HÒA THƯỢNG THÍCH HỒNG NHƠN (1911–1997)
Hòa thượng pháp danh Hồng Nhơn, pháp húy Ngộ Đạo, pháp hiệu Thiện Trân, nối pháp đời thứ 39 dòng phái Lâm Tế Gia Phổ. Ngài thế danh Đặng Văn Tới, sanh năm Tân Hợi 1911, tại làng Phong Đước, Tổng Tân Phong Hạ, huyện Tân Long, tỉnh Chợ Lớn.
Ngài sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, thân phụ là Đặng Văn Cung, pháp danh Hồng Cung, thân mẫu là Trần Thị Tỵ. Ông bà có cả thảy là 10 người con, ngài là người con thứ 7. Do ảnh hưởng song thân thấm nhuần Phật pháp, nên tâm tánh ngài cũng sớm nẩy mầm thoát tục.
Năm 16 tuổi, sau khi nghe song thân quyết định đến năm 17 tuổi sẽ thành lập gia thất, ngài bỏ nhà trốn đến chùa Từ Quang, số 14 đường Bến Đá (nay là Phường 7, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) do Hòa thượng Hồng Võ trụ trì. Sau khi nghe trình bày ước nguyện, ngài được Hòa thượng trụ trì dẫn đến chùa Từ Ân ở đường Tân Hóa, quận Tân Bình (Cầu Tre), xin phép Tổ Chánh Khâm-Thanh Ấn cho ngài được xuất gia tu học.
Ngày mùng 8 tháng 4 năm Bính Dần 1926, ngài được chính thức làm lễ thế phát, thọ lãnh pháp danh là Hồng Nhơn. Bước đầu tu tập nơi ngôi chùa đang gặp lúc trùng tu, ngài theo gương hạnh người xưa bồi công lập đức, giã gạo gánh nước để được phước duyên tu học đạo mầu. Mặc dù thân tuy lao nhọc do phải đảm đang nhiều việc, công quả nặng nề, nhưng niềm vui được dự vào hàng đệ tử của Phật, khiến Hòa thượng quên đi tất cả.
Một năm trôi qua, công việc trùng tu hoàn thành, ngài tiếp tục chuyên tâm trau dồi Tam vô lậu học của người sơ cơ.
Năm Canh Ngọ 1930, chùa Linh Sơn Tiên Thạch ở làng Phong Đước, tổng Tân Phong Hạ, huyện Tân Long, tỉnh Chợ Lớn, khai Đại giới đàn do Tổ Thanh Ấn làm Đường đầu Hòa thượng. Ngài được Tổ cho phép cầu thọ tam đàn Cụ túc giới.
Năm Quý Dậu 1933, với tinh thần cầu tiến học hỏi để lợi mình lợi người, ngài đã đi bộ hằng ngày trên đoạn đường hoang vu, ít người qua lại từ chùa Từ Ân đến chùa Long Thạnh (Bà Hom) để nghe kinh học luận với Cụ tổ Long Thạnh là một vị danh tăng thời bấy giờ.
Trải qua 15 năm ròng rã, ngài tham học ở 3 nơi, qua các môn: Nghi lễ Thiền gia do Hòa thượng Hồng Võ chùa Từ Quang hướng dẫn; phương pháp tu trì và luật học với Hòa thượng Thanh Ấn và kinh luận với Cụ tổ Long Thạnh truyền trao.
Năm Ất Dậu 1945, ngài xin phép bổn sư về trụ trì chùa Từ Thoàn, kế thừa ngôi Tam bảo của gia tộc để chăm lo mở mang, tiếp tục hoằng truyền chánh pháp. Bước chân vào đường hóa đạo, ngài đã tỏ ra xứng đáng với trọng trách của Tổ đạo giao phó.
Năm Mậu Tý 1948, chùa Thiên Phước ở Tân Hương, tỉnh Tân An khai mở Trường hương, ngài đến nhập chúng tu học. Tại khóa an cư kiết hạ đầu tiên, ngài được bạn đồng khóa mến yêu kính nể.
Sau khóa an cư, ngài nhận lời cộng tác với Hòa thượng Hành Trụ, về dạy luật tại Phật học đường Giác Nguyên. Trong thập niên giảng dạy tại đây, ngài đã thành lập Ban Kinh Sư tại Phật học đường Giác Nguyên, để làm Pháp sự đạo tràng gây quỹ cho Tăng ni sinh có điều kiện về ẩm thực để tu học. Tăng sinh thành tựu và có tố chất Kinh sư lúc đó, có Hòa thượng Nhật Thiện, chùa Định Thành, quận 10 sau này.
Năm Kỷ Sửu 1949, ngài làm Tuyên Luật sư Trường hương và Trường kỳ giới đàn tại chùa Hưng Đạo (nay là chùa Pháp Hội, quận 10).
Năm Tân Mão 1951, nhận lời mời của Hòa thượng Pháp Lan, Hiệu trưởng Trường Gia giáo Lục Hòa Tăng, Hòa thượng về dạy bộ Kim Cang Chư Gia tại chùa Khánh Hưng, Chí Hòa, Sài Gòn.
Năm Quý Tỵ 1953, chùa Báo Quốc, cầu Chữ Y (nay là Linh Phước) khai Tịnh nghiệp Đạo tràng, ngài được bầu vào ban Tứ chúng đồng thời với các vị danh tăng thạc đức như Hòa thượng Long Quang, Hòa thượng Long Thiền, Hòa thượng Kim Huê, Hòa thượng Trung Nghĩa, v.v…
Năm Ất Mùi 1955, ngài được cung cử chức Chánh na, lãnh đạo trong ban Tứ chúng ở Trường hương chùa Phước Tường (Thủ Đức).
Năm Bính Thân 1956, ngài được cung thỉnh ngôi vị Thiền chủ Trường hương chùa Vĩnh Xuân, Tây Ninh.
Năm Quý Mão 1963, ngài làm Thiền chủ Trường hạ chùa Thập Phương (Rạch Giá). Cuối khóa Hạ, ngài được cung thỉnh đương vi Sám chủ, kiêm Tuyên Luật Sư Trường kỳ giới đàn chùa Thập Phương.
Năm Ất Tỵ 1965, ngài được mời làm giảng sư Trường hạ chùa Liên Tông (Đề Thám, Sài Gòn) do cư sĩ Đoàn Trung Còn sáng lập.
Năm Bính Ngọ 1966, ngài làm Thiền chủ Trường hạ chùa Gò/ Phụng Sơn, Chợ Lớn.
Năm Đinh Mùi 1967, ngài làm Thiền chủ kiêm Bố tát Trường hạ chùa Thiền Lâm, Phú Lâm.
Năm Mậu Thân 1968, ngài đương vi Thiền chủ Trường hạ chùa Phước Long (Bình Dương). Sau khóa hạ là Trường kỳ giới đàn, ngài được cung thỉnh làm Sám chủ, kiêm Tuyên Luật Sư tại giới đàn chùa Phước Long.
Năm Canh Tuất 1970, ngài được cung thỉnh ngôi vị Tuyên Luật Sư kiêm Sám chủ giới đàn chùa Thới Hòa, Gò Vấp.
Năm Tân Hợi 1971, ngài đương vi Sám chủ Trường kỳ giới đàn chùa Bửu Phong, núi Bửu Long, Biên Hòa.
Năm Nhâm Tý 1972, chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, mở khóa an cư, cung thỉnh ngài làm Thiền chủ Trường hạ. Cuối mùa an cư năm này, chùa Pháp Minh ở quận 6, Chợ Lớn, có khai giới đàn, ngài được cung thỉnh làm Tuyên Luật Sư, kiêm Sám chủ giới đàn.
Năm Quý Sửu 1973, ngài làm Thiền chủ, kiêm Bố tát Trường hạ chùa Thiền Lâm, Phú Lâm.
Năm Giáp Dần 1974, Hội đồng Viện Hóa Đạo chùa Ấn Quang mời ngài cộng tác vào Ban Dự thảo thống nhất nghi lễ 3 miền.
Năm Quý Hợi 1983, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, thống nhất các hệ phái, giáo phái trên cả nước. Chùa Huỳnh Kim, Gò Vấp mở Trường hạ, ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ tại khóa an cư này.
Năm Bính Dần 1986, ngài làm Tuyên Luật Sư Trường hạ chùa Pháp Quang, do Ban Đại diện Phật giáo quận 8, TPHCM tổ chức.
Năm Đinh Mão 1987, ngài làm Pháp sư Trường hạ chùa Pháp Quang, ngài giảng dạy bộ Quy Nguyên Trực Chỉ.
Xuyên suốt 35 năm đảm nhiệm các ngôi vị đứng đầu trong hàng giáo phẩm, ngài đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng ni tài đức qua các Trường hạ, Trường kỳ ở nhiều địa phương, cuộc đời ngài dành trọn cho bản hoài thanh tu đạo đức. Phần lớn các vị cao tăng thạc đức thiền gia ở Thành phố Hồ Chí Minh khi viên tịch, đều được Hòa thượng đáp lời cung thỉnh hoan hỷ quang lâm đến để tuyên Pháp ngữ, trợ tiến Giác linh cao đăng Phật quốc.
Với hạnh nguyện Bi Điền, Hòa thượng vận dụng trong pháp môn Hiển Mật song hành cho những Trai đàn cúng thí Đại khoa Du Già, Mông Sơn Chẩn Tế.
Tinh thần tu học và hoằng truyền chánh pháp của Hòa thượng là một tấm gương tinh tấn, bất thối chuyển, không bao giờ tự mãn nguyện và an nghỉ. Cho dù niên cao lạp trưởng hay lúc đau bệnh thông thường, ngài luôn luôn cần cầu học hỏi với các bậc thiện tri thức để thỉnh vấn các điểm cần yếu. Hằng ngày, Hòa thượng chuyên tâm tham thiền niệm Phật và trì tụng kinh Pháp Hoa để trở về với tri kiến Phật sẵn có của mình. Hình ảnh Hòa thượng với đức tướng Bi Dũng đỉnh đạc là những nét sáng và đẹp trong Tăng giới.
Năm Bính Tý 1996, sau khi hoàn tất việc trùng tu lần thứ hai tổ đình Từ Thoàn, thân tứ đại cũng đến lúc theo duyên tăng giảm, Hòa thượng sức yếu dần nhưng ngài rất tự tại như đã làm trọn mọi sứ mệnh truyền trao tinh hoa nơi ngài cho hàng hậu thế.
Ngày 30 tháng 9 năm Đinh Sửu 1997, Hòa thượng vẫn chuyện trò dặn bảo đồ chúng mọi việc, rồi yên lặng xả báo an tường thâu thần viên tịch, trở về cảnh giới Niết bàn, vô tung bất diệt vào lúc 00h30 tại chùa Từ Thoàn, trụ thế 86 tuổi, pháp lạp 66 năm.
Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, Hòa thượng đã đến và đi như thế, nhưng công hạnh của một bậc Thầy thanh tu mẫu mực vẫn sống mãi trong sự kính tiếc của toàn thể Tăng lưu.
- Tiểu sử do môn đồ pháp quyến biên soạn.
- Hòa thượng Thích Thiện Quang, tịnh thất Phước Long, quận 9 cung cấp tư liệu.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết