Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THẮNG (1928-2010)

 

 

Hòa thượng thế danh Đỗ Văn Thuận, pháp hiệu Huệ Thắng, sinh năm 1928, tại thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là Đỗ Luốt, thân mẫu là Hà Thị Nữ, pháp danh Thị Tiết. Hai thân sanh ngài được 7 người con. Hòa thượng là con thứ 8 trong gia đình.

Cha mất sớm, chí hướng xuất trần đã sớm phát sinh nơi tâm hồn son trẻ; thuở nhỏ, ngài ưa thích theo thân mẫu đến chùa lễ Phật, nghe kinh nên lòng mến đạo cũng thêm phần tăng trưởng.

Ngày 16 tháng 3 năm Mậu Dần (1918) lúc ấy ngài 11 tuổi, được song thân cho đến quy y xuất gia tại chùa Kim Quang với Đại lão Hòa thượng Vạn Pháp - Viện chủ tổ đình Kim Quang, được Hòa thượng thâu nhận làm đệ tử, thế phát truyền giới cho pháp danh Thị Trị. Suốt 8 năm chuyên tâm công phu bái sám, tu học kinh, luật với Hòa thượng bổn sư tại bổn tự, ngài đã trau dồi cho mình giới hạnh trang nghiêm thuở ban đầu.

Ngài thọ Sa di ngày 15 tháng 6 năm Quý Mùi (1943) tại chùa Thiên Đức do Hòa thượng Tâm Tịnh - Huệ Chiếu chùa Thiên Đức làm Đường đầu, Hòa thượng Trí Giác chùa Gia Khánh làm Yết ma, Hòa thượng Huệ Chiếu chùa Thập Tháp làm Giáo thọ. Sau khi thọ giới, ngài được bổn sư cho pháp tự Hành Thông, pháp hiệu Huệ Thắng, nối pháp dòng thiền Lâm Tế đời thứ 42 phái Chúc Thánh. Hòa thượng Thích Đổng Minh và ngài đồng thọ Sa di giới trong Đại giới đàn này.

Năm 1946, Hòa thượng bổn sư viên tịch, ngài đứng ra lo tang lễ và hiếu sự cho bổn sư trọn đạo nghĩa thầy trò. Để có nơi nương tựa tu học, ngài quyết chí cầu xin Hòa thượng Vạn Ân - tổ đình Hương Tích, xã Hòa Mỹ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên là Sư thúc của ngài (Hòa thượng Vạn Ân là em ruột của Hòa thượng Vạn Pháp) làm y chỉ sư.

Năm 1947, Giáo hội Tăng già tỉnh Phú Yên mở giới đàn tại chùa Bảo Sơn, thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Vạn Ân làm Đường đầu truyền giới, Hòa thượng Thích Phúc Hộ Yết ma, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm làm Giáo thọ. Ngài và chư vị Hòa thượng Thích Khế Hội (Trí Thành), Hòa thượng Thích Phước Trí cùng thọ đại giới trong giới đàn này. Từ đó, có nơi nào mở lớp tu học, ngài đều tham gia.

Năm 1950, tổ đình Bảo Tỉnh mở trường Hương (địa điểm an cư kiết hạ) và mở khóa tu học Phật pháp, do Hòa thượng Vạn Ân chứng minh và Hòa thượng Phúc Hộ làm Thiền chủ. Ngài đã tham dự đầy đủ hai khóa tu học này.

Năm 1961, chùa Thọ Vân - Thượng Tiên trùng tu lại, không có người trông nom thừa kế. Cụ Nguyễn Nguyên Huân đảnh lễ Giáo hội Tăng già tỉnh Phú Yên cung thỉnh Hòa thượng về làm trụ trì, được Giáo hội Tăng già chấp thuận.

Năm 1962, Giáo hội Tăng già tỉnh Phú Yên trạch cử ngài làm Tuần chúng (kiểm tăng) chư sơn địa hạt Tuy Hòa.

Pháp nạn năm 1963, Hòa thượng được Giáo hội Tăng già tỉnh Phú Yên cử làm Chánh Đại diện Phật Giáo xã Bình Kiến, hướng dẫn phong trào tranh đấu chống áp bức, kỳ thị tôn giáo do tập đoàn gia đình trị họ Ngô chủ xướng.

Năm 1974, sư huynh Huệ Thiền, trụ trì chùa Kim Quang viên tịch, do không có người kế vị nên chư sơn cử ngài về lo công việc Phật sự, còn trọng trách ngôi chùa Thọ Vân - Thượng Tiên, ngài vẫn kiêm nhiệm trụ trì cùng một lúc hai chùa cho đến ngày viên tịch.

Năm 1986, Ủy ban Nhân dân xã Bình Kiến mời Hòa thượng làm thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Kiến và làm đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Bình Kiến suốt 11 năm, từ 1986 đến 1997. Sau vì sức khỏe, ngài xin thôi.

Tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập (trước nhập tỉnh Khánh Hòa). Nhân đó, Hòa thượng Thích Khế Hội (Trí Thành), Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên, đề cử ngài làm Trưởng Ban Tăng sự, kiêm Trưởng Ban Nghi lễ liên tiếp 12 năm. Gần 3 nhiệm kỳ công tác, vì sức khỏe và tuổi tác nên Hòa thượng xin nghỉ để lo điều trị bệnh và an dưỡng.

Tuy nhiên, hằng năm vào mùa Tăng ni tập trung an cư kiết hạ, bố tát tụng giới tại chùa Bảo Tịnh, phường 3, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Hòa thượng đều tham gia không quản ngại tuổi cao, sức yếu, bệnh tật triền miên và luôn là giới sư truyền giới Bát quan trai cho Phật tử xa gần về chùa Bảo Tịnh tham dự. Hòa thượng cũng không ngừng tiếp độ cho quy y và truyền ngũ giới, thập thiện cho Phật tử gần xa có hữu duyên đến với ngài.

Năm 1998 và 2001, Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên mở 2 Đại giới đàn Liễu Quán 1 và Liễu Quán 2 tại tổ đình Bảo Tịnh. Hòa thượng được cung thỉnh làm Yết ma A xà lê sư (một trong hàng Tam sư) của Giới đàn và Trưởng Ban Hoạch giới của 2 giới đàn này. Hậu học nương đó, thánh duyên tăng trưởng, chùa tháp đã được trang nghiêm, trụ xứ đã được huy hoàng rực rỡ.

Năm 2002, tại Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, Thủ đô Hà Nội, Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ V, tấn phong ngài lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng. Cùng năm, nhiệm kỳ IV Giáo hội Phật giáo Phú Yên cung thỉnh Hòa thượng làm chứng minh, cố vấn cho Giáo hội đến ngày viên tịch.

Hòa thượng đã thắp sáng đèn thiền bằng tinh thần phục vụ đạo pháp, kế vãng khai lai báo Phật ân đức, sử dụng Thiền định mà ngài đã tu tập và dùng Mật pháp để chữa trị nhiều bệnh tật cho bá tánh. Ngài còn dùng công năng tu tập để hóa độ những oan hồn quấy nhiễu bá tánh bằng Mật pháp, cũng như tổ chức cúng thí để tế độ những oan hồn được nương nhờ cửa Phật.

Nhân duyên đã mãn, Hòa thượng đã thâu thần thị tịch vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 07 tháng 01 năm 2010 (nhằm ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Sửu). Đạo hạnh tu tập và công hạnh hoằng dương chánh pháp của ngài, đã thắp sáng đèn thiền 63 hạ lạp, 82 năm trụ thế.

Ung dung đến, rồi thanh thản tự tại ra đi. Đã biết thân này là giả tạm có sanh ắt phải có diệt, Hòa thượng đã lưu lại cho đời một hình ảnh giản dị, từ hòa, bất biến.

NAM MÔ KIM QUANG ĐƯỜNG THƯỢNG, TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NHỊ THẾ, HÚY THƯỢNG THỊ HẠ TRỊ, TỰ HÀNH THÔNG, HIỆU HUỆ THẮNG ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Bản tiểu sử do đệ tử Tỳ kheo Thích Thông Thiện soạn.

- Cư sĩ Võ Văn Bình-Phú Yên sưu tầm cung cấp.

- Đối chiếu tư liệu của TK Thích Như Tịnh cung cấp.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 102
    • Số lượt truy cập : 6949697