Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH HIỂN PHÁP

– SỰ DẤN THÂN THẦM LẶNG

TRONG TỔ CHỨC PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN LỤC HÒA TĂNG

 

Thượng tọa THÍCH PHƯỚC NGUYÊN
Ủy viên Thường trực HĐTS - Phó Văn phòng 2 TƯGH

 

Lịch sử ngàn đời của dân tộc và Phật giáo Việt Nam mãi mãi ghi ơn sự hy sinh lớn lao của các bậc tiền bối hữu công và chư thánh tử đạo. Quả thật, khó có một dân tộc nào trong lịch sử dựng nước và giữ nước lại đương đầu với nhiều thế lực giàu mạnh và hung hãn như dân tộc Việt Nam. Một dân tộc có khác vọng cháy bỏng là được sống trong hòa bình, tự do và độc lập, một dân tộc muốn giữ thân thiện và hữu nghị với các bạn bè. Vì vậy, để giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, lớp lớp những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, trong đó có các bậc xuất gia tu sĩ của Phật giáo Việt Nam phát nguyện dấn thân vì đại cuộc của Tổ quốc, và rồi đã có biết bao nhiêu người phải vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ. Họ dám hy sinh cả ước mơ, lý tưởng hoài bảo của mình với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Gần 55 năm trôi qua, kể từ ngày đất nước hoàn toàn độc lập. Và đúng 40 năm kể từ ngày thành lập, Phật giáo Việt Nam bằng tinh thần từ bi và trí tuệ, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức để phụng sự cho nhân sinh và trang nghiêm Giáo hội. Tổ quốc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam của chúng ta hôm nay đã thật sự vương lên một cách mạnh mẽ và vững chắc, bằng sự đoàn kết một lòng muôn người như một, bằng trí tuệ và tinh thần quả cảm trong hiện tại, cũng như bằng cả sự hy sinh máu xương của bao anh hùng liệt sĩ và các bậc tiền bối Tăng Ni trong quá khứ.

Cố Hòa thượng Thích Hiển Pháp, người đã từng chứng kiến biết bao câu chuyện bi thương mà sách sử không cách gì ghi lại một cách đầy đủ và toàn diện. Hòa thượng đã từng tâm sự rằng: “Có rất nhiều huynh đệ bằng hữu vẫn còn sống sót đến hôm nay nhưng họ không thể quên được những kỷ niệm đau thương khi nhắc đến những tháng ngày phải chịu đựng bao đòn tra tấn hiểm ác, ở trong buồng giam tối tăm, chật chội mà người tù không thể nhận ra được sự khác nhau giữa ngày và đêm, suốt những năm dài họ không biết đến ánh mặt trời là gì”.

Có những vị Tăng Ni và cư sĩ Phật tử phải ngậm ngùi thầm lặng dấn thân cho đạo pháp và cho dân tộc, nhưng chẳng lưu lại bất cứ chứng tích gì… cho đến thân xác cũng không thể tìm và trong nghĩa trang cũng chẳng có tên trên bia mộ nào! Nhưng đó cũng chính là chí nguyện “giải thoát”, là lý tưởng “giai không” của người con Phật.

Đã có quá nhiều khó khăn trong những thập niên đầu của thể kỷ 20, như lời Hòa thượng Thích Huệ Thông ghi lại trong quyển Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam: “Trong bối cảnh đương thời hoàn toàn không có lợi cho việc công khai hình thành một tổ chức Phật giáo yêu nước chính thống hợp pháp , do vậy các Hòa thượng đã khéo léo vận dụng những cơ hội gặp gỡ nhau trong những lần kỵ Tổ mà luận bàn kế sách phụng sự đạo pháp và dân tộc... đây là cơ hội quý báu để chư vị tiền bối Tăng già tập hợp những người yêu nước trong giới Tăng lữ, tuyên truyền tinh thần yêu nước một cách đúng đắn, đưa ra phương pháp cụ thể và hiệu quả, nhờ đó mà qua mặt được thực dân và quan lại triều đình thân Pháp, đây chính là nguyên nhân các Hội Lục Hòa được hình thành và phát triển tại nhiều khu vực trên cả nước. Cần nhấn mạnh rằng: Tổ chức Lục Hòa Liên Xã là một tổ chức hình thành trên yếu tố tinh thần chấn hưng Phật giáo và tham gia cứu quốc”…

Từ khi tổ chức Phật giáo đầu tiên ra đời vào năm 1922 đó là “Tổ chức Lục Hòa Liên Xã”, rồi đến 1947 “Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ” được hình thành, sau đó năm 1952 “Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng” cũng được thiết lập, rồi sự tiếp nối đã được kế thừa khi “Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam” chính thức đại hội vào năm 1969, một tổ chức hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, đã phát triển chiều sâu lẫn chiều rộng trong phạm vi cả nước. Trong suốt thời gian 47 năm đó là quảng thời gian dài của thời kỳ đất nước ta bị thực dân và đế quốc xâm chiếm cai trị hà khắc. Với ý đồ Công giáo hóa Việt Nam, nhà cầm quyền sử dụng chính sách tàn khốc, nhằm tiêu diệt đối tượng chính là Phật giáo để phát triển tôn giáo ngoại bang, nhằm mục đích phục vụ cho nền chính trị vĩnh viễn trên lãnh thổ Việt Nam. Nguy hiểm hơn là mưu tính thực hiện “nhiệm vụ khai hoá” muốn thay thế hoàn toàn nền văn hóa 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam bằng một nền văn hóa của của chủ nghĩa thần quyền Thiên Chúa giáo.

Các thế lực cai trị ngoại bang hiểu rất rõ về vai trò quan trọng của Phật giáo trong lịch sử Việt Nam như: Vua Lý Công Uẩn, Phật Hoàng Trần Nhân Tông . . . Do đó không có gì phải quá ngạc nhiên khi thế lực ấy muốn đặt một nền cai trị vĩnh viễn trên một đất nước có một nền văn hóa Phật giáo lâu đời như Việt Nam, thì việc trước tiên là phải tiêu diệt Phật giáo bằng mọi cách.

Cố Hòa thượng Thích Hiển Pháp lúc bấy giờ là một vị Tăng trẻ, nhưng khi chứng kiến bối cảnh đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh, đồng bào ruột thịt đang chịu cảnh tang thương, nên đã sớm nhận thức: “Nước hưng đạo thịnh, nước mất đạo suy”, Phật Pháp có được xiển dương hay không, xuất phát điểm từ trách nhiệm của các đệ tử Phật. Từ ý nghĩa “Đạo - Tục dung thông”, Hòa thượng đã dấn thân hành đạo để phụng sự Tổ quốc. Khi thiếu thời ngài đã được gia đình giáo dục tinh thần yêu nước nên đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia hoạt động bí mật và công khai trong lòng chế độ Sài Gòn.

Năm 1955, khi ấy mới chỉ 22 tuổi đời, nhưng Hòa thượng đảm nhận chức vụ trụ trì chùa An Phước, tỉnh Bến Tre. Rồi đảm nhận chức vụ Thư ký Chi hội Tăng già Nam Việt huyện Ba Tri; theo học Phật pháp tại Phật Học Đường Nam Việt - chùa Ấn Quang, tỉnh Chợ Lớn, tham dự khóa huấn luyện trụ trì tại chùa Pháp Hội, tỉnh Chợ Lớn, cũng như theo học thế học và tốt nghiệp tú tài toàn phần.

Những năm 1958 đến năm 1963, Hòa thượng được Giáo hội Tăng già Nam Việt điều động và bổ nhiệm trụ trì chùa Phật học - Biên Hòa, và tham gia khóa Như Lai sứ giả tại chùa Tuyền Lâm, tỉnh Chợ Lớn - Sài Gòn. Sau đó chính thức là thành viên giảng sư đoàn, thuyết giảng Phật pháp tại hầu hết các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Ngài còn được Giáo hội bấy giờ điều động làm Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Bến Tre; giám đốc kiêm giáo thọ sư Phật học đường Viên Minh, Hiệu trưởng Trường tư thục Bồ Đề tỉnh Bến Tre, trụ trì chùa Viên Minh; tham gia nhiều buổi thuyết giảng Phật pháp tại Việt Nam Quốc tự tại Sài Gòn, chính thức tham gia Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo, bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam tại Rạch Cát, quận 7, Sài Gòn đến ngày 20/8/1963 được trả tự do.

Trong suốt thời gian này, trưởng lão Hòa thượng liên tục bí mật liên hệ chặt chẽ với chư vị Hòa Thượng lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng, đưa ra nhiều kế sách để vận động quần chúng Phật tử đấu tranh chính trị với chế độ Sài Gòn, như chống càn, chống bắn phá bừa bãi, đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc...

Từ năm 1964 đến năm 1975, trưởng lão Hòa thượng được suy cử nhiều chức vụ quan trọng lãnh đạo Phật giáo tỉnh Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre), tỉnh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), rồi sau đó về lại Sài Gòn đảm nhiệm chức vụ Tổng vụ Cư sĩ, Tổng Thư ký Tổng Vụ xã hội, Vụ trưởng Hội đoàn chuyên nghiệp Phật tử để trực tiếp và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng yêu nước trong đô thành Sài Gòn, ngài cùng với những vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng, liên tục đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với chế độ Sài Gòn, tích cực ủng hộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mâu Thân, vận động nhân sĩ, trí thức tham gia Mặt trận dân tộc để thực hiện công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Được cấp trên giáo phó triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương Cục do Tỉnh ủy Mỹ Tho phổ biến đến các Tổ nòng cốt trung ương, Hòa Thượng đã bí mật liên lạc các cán bộ nòng cốt, trong đó có chư vị Hòa Thượng lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng về căn cứ học tập bồi dưỡng chính trị bảy ngày với tài liệu “Tình hình nhiệm vụ, chính sách tôn giáo và năm bước công tác cách mạng, công tác bí mật”. Qua đó giúp các tổ nòng cốt trung ương thấy hết được âm mưu thâm độc của chế độ Mỹ - Thiệu, nhằm nâng cao nhận thức đối với tầm quan trọng của công tác vận động và lãnh đạo quần chúng đô thị.

Trong giai đoạn này, Hiệp định Paris về hòa bình Việt Nam được ký kết, nhưng chính quyền Sài Gòn không thực thi. Để có cơ sở hoạt động, trưởng lão Hòa thượng xây dựng chùa Quảng Hương tại đường Ngô Tùng Châu, quận 2, Sài Gòn. Lúc bấy giờ, ngài tham gia các phong trào yêu nước khác như làm Cố vấn tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, Cố vấn Ủy ban bảo vệ quyền lợi người lao động. Trưởng lão Hòa thượng công khai thành lập Mặt trận nhân dân cứu đói do ngài làm Chủ tịch. Cùng tham gia trong tổ chức này còn có Thượng tọa Thích Quảng Long, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Thượng tọa Thích Huệ Hiền, Đại đức Nhật Hiền, Đại đức Bửu Minh, Linh mục Phan Khắc Từ, dân biểu kiều Mộng Thu… cùng nhiều vị linh Mục, luật sư, giáo sư, dân biểu, nghị sĩ tham gia, cố vấn chỉ đạo để trực tiếp đấu tranh với chế độ Sài Gòn. Mặt trận nhân dân cứu đói là một lực lượng mạnh có mặt đều khắp các quận huyện tại Sài Gòn và các tỉnh, thành miền Nam lúc bấy giờ.

Vào đầu năm 1975, được sự chỉ đạo của cấp trên, Hòa thượng Thích Hiển Pháp đã âm thầm giúp sức cho Ban lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tổ chức cuộc họp bất thường dưới sự chủ trì của Hòa thượng Tăng Thống Thích Huệ Thành tại chùa Trường Thạnh, kết quả cho ra tuyên bố hoan nghênh Hiệp định Paris về Việt Nam ký kết ngày 27/01/1973 là căn bản để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nội dung bản tuyên bố đã nhanh chóng lan rộng, tô đậm thêm tội ác chiến tranh khốc liệt của chính quyền Mỹ Thiệu đối với dân tộc nói chung và nhân dân yêu chuộng ở miền Nam Việt Nam. Đặc biệt bản tuyên bố cũng lên án chính quyền Thiệu ban hành sắc luật 002/72 năm 1975 tổng động viên tu sĩ từ 17 đến 20 tuổi tham gia đi lính cho chế độ Sài Gòn. Kết luận bản tuyên bố đã kiến nghị hủy bỏ Sắc lệnh 002/72 và yêu cầu thả tự do tức khắc cho trên 1000 tu sĩ trẻ đã bị chính quyền lùng sục bắt ép sung quân. Đồng thời ra lời kêu gọi Tăng Ni Phật tử tiếp tục con đường đấu tranh cứu nước trong giai đoạn mới. Việc làm này đã làm cho chính quyền Sài Gòn vốn đã suy yếu, nay càng suy yếu nghiêm trọng, vì nơi nơi đều lên án chiến tranh và phản đối hành động bắt lính dã man trong chốn chùa chiền của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Cần nói rõ hơn, đó là có rất nhiều vị là thành viên lãnh đạo trong Mặt trận nhân dân cứu đói, đồng thời cũng là nhân sự nồng cốt trọng yếu trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng. Do vậy vào đêm 29/4/1975, tất cả các tổ chức trong Mặt trận nhận lệnh khởi nghĩa. Đến sáng ngày 30/4/1975, toàn thể Tăng Ni và Phật tử nhất tề đứng dậy cùng đồng bào trong cả nước giành lấy chính quyền một cách trọn vẹn, làm nên đại thắng lịch sử vào mùa xuân năm 1975.

Nhiệm vụ thì đã hoàn thành nhưng sứ mệnh thì vẫn chưa kết thúc, bởi vì còn biết bao nhiêu trọng trách mới để tái thiết xây dựng đất nước sau cuộc chiến tranh thảm khốc kéo dài, nên Hòa thượng Thích Hiển Pháp đã cùng với quý Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, vận động thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước, cùng nhau bàn thảo hiệp thương, tiến đến đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam vào ngày 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ Thủ đô Hà Nội.

Có thể nói trong suốt hơn hai nghìn năm hiện diện trên quê hương, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam phải đối diện với những đe dọa và thách thức trầm trọng như trong gần bốn mươi năm giữa thế kỷ thứ 20, tình hình khốc liệt nhất là kể từ năm 1954, Phật giáo tại miền Nam phải đối mặt suốt gần một thập niên với một chính sách đàn áp, tiêu diệt có hệ thống của chính quyền Ngô Đình Diệm. Một chính quyền đầy tham vọng đạo cũng như đời, thật ra chỉ là một công cụ để thừa kế và triển khai một cách dai dẳng và không khoan nhượng, sách lược xâm thực văn hóa của chủ nghĩa thần quyền ngoại bang, suốt gần 600 năm khắp nơi trên thế giới.

Phật giáo Việt Nam trở thành đối tượng bị nhắm đến đầu tiên, liên tục và hung hãn trong suốt những năm cai trị của chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ mà nhiệm vụ chính trị của tập đoàn lãnh đạo là phải tiêu diệt Phật giáo, cho nên Phật giáo đã bị kỳ thị, đàn áp, khống chế, thậm chí bị tiêu diệt trong hầu hết mọi lãnh vực sinh hoạt quần chúng cũng như công quyền tại miền Nam. Từ luật pháp đến chính trị, từ giáo dục đến an ninh, từ kinh tế đến thương mại, từ nông nghiệp đến xã hội, từ quân đội đến hành chính… và đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo thì chính quyền dùng đủ mọi biện pháp để khống chế và tiêu diệt Phật giáo đến tận cùng, cho nên các vị Tăng Ni và Phật tử Việt Nam cũng phải dấn thân đến tận cùng, để rồi đưa chế độ độc tài và kỳ thị cũng đến chỗ tận cùng!

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, đạo pháp và dân tộc Việt Nam vẫn phải tiếp tục với trọng trách to lớn hơn, đó là giải phóng quê hương thống nhất đất nước, chính vì vậy Hòa thượng Thích Hiển Pháp bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, ngài đã đồng hành cộng sự, gián tiếp hoặc trực tiếp tham mưu nhiều kế sách quan trọng với quý Hòa thượng Thích Minh Đức, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu ý... để tổ chức một đại hội hiệp nhất hai tổ chức giáo Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử chính thức thành lập nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vào năm 1969 tại chùa Trường Thạnh, để thực hiện nhiệm vụ trọng đại trong bối cảnh mới của đất nước.

Chính sự mật thiết và cộng sự trong lý tưởng “phụng đạo yêu nước” với chư vị lãnh đạo Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, cho nên sau khi nước nhà độc lập, để tôn vinh công đức cao dày và thể hiện sự kính trọng đối với Hòa thượng Thích Hiển Pháp, các bậc tôn túc trong hệ phái đã cung thỉnh Hòa thượng vào ngôi vị Chứng minh cố vấn Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Trong những lần thuyết trình trong các buổi sinh hoạt của Giáo hội, Hòa thượng Thích Hiển Pháp trong niềm cảm xúc đã nói rằng: “ Riêng Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam đã có số lượng chư Tăng và Phật tử bị giam cầm, đánh đập, tù đày nơi Côn đảo, bị sát hại là không kể xiết, chùa chiền, am cốc, tự viện thuộc hệ phái Phật giáo Cổ truyền và Hội Lục Hòa Phật tử bị tàn phá san bằng, chiếm phần đa số so với các hệ phái Phật giáo khác. Đây là những bằng chứng sinh động và thuyết phục nhất về sự đóng góp, hy sinh và cống hiến của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng của toàn dân tộc”.

Hòa thượng Thích Hiển Pháp đã nhấn mạnh rằng: “Đã hiểu rõ đời người cũng chỉ có một lần sinh ra rồi cũng chỉ một lần mất đi vĩnh viễn cho nên phải có công gì với chúng sinh và dĩ nhiên là bằng tấm lòng từ bi trên tinh thần Bồ tát đạo mà thực hiện sứ mệnh, các vị Tăng Ni và Phật tử đã thấm nhuần giáo pháp tối hậu của Đức Phật, hiểu rõ mình là một tu sỉ Việt Nam, nên cần phải làm điều gì và điều gì không được phép làm. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, Phật giáo Việt Nam… chỉ là một, không thể khác được. Con người Việt Nam sẵn sàng đón nhận những tin hoa của nhân loại để xây dựng đất nước được phồn vinh thịnh vượng, nhưng không muốn cai trị và cũng không chấp nhận bất cứ sự cai trị nào, mọi dân tộc đều phải được bình đẳng và thụ hưởng hạnh phúc của riêng mình”.

Thật vô cùng cảm động khi vào một buổi chiều trong đại hội toàn quốc nhiệm kỳ IV tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, tại phòng khách, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa thượng Thích Huệ Thành… đã cùng nhau ôn lại bao kỷ niệm hào hùng trong quá khứ, và cùng có chung một nguyện vọng là nên tổ chức buổi tọa đàm hay một lễ hiệp kỵ nào đó để tôn vinh công lao to lớn của các bậc tiền bối trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã dấn thân và hy sinh cho đạo pháp và dân tộc.

Tuy nhiên, như Hòa thượng Thích Bửu Ý đã nói: “Nếp sống sinh hoạt và tu học của Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng nặng về nội điển và tập tục hành trì theo quy tắc tòng lâm, tính tình mộc mạc hiền hòa, việc làm thì chất phát thành thật, niềm tin thì vững chắc, lòng yêu nước thì nồng nàn nhưng cũng thầm kín.. cho nên khi bị dồn ép kèm kẹp, khinh khi và đánh đập của chế độ Mỹ ngụy, thì lòng yêu nước được trổi dậy một cách mạnh mẽ nhất, nhưng khi sứ mệnh đã hoàn thành, thì vui vẻ trở lại với cuộc sống tu hành mộc mạc đời thường, chỉ sống an lạc theo tinh thần “hiện tại lạc trú”, nên không quan tâm nhiều đến bao chuyện buồn vui đã qua…”. Cũng chính vì thế mà cho đến hôm nay, nói về Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, thì gần như không ai quan tâm, hoặc hoàn toàn không biết gì về hệ Phật giáo có truyền thống yêu nước với chiều dài cống hiến to lớn cho đạo pháp và dân tộc. Và trong cuốn Lịch Sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam của tác giả Hòa thượng Thích Huệ Thông cũng đã có lời than rằng: “Thời đại ngày nay, dù lịch sử vẫn còn nóng bỏng, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, lịch sử đã sang trang, những cống hiến ngày nào, đối với mọi người nay đã là dĩ vãng, thậm chí nó còn phai nhòa trong ký ức của những người được xem là hàng hậu bối của tông môn hệ phái, đây là điều phủ phàng, nghĩ mà không khỏi chạnh lòng và cũng thật là điều đáng tiếc”.

Trên tinh thần “uống nước nhớ nguồn” cũng như kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, phụng sự đạo pháp và dân tộc của các bậc tiền bối trong hệ phái, chúng tôi mạo muội đóng góp bài tham luận này, xin được bày tỏ tấm lòng tôn vinh về công đức cao dày nhưng thầm lặng của cố Hòa thượng Thích Hiển Pháp, và mãi mãi tôn kính chư vị tiền bối năm xưa, đã làm tròn sứ mệnh cao quý, xứng danh là nhưng bậc Thầy gương mẫu của hệ phái Phật giáo Cổ truyền trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Trong sự xương minh chánh pháp của Đức Phật, trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng trong hoạt động tôn giáo, trong việc tích cực tham gia các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và nhất là trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước tiến đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

Trước những công lao của các bậc tiền bối cao Tăng, đã dày công gầy dựng cho đạo pháp và dân tộc, là lớp hậu sinh, chúng tôi thiết nghĩ nếu cứ để cho nó buông trôi một cách tự do, thì những tinh hoa cao quý của cha ông, Thầy Tổ dần dần sẽ đi vào quên lãng, thì đây là một thiếu xót rất lớn, thiếu trách nhiệm với các bậc hiền tiền.

Buổi hội thảo lần đầu tiên hôm nay sau 98 năm từ khi tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam hiện diện, đây được xem như là một tiếng chuông khởi đầu thật lớn và thật rõ ràng của âm thanh đại hồng chung vừa được ngân vang sau một thời gian dài yên lặng.

Mới đó mà đã 98 năm, kể từ ngày tổ chức Lục Hòa Liên Xã ra đời, cho dù không gian là vô thường, thời gian là vô tận, nhưng tin tưởng rằng các hàng hậu học sẽ tiếp nối tiếng chuông huyền diệu năm xưa, không để âm thanh mầu nhiệm và thiêng liêng ấy bị gián đoạn thêm một lần nữa, để hàng hậu thế mãi mãi tri ân công đức cao dày của các bậc tiền nhân, luôn thấy rõ những cống hiến thầm lặng, nhưng vô cùng ý nghĩa của Chư Tôn đức Tăng Ni và quần chúng Phật tử trong tổ chức hệ phái Cổ truyền Lục Hòa Tăng, đã đồng hành sắc son cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước, để từ đó khởi phát đại nguyện được cống hiến thật nhiều hơn nữa cho sự phồn vinh và hưng thịnh của Tổ quốc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Thích Thiên Hoa

2. Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang

3. Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam của Thích Huệ Thông

4. Danh Tăng Việt Nam của Thích Đồng Bổn

5. Đặc trưng của PGVN trong thời đại hội nhập toàn cầu của Thích Phước Đạt

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6795742