Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ VIÊN (1884-1961)

 

 

Hòa thượng Thích Huệ Viên, thế danh Đào Văn Chỉ, pháp húy Ngộ Chỉ, pháp hiệu Tâm Viên, sinh năm 1884, tại Cái Nhum, Nha Mân, Sa Đéc - nay là ấp Tân Thạnh, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là Đào Văn Thiện, thân mẫu là Võ Thị Thường. Ngài là con trai thứ trong gia đình có hai anh em trai. Huynh trưởng là ông Đào Văn Hóa.

Tộc họ Đào khá nổi tiếng ở xã Tân Nhuận Đông. Tuy vào hạng trung lưu, họ có đời sống đạo đức nên được dân làng quý trọng. Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình chịu ảnh hưởng hai hệ tư tưởng Phật giáo và Nho giáo. Nhưng tư tưởng của ngài chịu ảnh hưởng Phật giáo nhiều hơn.

Đến năm 24 tuổi (1908), ngài làm tròn bổn phận người con trai trả hiếu trong gia đình và trả nghĩa cho họ tộc. Đạo hiếu trả xong, đạo nghĩa lo tròn, tư tưởng hướng về Phật giáo ngày càng sâu đậm và nhân duyên đã đến, cùng năm ấy ngài đến quy y với Tổ Chánh Cần chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ, Lấp Vò, Sa Đéc và được bổn sư đặt pháp danh Huệ Viên.

Là một thanh niên vốn có nhiều thiện căn với Phật pháp, nên khi được Tổ Chánh Cần thuyết tam quy truyền ngũ giới, Phật tử Huệ Viên trực ngộ được giáo lý thâm sâu của Phật pháp nên có chí nguyện xuất gia.

Trong năm ấy, chùa Hội Phước ở Cái Tàu Hạ mở trai đàn 3 ngọ, thỉnh Hòa thượng Minh Nghĩa, chùa Giác Sơn - Sài Gòn về chứng minh. Khi gặp Hòa thượng Minh Nghĩa tại chùa Hội Phước, ngài liền quỳ xuống đảnh lễ, xin được xuất gia. Hòa thượng hứa khả. Sau lễ trai đàn chùa Hội Phước, ngài được Hòa thượng tế độ thế phát, đặt pháp tự Như Chỉ.

Với căn bản Nho học sẵn có, nên khi được Hòa thượng Minh Nghĩa dạy đạo về lý tánh của Kinh, Luật, Luận, ngài tiếp thu rất nhanh nhất là về phần sự, do vậy mà được Hòa thượng thương yêu cho theo làm thị giả và truyền trao tinh yếu về nghi, khoa, phát, tấu... Du già.

Năm 1920, ngài thọ Đại giới tại chùa Giác Hải, Chợ Lớn. Năm 1924, chùa Thập Phương, Rạch Giá khai Trường kỳ, ngài được thỉnh làm Sám chủ đạo tràng.

Năm 1925, ngài đến cầu ấn tâm với Hòa thượng Đạt Hòa, chùa Phật Quang, Bang Chang, Trà Ôn, Vĩnh Long, cùng với chư huynh đệ như Hòa thượng Huệ Minh, chùa Vĩnh Hưng-Sóc Trăng, Hòa thượng Phổ Huệ, chùa Châu Viên-Bạc Liêu và ngài được Tổ Đạt Hòa chữ theo pháp ấn tâm là Ngộ Chỉ (chữ Ngộ của phái Gia Phổ ngang với chữ Như của phái Chánh Tông) từ đó về sau ngài không dùng chữ Như Chỉ mà dùng chữ Ngộ để tránh chữ Như với Tổ Đạt Hòa (Như Hòa) và Tổ Chí Thiền (Như Thiền) tức Tổ Phi Lai.

Năm 1927, ngài cầu pháp với Tổ Chí Thiền và được Tổ đặt pháp hiệu là Tâm Viên. Cũng vì vậy mà trong pháp phái Lâm Tế thiền, đồng ghi: "Lâm Tế Chánh tông tam thập cửu thế húy Ngộ Chỉ, thượng Tâm hạ Viên Hòa thượng đại sư".

Năm 1928, ngài được Hòa thượng Phổ Huệ giới thiệu với Sư bà Diệu Nga, tức cô Hai Ngó, chùa Giác Hoa, thỉnh ngài về trụ trì chùa Châu Viên thay cho Hòa thượng Phổ Huệ, phải trở về chùa Phi Lai do Phật sự theo ý chỉ của Tổ Chí Thiền. Khi về chùa Châu Viên, ngài được Sư bà Diệu Nga thỉnh vào Ban Chứng minh Đạo sư trường gia giáo ni chùa Giác Hoa cùng với Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Hoằng Nghĩa, chùa Long Phước, Long Điền, Bạc Liêu; Hòa thượng Huệ Thành chùa Thành Linh,Tắc Vân, Cà Mau.

Trải qua bao nhiêu năm học đạo với chư vị cao Tăng danh tiếng thời bấy giờ và cũng là thời gian chừng ấy, ngài đã theo thầy vãng du cùng khắp Lục tỉnh Nam Kỳ hoạt động pháp sự, ngài đã nghe và thấy được hai sự việc đang diễn ra: một là các phong trào yêu nước đang nổi lên đối kháng với chính quyền thực dân Pháp đang cai trị nước ta, hai là có một số tăng sĩ vận động kêu gọi Tăng ni đoàn kết xây dựng nghi thức chấn chỉnh phong hóa Phật pháp. Các sự việc này tạo thêm trong tâm tưởng của ngài một tinh thần dân tộc và đạo pháp.

Khi nhận trách nhiệm trụ trì chùa Châu Viên và nhận làm Chứng minh Đạo sư trường gia giáo Phật học ni chùa Giác Hoa, đặc biệt hơn nữa là khi gặp được Hòa thượng Khánh Anh cùng trong Ban Chứng minh, ngài càng sáng thêm ý tưởng phụng sự nên ngài liền gắn kết với Hòa thượng Khánh Anh và trở thành là thành viên trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở miền Tây Nam bộ.

Chùa Châu Viên là nơi ngài khởi đầu xây dựng sự nghiệp đạo pháp phụng sự dân tộc: mở mang việc thu nhận đệ tử dạy nhạc lễ, chữ Nho, chữ Quốc ngữ cho đạo chúng và con em trong làng, mở phòng mạch Đông y kê toa cho thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Cũng tại đây, ngài đã đào tạo một lớp học trò như Trí Đạt, Trí Đức, Trí Tâm, Trí Minh, Trí Chánh, Trí Kỉnh và sau này có thêm Trí Từ, Trí Bổn. Các vị về sau trở thành những vị Hòa thượng có tên trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.

Với công lao phụng sự đạo pháp tại chùa Châu Viên, uy danh của ngài lan tỏa khắp vùng Bạc Liêu. Năm 1934, được chư Phật tử, trong đó có các vị thân hào nhân sĩ như ông Cả Phượng, Hương sư Hiệu, Hương hào Phát, thương gia Mẹo v.v... thỉnh ngài về trụ trì chùa Vĩnh Hòa nơi trung tâm của thành phố Bạc Liêu để dễ dàng công việc Phật pháp.

Tại chùa Vĩnh Hòa, ngoài việc giáo dục, đào tạo đồ chúng bằng phương tiện nghi lễ cổ truyền Phật giáo, ngài còn liên kết với các vị cao tăng ở các chùa lân cận như Hòa thượng Phổ Chí, chùa Long Phước; Hòa thượng Huệ Quang, chùa Vĩnh Phước An; Yết ma Thanh Phong và Pháp sư Nguyệt Chiếu chùa Vĩnh Đức; Hòa thượng Thiện Thành, chùa Vĩnh Bình; Hòa thượng Tâm Hóa, chùa Khánh Long An; Hòa thượng Long Vân chùa An Thạnh Linh và Sư bà Diệu Nga chùa Giác Hoa... Các vị liên kết thành một nhóm Lục Hòa Tăng, tiền thân của Giáo hội Tăng già Bạc Liêu về sau.

Năm 1939, khi phong trào Chấn hưng Phật giáo phát triển, Hòa thượng Khánh Anh chính thức mời ngài vào Ban Lãnh đạo phong trào và chịu trách nhiệm các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá. Và cũng từ phong trào đó có sự cộng hưởng về sau, khi phong trào Phật giáo Cứu quốc thành lập, hoạt động có các đệ tử của ngài như: Trí Từ, Trí Đức, Trí Tâm, Trí Tân v.v... tham gia lãnh đạo tổ chức Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng.

Dấn thân vào sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo để phụng sự dân tộc, Hòa thượng không những đem hết tâm huyết ra phục vụ đạo pháp, mà ngài còn giáo dục, đào tạo một lớp đệ tử kế thừa gần 20 vị Hòa thượng phục vụ Giáo hội qua các thời kỳ đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Và cho đến nay kế tiếp còn hàng chục vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni đời cháu đang phục vụ đạo pháp - dân tộc như: Hòa thượng Thiện Sanh, chùa Khánh Sơn, Sóc Trăng; Hòa thượng Nhựt Quang, chùa Phước Long, Đồng Tháp; Hòa thượng Minh Hiền, chùa Linh Sơn, Hòa thượng Nhựt Huệ, chùa Huệ Nghiêm TP. Hồ Chí Minh, Đại đức Thanh Chương chùa Vĩnh Hưng, Đạo đức Thanh Lập chùa Quan Âm, Sóc Trăng v.v...

Năm 1950, Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập, ngài được Giáo hội mời làm thành viên Giáo hội và suy cử Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Sóc Trăng, Ba Xuyên và sau đó làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Bạc Liêu. Ngài là người đặt móng khởi công xây dựng và khánh thành chùa Phật học, nay là chùa Huệ Quang, trụ sở Thành hội Phật giáo Bạc Liêu.

Năm 1961, tuổi đời đã cao, tuy ít bệnh nhưng sức khỏe đã yếu. Ngài viên tịch trong lúc đi hành đạo trên đường từ Cần Thơ về Bạc Liêu ngày 16 tháng 6 năm Tân Sửu 1961, thọ 77 tuổi trong lúc còn đương vị lãnh đạo tối cao Giáo hội Tăng già Bạc Liêu. Pháp thân ngài được nhập tháp tôn thờ tại chùa Vĩnh Hòa, đường Cách Mạng, phường 1, thành phố Bạc Liêu.

Với trình độ uyên thâm Phật pháp, Hòa thượng dùng pháp sự làm phương tiện để khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào còn trong cảnh thực dân đô hộ. Ngài là một Pháp sư và cũng là một Kinh sư danh tiếng khắp Lục tỉnh Nam kỳ, chư huynh đệ và Phật tử thời bấy giờ thường gọi ngài với biệt hiệu thân thương là Hòa thượng Nha Mân hay Sư ông Sa Đéc Bạc Liêu.

NAM MÔ CHÂU VIÊN TỰ, VĨNH HÒA ĐƯỜNG THƯỢNG, TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔN, TAM THẬP CỨU THẾ, HÚY NGỘ CHỈ, HIỆU TÂM VIÊN TỰ HUỆ VIÊN HÒA THƯỢNG ĐẠI SƯ MINH CHỨNG.

 


- Tiểu sử do Cư sĩ Quảng Thiệt cung cấp

- Đăng trong Đại giới đàn Huệ Viên-Bạc Liêu

- Tỳ kheo Đồng Bổn và Phước Định biên tập.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 118
    • Số lượt truy cập : 6949772