Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH GIẢI AN (1914-2003)

 

 

Hòa thượng Thích Giải An, thế danh Nguyễn Hòa, pháp danh Như Bình, pháp hiệu Huyền Tịnh, nối pháp đời thứ 41 Thiền phái Lâm Tế, dòng kệ Chúc Thánh. Ngài sinh ngày 23 tháng 7 năm 1914 (tức mồng 1 tháng 6 năm Giáp Dần) Phật lịch 2458, tại xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Song thân ngài là cụ ông Nguyễn Văn Đây và cụ bà Phạm Thị Bàn. Ông bà đã sinh được 3 người con gồm 2 trai và 1 gái mà ngài là con trai út.

Năm Canh Thân 1920, lúc vừa tròn 6 tuổi, ngài thường theo song thân đến lễ Phật, nghe pháp tại chùa Thọ Sơn, nên sớm có ảnh hưởng nếp sinh hoạt Phật giáo. Vì nhân duyên ấy, song thân đã ngỏ ý thỉnh cầu Hòa thượng trụ trì cho ngài được xuất gia tu học. vốn sẵn túc duyên, ngài đã được Hòa thượng Khánh Tín thân truyền Tam quy ngũ giới với pháp danh Như Bình, hứa khả cho xuất gia tu học.

Nhân ngày vía xuất gia của Ðức Từ Phụ, mồng 8 tháng 2 năm Ðinh Mão 1927, ngài chính thức được thế phát xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Khánh Tín.

Ngày 14 tháng 4 năm Mậu Thìn (tức 01.6.1928), ngài được Hòa thượng cho thọ giới Sa di tại phương trượng và ban cho pháp tự là Giải An, theo truyền thống mật truyền ấn tâm của Thiền phái Lâm Tế.

Nhận thấy chí tu học, sáu thời thiền tịnh tinh nghiêm, khả dĩ tiến xa đạo nghiệp, ngài được phép bổn sư cho phép thọ cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Phước Sơn, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Ðịnh, vào ngày 19 tháng 6 năm Quý Dậu 1933, do Ðại lão Hòa thượng Tường Quang làm Ðường đầu truyền giới. Ðây chính là dấu ấn quyết chí phát túc siêu phương của ngài.

Năm Ất Hợi 1935, ngài nhập chúng tu học tại chùa Bích Liên, dưới sự giáo thọ của Hòa thượng Chơn Giám-Ðạo Quang, đương kiêm chủ bút tạp chí Từ Bi Âm. Ngài được Hòa thượng ban cho đạo hiệu là Huyền Tịnh.

Từ những năm 1940, ngài cùng Hòa thượng Bích Liên du hóa Nam phương, hoằng hóa Phật pháp ở các tỉnh miền Nam như Bà Rịa, Trà Ôn, Bến Tre...

Năm Giáp Thân 1944, ngài trở về quê hương Quảng Ngãi, nhận lời thỉnh cầu của Tăng ni bổn đạo, trụ trì ngôi cổ tự danh thắng Thiên Bút.

Năm Ất Dậu 1945, khi đất nước giành được độc lập và sau đó tiến hành Toàn quốc kháng chiến, ngài cùng chư sơn Phật giáo Quảng Ngãi tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc thuộc Liên Khu 5.

Năm Canh Dần 1950, ngài lại tiếp tục du phương cầu học tại các Phật học đường Báo Quốc và Linh Quang ở xứ Huế.

Năm Tân Mão 1951, khi Phật giáo ba miền hiệp thương thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, từ xứ Huế, ngài cùng một số chư Tăng tiếp tục lên đường tham học tại miền Bắc.

Năm Quý Tỵ 1953, ngài trở về quê hương Quảng Ngãi, khai sơn chùa Linh Sơn tại đèo Eo Gió, quận Nghĩa Hành. Sau đó, ngài tiếp tục khai sơn chùa Phú Long, sau đổi thành chùa Phú Văn.

Năm Giáp Ngọ 1954, sau khi hiệp định Genève ký kết, do uy tín và đạo đức lan rộng, ngài được chư sơn cung thỉnh trụ trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Ðà Nẵng.

Từ năm 1955-1957, ngài đã cùng Hòa thượng Huyền Tôn, thành lập Giáo hội Tăng già và Hội Phật học tỉnh Quảng Ngãi. Liên tục trong mấy nhiệm kỳ, ngài được tôn cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già và kiêm nhiệm Hội trưởng hội Phật học Quảng Ngãi. Trên cương vị này, ngài đã cùng Ban Trị sự Tỉnh hội khởi công xây dựng chùa Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Ðinh Dậu 1957, ngài chính thức trụ trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi (nay là Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi). Ngài đã hoạt động liên tục xây dựng nền tảng bền vững cho Phật giáo tỉnh nhà.

Năm Quý Mão 1963, ngài là người lãnh đạo Tăng tín đồ Quảng Ngãi trực diện đấu tranh với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm cho đến ngày thành công mỹ mãn.

Năm Giáp Thìn 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ngài là thành viên của Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Cùng năm này, ngài khai sơn ngôi Thọ Sơn tịnh thất tại Tư Nguyện, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Năm Bính Ngọ 1966, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, ngài phát nguyện nhập thất trì tụng kinh Pháp Hoa, phát tâm mỗi chữ lạy một lạy.

Năm Đinh Mùi 1967, ngài khai sơn chùa Từ Quang ở khối 5, phường Nghĩa Lộ, thị xã Quảng Ngãi và trụ xứ tại đây cho đến cuối đời.

Năm Kỷ Dậu 1969, ngài được mời làm Tôn chứng sư đại giới đàn Vạn Hạnh, tổ chức tại chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên Huế. Cùng năm, ngài phát nguyện nhập thất, thiền quán và trì tụng kinh Hoa Nghiêm, kinh Ðại Bát Nhã.

Năm Canh Tuất 1970, ngài làm Tôn chứng sư tại đại giới đàn Vĩnh Gia, tổ chức tại chùa Phổ Đà, Đà Nẵng, tổ chức từ ngày 17-21.10.1970.

Năm Quý Sửu 1973, ngài làm Tôn chứng sư tại đại giới đàn Phước Huệ ở Phật học viện Hải Đức, Nha Trang.

Năm Ất Mão 1975, khi đất nước thống nhất, ngài tiếp tục lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà hưởng ứng các phong trào cùng nhân dân xây dựng lại quê hương sau chiến tranh.

Năm Kỷ Mùi 1979, ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng đàn đầu tại đại giới đàn Nguyên Thiều tổ chức tại tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm Tân Dậu 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, ngài được cung thỉnh vào thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là Ủy viên Tăng sự của Tỉnh hội Phật giáo Nghĩa Bình suốt các nhiệm kỳ.

Sau khi tách tỉnh (Quảng Ngãi và Bình Định), Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Ngài được cung thỉnh làm Trưởng Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi nhiều nhiệm kỳ.

Từ năm 1989 đến 2003, trong quan hệ phục vụ đất nước dân tộc, xã hội; ngài là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi các khóa IX, X, XI.

Năm Ất Hợi 1995, ngài được trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.

Suốt cả cuộc đời “chung thân dĩ pháp vi gia”, ngài đã truyền thụ Tam quy ngũ giới cho hàng vạn đệ tử cư sĩ trong và ngoài tỉnh. Suốt cả cuộc đời của bậc Đống Lương Phật Pháp, ngài đã đem lòng từ bi thu nhận rất nhiều đệ tử xuất gia, Tăng ni số lượng hơn 60 vị, hầu hết đã thành tựu sự nghiệp Trưởng tử của Như Lai.

Hòa thượng đã an nhiên viên tịch tại chùa Từ Quang vào lúc 3 giờ 15 phút ngày 20 tháng Giêng năm Quý Mùi, nhằm ngày 20.02.2003. Trụ thế 90 năm, 70 hạ lạp.

Do công lao của ngài trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, nên Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Nhà nước truy tặng Huân chương Độc Lập hạng III.

Hòa thượng xứng danh là một bậc Tòng lâm thạch trụ, một vị tôn sư lương đống của Phật giáo Việt Nam và của tỉnh Quảng Ngãi. Hương thơm đạo đức và oai nghi thánh hạnh của ngài mãi lan tỏa cho hậu thế soi chung. (1)

(1) Sinh thời, Hòa thượng Thích Kế Châu pháp hữu của ngài, trụ trì tổ đình Thập Tháp, Bình Định đã từng đề tặng:

Mích vô sở đắc Giải An tâm

Hà luận cao đê thiển phục thâm

Tánh hải Như Bình trừng diện trạm

Từ Quang chiếu triệt chấn trào âm.

Dịch:

Tâm an được cái không cầu

Thấp cao không luận nông sâu miễn bàn

Lắng trong biển tánh huy hoàng

Từ Quang chiếu rọi dậy vang âm triền.

 


- Hòa thượng Thích Hạnh Trân cung cấp.

- Bản tiểu sử của văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi và môn đồ pháp quyến chùa Từ Quang soạn.

- website www.quangduc.com

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 111
    • Số lượt truy cập : 6949832