Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH HỘ GIÁC (1928-2012)

 

 

Hòa thượng Thích Hộ Giác, thế danh là Ngô Bửu Đạt, sinh năm 1928, tại Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp, thân phụ ngài là cụ ông Ngô Bảo Hộ (tức cố Đại lão Hòa thượng Thiện Luật. Đệ nhất Cao tăng Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam), thân mẫu ngài là cụ bà Lưu Kim Phùng. Ngài sinh trưởng trong một gia đình thương nhân, gồm có hai chị em - bào tỷ là cố tu nữ Diệu Đính (thế danh Lưu Kim Đính). Do phương kế làm ăn sinh sống, cả gia đình ngài sang nước bạn Campuchia lập nghiệp tại tỉnh Praey-veng (tức Lò veng hay làng Hoa Mỹ theo cánh gọi của công đồng người Việt trú tại nơi đó).

Năm 1934, sau khi thân mẫu qua đời, thân phụ ngài gởi trưởng nữ là Lưu Kim Đính cho người em gái (cụ bà Ngô Thị Dần) nuôi dưỡng và dẫn ngài cùng đến chùa Prek-Reng (Cần Ché) xuất gia tu học, thân phụ ngài xuất gia thọ giới Sa di được pháp danh là Thiện Luật, còn ngài lúc ấy được 5 tuổi, xuất gia làm giới tử học tập kinh luật.

Năm 1940, ngài được thọ giới Sa di tại chùa Sri- Sagor và được Hòa thượng tế độ ban pháp danh là Hộ Giác (Buddha Pala). Ngài vốn có thiên bẩm thông minh xuất chúng, chịu khó, chịu học lại có dung mạo khô ngôi tuấn tú nên rất được các bậc Giáo thọ sư thương mến, hết lòng truyền thụ sở học và được gởi vào Trường Cao đẳng Phạn ngữ - Pali tại Thủ đô Pnom Penh.

Năm 1948, ngài thọ Giới đàn (Tỳ khưu) tại bản trường và sau đó tốt nghiệp Cao đẳng Phạn ngữ Pali với hạng ưu, kế đến ngài đi tu nghiệp thêm tại các xứ Miến Điện (Myanmar), Tích Lan (Sri Lanka) để hoàn thành sở học thành trở một vị Tăng tài của Phật giáo.

Từ năm 1950 đến năm 1957, ngài thường theo Hòa thượng Thiện Luật vãng lai về Việt Nam trợ giúp chư tôn thạc đức Tăng trong Phật sự mở đạo Phật giáo Nguyên thủy tại miền Nam nước Việt, nhất là tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh).

Năm 1954, ngài cùng phái đoàn Tăng già Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam tham dự Đại hội Kết tập Tam Tạng lần thứ VI tại Miến Điện, nhờ thông tuệ văn hệ Phạn ngữ Pali, ngài được tuyển thỉnh là một trong 2.500 thành viên chính thức dự phần nghe tuyên đọc Kết tập Tam Tạng.

Năm 1957, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, ngài được suy cử đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam.

Năm 1958, với sự ủng hộ của hãng hiệu dầu cù là Mác-Phsu và Chư tôn đức Cao tăng cùng quý nam nữ Phật tử, ngài cùng Hòa thượng Thiện Luật kiến tạo ngôi Tam bảo chùa Pháp Quang và tại nơi đây, ngôi trường Phật học đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, có tên là “Phật học viện Pháp Quang" do ngài làm Viện trưởng, đào tạo Tăng tài qua ba bậc: “Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật học” theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ, văn bằng do trường cấp cho Tăng sinh tốt nghiệp được Hội Phật giáo Thế giới (ngành giáo dục) công nhận.

Trường này đã đào tạo nhiều Tăng tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Nguyên thủy, nhất là sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của chư tôn đức hiện nay như: Hòa thượng Pãnnõ, Hòa thượng Tịnh Giác, Hòa thượng Minh Giác, Hòa thượng Thiện Nhân, Thượng tọa Bửu Chánh, Thượng tọa Giác Trí… đều xuất thân từ ngôi trường này.

Năm 1963, với chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, ngài cùng Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, đấu tranh trong tinh thần bất bạo động cho sự bình đẳng, tự do tôn giáo đến khi thành công. Sau đó, Phật giáo được thống nhất tại miền Nam lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ngài là một trong những thành viên sáng lập cơ cấu trong tổ chức Giáo hội thời bấy giờ.

Từ năm 1964 trở đi, ngài đã luân phiên đảm nhiệm qua các chức vụ trong giáo hội như:

- Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Xã hội.

- Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Cư sĩ Phật tử.

- Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Hoằng pháp.

Ngài là một giảng sư hoằng pháp nổi danh. Ngài có giọng nói lôi cuốn thính chúng. Những bài giảng của ngài thuyết phục Tăng ni Phật tử tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam. Nhờ đó mà Phật tử cảm nhận gần nhau hơn qua giáo lý thuyết giảng cùa ngài, trở thành những người con chung trong ngôi nhà Chánh pháp.

Với chí nguyện hoằng pháp độ sanh, với sở học Phật pháp, ngài đã hoằng truyền làm tỏ rạng Chánh pháp Nguyên thủy khắp cả miền Nam nước Việt, làm cho mọi người biết đến Phật giáo Nguyên thủy, tức Phật giáo Nam tông. Đây là công đức lớn lao với Tăng tín đồ Phật giáo Nam tông ngày nay.

Bên cạnh đó, với sở học Phạn ngữ Pali, ngài đã trợ duyên cho Hòa thượng Thích Minh Châu (Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh - nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh) dịch thuật Đại tạng Kinh Pali-Việt, phổ biến đến toàn thể Tăng ni Phật tử có nhu cầu nghiên cứu Phật học, nhất là hòa nhập với Phật giáo các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy.

Năm 1967, Nha Tuyên úy Phật giáo được thành lập, nhằm ủy lạo tinh thần những người con Phật về mặt tâm linh trong quân ngũ và kỳ siêu cho những tử sĩ. Hòa thượng Thích Tâm Giác làm Giám đốc, ngài giữ chức vụ Phó Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo của chính quyền Sài Gòn.

Song song với Phật sự đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp, ngài đã kiến tạo nên ngôi chùa Nam Tông, với ý nguyện thành lập phân viện Đại học Phật giáo Nam tông, thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh, nhằm phát triển Phật giáo Nam tông tại nước nhà sánh vai cùng các nước Phật giáo Nam tông trên thế giới, thế nhưng ý nguyện của ngài vẫn chưa được thành tựu.

Ngài là một trong những vị Pháp sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam, Tuy bận rộn đa đoan nhiều Phật sự, nhưng ngài cũng dành thời gian trước tác một số sách văn học - sử học Phật giáo, với 27 tác phẩm đã sáng tác, dịch thuật. Trong đó có 5 tác phẩm lớn chưa ấn hành:

- Tình mẹ

- Trúc Lâm dậy sóng

- Tình đời ý đạo

- Tình bạn

- Thanh Văn sử

- Cuộc đời và sự nghiệp Đại Đế A Dục Vương...

Năm 1981, ngài xuất dương, lên đường hoằng du chánh pháp các nơi hải ngoại như: Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức, Thụy Sĩ… và kiến tạo nên chùa Pháp Luân ở tiểu bang Texas - Hoa Kỳ.

Năm 1984, do sự thỉnh cầu của chư Tăng và Phật tử xa gần, ngài nhận lời giữ chức vụ Chủ tịch Hội Điều hành Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Năm 1997, chư tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam Hải ngoại suy tôn ngài lên ngôi vị Tăng Thống của Giáo hội.

Ngài là Bổn sư, A xà lê, Giáo thọ sư cho biết bao Tăng chúng trong và ngoài nước, ngài là bậc Cao tăng thạc đức, rành rẽ 6 ngoại ngữ, luôn được Tăng ni và Phật tử trong và ngoài nước quý mến, kính trọng. Với tấm lòng cao cả, ngài luôn đùm bọc che chở nâng đở đối với huynh đệ và hàng môn đồ đệ tử, có thể nói ngài là tấm gương chói sáng cho hàng hậu học noi bước.

Năm 2007, ngài tròn 80 tuổi. Do tuổi cao sức yếu và thọ bệnh, nên ngài dừng bước vân du, dưỡng bệnh tại chùa Pháp Luân. Trong suốt thời gian nghỉ dưỡng, dù được y bác sĩ tận tình phục dược và hàng môn đồ đệ tử tại bản tự hết lòng chăm sóc, nhưng sinh lão bệnh tử là định luật mà mọi người ai cũng phải đi qua.

Hòa thượng đã an nhiên thị tịch vào lúc 6 giờ 20, ngày 05 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thìn) tại chùa Pháp Luân, tiểu bang Texas - Hoa Kỳ. Ngài hưởng 85 năm trụ thế, 65 năm hạ lạp.

Hòa thượng được biết đến nhiều với đức tánh hòa ái, không nặng tinh thần tông phái; luôn lấy tình người làm phương châm xử thế. Ngài ra đi trong sự thương kính khôn cùng của đông đảo chư Tăng ni Phật tử xa gần. Sự cống hiến trọn một đời với bao tinh hoa vì Phật pháp, ngài để lại cho hàng tôn túc giáo phẩm, môn đồ đệ tử xuất gia và tại gia, cùng Tăng tín đồ khắp nơi bao niềm kính tiếc quý thương.

 


- Bản tiểu sử do Pháp tử Tỳ kheo Minh Giác soạn ờ chùa Pháp Quang Việt Nam.

- Một bản khác do Tỳ kheo Giác Đẳng soạn ở chùa Pháp Luân - Hoa Kỳ.

- Tỳ kheo Đồng Bổn tổng hợp biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 109
    • Số lượt truy cập : 6949841