HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN QUANG (1920-2008)
Hòa thượng Thích Huyền Quang, thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ, pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư, pháp danh Như Tâm, cùng ở làng Háo Đức.
Từ lúc còn bé, ngài đã được ông nội và thân phụ dạy chữ Nho. Tuổi còn nhỏ nhưng học đâu nhớ đó và ngài được nổi tiếng là thông minh có trí nhớ hơn người.
Năm 1934, lúc lên 14 tuổi, thấy ngài tư chất thông minh, cụ thân sinh cho ngài đến chùa Vĩnh Khánh học thuốc Đông y với Hòa thượng Chơn Đạo, hiệu Chí Tâm, là một vị Đông y nổi tiếng. Hòa thượng thấy ngài thông tuệ khác thường nên không dạy thuốc mà dạy kinh luật, rồi cho ngài xuất gia quy y Tam bảo.
Năm 1935, ngài đầu giáo với Hòa thượng Chơn Đạo cho pháp danh Như An, pháp tự Giải Hòa, ngài thọ Sa di giới tại đại giới đàn chùa Phước Lâm, Bình Định, do Quốc sư Phước Huệ làm đàn đầu và đậu thủ khoa trong tập chúng. Cũng trong năm này, bổn sư của ngài là Hòa thượng Chơn Đạo viên tịch (30.9.1935).
Năm 1937, ngài đầu giáo với Hòa thượng Chơn Giám, hiệu Trí Hải, trụ trì chùa Bích Liên làm bổn sư và được phú pháp hiệu Huyền Quang, pháp danh Ngọc Tân, pháp tự Tịnh Bạch. Ngài được thọ giới Cụ túc tại giới đàn chùa Hưng Khánh thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, do Hòa thượng Chơn Hương, hiệu Chí Bảo làm đường đầu. Lúc này, ngài chưa đủ tuổi để thọ giới nhưng vì với tư chất thông minh đặc biệt, nên ban Kiến đàn đã cho đặc cách miễn tuổi để ngài thọ Cụ túc giới và Bồ tát giới. Kỳ khảo hạch giới tử lần này, ngài cũng đứng đầu trong chúng (đậu thủ khoa). Bắt đầu từ đó, ngài lấy pháp hiệu Thích Huyền Quang làm danh xưng phổ thông.
Từ năm 1938 đến 1945, ngài theo học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh. Sau khi học xong, ngài ra Huế học tại Phật học đường Báo Quốc với Pháp sư Trí Độ. Đồng học với ngài có quý Hòa thượng: Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, v.v… Vào mùa hè năm 1945, ngài về quê nghỉ hè, định sau Rằm tháng 7 ra học lại, nhưng bị kẹt chiến tranh, lúc đó Nhật đổ bộ đe dọa tại Sa Huỳnh, nên không đi được. Vậy là chuyến ra Huế học của ngài bị hoãn lại.
Tháng 8 năm 1945, ngài tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và thành lập Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5, giữ chức vụ Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký. Lúc bấy giờ, Phật giáo Cứu quốc Liên khu 5 tổ chức hàng ngũ quy mô và quản lý chặt chẽ, vì nguyên nhân đó mà chính quyền lâm thời nghi kỵ và theo dõi ngài. Năm 1951, vì chống đối chính sách can thiệp vào nội bộ Phật giáo nên ngài đã bị bắt và an trí ở Phù Mỹ (Bình Định), rồi Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho đến trước Hiệp định Genève (ngày 20 tháng 7 năm 1954) một tháng ngài mới được thả tự do.
Năm 1955, ngài hướng dẫn đoàn Tăng sinh Bình Định vào Phật học đường chùa Long Sơn, Nha Trang, gồm 12 vị, đó là quý Hòa thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Đồng Từ, Thích Tâm Hiện, Thích Liễu Không, Thích Nguyên Trạch, Thích Đổng Tánh, Thích Từ Hạnh, Thích Thiện Nhơn, Thích Thiện Duyên và Thích Tâm Lâm. Cũng từ năm 1955 đến 1957, ngài được thỉnh cử làm Giám đốc Phật học đường này thay thế vị tiền nhiệm là ngài Thích Định Tuệ. Do sự phát triển, từ năm 1957, Phật học đường Long Sơn-Nha Trang và Phật học đường Báo Quốc-Huế hợp nhất thành Phật học viện Trung phần Hải Đức-Nha Trang, nơi đào tạo Tăng tài cho cả nước.
Năm 1958, cùng với chư Tăng Bình Định, ngài khai sơn tu viện Nguyên Thiều và thành lập Phật học viện Nguyên Thiều. Từ đó, ngài giữ vai trò Giám viện cho đến cuối đời.
Năm 1962, ngài làm Phó Hội trưởng Hội Phật học Trung phần, kiêm Hội trưởng Hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế.
Năm 1963, ngài tham gia cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và đòi hỏi yêu sách xóa bỏ Dụ số 10 (Dụ số 10 quy Phật giáo là một hiệp hội như thế tục). Lúc bấy giờ, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo ra đời, lãnh đạo tối cao của cuộc vận động này là Đức Hội chủ Thích Tịnh Khiết, Hòa thượng Thích Tâm Châu làm Chủ tịch, Hòa thượng Thích Thiện Minh làm Phó Chủ tịch và ngài làm Tổng Thư ký, kiêm Trưởng Khối soạn tài liệu đấu tranh phổ biến ra toàn quốc. Chính quyền Ngô Đình Diệm vì muốn dập tắt cuộc vận động nên đã tấn công vào các chùa chiền và bắt hầu hết Tăng, ni trong đêm ngày 20.8.1963. Ngài cũng bị bắt trong biến cố này, mãi đến ngày 01.11.1963, ngài mới được thả tự do.
Từ ngày 31.12.1963 đến ngày 04.01.1964, Đại hội Phật giáo toàn quốc tổ chức tại chùa Xá Lợi-Sài Gòn. Qua đại hội này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời. Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, kiêm Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Cư sĩ.
Năm 1964, ngài đến thủ đô Thái Lan để thăm viếng và tiếp xúc một số chùa Việt Nam nhân chuyến hành hương các thánh tích, thắng cảnh của Phật giáo Thái Lan.
Năm 1970, ngài đại diện Viện Hóa Đạo tham dự Đại hội các Tôn giáo Thế giới vì hòa bình lần thứ nhất tại Nhật Bản.
Năm 1971, ngài hành hương sang Ấn Độ, chiêm bái các Phật tích.
Năm 1972, ngài tham dự Đại hội Hội đồng Tôn giáo Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ.
Năm 1973, ngài đi Thái Lan gặp đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại để bàn các việc tái thiết Việt Nam sau khi hòa bình.
Đại hội kỳ 6 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức vào ngày 27.12.1974, ngài được cung thỉnh vào chức vụ Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ngài thay mặt Hòa thượng Viện trưởng Thích Trí Thủ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, để Hòa thượng tham gia ban Vận động Thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với tư cách Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, ngài giữ vững sinh hoạt của Giáo hội cho đến khi thống nhất các giáo phái, hệ phái Phật giáo vào cuối năm 1981.
Ngày 06.4.1977, ngài bị bắt cùng lúc với Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thích Thuyền Ấn, Thích Thông Bửu, v.v… và bị biệt giam tại nhà số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Sau 18 tháng tù, ngài bị đưa ra tòa xét xử, kêu án 2 năm và quản chế tại chỗ.
Ngày 25.02.1982, ngài được đưa về an trí tại chùa Hội Phước, tỉnh Nghĩa Bình. Tại đây, ngài đã nhập thất và dịch thuật, trước tác rất nhiều tác phẩm Phật giáo.
Từ năm 1983-1995, ngài chí thành đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh, tính trước sau trong vòng 16 năm, vì trước đó, lúc còn ở Sài Gòn, ngài đã bắt đầu đọc và nghiên cứu Đại Tạng Kinh.
Ngày 23 tháng 4 năm 1992, Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch, ngài đi ra Huế dự tang lễ. Tại tang lễ này, Hòa thượng Thích Nhật Liên là trưởng tử của Cố Hòa thượng đã trao lại cho ngài ấn tín của Giáo hội. Theo di huấn của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Hiến chương của Giáo hội, ngài tiếp tục Phật sự trong cương vị là Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.
Ngày 05.11.1994, ngài được dời chỗ ở từ chùa Hội Phước, thị xã Quảng Ngãi lên chùa Quang Phước, huyện Nghĩa Hành. Trong thời gian ở chùa Quang Phước, ngài đã soạn hoàn tất bộ Pháp Sự Khoa Nghi và dịch một số kinh khác nữa.
Tháng 3 năm 2003, vì bị khối u gần mắt, ngài được Nhà nước cho phép ra Hà Nội để chữa bệnh. Nhân thời gian này, ngài có dịp tiếp kiến Thủ tướng Phan Văn Khải vào ngày 02.4.2003. Trong cuộc gặp trực tiếp giữa ngài và thủ tướng, ngài có những yêu cầu và góp ý với thủ tướng về Phật giáo Việt Nam. Thủ tướng đã trân trọng ghi nhận và khuyến khích ngài đi thăm viếng Phật giáo toàn quốc để đàm đạo thêm.
Ngày 02.5.2003, ngài thực hiện chuyến viếng thăm Sài Gòn, thăm hỏi chư Tôn đức, Tăng ni Phật tử. Qua chuyến thăm viếng thắm tình đạo vị này, ngài trở về Tu viện Nguyên Thiều đúng ngày Phật Đản 14.4 Quý Mùi (2003).
Tại Tu viện Nguyên Thiều thời gian cuối đời, tuy tuổi già sức yếu nhưng lúc nào ngài cũng thao thức cho tiền đồ Phật giáo, nên ngài đã vận động Chư sơn thành lập ban trích lục Đại Tạng Kinh để làm công tác phiên dịch và dự định xây một trường Đại học Phật giáo tại Tu viện Nguyên Thiều. Nhưng trong thời điểm chưa thuận lợi nên bản nguyện của ngài không thực hiện được.
Ngày 29 tháng 9 năm 2006, ngài bị suy tim, nên chư Tăng tại Tu viện Nguyên Thiều đã đưa ngài vào bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh để chữa bệnh. Trong thời gian này, chư vị Tôn túc giáo phẩm đã thường xuyên thăm viếng lo lắng cho ngài.
Ngày 16 tháng 10 năm 2006, vì bệnh tình đã thuyên giảm, nên ngài được bệnh viện cho phép xuất viện. Chư Tăng đã đưa ngài về an tịnh tại chùa Giác Hoa-Gò Vấp. Không bao lâu sau đó, ngài đã trở về lại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định.
Kể từ sau khi trở về lại Tu viện Nguyên Thiều, mỗi ngày hai thời, ngài lên tháp chuông của tu viện để thỉnh chuông cầu nguyện quốc thái dân an và chúng sinh tỉnh ngộ.
Ngày 27 tháng 5 năm 2008, vì bệnh tim tái phát, lại trong phổi có nước, nên ngài đã được đưa vào bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để điều trị. Dù chư tôn đức Tăng, Ni trong tỉnh và Tu viện Nguyên Thiều, cũng như các bác sĩ tại bệnh viện đã hết lòng chăm sóc và chữa trị, nhưng như cỗ xe đã già cỗi, thân tứ đại suy kiệt vì tuổi đời đã cao, bệnh hoạn thường xuyên, cho nên sức khỏe của ngài không thể bình phục.
Biết trước không tránh khỏi cơn vô thường, ngài đã tỏ ý muốn về lại Tu viện Nguyên Thiều để an tịnh. Đến 1 giờ 15 phút chiều ngày 5 tháng 7 năm 2008, Hòa thượng đã an nhiên thâu thầu thị tịch tại phương trượng Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Ngài trụ thế 89 năm và 69 hạ lạp.
Suốt cuộc đời, dù bận rộn Phật sự của giáo hội, ngài vẫn không quên thường xuyên thực hiện hai tâm nguyện mà xem là trọng đại trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp để cứu khổ sinh dân. Đó là mở trường lớp để dạy dỗ Tăng ni, hầu ươm mầm tương lai cho đạo pháp, phiên dịch trước tác kinh luật luận và giáo nghĩa Phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn.
Ngài đã phiên dịch và trước tác nhiều tác phẩm, như:
- Thiền Môn Chánh Độ,
- Sư tăng và Thế nhơn,
- Nghi cúng chư Tổ và Chư vị Cao Tăng,
- Đạo Tràng Công Văn Tân Soạn,
- Thiếu Thất Lục Môn,
- Phật Pháp Hàm Thụ,
- Pháp Sự Khoa Nghi,
- Nghi Thức Cúng Giao Thừa,
- Phật Pháp Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng ngày, v.v…
Thị hiện trên thế gian tròn 89 năm, Đại lão Hòa thượng đã thể hiện trọn vẹn công hạnh xuất trần thượng sĩ và cứu khổ quần sinh của một vị Bồ tát. Ngài đã đem thân mạng ra để gánh vác bao khổ não thay cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
Với nếp sống giản dị, thanh bần, với tâm lượng bao dung khoáng đạt, với chí nguyện cao cả thiêng liêng, với trí tuệ mẫn duệ sâu sắc, ngài là một nhà lãnh đạo vừa đắc nhân tâm, vừa bản lãnh và sáng suốt.
Ngài ra đi, Phật giáo Việt Nam mất một bậc cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng ni và Phật tử. Nguyện ngài từ bi bất xả bổn thệ, hồi nhập Ta bà, để tiếp tục giáo hóa chúng sinh.
NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHẤT THẾ, NGUYÊN THIỀU TU VIỆN KHAI SƠN PHƯƠNG TRƯỢNG, HÚY THƯỢNG NHƯ HẠ AN, TỰ GIẢI HÒA, HIỆU HUYỀN QUANG ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
Tiểu sử đăng trong:
- Nhân vật PGVN-website quangduc.com
- Website lebichson.org
- Môn đồ pháp quyến tu viện Nguyên Thiều
- Biên tập: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết