Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THÀNH (1912-1998)

 

 

Hòa thượng Thích Huệ Thành, thế danh Nguyễn Toàn Trung, sinh năm Nhâm Tý (1912), tại xã Phú Hữu, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Dạo – pháp danh Huệ Định, một nhà Nho yêu nước, tham gia phong trào Duy Tân và lãnh đạo phong trào Thiên Địa Hội. Thân mẫu là cụ là Phạm Thị Đồng – pháp danh Diệu Từ.

Hòa thượng được sanh ra và lớn lên trong gia đình Nho học, yêu nước, chánh tín Phật pháp. Năm 12 tuổi, do ảnh hưởng tinh thần Phật pháp của gia đình, nên ngài sớm giác ngộ đạo pháp, qua đó sau thời pháp thuyết giảng của Tổ Pháp Ấn-Như Quới tại tổ đình chùa Phước Tường, Thủ Đức, Gia Định, ngài có chí nguyện xuất gia học Phật. Tổ Pháp Ấn-Như Quới nhận ngài làm đệ tử thế độ, và ban cho pháp danh Hồng Tín, pháp tự Bửu Thành, pháp hiệu Huệ Thành.

Sau những năm tháng chuyên cần học đạo, tinh tấn hành trì giới luật, biết được đạo hạnh của ngài vững vàng có thể hoằng truyền Phật pháp, nên năm 1931, Hòa thượng được thọ giới Sa di tại chùa Huê Nghiêm – Thủ Đức; đến năm 1934, thọ đại giới tại giới đàn chùa Phước Thạnh – Tây Ninh.

Vào ngày Rằm tháng Bảy năm 1942, Tổ Pháp Ấn-Như Quới cử ba vị đệ tử đi hoằng pháp độ sinh, Hòa thượng được cử về trụ trì chùa Long Thiền – Biên Hòa; Hòa thượng Bửu Cảnh – Hồng Đạo về trụ trì chùa Bửu Sơn – Thủ Đức; Ni trưởng Diệu Tánh- Hồng Ẩn, tự Như Thanh, về trụ trì chùa Hội Sơn – Thủ Đức.

Sau khi Tổ Pháp Ấn-Như Quới viên tịch (vào ngày 15.01.Tân Mão), ngài đến cầu pháp với Tổ Đạt Thanh-Như Thông – Pháp chủ Tăng già miền Nam Việt Nam, Viện chủ tổ đình Long Quang (Bà Điểm), Hóc Môn, Gia Định.

Sau khi đắc pháp với Tổ Đạt Thanh-Như Thông, ngài trở thành trưởng tử phó pháp của Tổ. Ngài được chư huynh đệ tôn kính và từ đây ngài bước vào con đường hành đạo truyền dương giáo pháp.

Với đức độ và kiến thức Phật pháp uyên thâm, nên vào năm 1937, toàn thể tăng chúng công cử ngài vào làm Giáo thọ A xà lê tại giới đàn chùa Thanh Long (Biên Hòa).

Trong bối cảnh lịch sử đất nước ở giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, với tinh thần yêu nước, không chấp nhận sự xâm lược của ngoại bang, vào đầu năm 1944, Hòa thượng tham gia phong trào chống quân phiệt Nhật và thực dân Pháp.

Vào ngày 06.9.1945, Hòa thượng được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Biên Hòa, kiêm Ủy viên Mặt trận Việt Minh (trụ sở Phật giáo Cứu quốc đặt tại chùa Long Thiền).

Năm 1947, Hòa thượng được mời tham dự hội nghị Phật giáo họp tại chùa Ô Môi (Đồng Tháp Mười) để thành lập Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được bầu làm Hội trưởng và Hòa thượng được bầu làm Đệ nhất Phó Hội trưởng, kiêm Ủy viên Liên Việt Nam Bộ.

Năm 1951, Hòa thượng được lệnh của tổ chức về hoạt động nội thành Biên Hòa, cơ sở đặt tại chùa Hiển Lâm (Hốc Che).

Vào năm 1952, ngài làm Hòa thượng Đàn đầu tại Đại giới đàn chùa Đại Phước (Biên Hòa). Cùng trong năm này, ngài được Đại hội Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam suy cử làm Đệ nhất Phó Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam; Trưởng Ban Hoằng pháp; Tăng Trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Biên Hòa; Thiền chủ trường Hương chùa Báo Quốc – Sài Gòn.

Năm 1954, Hòa thượng làm thành viên các tổ chức Trí vận và Tôn giáo vận (phụ trách Phật giáo) tại Sài Gòn – Gia Định và khu Đông Nam Bộ cho đến năm 1975.

Năm 1955, Hòa thượng phát lời hiệu triệu, lệnh đình công, bãi thị… đòi chính phủ Pháp thi hành Hiệp định Genève. Từ năm 1956-1974, Hòa thượng liên tục hoạt động công tác tại nội thành dưới nhiều hình thức ngụy trang nhằm bảo vệ sự nghiệp cách mạng đi đến thống nhất Tổ quốc.

Cùng năm này, ngài được cung cử làm Chủ hạ kiêm Pháp sư Trường hạ chùa Phước Tường; tái khai Đàn đầu Hòa thượng truyền giới tại chùa Thanh Long – Biên Hòa.

Năm 1960, được cử làm Tăng giám Trung ương Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam (tiền thân là Phật giáo Cứu quốc).

Năm 1963, ngài chứng minh Lễ thỉnh 13 viên ngọc xá lợi do Đại đức Narada từ Tích Lan đem sang cúng dường chùa Kỳ Viên.

Năm 1965, ngài làm Chứng minh, kiêm Pháp sư Trường hạ chùa Phụng Sơn – Chợ Lớn; đến năm 1967, ngài được suy cử làm Đại Tăng Trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.

Năm 1968, Hòa thượng cùng chư sơn Thiền đức hiệp nhất hai tổ chức: Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và Hội Lục Hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam. Ngài được suy cử lên ngôi vị Tăng thống (1968-1981).

Năm 1970, ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu tại Giới đàn chùa Thanh Long – Biên Hòa.

Năm 1976, Hòa thượng được mời với tư cách Đại biểu Phật giáo miền Nam dự Hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc tại Hội trường Thống Nhất -Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 11 năm 1981, ngài tham dự Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo toàn quốc, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Hòa thượng được Đại hội suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, ngài được ủy nhiệm thành lập Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai.

Năm 1982, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Hòa thượng được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Từ năm 1980, 1982, 1984, 1987, 1990, 1995, Hòa thượng luôn khai mở Đại giới đàn tại chùa Bửu Phong và tổ đình Long Thiền để truyền giới cho Tăng ni giới tử.

Tháng 8 năm 1990, Hòa thượng được cử vào Hội đổng Chứng minh về công tác phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam của Giáo hội.

Từ năm 1975 - 1990, Hòa thượng được cử làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa IV và khóa V; Ủy viên Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai khóa I, II, III.

Với công đức cống hiến của Hòa thượng vào sự nghiệp đạo pháp và xây dựng; bảo vệ Tổ quốc qua nhiều giai đoạn, Hòa thượng danh dự được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng:

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất;

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì;

- Huân chương Độc lập hạng ba;

- Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân;

- Huy hiệu 10 năm xây dựng Tổ quốc;

- Huy hiệu 15 năm xây dựng Tổ quốc;

- Huy hiệu Chiến sỹ biên phòng;

- Bằng khen Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai;

- Bằng khen Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai;

- Bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Song song với sự nghiệp đạo pháp – dân tộc, ngài vẫn không quên việc trùng tu, sửa sang lại ngôi Long Thiền Tự, mặc dù lúc này ngài tuổi đã già, sức khỏe yếu kém đi rất nhiều.

Năm 1983 ngài lâm bệnh nặng, nằm một chỗ, không đi lại được, nhưng tinh thần còn minh mẫn. Tăng ni Phật tử đến thăm được ngài luôn nhắc nhở tu hành, khuyên Tăng ni trẻ phải nỗ lực hành trì giới luật để Phật pháp được trường tồn.

Rằm tháng Bảy năm Mậu Thìn (1988), lúc 10 giờ tối, ngài an nhiên thị tịch. Trụ thế 86 năm, 66 Hạ lạp. Tang lễ được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai và Ban Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành- Biên Hòa cùng sơn môn đứng ra tổ chức theo di chúc của ngài. Nhục thân được nhập tháp tại bản tự.

 


- Tiểu sử đăng trên báo Giác Ngộ số 74 năm 2001

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 124
    • Số lượt truy cập : 6949733