HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN (1924-2001)
Hòa thượng Thích Đức Nhuận, pháp hiệu Trí Tạng, thế danh Đồng Văn Kha, sinh ngày 14 tháng Chạp năm Quý Hợi (19.01.1924). Ngài sinh quán tại làng Lạc Chính, xã Duyên Bình, huyện Trực Ninh, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ ông Đồng Văn Trung và thân mẫu là bà chính thất Hà Thị Thìn, hiệu Trinh Thục. Ngài là con thứ tư trong một gia đình có 2 anh, 1 chị và 3 người em dì bào (2 trai, 1 gái).
Năm 1937, do nhân duyên đọc báo Đuốc Tuệ mà giác ngộ. Ngài phát tâm xuất gia y chỉ nơi Hòa thượng Thích Tâm Thưởng, trụ trì chùa làng Liêu Hải, phủ Nghĩa Hưng, thuộc Sơn môn Phú Ninh (Nam Định) tu học.
Năm 1941, ngài được Hòa thượng nghiệp sư chọ thụ Sa di giới tại chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Từ đây, ngài bắt đầu dồi mài kinh luận, hành trì lễ sám để trau dồi Tam vô lậu học, chờ ngày đăng đàn làm Trưởng tử Như Lai.
Năm 1943, ngài được phép thụ đại giới Tỷ kheo tại giới đàn tổ đình Phú Ninh. Sau khi thụ giới, ngài đã tham phương học đạo tại các Tùng lâm:
- Tổ đình Phú Ninh (Nam Định)
- Trường Luật học chùa Cồn (Nam Định)
- Tổ đình Tế Xuyên (Hà Nam)
- Phật học viện Báo Quốc (Huế)
- Phật học đường Ấn Quang (Sài Gòn)
Năm 1949, ngài chính thức tham gia hoạt động Phật sự với chức vụ Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Nam Định (phụ trách vùng Xuân Trường, Hải Hậu); Chủ tịch Hội lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Trung Quán, trụ trì chùa làng Quần Phương Thượng (Hải Hậu). Sau một thời gian hoạt động, vào cuối năm 1950, ngài xin từ chức để tiếp tục sự nghiệp học vấn và nghiên cứu Phật học.
Năm 1954, khi hiệp định Genève chuẩn bị ký kết, chia đôi hai miền Nam Bắc Việt Nam, ngài lên đường vào miền Nam tiếp tục sự nghiệp tham học nơi Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang và tĩnh tu tại chùa Giác Minh, trụ sở của Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam.
Năm 1956 đến 1957, ngài được sự tín nhiệm của chư Tăng, cử giữ chức Chủ tịch Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam.
Năm 1959 đến 1961, ngài được mời giữ chức Ủy viên Văn hóa của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1960 đến 1961, ngài tái nhận chức Chủ tịch Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam.
Năm 1962 đến 1963, ngài đảm nhận chức Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Việt Nam.
Năm 1963, ngài là một trong những vị lãnh đạo Phật giáo khởi động phong trào đầu tiên chống chế độ độc tài nhà Ngô (tại Sài Gòn) với vai trò Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, có nhiệm vụ đàm phán với chính quyền trong việc phản đối triệt hạ cờ Phật giáo và đàn áp Phật tử tại Huế, nhân mùa Phật Đản PL 2507 (1963).
Năm 1964, sau khi nhà Ngô bị lật đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ngài giữ chức Vụ trưởng Vụ Kiểm duyệt báo chí Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm 1965, ngài làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút nguyệt san Vạn Hạnh, tạp chí nghiên cứu, phát huy văn hóa Phật giáo và văn hóa Dân tộc, với sự cộng tác của một số học giả, giáo sư đại học, văn nghệ sĩ tại Sài Gòn (tạp chí xuất bản được tròn 2 năm, 24 số).
Năm 1969, ngài được mời làm giáo sư Phân khoa Phật học và Triết học Đông phương tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau niên khóa đó, vì bận công việc nên ngài đã xin nghỉ dạy.
Từ năm 1967 đến 1973, ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng thống, do đức Đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết lãnh đạo và là thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm 1969, ngài cùng chư tôn đức trong Phật giáo miền Vĩnh Nghiêm hợp sức trùng tu tổ đình Giác Minh, nguyên là trụ sở Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam.
Năm 1971 đến 1972, ngài làm Chủ bút nguyệt san Hóa Đạo, cơ quan truyền bá chánh pháp của Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm 1975, sau khi đất nước được thống nhất, ngài trụ trì tổ đình Giác Minh cho đến năm 1981.
Từ năm 1993 trở đi, sau thời gian 8 năm đi an trí (1985-1993), ngài trở về tĩnh tu tại chùa Giác Minh. Thường nhật, ngài vẫn tiếp tục nghiên cứu giáo điển, tư duy và viết về đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam.
* Về sự nghiệp báo chí, ngài đã viết rất nhiều bài báo đã được đăng trong các tờ báo: Thời Luận, Tín Sáng, Dân Chủ, Gió Nam và các tạp chí: Phật giáo Việt Nam, Văn Hóa Á Châu, Liên Hoa, Văn, Vấn đề, Tư tưởng...
* Về sự nghiệp diễn thuyết, ngài đã thuyết giảng về đề tài Phật giáo và Văn hóa Dân tộc tại các trường đại học:
- Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (1959)
- Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (1963)
- Viện Phật học Vạn Hạnh (1970)
và đã đề tựa cùng giới thiệu một số những tác giả và tác phẩm có giá trị về mặt tôn giáo và về văn học.
* Về tác phẩm, ngài đã sáng tác, biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị như:
- Gió Thiêng (thơ), Vạn Hạnh, 1959
- Phật học tinh hoa (đã tái bản 4 lần), Vạn Hạnh, 1960.
- Chuyển hiện Đạo Phật vào thời đại, Vạn Hạnh, 1967.
- Trao cho thời đại một nội dung Phật chất (sách đã dịch ra Anh ngữ), Vạn Hạnh, 1969.
- Sứ mệnh người Phật tử đối với dân tộc và đạo pháp
- Kiến thiết văn minh Phật giáo
- Đạo Phật và dòng sử Việt
(ba tác phẩm này ấn hành tại California, USA, 1995-1996).
- Sáng một niềm tin (thơ - dịch và sáng tác), ấn hành tại California, USA, 1999.
- Hướng đi của thời đại, ấn hành tại California, USA, 2001.
* Về dịch thuật, ngài đã để lại cho Phật giáo Việt Nam các dịch phẩm sau:
- Những điều Phật dạy - Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương
- Lời dạy cuối cùng của đức Phật - Thùy Bát Niết Bàn Lược Thuyết Giáo Giới Kinh.
(Cả hai tác phẩm trên nguyên văn chữ Hán trích trong "Thánh điển Yếu Tập", chùa Giác Minh ấn tống, 1980-1995, ký tên: Thái Không).
- Khái niệm triết lý kinh Hoa Nghiêm, ấn hành tại California, USA, 1999.
Vào cuối tháng 12 năm 2001, Hòa thượng cảm thấy pháp thể khiếm an, mặc dù được các hàng đệ tử, các bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất tận tình chăm sóc chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu, ngài đã không qua khỏi. Ngài đã an tường xả báo thân lúc 16 giờ 53 phút chiểu ngày thứ hai, 21 tháng giêng năm 2002 (nhằm ngày mùng 9 tháng Chạp năm Tân Tỵ), thọ 79 tuổi đời, 59 tuổi đạo.
Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã nỗ lực không ngừng trong công việc xiển dương đạo pháp. Cuộc đời ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho Tăng ni và Phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của ngài không còn nữa, nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng ni Phật tử Việt Nam ở mai sau.
- Tiểu sử do Đại đức Thích Nguyên Tạng ghi, được đăng trên website www.quangduc.com
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết