Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ TÁNH

Ở CHÙA PHẬT QUANG, PHAN THIẾT, BÌNH THUẬN

 

THÍCH NỮ HUỆ LIÊN

 

 

 

Khi nói tới chùa Phật Quang giai đoạn hiện đại, không thể không nhắc tới Hòa thượng Thích Huệ Tánh, ngài trụ trì chùa Phật Quang từ năm 1987 đến nay (2019). Ngài tục danh là Lê Đình Thông, pháp danh Nguyên Đạt, thuộc thiền phái Lâm Tế dòng kệ Liễu Quán đời thứ 43. Ngài sinh năm 1928 tại Quảng Trị, tuy nhiên trên giấy tờ thì ngài sinh năm 1933. Thuở nhỏ Ngài xuất gia tại chùa Quan Thánh (gần sân vận động Quảng Trị), sau đó vào tu ở Phật học đường Báo Quốc (Huế), rồi ở Phật học viện Hải Đức (Nha Trang). Sau giải phóng ngài vào tu học ở tu viện Quảng Hương Già Lam. Đến năm 1987, ngài được mời về trụ trì chùa Phật Quang.

Ấn tượng đầu tiên về thầy trụ trì chùa Phật Quang là “một con người ốm tong teo, gió thổi là bay”. Theo lời kể của các đệ tử, Ngài thực hành một đời sống thanh tu, giản dị, phong thái của ngài luôn thấp thoáng ở ngôi chùa Phật Quang mà ai cũng nhìn thấy: “Ăn mặc thô sơ đạm bạc,… đôi guốc gỗ lẹp kẹp lọc cọc, khi vui ca múa vỗ tay như trẻ con”. Đối với bản thân ngài, chẳng màng đẹp xấu, chẳng nệ khen chê, vật bất ly thân là chiếc khăn trên vai mà ai nhìn cũng thấy như: “Chiếc khăn mặt cũ thưa như lưới”...

Trong bốn oai nghi của người con Phật, suốt ngày quần quật làm việc cho Tam bảo, nhưng hễ khi ngả lưng xuống thì dáng nằm nghỉ của ngài khiến ai nhìn thấy cũng chạnh lòng: “Cái thân gầy nằm trên giường bố, cong queo với chiếc màn muỗi vá đi vá lại mấy lần”. Thật là hạnh khiêm hạ của ngài khiến ai nấy khi đến thăm viếng ngôi chùa Phật Quang đều cảm thấy mến mộ và đáng để học hỏi: “Từ sáng đến tối Thầy làm hết việc này qua việc khác một cách cẩn thận và có thứ tự, có lúc Thầy ăn rau suốt cả tháng trời, thân thể gầy ốm mà vẫn làm việc như thường nhật1.

Khi dạy học trò, ngài là một người khắc kỷ, luôn giữ đúng nguyên tắc sư phạm, qui tắc ấy chân thật như hai với hai là bốn, để làn thân giáo khuyên kẻ hậu học sống có nề nếp, tu có đạo hạnh, không để tâm trí buông lung. Trong nghệ thuật đối nhân xử thế, ngài rất hài hước và cởi mở, biết lắng nghe tâm tư của mọi người và sẵn sàng trả lời, cách thức trao đổi với người đối diện lúc nào cũng châm biếm. Để rồi, theo việc theo thời, tùy theo đối tượng mà ngài có cách để hành xử hợp tình hợp lý không mất lòng ai...

Trong khuôn viên chùa Phật Quang, có nhiều bài thơ do ngài Huệ Tánh tự mình sáng tác, được in trên các tấm pano, áp phích đặt rải rác khắp nơi, đặc biệt chúng tôi thấy có 17 điều “Lời thầy dặn” dành giáo huấn cho các học trò và Phật tử dạy về phép tu, phép đối nhân xử thế cùng nhiều phẩm chất tốt đẹp của người tu học như những đức tánh: phải tiết kiệm, biết sẻ chia, hạnh khiêm nhường, tính ham học, luôn quan tâm, thật lòng sám hối và thể hiện từ bi.

Bảng ghi 17 điều "Lời thầy dặn" đã làm chúng tôi rất thấm thía và thấy cần phải lan tỏa phổ biến cho mọi người gần xa cùng học hỏi, chia sẻ với mình:

1. Biết mười phần nói sáu phần, để bốn phần làm vốn liếng kiến thức của mình.

2. Đến nơi khác, đừng bao giờ ngồi vào những nơi cao nhất, trang trọng nhất, tìm vị trí phù hợp mà ngồi.

3. Đến chùa khác, cho dù mình có lớn hơn vị trụ trì, cũng không nên đứng vào giữa chánh điện Phật, mà đứng qua một bên, vì vị trí đó là của Như Lai sứ giả.

4. Ăn đừng quá no, luôn ăn đến hai phần ba bao tử, để một phần cho thân thể nhẹ nhàng, ăn gì cũng thấy ngon miệng.

5. Luôn nghĩ đến những nơi nghèo khó, những nơi thiếu thuốc men, thực phẩm, có gì ăn nấy, đừng nên kén chọn.

6. Ngủ đừng quá nhiều, ngủ luôn vừa đủ, để giấc ngủ được sâu hơn.

7. Xung quanh mình, vẫn còn nhiều người áo không đủ ấm thân, mặc giản tiện phù hợp, không nên phung phí của Tín thí trau chuốt phù phiếm.

8. Đối đãi với người, đừng nên dồn họ vào bước đường cùng, luôn phải chừa một con đường cho họ, ai cũng có những khi sa cơ lỡ vận.

9. Ai đối xử với mình sao tùy họ, mình nên đối với họ như bát nước đầy, lấy tâm Phật mà đối đãi.

10. Nghèo thì nghèo ba bèo chín trự, không tham những cái lợi phi nghĩa.

11. Luôn khiêm nhường, lắng nghe, mình sẽ học được nhiều hơn.

12. Luôn học hỏi từ báo chí, sách vở, danh ngôn trên lịch, chép vào sổ tay, vì đầu óc mình có lúc không bình tĩnh.

13. Không nên phí phạm dù là cây đinh, cọng thép, cái bịch,… vì sẽ có lúc cần không có, “kiến bất thủ như tầm thiên lý”.

14. Khi phóng sanh, luôn tự chính mình sám hối, vì trong đời hiện tại, bản thân mình, gia đình mình vì cuộc sống đã ăn thịt các loài vật khi nó yếu ớt hơn mình.

15. Tiết kiệm điện nước, vì rất nhiều nơi trên thế giới đang thiếu,…

16. Quan tâm đến những người giúp mình, vì có họ đã vì mình, luôn tạo cho họ những điều kiện cần thiết.

17. Người đi tu đã bỏ gia đình, thương yêu mọi người xung quanh như gia đình, vì lỡ mình có gì, khi người thân mình có mặt, chắc mọi thứ đã muộn”2.

Quan sát kỹ đức tánh của thầy trụ trì chùa Phật Quang, chúng tôi nhận thấy rõ nơi thầy lòng tự hào ngôi chùa, tự tôn tinh thần dân tộc. Tinh thần ấy được thầy thể hiện qua các bài thơ, cũng như những bức họa do chính tay thầy trang trí trên Phật điện. Đó là các bài ca ngợi các thắng cảnh của đất nước, các vĩ nhân, danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc như: cụ Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Những bài thơ này được in trên các tấm áp phích treo xung quanh chùa. Dưới đây là điển hình một bài thơ ngợi ca những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam:

“Rừng Cúc Phương

Một trong thắng cảnh Việt Nam

Cúc Phương là một cợm rừng nguyên sinh,

Vịnh Hạ Long Việt Nam mình

Hồ Ba Bể đẹp hữu tình mê tơi,

Kẽ Bàng Phong Nha tuyệt vời,

Quảng Bình sinh sản một người Võ Nguyên.

Từ Cao Bắc Lạng đến Hà Tiên

Cà Mau thẳng đến Thái Nguyên núi rừng,

Lầu cao ngất nghệu tưng bừng,

Ngững đầu mỏi cổ ngưỡng rừng Cúc Phương”.

Hay như bài “Ca ngợi Đại tướng” dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp những tình cảm tôn kính, tự hào:

“Lẫy lừng chấn động năm châu

Điện Biên chiến thắng địa cầu rung rinh

Hào quang rực rỡ lung linh

Chủ trương trận địa “đánh nhanh” oai hùng.

Cương quyết “thắng nhanh vẫy vùng,

Ý chí “đánh chắc” thật không đụng hàng.

“Thắng chắc” khẩu hiệu hiên ngang,

Võ Nguyên hào kiệt vẻ vang muôn đời,

Hậu duệ dâng cúng đôi lời”.

Đối với chùa Phật Quang, thầy Huệ Tánh là người có công trùng tu và trụ trì chùa. Ngôi chùa mới khang trang, độc đáo do chính thầy Huệ Tánh tự thiết kế, tìm thợ, chọn vật tư, chỉ huy thi công… lo thu chi toàn bộ hết hơn 3 tỷ đồng. 48 tấn mảnh sành, mua từ các làng gốm miền Bắc, được các thợ Huế chọn lọc ghép thành những phù điêu, hoa văn, cột, cửa, bao lam, nóc…; đặc biệt là linh vật rồng 5 móng.

Thầy Huệ Tánh còn tham gia công tác giáo dục cộng đồng, cụ thể là đào tạo học sinh tại Trường Bồ Đề Phan Thiết. Trường này được thành lập vào năm 1955, địa điểm tại góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Du. Trường sở có 4 lớp và mỗi lớp có thể thu nhận một số học sinh tối đa là 45 em. Tham gia giảng dạy tại trường năm học khóa 1974-1975 có 15 vị, cả tăng sĩ và cư sĩ. Trong đó, tăng sĩ có 4 vị gồm: Đại đức Thích Huệ Tánh, Đại đức Thích Tâm Hòa, Thích Minh Tâm, Thích Giải Thắng. Thầy Huệ Tánh giữ chức Giám học, mỗi tháng được nhận một số tiền lương là 24.000 đồng3. Thầy cũng tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Thuận từ những khóa đầu tiên.

Với tư cách trụ trì, thầy dìu dắt, đào tạo lớp tăng chúng hậu học. Theo thống kê, năm 2005, chùa Phật Quang gồm có 32 tăng chúng trong đó hầu hết đã được đào tạo qua các trình độ khác nhau ở trong và ngoài nước như các thầy:

- Thầy Nguyên Minh tốt nghiệp cử nhân Phật học TP.Hồ Chí Minh khóa V, hiện đang tham gia giảng dạy tại trường Trung cấp Phật học Bình Thuận.

- Thầy Thích Đức Trí tốt nghiệp cử nhân năm 2001, sau đó đi du học ở Trung Quốc, ở Hoa Kỳ.

Tăng chúng trong chùa dưới sự dìu dắt của ngài Huệ Tánh vào năm 2005 là 30 vị, trong đó có hai vị học tăng nói trên.

Theo tài liệu điền dã tại chùa Phật Quang, hiện nay nhiều đệ tử của thầy Huệ Tánh đã và đang trụ trì các chùa không chỉ ở Bình Thuận, mà còn ở các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Thái Nguyên. Chẳng hạn như: Thầy Quảng Tiến, trụ trì chùa Liên Trì Phan Thiết; thầy Quảng Cao, trụ trì chùa An Lạc (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận); thầy Nguyên Ẩm, trụ trì chùa Bửu Lâm (Hàm Thuận Bắc); thầy Thiện Đăng, trụ trì chùa Linh Bửu (Hàm Thuận Nam); thầy Nguyên Hùng, trụ trì chùa Khánh Tân (Thái Nguyên); thầy Tâm Sanh, trụ trì chùa Thanh La (Thái Nguyên); thầy Chúc Kiểm, trụ trì chùa Bắc Lãm (Thái Nguyên); thầy Thiện Nhơn, trụ trì chùa ở Quảng Ngãi…

Bên cạnh đó, chùa Phật Quang còn thu hút đông đảo tín đồ Phật tử, mà có lẽ chiếm phần lớn là anh em môn đệ thế hệ chữ Quảng, tức nối pháp dòng kệ phái Liễu Quán đời thứ 44. Họ chính là lực lượng ngoại hộ Phật pháp, trợ giúp nhà chùa trong nhiều Phật sự, trong đó có những việc kiến thiết, trùng tu xây chùa.

Ghi nhận công lao của thầy Huệ Tánh đối với Phật pháp, chúng tôi xin mượn lời Hòa thượng Minh Tâm, trụ trì chùa Phật Ân (Long Thành, Đồng Nai): “Không có thầy Huệ Tánh, không có học sinh Bồ Đề Phan Thiết, không có môn đệ họ Quảng, không có tăng ni Phật tử Phan Thiết4.

Đối với Phật giáo Bình Thuận, ngài tham gia vào Ban trị sự, đào tạo lớp hậu học ở Trường Trung cấp Phật học Bình Thuận và có nhiều đóng góp quan trọng. Từ năm 2005 đến năm 2010, ngài là Trưởng ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận, đồng thời là Trưởng ban Diễu hành xe hoa đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008; Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội PGVN nhiệm kỳ VII (2012-2017), nhiệm kỳ VIII (2017-2022).

Như vậy, gắn liền với chùa Phật Quang giai đoạn hiện đại (1987 đến nay) chính là các hoạt động và đóng góp của Hòa thượng Huệ Tánh. Có thể nói, từ những hoạt động cụ thể của ngài như trùng tu chùa, đào tạo tăng tài, hoằng dương Phật pháp, chúng ta nhận thức được vai trò của chùa Phật Quang đối với Phật giáo Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Kỷ yếu lễ khánh thành chùa Phật Quang (2006), Lưu hành nội bộ.

- Điền dã ngày 21 và 22 tháng 4 năm 2019.

 


1. Thích Đức Trí (2006), “Nhớ mãi bóng hình thầy”, “Kỷ yếu lễ khánh thành chùa Phật Quang”, Tài liệu nội bộ, tr.105.

2. Điền dã tại chùa Phật Quang ngày 21 và 22 tháng 4 năm 2019.

3. Trường Bồ Đề Phan Thiết, Tài liệu lưu trữ tại chùa Phật Quang, điền dã tại chùa ngày 21 và 22 tháng 4 năm 2019.

4. Minh Tâm (2006), “Phật Quang pháp bảo chung” trong “Kỷ yếu lễ khánh thành chùa Phật Quang”, Tài liệu nội bộ, tr. 27.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 110
    • Số lượt truy cập : 6920567