HÒA THƯỢNG THÍCH HIỂN GIÁC (1925-1992)
Hòa thượng Thích Hiển Giác, thế danh Nguyễn Văn Đằng, sinh năm 1926, tại làng Tân Thủy, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là Nguyễn Văn Hổ, thân mẫu là Cao Thị Vinh. Ngài sinh ra trong một gia đình lao động, có truyền thống kính tôn Tam bảo. Đời nội tổ có dựng một kiểng chùa hiệu Bửu Sơn để trong gia tộc tu hành tại làng Tân Thủy.
Năm lên 10 tuổi, được cha mẹ cho vào chùa học chữ và học thuốc Đông y với người chú họ là Hòa thượng Vĩnh Huệ, trụ trì chùa Bửu Sơn và quy y với sư ông Hòa thượng Khánh Thông, được đặt pháp danh là Quảng Bình và pháp hiệu là Hiển Giác.
Năm 1945, ngài 20 tuổi, được bổn sư cho thọ Tam đàn cụ túc giới tại giới đàn chùa Bửu Sơn, do Hòa thượng Khánh Thông làm Đường đầu truyền giới.
Năm 1946, chiến sự trở nên khốc liệt sau khi Pháp tái chiếm Nam kỳ. Theo lời hiệu triệu của Cách mạng, ngài tham gia kháng chiến, hoạt động dưới vỏ bọc là dạy bình dân học vụ, sau đó mở hiệu thuốc Bắc, vừa làm thầy giáo vừa làm thầy thuốc và hiệu thuốc của ngài cũng là cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng hoạt động (ông Mười Bình, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre ở và làm việc tại đây nhiều năm).
Năm 1958, cơ sở cách mạng của ngài bị lộ, chính quyền Ngô Đình Diệm ra tay khủng bố, chi bộ tại đây hầu hết bị bắt và tù đày. Ngài chạy thoát được cùng với một số đồng chí lên Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong tôn giáo.
Từ năm 1959-1960, ngài và các pháp lữ như Hòa thượng Hiển Tu, Hiển Pháp, Hiển Chơn theo học khóa đào tạo Như Lai Sứ Giả ở chùa Pháp Hội - Sài Gòn.
Năm 1960-1962, sau khi học xong khóa đào tạo, ngài được Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm thành viên đoàn Như Lai Sứ Giả, luân phiên đi giảng pháp tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cuối năm 1962, khi ngài về tỉnh Bạc Liêu thuyết giảng, nhận thấy Phật tử nơi đây khát ngưỡng thỉnh cầu, nên Hòa thượng quyết định dừng chân du hóa, trú xứ lại đây và nỗ lực hành đạo. Ngài lần lượt đảm nhiệm trụ trì qua các chùa:
- Năm 1962-1966: Chùa Phật Học nay là chùa Huệ Quang.
- Năm 1963-1965: Phó Trị sự Giáo hội Tăng già Bạc Liêu.
- Năm 1966-1968: Chùa Long Phước, phường 5, TP. Bạc Liêu.
- Năm 1968-1992: Chùa Vĩnh Đức, phường 1, TP. Bạc Liêu.
- Năm 1975-1992: Kiêm nhiệm thêm chùa Quan Âm, Cà Mau.
Năm 1968, Hòa thượng Hiển Giác về trụ trì chùa Vĩnh Đức. Nơi đây ngài liên hệ được với cách mạng và bí mật tham gia vào thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Ở vị trí công khai, ngài vẫn là Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bạc Liêu. Hòa thượng đã vận động được một số nhân sĩ trí thức Phật giáo theo về với Mặt trận.
Tháng 4 năm 1975, chùa Vĩnh Đức là nơi ở và làm việc của cán bộ đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu, mở những cuộc đàm phán với tỉnh trưởng chế độ cũ, buộc giao chính quyền về cho cách mạng và Hòa thượng Hiển Giác là một thành viên trong đoàn đàm phán. Với lực lượng đồng bào Phật tử làm hậu thuẫn, tiếng nói của Hòa thượng trong đoàn Mặt trận có uy thế rất lớn, góp phần cho thắng lợi ngày 30.4.1975, giải phóng tỉnh Bạc Liêu không đổ máu.
Từ năm 1965 cho đến 1981, Hòa thượng là Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bạc Liêu. Sau khi Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc họp tại Hà Nội, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài được cử làm Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Minh Hải.
Từ năm 1984-1992, Hòa thượng được bầu vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và được Giáo hội địa phương tín nhiệm công cử vào chức Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Minh Hải.
Trong sự nghiệp tốt đạo đẹp đời, ngài tích cực tham gia các mặt công tác ngoài trọng trách một nhà tu hành:
- Là Đông y sĩ chữa trị cho bá tánh bằng Y phương minh.
- Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Minh Hải.
- Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Minh Hải khóa II, III, IV.
Qua các hoạt động cụ thể đóng góp công sức cho đất nước - dân tộc, ngài được Nhà nước, Giáo hội ghi nhận và trao tặng:
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ.
- Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết.
- Bằng Tuyên dương Công đức của Trung ương Giáo hội.
- Nhiều bằng khen của Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Minh Hải.
Năm 1992, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ngài vẫn cố gắng điều hành Phật sự của Giáo hội. Nhưng rồi theo định luật vô thường sanh diệt, ngài an lành viên tịch vào ngày 24 tháng Giêng năm Nhâm Thân (14.03.1992) tại chùa Vĩnh Đức, thọ 66 tuổi đời, 35 năm hạ lạp.
Giáo hội, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Tăng ni và Phật tử cùng môn đồ pháp quyến đã xây tháp tưởng niệm ngài tại chùa Vĩnh Đức, phường 1, thành phố Bạc Liêu.
- Tiểu sử do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu soạn và cung cấp.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết