV, V (1997-2007).
- Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai khóa VI, khóa VII.
Hòa thượng là một bậc thiền gia chân chánh, đạo đức sáng ngời, mật hạnh tinh chuyên. Ngài luôn được Giáo hội tin tưởng giao các chức vụ quan trọng và đã hết lòng tận tụy với các công tác Phật sự được Giáo hội giao phó.
Trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, Hòa thượng được cung thỉnh tác pháp Phật sự quan trọng trong các Đàn giới từ năm 1982 đến cuối đời như sau:
- Giáo thọ A xà lê Đàn giới năm 1982, 1984, 1987 tại tỉnh Đồng Nai.
- Yết ma A xà lê Đàn giới năm 1989, 1997 tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Huệ Thành 2004, 2007 và Giới đàn Nguyên Thiều 2009.
Ngoài ra, Hòa thượng còn thường xuyên được mời Chứng minh khai sơn xây dựng hàng trăm ngôi tự viện, chứng minh chú nguyện rót đồng hàng trăm tượng Phật và Đại hồng chung, truyền quy giới cho hàng ngàn Phật tử tại gia thuộc các tỉnh Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận...
Vì tương lai của đạo pháp, Hòa thượng luôn luôn quan tâm đến Phật sự đào tạo tăng tài, giáo dục Tăng ni, nên đã được cung thỉnh chứng minh và giữ chức vụ Trưởng Ban Kiến thiết Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai nhiều niên khóa. Hòa thượng cũng đã được mời tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai khóa V.
Đầu năm 2004, nhận thấy sức khỏe đã suy giảm mà Phật sự tại chùa thì đa đoan, nhu cầu tu học của Phật tử đang phát triển nên Hòa thượng đã chính thức trao trách nhiệm điều hành quản lý Phật sự tại chùa cho đệ tử là Hòa thượng Thích Thiện Đạo, để có thời gian tịnh tâm niệm Phật.
Do có nhiều công đức trong hạnh nguyện phụng đạo giúp đời, giáo hội và chính quyền các cấp đã trao tặng nhiều bằng khen và tuyên dương công đức:
- Bằng khen của Ủy ban Trung uơng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.
- BằngTuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai.
Từ năm 2007, do tuổi già sức yếu không thể điều hành trực tiếp Phật sự, nên Hòa thượng đã được Chư tôn giáo phẩm Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự cho đến ngày viên tịch.
Là bậc chân tu thạc đức, tinh tấn không ngừng trên con đường lập hạnh tu và hoằng hóa, Hòa thượng xứng đáng là một bậc "Tòng lâm Thạch trụ" đương thời. Hơn 90 năm hiện hữu giữa dòng đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, Hòa thượng vẫn tinh chuyên công phu ba thời, trong thì khắc kỷ lập đức, ngoài thì hoan hỷ làm hạnh, không từ khó nhọc không nệ hơn thua, nơi nào Phật sự cần thì Hòa thượng có, nơi nào Hòa thượng có thì Phật sự được thành tựu tốt đẹp.
Niên cao lạp trưởng, ngũ ấm xí thạnh, Hòa thượng đã an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 14 giờ ngày 24 tháng 6 Quý Tỵ, nhằm ngày 31 tháng 07 năm 2013, trụ thế 98 tuổi, hạ lạp 70 năm, đã để lại trong lòng đệ tử xuất gia cũng như tại gia vô vàn thương tiếc kính nhớ.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TAM THẾ, ĐỆ CỬU ĐẠI, LIỄU QUÁN THIỀN PHÁI, THƯỢNG TÂM HẠ NGUYỆN, TỰ THIỆN TU, HIỆU DIỆU TÂM ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
-Tiểu sử do Ban Trị sự Phật giáo Đồng Nai và môn đồ pháp quyến soạn.
- Bản do HT Thích Thiện Đạo, chùa Phi Lai cung cấp.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết