HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC ĐĂNG (1944-2011)
Hòa thượng Thích Giác Đăng, thế danh Võ Luân, sinh năm Giáp Thân (1944) tại thôn Phú Châu, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài là con trưởng trong gia đình thuần nông chất phác có 6 người con. Thân sinh là cụ ông Võ Dư và cụ bà Nguyễn Thị Dư. Lúc nhỏ, Hòa thượng được ông bà cụ thân sinh đặt tên là Võ Thành Hòa. Lớn lên, khi bắt đầu theo học Trường Tiểu học Hành Đức, ngài được ông bà thân sinh đổi tên là Võ Luân.
Vốn sanh trưởng trong một gia đình thấm nhuần Phật pháp, ngay từ nhỏ Hòa thượng đã là một người con lễ phép, hiếu thảo, ngoan hiền. Ngoài giờ học hành và phụ giúp gia đình, ngài thường đến ngôi chùa gần nhà để được gần gũi chư Tăng và nghe kinh, học pháp. Đối với đời sống xuất gia, ngài cảm thấy thân quen như đã từng làm Tăng từ nhiều kiếp trước. Đến năm 16 tuổi (1960), khi thấu rõ cuộc đời là huyễn mộng, vô thường, cũng như nhân duyên lành từ tiền kiếp thúc đẩy ngài đã xuất gia tầm đạo khi còn đang học dang dở lớp đệ tứ (lớp 9) tại Trường Trung học Trần Quốc Tuấn.
Sau nhiều năm bôn ba tham học Phật pháp, đến năm 1965, ngài gặp được đoàn Du tăng Khất sĩ Giáo đoàn III do đức Thầy Giác An dẫn đầu, hành đạo tại miền Cao nguyên Trung phần. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, hình ảnh nhà Du tăng Khất sĩ với bát đất, y vàng sống đời thanh bần, giải thoát đã in dấu đậm nét trong tâm trí ngài. Sau nhiều lần lui tới tham học với các sư trong đoàn Du tăng cũng như cảm phục đức độ, tài năng của đức Thầy Giác An, hoa tâm Bồ đề của ngài bấy giờ bừng nở rộ, ngài nghĩ rằng đây là con đường đưa đến giải thoát tự thân và cứu độ tha nhân. Với suy nghĩ trên, ngài đến xin đức Thầy cho phép được xuất gia, nhập đạo và được đức Thầy từ bi hứa khả.
Lễ thí phát xuất gia của ngài được diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 năm Ất Tỵ (1965) tại tịnh xá Ngọc Phúc, Pleiku, Gia Lai. Sau hơn 6 tháng nhập đạo, với tâm tánh hiền lành, đức hạnh nghiêm trang, tinh tấn tu học, nhân dịp lễ tưởng niệm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lần thứ 12 năm Bính Ngọ (1966) tại tịnh xá Ngọc Quang, Buôn Ma Thuột, Daklak, ngài được đức Thầy Giác An truyền trao giới pháp cùng y bát Sa di với pháp danh Giác Đăng. Được mang pháp danh với ý nghĩa ngọn đèn trí tuệ, giác ngộ - giải thoát cũng như lời huyền ký cố gắng làm tỏ rạng ngọn đèn chơn lý, ngài đã tinh tấn, nỗ lực tu tập, công quả, bồi dưỡng đức hạnh ngày một trang nghiêm.
Vào ngày Tự tứ năm Canh Tuất (1970) được tổ chức tại tịnh xá Ngọc Bảo, Tháp Chàm, Phan Rang, ngài được đức Thầy Giác An cùng Giáo hội chứng minh truyền trao giới pháp Tỳ khưu, chính thức bước vào hàng xuất gia bình đẳng, làm nhà sư Khất sĩ hoằng hóa khắp xứ cùng phương. Sau đó, ngài được Giáo đoàn cử về hành đạo tại tịnh xá Ngọc Pháp, Nha Trang và các vùng, miền lân cận.
Sau ngày thọ lãnh giới pháp Tỳ khưu, ngài hành đúng theo lời dạy của đức Phật: “Hãy du hành vì sự an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người” và thực hành gương hạnh của đức Tổ sư với tam y nhất bát, ngài vân du khắp các nẻo đường duyên hải, cao nguyên miền Trung cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.
Được mang trên mình chiếc y vàng giải thoát là hạnh phúc lớn nhất của ngài. Từ ngày xuất gia nhập đạo, ngài sống rất đơn giản, thanh bần, tu tập tinh chuyên, khép mình trong giới luật, mọi lời nói, cử chỉ việc làm đều khoan thai. Oai nghi lúc nào cũng trang nghiêm, đĩnh đạc. Chính vì thế, ngài được Giáo đoàn giao cho trọng trách Giám luật, là vị giám khảo, khảo hạch các giới tử chuẩn bị thọ giới Sa di, Tỳ khưu.
Nghị lực nhẫn nại, chịu đựng của Hòa thượng thật phi thường, dù gặp những chướng duyên nghịch cảnh. Sau năm 1975, trong Giáo hội có rất nhiều vị lùi bước nhưng ngài vẫn kiên định, tinh tấn lướt lên, giữ tròn bổn nguyện xuất gia tu hành, cố gắng gìn giữ, nêu cao gương hạnh, nghị lực đại hùng của một nhà sư Khất sĩ. Ngài luôn an nhiên, tự tại trước những lời khen chê, những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc đời.
Cùng năm này, ngài được Giáo đoàn cử về hành đạo tại tịnh xá Ngọc Đức (đảo Lý Sơn), xã Bình Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tại nơi miền hải đảo xa xôi này, điều kiện kinh tế eo hẹp, đời sống khó khăn nhưng ngài vẫn luôn tinh tấn thắng phục mọi hoàn cảnh. Ngài uyển chuyển tùy thuận theo quốc độ, chúng sanh mà hành đạo, nơi miền thị tứ thì tích cực thuyết pháp, giảng kinh; nơi hải đảo xa xôi thì lên hang đá ra sức tham thiền, nhập định.
Đến năm 1978, ngài rời tịnh xá Ngọc Đức, hướng phía Đồng bằng sông Cửu Long cất bước đăng trình. Ngài hành đạo tại xã Đông Sơn và các nơi lân cận thuộc vùng Thất Sơn, An Giang. Mỗi sáng, ngài hạ sơn vào làng khất thực, dạy đạo cho cư gia bá tánh thức tỉnh tu hành; chiều xuống, ngài về núi tham thiền, nhập định. Cứ lặng lẽ như thế suốt 10 năm, hình ảnh vị sư Khất sĩ gương mặt đen sạm vì sương gió, mảnh y bạc màu nắng mưa với giọng nói mang âm hưởng Trung bộ đã để lại trong lòng người dân vùng Bảy Núi bao niềm mến phục.
Sau hơn 10 năm hành đạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 1989, ngài trở về trụ tại tịnh xá Ngọc Tòng, Vĩnh Lương, Nha Trang.
Năm 1993, ngài được Giáo đoàn cử về trụ trì tịnh xá Ngọc Pháp, TP. Nha Trang cho đến ngày viên tịch. Nhận thấy Chánh điện ngày một xuống cấp, Phật tử về sinh hoạt ngày càng đông, không đáp ứng cho sự phát triển chung, nên năm 1998, ngài khởi công trùng tu ngôi tịnh xá. Sau 4 năm xây dựng, đến năm 2002 ngôi tịnh xá hoàn thành trong niềm hoan hỷ của Phật tử thành phố Nha Trang.
Được sự tín nhiệm của chư tôn đức lãnh đạo cũng như Tăng ni, Hòa thượng được tấn phong Giáo phẩm hệ phái năm 1997. Từ đó, cùng với chư tôn đức trong 6 Giáo đoàn, Hòa thượng tích cực góp sức xây dựng, kiện toàn hệ phái, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng Tăng tài, ngõ hầu báo đáp ân đức Tổ Thầy. Sau ngày Trưởng lão Giác Phúc viên tịch (năm 2005), xét thấy Hòa thượng là bậc tôn đức cao niên, đủ tâm đức và chí nguyện tha thiết phụng sự Tăng đoàn, chư Tăng ni trong Giáo đoàn đã nhất trí đề cử ngài làm Đệ nhất Phó Trưởng Giáo đoàn III cùng với Hòa thượng Giác Dũng (Trưởng Giáo đoàn), Hòa thượng Giác Thảo (đệ nhị Phó Trưởng Giáo đoàn) đồng chung tay góp sức lèo lái con thuyền Giáo đoàn.
Trong thời gian trụ trì tịnh xá Ngọc Pháp, với công hạnh của một bậc chân tu, Hòa thượng được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa mời tham gia công tác Phật sự. Cùng năm 1997, ngài được Ban Trị sự mời vào Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Gần 14 năm gắn bó với công tác Phật sự tại địa phương, lúc nào Hòa thượng cũng nêu cao tinh thần nhiệt huyết, vô ngã, ra sức cống hiến cho sự nghiệp chung của tỉnh hội, góp phần xây dựng cho Phật giáo tại địa phương ngày một vững mạnh. Tinh thần cống hiến vô ngã cũng như đời sống thanh bần mộc mạc của Hòa thượng xứng đáng là một tấm gương sáng cho đàn hậu tấn tại Khánh Hòa noi theo.
Ngài là người rất nhiệt huyết, tinh cần tu tập, cống hiến hết mình cho đạo pháp, nhẫn nại trên bước vân du. Bước chân hành đạo của ngài in dấu khắp hai miền Trung - Nam. Nơi nào ngài đi qua nơi ấy đều được ảnh hưởng Phật pháp, cư gia bá tánh phát tâm kính ngưỡng, quy y làm Phật tử rất đông. Đối với Giáo đoàn, ngài rất quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cho chư vị Sa di, tập sự, xiển dương tinh thần nghiêm trì giới luật, chuyên tu giải thoát, nêu cao gương hạnh tam y nhất bát, khất thực du phương, nghiên cứu kinh, luật, luận. Ngài lấy bộ Chơn lý của Tổ sư làm nền tảng để tu học và hướng dẫn cho chư vị mới xuất gia cũng như Phật tử hữu duyên cố gắng vâng theo lời dạy của Tổ Thầy mà hành trì.
Những năm cuối đời, tuy tuổi cao sức yếu, bệnh tật hoành hành nhưng ngài vẫn luôn có mặt trong những cuộc họp Tăng của Giáo đoàn để chung tay, góp sức với chư tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn giải quyết công việc, xây đựng Giáo đoàn phát triển ngày càng thêm vững mạnh, sách tấn cho chư Tăng ni, Phật tử giữ tròn bổn nguyện, tinh tấn tu hành. Thuận theo lý vô thường, thân tứ đại ngày một tan hoại. Tháng Giêng năm Mậu Tý (2008), Hòa thượng thọ bệnh. Nhưng với sức kiên trì nhẫn nại tu tập trong suốt bao nhiêu năm, ngài vẫn kiên định trước nỗi đau của thể xác mà không hề ưu não, than van.
Khoảng thời gian 3 tháng trước khi Hòa thượng viên tịch, bệnh tình ngài chuyển nặng. Đối trước cơn đau thể xác, ngài vẫn luôn an bình tĩnh tại trả đền quả nghiệp. Khi nhận thấy thân tứ đại ngày một yếu dần không thể duy trì thêm thọ mạng, chư Tăng trong Giáo đoàn đưa ngài về tịnh xá Ngọc Pháp. Ngày mùng 1 tháng Giêng, ngài dứt khoát không cho thuốc vào, tự nhịn thực phẩm để quyết định xả bỏ báo thân. Vào lúc 2 giờ 35 phút, sáng ngày mùng 2 tháng 2 năm Tân Mão (04.3.2011), Hòa thượng đã xả bỏ báo thân, an nhiên thị tịch; trụ thế: 68 năm, hạ lạp: 41 năm.
Cuộc đời ngài là một tấm gương sáng về tinh thần tinh tấn nghiêm trì giới luật, hành trì Tứ y pháp và chí nguyện lợi sinh hoằng hóa, nhất là sự chịu đựng vượt qua những thử thách của nghiệp lực tự thân, là một tấm gương sáng cho chư Tăng ni, Phật tử môn đồ pháp quyến noi theo.
- Tiểu sử do môn đồ pháp quyến soạn.
- Đăng trên trang nhà Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.
- Tỳ kheo Đồng Bổn sưu tầm và biên tập.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết