Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH HỒNG LIÊN (1915-1999)

 

 

Hòa thượng pháp danh Thiện Lạc, pháp hiệu Hồng Liên, thuộc Thiền phái Lâm Tế, dòng kệ Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh Nguyễn Văn Ánh, sinh ngày 12 tháng 12 năm Bính Thìn (1915), tại xã Long Khánh, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Thị, thân mẫu là bà Châu Thị Giá.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông bà sống rất hiền lương mẫu mực. Hòa thượng là người con thứ ba trong ba chị em. Người chị thứ hai cũng xả tục xuất gia và người cháu con người chị là Hòa thượng Thích Phước Định, trụ trì chùa Giác Sanh, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1927, ngài được 12 tuổi, thường hay đau ốm, nên thân mẫu đưa vào chùa tụng kinh cầu an; sau đó, ngài đem lòng yêu thích Tam bảo nên gia đình cho ngài đi xuất gia học đạo với Tổ Chánh Thành, chùa Vạn An, Sa Đéc.

Thời gian sau mấy năm chấp tác học đạo, thấy ngài thông minh tinh tấn, nên được Hòa thượng Tổ cho ngài vào học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh.

Năm 1935, ngài được thọ cụ túc giới tại Đại giới đàn tổ chức tại chùa Long Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, do Hòa thượng Thích Khánh Hòa làm Đàn đầu truyền giới, Hòa thượng Thích Khánh Anh làm Yết ma A xà lê, Hòa thượng Thích Huệ Quang làm Giáo thọ A xà lê.

Đến năm 1938, ngài cùng đoàn tăng sinh của Phật học đường Lưỡng Xuyên như: Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Hành Trụ... được chuyển cấp ra Phật học đường Báo Quốc - Huế du học. Bốn năm sau, vì tình hình chiến tranh, nên Trường Báo Quốc phải dời lên Tòng lâm Kim Sơn. Hòa thượng không ngại khó theo học suốt 8 năm dài, từ 1938 đến 1945 tại đất thần kinh.

Năm 1945, lớp học vừa mãn thì chiến tranh trở nên khốc liệt khi quân Pháp tái chiếm Trung kỳ và Nam kỳ. Hòa thượng trở về tu học ở chùa tổ Vạn An, Cái Xếp, tỉnh Sa Đéc.

Từ năm 1945 đến 1951, phong trào cách mạng kháng Pháp ngày càng lớn mạnh. Hòa thượng ý thức rằng hàng tu sĩ cũng cần phải có trách nhiệm khi Tổ quốc kêu gọi chống giặc ngoại xâm. Được sự hướng dẫn của ông giáo Quý, Hòa thượng được kết nạp vào tổ chức cách mạng, hoạt động trong Ty Giao thông liên lạc tỉnh Trà Vinh, với nhiệm vụ vận chuyển công văn từ khu 9 về tỉnh Sa Đéc.

Thời gian này, Hòa thượng phải phương tiện hóa trang nhiều hình thức như một nhà sư ở thôn quê áo vải nâu sòng, xách túi đệm chuông mõ và quyển kinh chữ Hán đi qua đồn giặc; có khi là anh nông dân, đôi tay không với chiếc xuồng con âm thầm vượt qua nhiều trạm gác của lính Tây lính ngụy... Hòa thượng đặt nặng tinh thần vì Tổ quốc trên hết, xem nhẹ bản thân, kham chịu gian khổ đội nắng tắm mưa, nhẫn nại đói khát... có khi vì công tác đặc biệt, ngài phải thức trắng đi suốt đêm.

Bởi trách vụ vô cùng nhưng sức người hữu hạn, nên ngài thường bị đau ốm. Tháng 4 năm 1951, ngài bị bệnh nặng trong lúc mặt trận chiến đấu gặp lúc khó khăn quyết liệt. Tuy nhiên, tổ chức cách mạng lo lắng sức khỏe của ngài, nên đồng ý cho Hòa thượng được tạm nghỉ công tác để dưỡng bệnh. Hòa thượng đến chùa Thiện Bửu, ấp Phước Thiện, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ở tạm để điều dưỡng bệnh và phụ công tác tại địa phương.

Sang năm 1952, Hòa thượng Hồng Khương, trụ trì chùa Thiện Bửu giới thiệu ngài đến trụ trì chùa An Phước, xã An Hóa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Hòa thượng nhận lời về đây an trụ và hoằng hóa đạo pháp cho đến ngày viên tịch.

Trong thời gian hóa đạo, thấy tăng ni hiếu học đến cần cầu, Hòa thượng hoan hỷ nhận dạy giáo lý cho tăng ni trong tỉnh, các vị đã thành danh sau này như:

- Ni trưởng Diệu Minh (chùa Bạch Vân, phường 6, thị xã Bến Tre).

- Hòa thượng Giác Thanh (chùa Viên Giác, phường 5, thị xã Bến Tre).

Từ năm 1955 đến 1958, Hòa thượng mở lớp dạy giáo lý cho ni chúng, trong số chư ni học với ngài, có các vị xin y chỉ với Hòa thượng như:

- Ni trưởng Giác Hạnh - Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre.

- Ni trưởng Như Đức - trụ trì chùa Dược Sư TP. Hồ Chí Minh.

- Ni sư Như Ngọc - chùa An Phước, Giồng Trôm, Bến Tre.

Năm 1987, Hòa thượng là trưởng đoàn đại biểu Phật giáo tỉnh Bến Tre dự Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ II tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Năm 1990-1993, Hòa thượng đảm nhiệm Giám luật 4 năm liền các trường hạ chư tăng tại chùa Viên Minh và Viên Giác do Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bến Tre khai mở.

Về mặt truyền giới thân huệ mạng, Hòa thượng được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bến Tre cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, truyền giới tại ba kỳ Đại giới đàn tổ chức tại chùa Viên Minh và Viên Giác vào các năm 1989, 1991, 1993.

Năm 1992, chư tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bến Tre bái thỉnh Hòa thượng lên ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự.

Qua suốt thời gian 52 năm dài, từ 1947-1999, Hòa thượng một mặt vừa hoằng pháp độ sanh trong giáo hội, lại vừa tham gia các mặt công tác trong xã hội:

- Từ năm 1945 đến tháng 4 năm 1975, Hòa thượng vẫn tiếp tục liên lạc với nhiều cán bộ cách mạng trong hoạt động chống Mỹ cứu nước tại tỉnh nhà.

- Trong thời gian 6 năm đấu tranh chính trị (1959-1965) mặc dù chính quyền Diệm-Nhu lùng bắt cán bộ kháng chiến, nhưng Hòa thượng vẫn tiếp tục nuôi chứa cán bộ cách mạng, kể cả cán bộ quan trọng như nữ tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định (tức bà Ba Định).

- Sau ngày thống nhất đất nước 1975, Hòa thượng động viên Tăng ni và Phật tử lao động sản xuất, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đưa Phật giáo hòa nhập vào xã hội theo xu thế phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

- Hòa thượng là Thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Châu Thành nhiều nhiệm kỳ. Với thành tích cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và Phật giáo bằng phương châm "Đạo pháp - Dân tộc", ngài được Mặt trận Tổ quốc Trung ương trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết Dân tộc" vào năm 1994.

Đến năm 1999 vào ngày 10 tháng 7 (27 tháng 5 năm Kỷ Mão), Hòa thượng lâm trọng bệnh, hàng đệ tử đưa ngài vào bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Được sự chiếu cố của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo và các ban ngành chính quyền tỉnh Bến Tre đến thăm viếng và giúp đỡ. Dù các y bác sĩ tận tình điều trị nhưng vì tuổi lớn, bệnh quá nặng nên Hòa thượng yếu dần. Đến 17 giờ ngày 5 tháng 6 Âm lịch, Ban Trị sự quyết định đưa Hòa thượng về chùa An Phước.

Đến 21 giờ ngày 5 tháng 6 năm Kỷ Mão (17.7.1999), Hòa thượng thu thần thị tịch tại chùa An Phước trong tiếng niệm Phật vang rền của chư tôn đức Tăng ni Phật tử tỉnh nhà. Ngài trụ thế 84 năm, Hạ lạp 64 năm. Hàng đệ tử và Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo xây bảo tháp tôn trí nhục thân Hòa thượng trước sân chùa An Phước.

Hơn 50 năm hóa đạo, Hòa thượng Thích Hồng Liên đã cống hiến trọn vẹn tâm huyết, tài đức cho đạo pháp và dân tộc trong suốt lịch sử đấu tranh giành độc lập nước nhà và bình đẳng tôn giáo. Hình bóng cao cả của bậc Sứ giả Như Lai tận tụy giảng dạy Tăng ni, Phật tử, quên mình vì sự nghiệp chung của đất nước đã khắc đậm trong tâm trí chư tôn đức và hàng Tăng ni hậu học, như một truyền thống đặc thù của Phật giáo tỉnh Bến Tre.

 


- Tiểu sử được Tỳ kheo Thích Giác Hạnh ghi và cung cấp.

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn và cư sĩ Minh Thông biên tập.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 124
    • Số lượt truy cập : 6949790