HÒA THƯỢNG THÍCH HIỂN KỲ (1863-1936)
Hòa thượng Thích Hiển Kỳ, thế danh Trần Quốc Lượng(1), tự Trần Quốc Ngỡi(2), Trần Cát Tường (lúc ở Trung Quốc), pháp danh Đắc Chân (khi tu đạo Minh Sư), pháp tự Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ, xuất thế năm Quý Hợi (1863), quê ở tại xóm Rạch Quau, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định(3).
Hòa thượng là đệ tử nối pháp của Tổ Đế Nhàn, thuộc thế hệ thứ 18 dòng phái Ngọ Đình (của Pháp sư Chánh Thời), đời thứ 20 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 48 tông Thiên Thai; được suy tôn là Sơ tổ Tông Thiên Thai Việt Nam. Hòa thượng là chú ruột của Bà Thoại Tám, tức Ni trưởng Thích Nữ Liễu Tướng (khai sơn chùa Pháp Võ, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định).
Lúc còn thơ ấu, Hòa thượng đã ăn chay trường. Tuổi niên thiếu, ngài đảnh lễ Lão sư Lưu Đạo Nguyên (tục gọi là Lưu Minh, người Trung Hoa) xuất gia tu đạo Minh Sư(4), được ban pháp danh Đắc Chân, tu học tại các Phật đường vùng Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Long An.
Trong khoảng cuối thế kỷ thứ 19, Hòa thượng thường theo hầu cận các bậc tổ sư Trương Đạo Dương, đại trưởng lão Lưu Đạo Nguyên, qua lại giữa 2 thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) và Sài Gòn (Việt Nam); sau đó được các bậc tiền bối hướng dẫn về Thanh Sơn Đạo giáo Thuần Dương Cung tại Hương Cảng, Trung Quốc học đạo. Lần hồi các vị tiền bối liễu đạo, Hòa thượng thừa kế thế chức trụ trì Thanh Sơn Đạo Quán.
Sau khi Tổ sư Đông Sơ Trương Đạo Dương(5) và Lưu Đạo Nguyên thoát hóa, Hòa thượng được đại hội suy tôn lên ngôi Tổ sư, Trưởng môn phái đạo Minh Sư.
Đạo Minh Sư là đạo Tiên, giáo lý pha lẫn 3 tôn giáo: Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Do đó, Hòa thượng có điều kiện thường xem coi, đọc tụng kinh điển của đạo Phật, nên Hòa thượng bắt đầu suy tư và thường lưu tâm một cách đặc biệt đến những sinh hoạt về đạo Phật.
Năm Nhâm Tý (1912), hội đủ nhân duyên tốt lành, Hòa thượng được Pháp sư Diệu Tham(6) và cư sĩ Cao Hạc Niên(7) sách tấn, khuyến khích quy y, trở về Phật giáo.
Nhận xét kỹ càng và sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, mùa xuân năm Nhâm Tuất (1922), Hòa thượng đến Quán Tông Giảng Tự, núi Tứ Minh, huyện Cẩm, tỉnh Chiết Giang đảnh lễ Đại sư Đế Nhàn xin quy hướng Tam bảo. Ban đầu vào buổi chiều, Hòa thượng đọc luật Tỳ Ni Nhật Dụng, rồi được truyền trao tam quy, và tiếp thọ Sa di thập giới; sau cùng cung thỉnh Thập sư đăng đàn thọ đại giới, đến sáng sớm ngày khánh đản Đại sĩ Quán Thế Âm thì viên mãn Bồ đề Tam tụ tịnh giới, được ban cho pháp danh Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ.
Thanh Sơn Viện chủ, Minh Sư,
Trưởng môn giáo phái, hạnh tu cao vời.
Nhuộm màu giấy trắng dễ thay!
Bỏ Tiên về Phật, xưa nay ít người.
Sau khi trở về Hương Cảng, Hòa thượng cải đổi Thuần Dương Cung thành Thanh Sơn Thiền Viện, đồng thời làm vị khai sơn trụ trì đời thứ nhất. Từ đây, Hòa thượng ngày đêm tinh tu yếu chỉ Tam Quán của tông môn và chuyên trì niệm Phật theo truyền thống Thai Tịnh, được Tổ Đế Nhàn ngợi khen. Sau này, Hòa thượng khai sáng Cửu Long Đường thuộc khu Du Ma Địa, Hương Cảng, để làm nơi chuyên tu cho những vị tăng thích nhập thất, ẩn tu.
Năm Giáp Dần (1924), Pháp sư Phạt Khả(8) được tín đồ cúng dường một thửa đất tại Hương Cảng, bèn tạo dựng am tranh; Cư sĩ Phan Đạt Vi đề hiệu là “Như Thị Cư”. Pháp sư Phạt Khả ở tại đây tọa thiền, duyệt xem tam tạng. Năm sau, Hòa thượng Hiển Kỳ cung thỉnh Pháp sư Phạt Khả quang lâm Thanh Sơn Thiền Viện, giảng kinh Lăng Nghiêm, pháp hội rất hưng thịnh, thính chúng ngồi đầy chật giảng đường.
Từ năm Ất Sửu (1925), tại Hương Cảng, các Lão Hòa thượng đồng ý mỗi năm luân phiên tổ chức Đại giới đàn tại các đạo tràng: chùa Bảo Liên, núi Đại Tự của Hòa thượng Phạt Khả; Thanh Sơn Thiền Viện, núi Thanh Sơn của Hòa thượng Hiển Kỳ; chùa Lăng Vân, núi Quan Âm, của Hòa thượng Diệu Tham, ngỏ hầu tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Bốn Hòa thượng Phạt Khả, Hiển Kỳ, Kỷ Tu(9), và Diệu Tham được hàng cư sĩ tại gia và giới tử tôn xưng là “Chư Sơn Tứ Lão Bồng” (Bốn cánh buồm của Phật giáo).
Năm Đinh Mão (1927), Hòa thượng cung thỉnh sư huynh Bảo Tịnh(10) từ chùa Quán Tông, huyện Ninh Ba đến Hương Cảng hoằng pháp, khai giảng kinh Phạm Võng tại Thanh Sơn Thiền Viện, thính chúng đầy giảng đường, ngồi thêm ra ngoài hành lang, ai ai cũng rất hoan hỷ.
Năm Mậu Thìn (1928), thời Dân Quốc năm thứ 17, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu hòa thượng đại giới đàn tại Hương Cảng. Hòa thượng Kỷ Tu làm Yết ma A xà lê, Hòa thượng Phạt Khả làm Giáo thọ A xà lê. Tại đàn này, hai vị tăng và một vị ni người Việt Nam xuất gia thọ cụ túc giới, đó là các ngài Thích Liễu Đàn, Thích Liễu Học và Thích Nữ Liễu Tướng.
Năm Canh Ngọ (1930), Pháp sư Kỷ Tu, trụ trì chùa Bảo Liên, núi Đại Tự, hiệp cùng chư tôn Hòa thượng Hiển Kỳ, Diệu Tham, Quán Thanh… cung thỉnh Pháp sư Phạt Khả nhận chức trụ trì chùa Bảo Liên, để hoằng dương chánh pháp.
Năm Tân Mùi (1931), Pháp sư Ải Đình(11), trụ trì chùa Trúc Lâm ở Trấn Giang đến Hương Cảng hóa đạo, cũng từng cư trụ ở Thanh Sơn Thiền Viện giảng kinh, dạy luận một thời gian khá lâu, thính chúng rất đông, đạo tràng hưng thịnh.
Năm Quý Dậu (1933), khai phương tiện giới đàn tại chùa Thanh Sơn, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, Pháp sư Phật Thọ làm Giáo thọ A xà lê, Pháp sư Tâm Sự làm Yết ma A xà lê, chư tăng trong chùa làm thất vị Tôn chứng sư và tứ vị Dẫn lễ sư. Tuy là phương tiện giới đàn, nhưng đàn tràng suốt bảy ngày đêm, truyền từ ngũ giới cho đến Bồ tát giới với tất cả lễ nghi phải biết của người xuất gia. Đàn này, có ba vị tăng người Việt Nam thọ đại giới là các ngài Thích Liễu Thiền, Thích Liễu Lạc và Thích Liễu Chứng.
Năm Ất Hợi (1935), Hòa thượng được tứ chúng đồng cung thỉnh làm Yết ma A xà lê tại Đại giới đàn chùa Bửu Lâm, núi Phụng Hoàng, Pháp sư Kỷ Tu làm Đàn đầu Hòa thượng, Pháp sư Phạt Khả làm Giáo thọ A xà lê. Đàn tràng kéo dài suốt 21 ngày, tăng ni tứ chúng thọ giới và hộ đàn đông như mở hội. Đàn này, chỉ có một vị người Việt Nam thọ giới cụ túc là ngài Thích Liễu Tức (1915-1978). Tất cả bảy vị có pháp hiệu chữ “Liễu” sau khi thọ giới đều đã trở về Việt Nam để hoằng pháp. Do đó, công đức của Hòa thượng Hiển Kỳ rất to lớn, vì là người đầu tiên trao truyền giáo pháp tông Thiên Thai đến Việt Nam.
Thiên Thai Tông, ngàn năm khai mở,
Nước Việt Nam, cách trở quan san.
Tổ sư công đức vô vàn,
Truyền thiền Tam Quán muôn ngàn đời sau.
Hòa thượng Thích Hiển Kỳ vốn là người văn hay chữ tốt. Lúc sinh thời, ngài thường kết giao thâm tình với các danh Nho tại Hương Cảng. Những văn nhân như: Trạng nguyên Quỳnh Sơn Lâm, các thi sĩ: Hàn Quốc Quân, Vương Quốc Hiến, Bằng Quan Nghiêu, Huỳnh Gia Xuyên, Trần Bá Đào, Tào Thọ Bồi, đặc biệt có Hạm trưởng Hải Quân Anh Quốc cư sĩ Hạ Đức v.v… thường đến chùa Thanh Sơn, cùng uống trà ở Hải Nguyệt Đình, ngâm vịnh thi phú. Trạng nguyên Quỳnh Sơn Lâm sưu tập văn thơ, Văn sĩ Trần Bá Đào viết đề mục, làm thành sách Thanh Sơn Thiền Viện Đại Quán. Sách gồm có: Hiển Kỳ Trụ Trì Sự Lược; các bài ký nói về chùa Thanh Sơn; hơn 60 bài thơ của Hòa thượng Thích Hiển Kỳ; cuối cùng là 4 bài thơ từ biệt chùa Thanh Sơn, theo luật ngũ ngôn bát cú của Hạm trưởng Hải Quân Hạ Đức.
Bấy giờ, tuổi đã quá thất tuần, Hòa thượng cảm thấy thân thể mỏi mệt, như cỗ xe lâu ngày mòn mỏi theo thời gian năm tháng, tự biết cơ duyên trụ tại trần thế sắp hết, bèn di huấn hàng môn nhân lần cuối cùng. Những việc cần làm đã làm xong. Ngày đêm trong sáu thời, Hòa thượng chú tâm tỉnh lặng, chân không ra khỏi thất, tay không rời chuỗi hạt, miệng luôn niệm hồng danh Tây Phương tam thánh hiệu, nhất tâm bất loạn động.
Ngày 4 tháng 3 năm Bính Tý, nhằm ngày 26 tháng 3 năm 1936, Hòa thượng an nhiên viên tịch tại Thanh Sơn Thiền Viện, Hương Cảng, Trung Quốc, hưởng thế thọ 74 tuổi.
Đệ tử nối pháp từ đạo Minh Sư chuyển qua đạo Phật rất nhiều, tiêu biểu như: Hòa thượng Thích Liễu Huyễn, trụ trì đời thứ 2 Thanh Sơn Thiền Viện.
Đặc biệt có bảy vị đệ tử người Việt truyền bá tông Thiên Thai Giáo Quán tại Việt Nam, như sau:
- Hòa thượng Thích Liễu Đàn (1887-1951), khai sơn chùa Pháp Hoa, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long;
- Hòa thượng Thích Liễu Học (1874-1942), khai sơn chùa Pháp Giới, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định(12);
- Hòa thượng Thích Liễu Thiền (1885-1956), khai sơn chùa Bồ Đề, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.
- Hòa thượng Thích Liễu Lạc (1879-1937), khai sơn chùa Pháp Minh, huyện Đức Hòa, tỉnh Gia Định;
- Hòa thượng Thích Liễu Chứng (1883-1946), khai sơn chùa Vĩnh Long, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn;
- Hòa thượng Thích Liễu Tức (1915-1978), trụ trì chùa Vĩnh Long, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn;
- Ni trưởng Thích Nữ Liễu Tướng (1890-1976), khai sơn chùa Pháp Võ, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định.
Bảy mươi chín năm sau khi Hòa thượng viên tịch, Tông Thiên Thai Việt Nam tại 2 miền Nam và Bắc có hơn 200 ngôi tự viện, nhiều nhất là các tỉnh thành: Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Long An. Do đó, từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 2 năm Ất Mùi (27-31.3.2015), tông Thiên Thai Giáo Quán kết hợp cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, tổ chức Đại Giới đàn tôn hiệu Hiển Kỳ; trú xứ tăng tại chùa Phước Bảo, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; trú xứ ni tại chùa Tôn Vân, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Giới đàn này, tổng cộng 1.066 giới tử. Giới tử Tỳ kheo có 253 vị, Tỳ kheo ni có 207 vị, Thức xoa ma na ni có 206 vị, Sa di có 242 vị, Sa di ni có 158 vị. Hòa thượng Thích Đạt Đồng, tổ đình Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, được cung thỉnh vào ngôi vị Hòa thượng Đàn đầu truyền giới, đàn Tỳ kheo; Hòa thượng Thích Tắc An, chùa Thiền Tôn II, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, ngôi vị Hòa thượng Đàn đầu đàn Sa di; Ni trưởng Thích Nữ Như Đức ngôi vị Hòa thượng Đàn đầu đàn Tỳ kheo ni; Ni trưởng Thích Nữ Như Châu, chùa Huê Lâm, quận 11, ngôi vị Hòa thượng Đàn đầu đàn Thức xoa ma na; Ni trưởng Thích Nữ Đạt Thuận, chùa Linh Sơn, huyện Bình Chánh, ngôi vị Hòa thượng Đàn đầu đàn Sa di ni. Hòa thượng Đàn đầu chỉ có 7 đàn, nhưng Tăng ni thuộc tông Thiên Thai vinh dự được 3 đàn; rất đông chư Tăng ni tông Thiên Thai đứng trong: Tam sư Thất chứng, Ban tổ chức, Ban hộ đàn, Ban khảo thí v.v… Đây là một Giới đàn rất lớn đối với toàn quốc, và là Giới đàn lớn nhất từ trước đến nay trong tỉnh Long An.
1. Sách Thiên Thai Tông Quán Tông Giảng Tự Chí của Pháp sư Giác Quang ghi là Trần Xuân Lượng.
2. Người miền Nam Việt Nam thường nói chữ ‘Nghĩa’ thành ‘Ngỡi” hay ‘Ngãi’, do kỵ húy các vị vua quan triều Nguyễn.
3. Nay là tỉnh Long An. Sách Thiên Thai Tông Quán Tông Giả Tự Chí chép Tổ Hiển Kỳ là người Trung Quốc. Khi ở Trung Quốc, có thể Tổ phải ẩn giấu tung tích, sợ kỳ thị chủng tộc, khó hành đạo.
4. Đạo Minh Sư phục hưng vào triều Minh, Trung Quốc (1368- 1644), truyền bá rải rác khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á. Sách Thiên Thai Tông Quán Tông Giảng Tự Chí ghi là Đạo giáo thuộc phái Tiên Thiên.
5. Tổ sư Trương Đạo Dương (1835-1879) quê ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, tu hành tại động Triều Nguyên, núi La Phù, tỉnh Quảng Đông. Là một tu sĩ trẻ, nhiều lần hăng hái vượt biển ra nước ngoài hành đạo. Trong niên hiệu Tự Đức tại Việt Nam, Tổ sư từ Thái Lan đến Hà Tiên; năm 1863, kiến tạo Quảng Tế Phật Đường. Ngài muốn đến Chợ Lớn để hóa đạo, nhưng thực dân Pháp vừa mới chiếm 3 tỉnh miền Đông. Năm Tân Mùi (1871), tại Trung Quốc, Ngài được suy tôn làm Tổ sư đời thứ 16 đạo Minh Sư, tôn hiệu Đông Sơ Tổ sư, Chưởng quản tông phái. Sau đó, Tổ sư Đông Sơ dưới dạng lương y qua Việt Nam, xây Minh Đức Phật Đường ở Cầu Kho, Sài Gòn. Người Hoa, người Việt học đạo rất đông. Tổ sư trở về Quảng Đông và tịch năm Kỷ Mẹo (1879), thế thọ 44 tuổi.
6. Pháp sư Diệu Tham (1873-1930) họ Dung, quê ở huyện Dương Giang, tỉnh Quảng Đông. Năm 1888, đậu Tú tài; năm 1892, xuất gia với Pháp sư Đáo Hải, năm 1893 thọ giới cụ túc với Luật sư Hạo Tịnh tại chùa Long Xương, núi Bảo Hoa, rồi nhập thất 3 năm tại chùa Giang Thiên, núi Kim Sơn, kế tiếp hành cước tham phỏng khắp nơi. Sau, Sư kiến lập chùa Viên Thông và đạo tràng Tử Trúc Lâm tại núi Quán Âm, Hương Cảng. Năm 1925, Sư làm Giám viện hợp cùng trụ trì Pháp sư Kỷ Tu tận lực kiến tạo chùa Bảo Liên. Năm 1930, Sư tịch thế thọ 68 tuổi, tăng lạp 37 năm.
7. Cao Hạc Niên (1872- ?) tên thật Hằng Tùng, quê ở huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô. Lúc nhỏ, ông nhờ học đạo mà hiểu biết được sinh tử là việc lớn, nên phát nguyện đi tham học với những vị tri thức ở khắp các tỉnh thành Trung Quốc, rồi đến trú tại núi Kê Túc, tỉnh Vân Nam. Năm 1921, ông sửa ngôi nhà của mình làm thành viện Trinh Tiết Tịnh Độ An Lão. Năm 1911, do các huyện ở miền Bắc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc thường bị hạn hán, đất ruộng ngập nước mặn, nạn châu chấu, nhất là hạn hán năm 1929 kéo dài, nên ông lập ra 10 trại thí cháo để giúp đỡ dân nghèo. Đến năm 1948, ông ẩn tu trong núi Chung Nam.
8. Pháp sư Phạt (Phiệt) Khả (1893-1972): họ Lý, thế danh Bảo Sinh, pháp danh Xương Kỳ, tự Ấn Tải, hiệu Phạt Khả, quê ở huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, sinh ngày 15 tháng 11 năm Quý Tỵ (1893). Năm 1912, sư xuất gia với lão Hòa thượng Giám Hàng tại chùa Khánh Vân, Đảnh Hổ, Tây Giang; mùa đông năm này thọ giới cụ túc với Hòa thượng Cốc Sâm. Năm 1916, sư tham phỏng Pháp sư Hải Nhân; năm 1924 du hóa Hương Cảng; năm 1931, trụ trì chùa Bảo Liên, núi Kỳ Sơn; năm 1936, trụ trì chùa Thanh Sơn… Ngày 28 tháng chạp năm Tân Hợi (1972), sư viên tịch, thế thọ 80 tuổi, tăng lạp 60 năm.
9. Pháp sư Kỷ Tu (-1938): quê huyện Tứ Ấp, tỉnh Quảng Đông, ước chừng sinh năm 1860. Trong niên hiệu Quang Tự (1875-1908), sư vào núi Đơn Hà, tỉnh Quảng Đông xuất gia; thọ giới cụ túc ở chùa Hoa Đảnh Đài, núi La Phù. Năm 1908, sư tham phỏng danh sơn, đại sát khắp vùng Giang Nam. Năm 1914, Sư dừng chân ở chùa Giang Thiên, núi Kim Sơn, Trấn Giang chuyên tu mật hạnh. Năm 1938, Sư viên tịch ở chùa Bảo Liên, thế thọ khoảng hơn 70 tuổi, trà tỳ được một ly nhỏ xá lợi màu đen huyền.
10. Pháp sư Bảo Tịnh (1899-1940): họ Vương, quê ở huyện Thượng Ngu, Chiết Giang. Năm 1916, sư xuất gia tại chùa Linh Ẩn; năm 1917, thọ giới cụ túc tại chùa Thượng Phương Quảng; năm 1918, học tại chùa Quán Tông. Năm 1921, sư làm Đốc học Nghiên Cứu Xã và giảng dạy khắp các trường Phật học. Năm 1929, sư làm Chủ giảng tại Hoằng Pháp Nghiên Cứu Xã; năm 1930, khai sáng và làm Hiệu trưởng Quán Tông Nghĩa Vụ Học Hiệu. Năm 1932, sư trụ trì chùa Quán Tông, Chủ giảng Hoằng Pháp Nghiên Cứu Xã, Chủ bút nguyệt san Hoằng Pháp. Ngày 29-11-1940, sư tịch tại chùa Ngọc Phật, Thượng Hải, hưởng dương 41 tuổi, 23 tăng lạp.
11. Pháp sư Ải Đình (1893-1947), họ Ngô, quê ở huyện Thái, Giang Tô. sư xuất gia với ngài Văn Tâm; năm 1914, học Đại học Hoa Nghiêm ở Thượng Hải. Năm 1928, sư sáng lập Phật học viện Trúc Lâm ở Trấn Giang. Năm 1932, thành lập Đông Liên Giác Uyển và thư viện Phật giáo lưu thông kinh sách, phát hành tạp chí Nhân Hải Đăng. Sau, sư sáng lập và cổ xúy phong trào trường học miễn phí ở Cửu Long, Ma Cau. Năm 1947, sư tịch, hưởng dương 55 tuổi.
12. Thời bấy giờ, vùng Cần Giuộc, Cần Đước thuộc tỉnh Chợ Lớn; vùng Đức Hòa, Nhà Bè thuộc tỉnh Gia Định.
- Tiểu sử do Thượng tọa Thích Tắc Phi soạn và cung cấp.
- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết