Thông tin

HOÀ THƯỢNG THÍCH HOÀN QUAN (1928-2005)

 

 

Hòa thượng thế danh Phạm Ngọc Thơ, pháp danh Như Cụ Thiện, pháp tự Giải Toàn Năng, pháp hiệu Thích Hoàn Quan, sinh ngày 16 tháng 9 năm Mậu Thìn (1928) tại làng Phước Long, nay là thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Song thân của ngài là cụ ông Phạm Khánh Lâm và cụ bà Trần Thị Thưởng. Ông bà đã hạ sinh được 6 người con, gồm 2 trai 4 gái, ngài là người con thứ 5 trong gia đình.

Hòa thượng vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời. Tổ khảo của ngài nguyên là Đệ ngũ Tổ của tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn, đệ nhất danh lam tỉnh Quảng Ngãi. Ngài Đệ ngũ Tổ Thiên Ấn, hiệu là Hoằng Phúc, khai sơn tổ đình Sắc tứ Quang Lộc. Do vậy, lúc 8 tuổi ngài về tổ đình Thiên Ấn ở với Hòa thượng Diệu Quang, vốn là cậu ruột cũng là Đệ lục Tổ của tổ đình Thiên Ấn. Ngài được Lục tổ Diệu Quang nuôi dạy trong 2 năm, nhưng chưa thế phát xuất gia, vì lúc đó ngài còn nhỏ.

Trong dịp Hòa thượng Khánh Ngọc từ miền Nam về thăm quê hương Quảng Ngãi, thân sinh của ngài gởi cho Hòa thượng Khánh Ngọc nhờ dẫn vào Nam gởi cho Sư cụ Khánh Anh, hiện đang trụ trì tổ đình Phước Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, nhưng vào đến nơi thì Hòa thượng Khánh Ngọc giữ ở với Hòa thượng tại chùa Long Phước - Cái Vồn. Rồi ngài lại được nhân duyên làm thị giả với Hòa thượng Huyền Khải ở Cái Răng - Cần Thơ. Vì vậy mà ngài chưa được đến diện kiến và thọ học với Sư cụ Khánh Anh.

Trong thời gian ở 2 ngôi chùa trên, Hoà thượng phải chấp lao phục dịch rất cực nhọc, lại không được học hành. Trong khi đó thì ngài có chí muốn học hành để trở thành người hiểu biết. Do vậy, vào một đêm đen Hòa thượng đã bỏ trốn, tìm đến Sư cụ Khánh Anh hiện đang trụ trì tổ đình Phước Hậu, huyện Trà Ôn. Sau khi trình bày tự sự và thổ lộ ý chí muốn xuất gia tu học, ngài được Sư cụ Khánh Anh chấp thuận và thế phát xuất gia, ban pháp danh là Như Cụ Thiện, năm ấy ngài tròn 15 tuổi (1942).

Dù đã 15 tuổi, nhưng vẫn chưa được học hành. Do đó, sau khi xuất gia ngài được Tổ Khánh Anh hết lòng dạy dỗ và được sư huynh là Hòa thượng Thiện Hoa dạy cho Việt văn. Và từ đó, ngài theo học hai chương trình nội điển và ngoại điển.

Cùng năm 1942, Tổ Khánh Anh cho ngài thọ giới Sa di và cho pháp tự là Giải Toàn Năng.

Năm 1946, Sư cụ đưa ngài lên Sài Gòn ở chùa Ứng Quang (nay là chùa Ấn Quang), theo học chương trình Sơ đẳng Phật học.

Năm 1950, khi Phật học đường Nam Việt - chùa Ấn Quang thành lập, do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc. Ngài đã cùng quý thầy Thích Huyền Vi, Thích Từ Thông, Thích Thanh Từ, Thích Quảng Long, Thích Minh Cảnh… theo học chương trình Trung đẳng và Cao đẳng Phật học.

Năm 1955, ngài thọ Cụ túc giới ở Đại giới đàn được tổ chức tại tổ đình Ấn Quang, do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm đàn đầu. Thọ giới xong, ngài được bổn sư ban pháp hiệu là Thích Hoàn Quan.

Song song với chương trình Phật học, Hòa thượng còn theo học chương trình thế học tại Trường Văn Lang - Sài Gòn cho đến khi đỗ Tú tài. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Phật học và Tú tài toàn phần, ngài được cử đi dạy các Phật học viện, đồng thời là Giáo thọ sư Phật học đường Nam Việt.

Năm 1960, ngài làm Đốc giáo Trường Phật học Phước Hòa - Trà Vinh. Từ năm 1964 đến năm 1975, Hòa thượng là Giáo thọ sư của các trường Phật học như: Phật học viện Huệ Nghiêm, Huỳnh Kim, Hải Tràng, Dược Sư, Từ Thuyền, Bồ Đề Lan Nhã… Những Tăng ni sinh thọ học với Hòa thượng thuở ấy, hiện nay hầu hết là các bậc tôn túc ở các tự viện, đã là trụ trì, giảng sư, giáo thọ sư các trường Phật học. Có những vị hiện là hàng giáo phẩm đang giữ chức vụ quan trọng các ngành các cấp ở Trung ương Giáo hội và các tỉnh thành.

Ngoài những bộ Kinh - Luật - Luận, các giáo trình đã được phiên dịch và biên soạn, ngài còn mong muốn làm sao cho Tăng ni trẻ sau này có đủ tư liệu về Tam tạng Thánh điển bằng Việt ngữ để nương theo đó tu học. Những tác phẩm của Hòa thượng đã được Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tổng họp lại thành bộ Phật Tổ Ngũ Kinh, được xuất bản và tái bản nhiều lần. Hiện bộ sách này được xem như kim chỉ nam trong việc tu và học.

Vào năm 1964, ngài đã khai sơn chùa Khánh Vân với biết bao nhiêu công sức và muôn vàn khó khăn gian khổ, vì nơi đây trước kia là một bãi sình lầy. Ngôi chùa Khánh Vân lúc ấy đựơc che tạm phên tre vách lá, thầy trò ẩn dật nương náu tu hành.

Năm 1968, chùa bị hỏa hoạn do chiến tranh. Rồi từ đó, ngài vừa đi dạy vừa nỗ lực cùng với quý thầy và Phật tử góp công sức khai móng để làm lại ngôi chùa và đã đổ bê tông được một tầng làm Chánh điện tạm, nay là Giảng đường của chùa Khánh Vân.

Do bận giảng dạy và phiên dịch Kinh - Luật - Luận, cũng như chưa đủ nhân duyên để trùng tu ngôi chùa, nên chùa Khánh Vân vẫn là ngôi Chánh điện tạm. Mãi cho đến ngày mồng 6 tháng 2 năm Giáp Tuất (1994), nhân duyên hội đủ, Hòa thượng đã khởi công đặt đá trùng tu ngôi chùa. Do xuất thân từ các tổ đình Thiên Ấn - Quang Lộc, nên khi làm lễ Khánh thành ngôi chùa Khánh Vân, được Chư sơn Thiền đức tỉnh Quảng Ngãi kính tặng câu đối sơn son thếp vàng:

“Thiên Ấn kế thừa hoằng pháp nghiệp

Khánh Vân thiết lập độ sanh cơ.”

Khi công việc Phật sự trùng tu ngôi Bảo điện được hoàn thành, thì cũng chính là lúc sức khoẻ của Hòa thượng bắt đầu yếu đi. Chẳng những thế, ngài lại lo lắng khi nghĩ đến việc phải tìm người kế tục ngôi Tam bảo, gánh lấy trách nhiệm "Trụ pháp vương gia, trì Như lai tạng" để tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, làm cho ngôi Tam bảo được xán lạn huy hoàng. Vì thế, trong thời gian đó, ngài đã mời Hòa thượng Thích Nguyên Ngôn, là Giảng sư Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo thọ sư Trường Trung cấp Phật học, TP. Hồ Chí Minh về đây để thay Hòa thượng làm trụ trì.

Ngày 12 tháng 11 năm Bính Tý (1996), Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Hòa thượng Thích Nguyên Ngôn chính thức trụ trì.

Với nhân duyên đồng chơn nhập đạo, sớm gặp được minh sư, và sẵn có chủng tánh đại thừa, nên ngài đã có một trí tuệ vượt trội đang tiềm ẩn trong bậc chân tu, vốn đã có hoài bảo “Thượng cầu Phật đạo - Hạ hóa chúng sinh”, và nhất là luôn nghĩ đến sự nghiệp đào tạo thế hệ Tăng ni mai hậu. Vì thế cho nên, ngoài việc giảng dạy tại các trường Phật học, ngài còn trước tác, phiên dịch và biên soạn những bản Kinh-Luật-Luận rất có giá trị.

Sau khi đã có người lo cho ngôi Tam bảo, Hòa thượng tuy tuổi già và sức khoẻ mỗi ngày mỗi kém đi, nhưng khi nghĩ đến tiền đồ của Phật pháp, và nhất là thế hệ Tăng ni trẻ sau nầy, nên ngài đã quên đi tuổi già và bệnh tật, tiếp tục trước tác, biên soạn và phiên dịch cho đến khi ngài lâm bệnh nặng.

Gần 80 năm qua, Hòa thượng đã thuận thế hóa duyên để phụng sự chánh pháp, lợi lạc quần sinh, để lại cho hậu thế một gia tài Phật pháp vô cùng quý giá trong sự nghiệp biên soạn, trước tác và phiên dịch. Thời gian gần 10 năm đó, trên cương vị Viện chủ, ngài vẫn điều hành công việc của chùa và tiếp tục hiệu đính các tài liệu giáo khoa Kinh-Luật-Luận và Hán văn, mà Hòa thượng đã dày công phiên dịch, biên soạn hơn 3 thập niên qua để làm tài liệu cho Tăng ni hậu thế:

1- Về Kinh: dịch các bộ như: Thập Thiện Nghiệp Đạo, Bát Đại Nhơn Giác, Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, kinh Viên Giác…

2- Về Luật: dịch bộ Luật Trường Hàng gồm: Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách, thành văn vần rất hay, làm cho hàng hậu học dể nhớ.

3- Về Luận: dịch các bộ như: Tu Tập Chỉ Quán Toạ Thiền Pháp Yếu, Hiển Mật Viên Thông Tâm Yếu Thành Phật, Tam Thập Tụng luận…

4- Về Hán Văn: soạn các bộ như: Giáo trình Hán văn - Văn phạm cương yếu, Tân học Quốc văn… Các bộ giáo trình Hán văn này biên soạn dạy cho Tăng ni tại các Phật học viện, phần nhiều vẫn còn là bản thảo chưa in ấn lưu hành.

5- Về Nghi Lễ: biên soạn tập “Nghi Lễ” rất công phu và chi tiết, hữu ích cho lớp Tăng ni trẻ và thuận tiện cho những nhu cầu trong việc ứng phó đạo tràng, làm phương tiện để truyền bá Phật pháp.

Ngày 18 tháng 11 năm 1995, Hòa thượng lâm trọng bệnh, tuy đã vượt qua, song sự đi lại không được bình thường như trước. Thế rồi, đến ngày 23 tháng 6 năm Ất Dậu, ngài bị cơn bệnh cũ tái phát có phần nguy kịch, mặc dầu môn đồ pháp quyến và Giáo hội cùng các y bác sĩ ở bệnh viện đã tận tình chăm sóc, nhưng tuổi cao sức yếu, Hòa thượng đã xả báo an tường thâu thần viên tịch vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 17 tháng 6 năm Ất Dậu, nhằm ngày 22 tháng 07 năm 2005, trụ thế 78 năm với 58 hạ lạp.

Giáo hội và môn đồ pháp quyến đã vĩnh viễn vắng bóng một bậc tôn sư khả kính. Huyễn thân Hòa thượng trở về với tứ đại, nhưng thành quả cuộc đời ngài mãi là tấm gương chói sáng cho Tăng ni và tín đồ quy ngưỡng.

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NHỨT THẾ, PHƯỚC HẬU ĐƯỜNG THƯỢNG, KHAI SƠN KHÁNH VÂN TỰ THƯỢNG NHƯ HẠ CỤ THIỆN, TỰ GIẢI TOÀN NĂNG, HIỆU HOÀN QUAN ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Nguồn từ trang nhà Quảng Đức.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 133
    • Số lượt truy cập : 6949750