Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TRÀNG (1940-2014)

 

 

Hòa thượng thế danh Lê Hoàng, tự Văn Quảng, sinh ngày 08 tháng 08 năm Tân Tỵ (1940), tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Lê Môn, pháp danh Thiện Khiết; thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nhàn, pháp danh Lão Ngọc. Gia đình gồm có 9 chị em, ngài là người con thứ 7.

Xuất thân trong gia đình hiền lương đạo đức, Hòa thượng đã sớm thể hiện bản tánh hiền hòa, trọn vẹn nghĩa tình với thân quyến và mọi người xung quanh. Thuở thiếu thời, ngài được cha mẹ cho đi học và đã hoàn tất chương trình Trung học. Sau đó, thuận theo ý muốn của song thân, ngài vâng lời lập gia thất.

Với túc duyên lành trong nhiều kiếp, một hôm đi ngang qua chùa Ông ở Hội An, đúng dịp Pháp sư Giác Nhiên đang thuyết giảng, Hòa thượng đứng lại lắng nghe và ngộ chân lý sống qua đoạn pháp:

… Này con hỡi! Cõi đời con có ngán?

Ngán sao con chẳng chịu bước chân đi,

Ngán sao con mê mết mãi làm gì?

Nước đến ngực, con nhảy sao cho khỏi!…

Lời pháp của Hòa thượng Pháp sư giảng cứ văng vẳng bên tai như giục giã ngài xuất gia, tầm sư học đạo. Đến ngày mùng 08 tháng 12 năm 1963, ngài bỏ lại sau lưng tất cả tình thương của gia đình và sự nghiệp để thực hiện cuộc hành trình đi tìm chân lý. Nhân duyên hội đủ, ngài gặp được đức Thầy Giác Lý - một trong các đại đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang, chứng minh thâu nhận và xuống tóc cho xuất gia vào ngày mồng 8 tháng Giêng năm 1964 tại tịnh xá Ngọc Cẩm, thành phố Hội An.

Với đời sống du phương hóa đạo vào lúc ấy, đức Thầy trưởng Giáo đoàn V tiếp tục hướng dẫn Tăng đoàn đi hành đạo, ủy thác sư Giác Quảng giáo dưỡng, hướng dẫn ngài tu học. Hòa thượng luôn tỏ ra là một đệ tử ngoan hiền siêng năng học hành, trau dồi đạo hạnh và cần cù chịu khó công quả, được thầy thương bạn mến. Ngày Rằm tháng 7 năm 1964, Hòa thượng được Tăng đoàn truyền giới Sa di; Rằm tháng 7 năm 1967, đăng đàn thọ cụ túc giới Tỳ kheo tại tịnh xá Ngọc Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1968, Hòa thượng theo học khóa Giảng sư do Viện Hành đạo Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Việt Nam tổ chức tại tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh, Gia Định. Sau bao năm trải nghiệm tâm mình trên bước đường tu học, sự thấy nghe nhận biết vững vàng, thể hiện được ý chí và phẩm hạnh của một vị Tỳ kheo có đủ năng lực thay thầy tổ tuyên dương chánh pháp, Hòa thượng được đức Thầy chứng minh và Ban Trị sự Giáo đoàn cử đi trụ trì các miền tịnh xá như:

- Năm 1969, trú trì tịnh xá Ngọc Ninh, Lộc Ninh, Bình Long.

- Năm 1971, trú trì tịnh xá Ngọc Cẩm, Hội An, Quảng Nam.

- Năm 1972, trú trì tịnh xá Ngọc Lâm, Ba Ngòi, Cam Ranh.

- Năm 1973, trú trì tịnh xá Ngọc Pháp, Tháp Chàm, Phan Rang.

- Năm 1974, Phó trú trì tịnh xá Trung Tâm, Quận 6, Phú Lâm.

Cũng chính trong thời gian này, Hòa thượng được cử làm Trị sự phó Giáo đoàn và khai sơn tịnh xá Ngọc Mỹ, Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Sau ngày thống nhất đất nước, Rằm tháng 7 năm 1975, Hòa thượng được Giáo đoàn điều phối về trụ trì tịnh xá Ngọc Cẩm, thành phố Hội An cho đến ngày viên tịch.

Tuy trụ trì tịnh xá Ngọc Cẩm, nhưng với vai trò Trị sự phó Giáo đoàn, Hòa thượng cũng đã quản lý tịnh xá Ngọc Truyền, tịnh xá Ngọc Hương ở Cù lao Chàm, đồng thời Hòa thượng cử chư tăng thay phiên ra đảo để điều hành Phật sự và hướng dẫn Phật tử tu học.

Tuy tuổi đời đã luống, sức khỏe giảm dần, nhưng với trách nhiệm trụ trì, nhìn thấy ngôi đạo tràng tịnh xá Ngọc Cẩm xuống cấp, nên trong thời gian này Hòa thượng dồn hết tâm trí, sức lực cho việc đại trùng tu tổng thể cơ sở từ năm 2003 đến năm 2007. Suốt trong 5 năm, quá trình xây dựng gặp phải nhiều khó khăn trở ngại, nhưng với quyết tâm của ngài, cuối cùng cũng hoàn thành viên mãn và đại lễ Khánh thành được tổ chức vào dịp Kỷ niệm 53 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng một cách trang nghiêm, trọng thể.

Những về sau, đây tuy sức khỏe yếu dần nhưng Hòa thượng cũng cố gắng vận động trùng tu tịnh xá Ngọc Hương tại Cù lao Chàm được viên mãn tốt đẹp.

Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Hòa thượng đã tham gia các công tác Phật sự của Giáo hội và Hệ phái một cách tích cực. Với các Phật sự được Giáo hội và Hệ phái giao phó, ngài đều hoàn thành tốt đẹp. Những chức vụ Hòa thượng đã đảm nhận trong sự nghiệp hành đạo:

- Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam;

- Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hội An;

- Giáo phẩm Hệ phái Khất Sĩ; Phó Trị sự Giáo đoàn V;

- Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam;

- Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam;

- Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam;

- Trưởng Ban Kinh tế Tài chánh Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam;

- Viện chủ tịnh xá Ngọc Cẩm, phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Tại Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2012-2017), Hòa thượng được Đại hội suy tôn vào ngôi vị thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Mặc dù bận nhiều công tác Phật sự của Giáo hội và Hệ phái, nhưng lúc nào Hòa thượng cũng quan tâm đến đời sống của đồng bào khó khăn, nhất là những năm bị thiên tai lũ lụt, Hòa thượng tích cực vận động cứu trợ cho mọi người một cách nhiệt tình không mệt mỏi.

Để ghi nhận những đóng góp của Hòa thượng cho đạo pháp và dân tộc, Nhà nước đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng nhiều bằng tuyên dương công đức, bằng công đức.

Hơn nửa thế kỷ tu học và hành đạo, Hòa thượng thâu nhận hơn 30 vị đệ tử xuất gia, trong đó có:

- 02 vị Thượng tọa và 01 vị Đại đức lãnh trách nhiệm trụ trì các tịnh xá.

- 02 vị xuất ngoại du học tại Myanmar và Trung Quốc.

- 04 vị đã tốt nghiệp và 02 vị đang học khóa X tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

- 03 vị theo học Trung cấp Phật học.

- 15 vị Tỳ kheo và Sa di khác.

- 02 vị Tập sự xuất gia.

Trong khi hạnh nguyện độ đời luôn canh cánh trong lòng, nhưng định luật vô thường, thân tứ đại theo duyên tăng giảm, Hòa thượng xả báo an tường, thâu thần viên tịch vào lúc 05 giờ 10 phút, ngày 23 tháng 9 nhuận năm Giáp Ngọ (nhằm 15 tháng 11 năm 2014) tại tịnh xá Ngọc Cẩm, thành phố cổ Hội An, trụ thế 75 năm, hạ lạp 48 năm, để lại cho bao người niềm kính tiếc vô biên.

Tuy hóa duyên đã mãn, Hòa thượng xả bỏ huyễn thân, nhẹ gót tiêu dao, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư ký ức của người con Phật và trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

 


- Bản sơ lược tiểu sử do môn đồ pháp quyến soạn.

- Đăng trên trang nhà Đạo Phật Khất sĩ và Phật giáo Quảng Nam.

- Tỳ kheo Đồng Bổn sưu tầm và biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 109
    • Số lượt truy cập : 6949842