Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC DŨNG (1929-2013)

 

 

Hòa thượng Thích Giác Dũng, thế danh là Lê Mỹ, sinh 1929, tại phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngài là con trai thứ 7 trong gia đình 3 trai 4 gái. Thân phụ của Hòa thượng là cụ ông Lê Minh, và thân mẫu là cụ bà Bùi Thị Tiến, pháp danh Ngọc Hạnh. Thân phụ và thân mẫu ngài đều sinh trong gia đình thuần lương, nên ngài kế thừa được những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ, đã sớm ý thức, hình thành nơi ngài đức tính nhẹ nhàng, khiêm cung khi còn nhỏ. Năm 22 tuổi, thuận theo lời chỉ dạy của song thân, ngài vui sống đời sống gia đình của người cư sĩ tại gia.

Vốn có túc duyên với Phật pháp, đặc biệt với hạnh Khất sĩ, nên vào năm 1964, khi đoàn Du tăng Khất sĩ do đức Thầy Giác An hướng dẫn du hóa đến Bình Định, nghe được giáo pháp trực tiếp từ đức Thầy, cảm nhận được sự trang nghiêm, thanh tịnh của Tăng đoàn, tâm Bồ đề của ngài liền khởi phát. Quá hạnh phúc khi thấy được trên thế gian này có những bậc xuất trần như vậy, nên dù chưa từng quy y Tam bảo, chưa hiểu đạo mầu trọn vẹn, nhưng ngài đã lập tức xin cha mẹ và thuyết phục người bạn đời cho mình được nối gót theo các bậc chân sư. Được sự chấp thuận, ngài liền dõng mãnh xuất gia, được đức Thầy thâu nhận, đặt pháp danh là Thiện Mẫn tại tịnh xá Ngọc Long - Diêu Trì - Bình Định.

Gần một năm theo đức Thầy học đạo, đến ngày Rằm tháng 7 năm Ất Tỵ (1965), ngài được đức Thầy truyền giới Sa di với pháp danh là Giác Dũng, tại tịnh xá Ngọc Hạnh - Kon Tum. Buổi đầu xuất gia, ngài sống trọn lễ hầu Thầy, lặng lẽ làm công quả ban ngày, vui với những trang kinh, lời kệ tụng và đặc biệt là những lời trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang khi đêm về. Cuộc sống du phương, đổi chỗ trụ thời bấy giờ làm tăng thêm tinh thần đời sống vô trụ, vô sản và vô chấp của người tu sĩ, phóng khoáng như hư không, chẳng dính bụi đời đã trở nên một nếp sống lý tưởng thật sự trong tâm thức của một vị xuất trần thượng sĩ. Tuy còn là một Sa di, nhưng với những phẩm chất cao quý của ngài, nên các bậc Tôn túc trong Giáo đoàn thường lưu tâm thương tưởng, huynh đệ pháp lữ không ai không quý mến, kính trọng.

Bốn năm sau, vào ngày Tự Tứ-Vu Lan Rằm tháng 7 năm Kỷ Dậu (1969), ngài được đức Thầy Giác An, khai lập Giáo đoàn III và Giáo hội Tăng già Khất sĩ truyền giới Cụ túc tại Tịnh xá Ngọc Hải - Cam Ranh - Khánh Hòa, trở thành vị Tỳ-kheo Khất sĩ, gánh trên vai sứ mạng “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.

Sau khi thọ lãnh giới pháp Cụ túc, nghiêm trì giới pháp Phật Tăng xưa, phép Tăng chẳng lìa đoàn, theo sự sắp đặt của chư Tôn đức hành đạo trụ xứ khắp nơi, từ miền đồng bằng, duyên hải hay cao nguyên Trung phần, đâu đâu cũng có dấu chân, hình ảnh nhẹ nhàng của ngài. Ngài đã lưu trú các miền tịnh xá như: Ngọc Hạnh - Kon Tum, Ngọc Cát - Phan Thiết, Ngọc Sơn - Bình Định, Ngọc Phúc - Gia Lai, Ngọc Phú - Tuy Hòa,…

Năm 1972, ngài về vùng đất Bình Tuy - Phan Thiết khai sơn thành lập cơ sở tịnh xá Ngọc Minh (nay là xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Tại nơi này, sáng sáng, Hòa thượng khất thực hóa duyên chẳng những gieo duyên cho người Phật tử tu tâm mà còn cảm hóa những người theo truyền thống tín ngưỡng tôn giáo khác, để lại hình ảnh một vị chân sư đạo hạnh vô cùng hiền đẹp trong lòng bá tánh quanh vùng cho đến ngày nay.

Năm 1975, ngài được cử về trụ tại tịnh xá Ngọc Quang, số 22, Đoàn Thị Điểm, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cũng tại nơi đây, dường như hạt giống Phật pháp ngài đã sẵn gieo tạo nhiều đời, nay đến thời kỳ đơm hoa kết trái. Gần tròn 40 năm qua, đầm sen thiêng tịnh xá Ngọc Quang luôn tươi thắm tỏa ngát hương thiền. Nhiều thế hệ Phật tử tại thành phố Buôn Ma Thuột và đồng bào dân tộc từ các quận huyện gần xa đều cảm mến đức độ từ hòa, lần về thọ giới quy y Tam bảo, nương bóng mát từ bi. Ngôi tịnh xá Ngọc Quang đơn sơ ngày nào, nay “tùng địa dũng xuất” trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm. Đồng thời, nhiều ngôi tịnh thất, tịnh xá… tại các huyện, xã vùng sâu vùng xa cũng được ngài chứng minh khai lập hoằng pháp độ sanh, tạo nên một nếp sống từ hòa an vui.

Sau ngày đức Thầy viên tịch, ngài luôn nỗ lực cùng với các vị Tôn túc trong Giáo đoàn lúc bấy giờ như quý Trưởng lão, Hòa thượng: Giác Phải, Giác Phất, Giác Phúc, Giác Dưỡng, Giác Lượng, v.v... để điều hành mọi Phật sự. Đến năm Bính Thìn (1976), ngài được Giáo đoàn suy cử làm Trị sự trưởng Giáo đoàn. Từ đây, ngoài sứ mệnh tiếp Tăng độ chúng, hướng dẫn Phật tử tu học, ngài phải gánh thêm trọng trách Phật sự. Ngài luôn là vị giáo phẩm, kề cận với Trưởng lão Giác Phải và Trưởng lão Giác Phúc giải quyết mọi Phật sự trong Giáo đoàn.

Sau ngày Trưởng lão Giác Phúc - Đệ tam Trưởng Giáo đoàn viên tịch (năm 2001), với sứ mạng tiếp nối mạng mạch của Phật pháp, giữ vững đường lối của Tổ Thầy, Hòa thượng được Giáo đoàn cung kính suy tôn làm Đệ tứ Trưởng giáo đoàn III – Hệ phái Phật giáo Khất sĩ.

Song song với trọng trách của Giáo đoàn, ngài còn được chư Tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Đăk Lăk đề cử tham gia Ban Trị sự Tỉnh hội để chung tay góp sức vận hành Phật sự. Sau khi Hòa thượng Thích Quang Huy viên tịch năm 1992, ngài được chư Tôn túc cung cử trách nhiệm Quyền Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh từ năm 1992 đến năm 1997.

Từ năm 1997-2007, ngài được suy cử lên làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk (2 nhiệm kỳ). Trong thời gian này, ngài đã tùy duyên, tùy thời, tùy xứ xử lý các Phật sự để đem sự hài hòa giữa đạo và đời. Các ngôi đạo tràng tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường được ngài khích lệ thành lập đúng với Hiến chương của Giáo hội và Luật pháp của xã hội, nhằm góp phần ổn định tín ngưỡng trên vùng Cao nguyên đất đỏ bazan này.

Trong thời gian hành đạo, ngài đã đem ánh đạo giải thoát, quy y rất nhiều cho đồng bào dân tộc ít người. Ngài thường dạy chư Tăng và Phật tử về tiềm năng giác ngộ của mỗi chúng sanh và thường lấy lời dạy của đức Phật trong kinh Pháp Hoa dạy lại cho môn đồ đệ tử: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đức Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽthành” để khích lệ mọi người nhận chân được giá trị phẩm hạnh của mỗi người để tự thân vươn lên, để viên thành Phật quả.

Sau 2 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội, Hòa thượng được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đăk Lăk (2007-2012). Trong thời gian này, ngoài những Phật sự tại tỉnh nhà khi cần phải chứng minh, trai tăng, cầu âm siêu dương thới, ngài tranh thủ hành đạo ra miền Trung và miền Bắc như Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Giang, Hải Dương, v.v... Sự xuất hiện của một vị Hòa thượng nhỏ người, ít nói, hay cười, bao dung, tùy hỷ đã đem đến sự bình an và hỷ lạc cho biết bao người.

Ngoài những chuyến hoằng pháp xa trong nước, ngài còn đi vài nước trên thế giới để kết duyên cùng với chư tôn đức Tăng ni và Phật tử ở Mỹ, Úc và Thái Lan. Trong những chuyến đi ấy, những ấn tượng hết sức sâu sắc về hạnh thanh bần thủ đạo của một bậc chân tu đã để lại trong lòng Tăng ni và Phật tử.

Đối với Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, ngài luôn là một vị giáo phẩm khiêm cung đối với chư tôn đức lãnh đạo. Khi nào Hệ phái cần sự có mặt của ngài trong các khóa Bồi dưỡng trụ trì, Giải hạ, hay Đặt đá, Khởi công, Khánh thành… hay là sự góp ý cho các Phật sự chung, chưa bao giờ Hòa thượng vắng mặt. Đầu năm 2010, khóa tu "Giới Định Tuệ - truyền thống Khất sĩ" được hình thành mỗi năm 3 khóa, luân phiên các Giáo đoàn, ngài hầu như có mặt đầy đủ để đồng hành và chia sẻ trách nhiệm với chư tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, với những vai trò như: Giám thiền, Giám luật hoặc Hóa chủ. Sự sách tấn nhẹ nhàng, tùy hỷ và khích lệ hành thiền của ngài đối với hành giả luôn là sự nâng đỡ bước chân tu tập của mỗi người đến với khóa tu.

Trong những năm tháng cuối đời của Hòa thượng, ngài rất quan tâm chăm lo đời sống tinh thần của chư Tăng ni trong Giáo đoàn, nên từ năm 2010, ngài đã tổ chức các chuyến viếng thăm tất cả các miền tịnh xá thuộc Giáo đoàn III. Nơi nào ngài đến đều ở lại 2 đến 3 ngày để an ủi, sách tấn, khích lệ chư Tăng ni và Phật tử thông qua các buổi thuyết pháp cúng ngọ, trai tăng và chuyện trò thân mật.

Thấy được tiềm năng tu tập, giác ngộ của hàng Tăng ni trẻ, thế hệ “Kế vãng khai lai” nên ngài đã noi theo sự tổ chức của các bậc đi trước như Trưởng lão Giác Phải khi còn sinh tiền và Hòa thượng Giác Giới thuộc Giáo đoàn I, đã tổ chức khóa “Bồi dưỡng Đạo hạnh” cho hàng Sa di, Sa di ni và Tập sự trong đoàn mỗi năm 3 khóa. Sự hiện diện chứng minh trong những buổi khai mạc hoặc bế mạc là một ân phước đối với hàng Tăng ni trẻ, bởi vì nơi ấy suối nguồn diệu giác của một bậc chân tu đạo hạnh khơi nguồn từ mạch từ bi và trí tuệ được tuôn chảy vào tâm thức trắng trong của thế hệ học trò.

Ngoài ra, Hòa thượng là một bậc chân tu cấp tiến. ngài khích lệ, tạo điều kiện cho đệ tử trong đoàn và tại tịnh xá xuất dương cầu học Phật pháp, nắm vững Pháp học để làm phương tiện độ sanh và tu tập cho bản thân.

Đối với các công tác xã hội, ngài luôn luôn tùy duyên, tùy hỷ và có những đóng góp tích cực khi duyên đến. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng luôn hoan hỷ khi mời ngài tham gia vào các vai trò như:

Năm 1986-2013: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk;

Năm 1996-2006: Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk;

Năm 2009-2013: Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VII.

Ngoài ra, ngài còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học, khuyến tài tỉnh Đăk Lăk và Ủy viên Ban Chấp hành Hội đồng Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Để ghi nhận và tán dương những đóng góp của Hòa thượng với đạo pháp và dân tộc, ngài đã được Nhà nước và Giáo hội trao tặng:

- Huân chương “Đại đoàn kết Dân tộc” do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng.

- Huy chương “Vì sự nghiệp Đại Đoàn Kết Dân tộc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng.

- Bằng “Tuyên dương Công đức” năm 2002, năm 2007 và năm 2012 do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng.

Công đức hoằng dương Phật pháp của Hòa thượng thật lớn lao, nên tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017), Hòa thượng được suy tôn vào Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đầu năm 2013, thỉnh thoảng, ngài có những cơn đau do tứ đại bất hòa, nhưng ngài không nói gì về tình trạng sức khỏe của mình, chỉ lặng lẽ nhịn cơm, uống nước lã và tu thiền trị bệnh. Từ ngày tu tới ngày viên tịch, ngài chưa dùng thuốc, dù là loại thuốc gì, chỉ kham nhẫn chịu đựng và dùng pháp môn Sổ Tức Quán để điều hòa thân tứ đại giả hợp. Sau những ngày tự trị bệnh như vậy, sức khỏe lại bình phục, rồi ngài vẫn thuyết pháp, giảng đạo, cúng trai tăng, chứng minh các Phật sự của Giáo hội, Hệ phái, hay của Giáo đoàn.

Sáng ngày 25 tháng 2, sức khỏe Hòa thượng vẫn kiện khương, ngài đã hoan hỷ chứng minh cho hỷ sự hằng thuận của một gia đình Phật tử có truyền thống quy y Tam bảo, phụng sự Phật pháp gắn bó mọi sinh hoạt của tịnh xá. Sau khi thuyết giảng về ý nghĩa tương quan tương duyên trong các mối quan hệ và tầm quan trọng của nếp sống đạo đức qua ngũ giới, ngài đã thu thần thị tịch tại Chánh điện Tịnh xá Ngọc Quang, lúc 9 giờ 45 phút ngày 25 tháng 2 năm Quý Tỵ (nhằm 05 tháng 4 năm 2013). Trụ thế: 84 năm. Hạ lạp: 44 năm.

Cung cách xưa nay của ngài thầm lặng, đến đi tự tại, tùy duyên vô ngại như cánh hạc thinh không. Gần 45 năm tận tụy hết lòng phục vụ Đạo pháp, Giáo hội, nghiêm trì giới luật, khơi thông Tổ mạch, thắp sáng đèn thiền. Những đóng góp của ngài cho đạo pháp và quê hương thật vô cùng cao quý, không sao kể hết, làm rạng danh tông môn Khất Sĩ, xứng danh bậc “Tòng lâm thạch trụ” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Dẫu rằng, Hòa thượng đã đi vào thế giới vô tung bất diệt, nhưng gương sáng giới hạnh, và tinh thần phục vụ đạo pháp - dân tộc suốt cuộc đời của ngài vẫn còn mãi mãi trong lòng của mọi người, mọi Phật tử, Tăng ni trong Giáo đoàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 


- Tiểu sử do Môn đồ pháp quyến soạn

- Tiểu sử đăng trên trang nhà Phật giáo Đăk Lăk.

- Tiểu sử đăng trong trang nhà www.phattuvietnam.net

- Tỳ kheo Đồng Bổn sưu tầm và biên tập.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 72
    • Số lượt truy cập : 6949665