HÒA THƯỢNG THÍCH KHÁNH HÒA
VỚI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM
ĐINH HỮU CHÍ*
Nhìn lại quá trình gần 30 năm cống hiến trí tuệ và công sức cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà, Hòa thượng Khánh Hòa đã cùng một số tăng sĩ, Phật tử đưa Phật giáo nước nhà vươn lên tầm cao mới…
Năm 1920, Hòa thượng Khánh Hòa cùng Hòa thượng Từ Phong thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp ở chùa Giác Hải, nơi ngài Từ Phong trụ trì, nhằm quy tụ những Tăng sĩ có chí nguyện lo cho tiền đồ Phật pháp, thường xuyên gặp nhau trao đổi ý kiến, vạch định đường hướng, nhất là tạo không khí hòa hợp chúng, trên tinh thần đoàn kết với nhau giữa Tăng già… Tuy nhiên, trải qua 7 năm kể từ khi thành lập đến năm 1926, việc chấn hưng Phật giáo của Hội Lục hòa Liên hiệp chưa tiến triển được chút gì vì các Tăng sĩ chí khí có, nhưng bị hạn chế về tài chính và gặp nhiều chướng duyên khác nên thật khó có thể thực hiện được.
Bắt đầu từ tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1929), Hòa thượng Khánh Hòa đi suốt hơn một tháng khắp các chùa ở lục tỉnh tìm người trí thức, đồng tâm hợp tác, nhưng kết quả không mấy, nhất là về tài chính. Tháng 3, ngài trở về chùa Linh Sơn (nay thuộc quận 1, TPHCM) thấy các đồng chí ở nhà đã bước vào biên tập tạp chí Pháp âm. Tháng 4 năm đó, thầy Thiện Chiếu nhường quyền trụ trì chùa Linh Sơn cho Hòa thượng Khánh Hòa. Tháng 8, tạp chí Pháp âm, tờ báo Phật giáo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ra đời. Một tháng sau, thầy Thiện Chiếu cũng tự xuất bản tạp chí Phật hóa Tân thanh niên ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo. Cuối năm 1929, Thư xã và Phật học viện xây cất xong. Tạng Kinh được thỉnh về tôn trí trong Thư xã gọi là Pháp bảo phương hay Tàng kinh thất…
Từ năm 1930 trở đi, Hòa thượng Khánh Hòa cùng những người bạn đồng chí hướng tiếp tục công việc chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ với việc thành lập Hội Nghiên cứu Phật học Nam kỳ, ra tạp chí Từ bi âm, rồi thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học ra tạp chí Duy tâm Phật học, khai mở các trường đào tạo tăng tài, viện Ni Vĩnh Bửu… với những lớp Tăng Ni trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết trở thành thạch trụ cho Phật giáo miền Nam sau này như Hòa thượng Trí Tịnh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hành Trụ… các Sư ni như Diệu Ninh, Diệu Nghiêm.
Sự dấn thân của ngài xứng đáng được lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận: Hòa thượng Khánh Hòa là một trong những người đầu tiên và có công lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung1.
Thật vậy, phong trào chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn 1930-1945 do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng đầu tiên ở miền Nam đã nhận được sự hưởng ứng lan tỏa khắp cả ba miền đất nước.
Xét về các đồng chí làm nên phong trào ấy, có 3 thế hệ: Thế hệ đầu là các bậc tiền bối của ngài Khánh Hòa, đã tạo ra tiền đề, tạo ra điều kiện vừa và đủ để chín muồi điều kiện do ngài Khánh Hòa phát khởi lời hiệu triệu chư sơn đứng lên cùng ngài chấn hưng Phật giáo, như các ngài: Hải Lương - Chánh Tâm, Phi Lai - Chí Thiền…
Thế hệ thứ hai là các bậc pháp lữ đồng song với ngài Khánh Hòa, đã hưởng ứng lời kêu gọi của ngài, chung sức đứng vào những hội đoàn đầu tiên tiến hành chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ, như các ngài: Huệ Quang, Giác Hải - Từ Phong, Thiện Chiếu, Như Mật - Bửu Thọ, Khánh Thông, Khánh Huy, Khánh Long (Miền Nam).
Thế hệ thứ ba là lớp kế thừa sự nghiệp của ngài Khánh Hòa, được phong trào đào tạo bài bản để tiếp bước thế hệ khai sáng mà xiển dương phong trào đi đến thành công. Điền hình có thể kể đến các ngài: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hồng Liên, Từ Hóa, Trí Tịnh, Hành Trụ (Miền Nam), Trí Quang, Trí Thủ, Thiện Siêu, Phúc Hộ, Kế Châu (Miền Trung), Tố Liên, Trí độ, Trí Hải (Miền Bắc)…
Sự nghiệp của Hòa thượng Khánh Hòa để lại tuy không gọi là nhiều, nhưng quá lớn cho một giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam.
***
Phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam đã gây tiếng vang lớn, ảnh hưởng và lan xa đến các phong trào tại miền Trung và miền Bắc. Kết quả là Hội An Nam được thành lập vào năm 1932 (từ đó Hội Tăng giả Trung Việt được thành lập sau này vào năm 1949), dưới sự chỉ đạo của chư vị Thiền sư đầy tâm huyết cho sự sống còn của đạo pháp như các ngài: Giác Tiên, Phước Huệ, Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Trí Thủ, Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể, Đôn Hậu, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… (trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm – Huế). Đặc biệt, báo Viêm âm được ra đời với sự ủng hộ của số đông mọi tầng lớp. Với sự cộng tác của những vị trí sĩ có trình độ Pháp ngữ, Hán ngữ và các vị đã từng giữ chức cao trong triều đình như: Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân… hay người trong hoàng tộc như Ưng Bình, Viễn Đệ, các trí thức tân học như Lê Thanh Cảnh, Lê Đình Thám, Trương Xướng, Nguyễn Khoa Toàn, và một số phụ nữ như Cao Xuân Sang, Công Tôn Nữ Thị Bân, Hồ Thị Thế Anh… Ngoài ra, Phật giáo cũng được gây tiếng vang lớn nhờ các Nho sĩ khoa bảng nổi tiếng như cụ Phan Châu Trinh, cụ Phan Bội Châu và các văn sĩ nổi tiếng như Phan Khôi, Nữ sử Đạm Phương…
Tại miền Bắc, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập năm 1934 do Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, suy tôn Thiền sư Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm Thiền gia Pháp chủ, ra báo Đuốc tuệ truyền bá giáo lý đạo Phật. Vai trò của các nhà tân học và cựu học nổi tiếng như: Nguyễn Năng Quốc, Thiều Chửu, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ… cũng đã đóng góp nhiều công tâm trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Bắc.
Ngoài các hội trên, các hội khác cũng được thành lập như: Hội Phật học Kiêm Tế tại Rạch Giá, cho ra đời tạp chí Tiến hóa. Hội Thiên Thai Thiền giáo Tông Liên Hữu do thiền sư Huệ Đăng thành lập tại Bà Rịa năm 1934 cho ra đời tạp chí Bác Nhã âm. Hội Tịnh Độ Cư sĩ tại Chợ Lớn năm 1936 cho ra đời tạp chí Pháp âm. Hội Phật giáo Tương Tế do Lê Phước Chí - trụ trì chùa Thiên Phước tại Sóc Trăng. Hội Bắc Kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn tại Bắc Kỳ. Từ năm 1945 đến 1954 có rất nhiều Hội Phật giáo dần dần tiếp tục được thành lập.
Thiền sư Khánh Hòa lúc còn sinh tiền lưu tâm rất nhiều đến công cuộc chấn hưng Phật giáo. Chính ngài đã thống thiết kêu gọi chư Tăng Ni và nhân sĩ trí thức Phật giáo sớm tìm mọi cách để thống nhất Phật giáo trên cả nước, đồng thời kêu gọi các bậc thức giả dịch giải các kinh sách Phật giáo ra chữ quốc ngữ cho những người hiếu học tìm học và hành đúng chánh pháp. Trong việc tu tập nếp sống văn hóa tâm linh thiêng liêng vi diệu của Phật giáo, thiền sư Khánh Hòa chắc hẳn ít thích luận bàn suông triết lý Đông Tây kim cổ, không thích mất thì giờ hàn huyên đàm tiếu, cũng không ưa nói đến những chuyện thánh thần siêu hình diệu vợi, mà chỉ thích đề cập những gì thiết thực trong cuộc sống hiện tại2.
***
Khi phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên, Thế chiến thứ 2 bùng nổ, tiếp theo là chiến tranh Việt-Pháp đã làm gián đoạn sự hoạt động của các hội Phật học trong nước. Đến năm 1949, một số Tăng già ở trong các vùng bị quân đội Pháp chiếm đóng, tích cực hoạt động để chỉnh đốn phát triển những cơ sở của các hội đã bị chiến tranh tàn phá.
Ở Hà Nội, Thượng tọa Tố Liên, Trí Hải, với sự giúp đỡ của một nhóm cư sĩ tận tâm vì Đạo, đã làm sống dậy phong trào chấn hưng Phật giáo và đem lại một sắc thái mới, chú trọng nhiều về các công tác từ thiện và xã hội, như lập cô nhi viện, tư thục, các cơ quan từ thiện cứu trợ nạn nhân chiến tranh.
Ở Huế, các ngôi chùa đã bị đổ nát vì chiến tranh đã được tu bổ lại. Bên cạnh đó, tăng ni cùng Phật tử đã đứng lên qui tụ những tín đồ và hội đoàn, lập lại các tỉnh hội, các khuôn hội Phật học và đặc biệt phát triển hệ thống gia đình Phật tử, một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử.
Nhìn chung, trong làn sóng chấn hưng, nhiều hội Phật học được thành lập. Mặc dầu ở trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, các hội này đều đã phát triển một cách mau lẹ, mạnh mẽ và được sự tín nhiệm của đồng bào nói chung, của giới tín đồ Phật tử nói riêng. Trong khoảng vài năm, các hội đoàn Phật giáo đã xây dựng thêm được nhiều hội quán, mở nhà in, phòng phát thuốc, thư viện, phát hành các cơ quan ngôn luận, kinh dịch… Hoạt động của các hội đoàn Phật giáo dần dần đi vào quy củ, tập trung được nhiều vị tăng tài, có thực tu thực học và đã thực sự có được sự tín nhiệm của Phật tử.
Cùng với sự củng cố, trưởng thành về tổ chức, phong trào chấn hưng Phật giáo đã xây dựng được một số cơ sở đào tạo gọi là Phật học đường để đào tạo bồi dưỡng tăng ni một cách quy củ ở cả ba miền. Các cơ sở đào tạo của Phật giáo không chỉ không chỉ đào tạo ra đội ngũ tăng ni trí thức của Phật giáo hỗ trợ cho phong trào chấn hưng mà còn tạo ra một nề nếp mới trong việc đào tạo tăng tài của Phật giáo ở những giai đoạn về sau.
Với lòng kính trọng một vị cao tăng uyên thâm có công xây dựng Giáo hội, giàu lòng yêu nước, năm 1951, Hội Tăng già Nam Việt và Giáo hội Lục hòa Phật tử suy tôn thiền sư Lê Khánh Hòa làm Tổ của Phật giáo Nam kỳ. Năm 1955, Tổ Huệ Quang - Pháp chủ Hội Tăng già Nam Việt, hướng dẫn phái đoàn về chùa Tiên Linh làm lễ trà tỳ linh cốt tổ Khánh Hòa, sau đó xá lợi ngài được tôn thờ ở các nơi: Tổ đình Tiên Linh, chùa Long Phước (Trà Vinh), chùa Ấn Quang (trụ sở Giáo hội Tăng già Nam Việt) ở Sài Gòn, tháp Đa Bảo, chùa Phước Hậu (Vĩnh Long), chùa Vĩnh Bửu (Bến Tre), chùa Từ Nghiêm (trụ sở Ni bộ Bắc tông) ở Sài Gòn.
Nhìn lại quá trình gần 30 năm cống hiến trí tuệ và công sức cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà, Hòa thượng Khánh Hòa đã cùng một số tăng sĩ, Phật tử đưa Phật giáo nước nhà vươn lên tầm cao mới, thực hiện cuộc chấn hưng mang tính toàn diện trên ba lãnh vực then chốt: giáo lý, giáo chế và giáo sản. Với tấm lòng yêu nước và đạo pháp thiết tha, Hòa thượng đáp trả bằng hành động cụ thể, thiết thực, mang tính ôn hòa, nhưng có chiều sâu và đạt được thành tựu, tạo sức bật cho tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam ngày càng tỏ rõ thực lực của mình, là một lực lượng có vai trò quan trọng trong xã hội.
Ý tưởng chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa xuất phát từ thực tế cuộc sống: “Phật pháp suy vi là do Tăng già thất học, trở thành mê tín dị đoan làm trò đùa cho thế gian”. Theo Hòa thượng Khánh Hòa, “muốn chấn hưng Phật giáo Việt Nam phải: Chấn chỉnh Tăng già, thành lập tổ chức duy nhất, đoàn kết, hòa hợp, chung lo Phật sự; Mở trường Phật học đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam; Phiên dịch kinh điển để truyền bá rộng rãi trong nước; Mở rộng bang giao Phật giáo các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản v.v… Có như thế mới phát triển Phật giáo được”.
Với 95 năm trôi qua, trong dòng chảy lịch sử miên viễn của Phật giáo Việt Nam, những dấu ấn, chặng đường phát triển của Phật giáo Việt Nam trên mọi lĩnh vực là một bài học kinh nghiệm thực tiễn của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, lấy đấy làm kim chỉ nam để hành động, rút kinh nghiệm trong cao trào phát triển của Phật giáo Việt Nam mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đỉnh cao của thời đại, đánh dấu một giai đoạn lịch sử vẻ vang và quý báu mà các bậc tiền bối Tổ sư đã hằng mong ước và luôn luôn bồi đắp qua nhiều thế hệ để có được ngày hôm nay trong bối cảnh lịch sử huy hoàng của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, đủ điều kiện để thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển ở thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo.
* Chi hội Sử học Trịnh Hoài Đức Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
1. HT.TS. Thích Thanh Nhiễu – Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Hòa thượng Khánh Hòa và …” - 20/5/2017, tr 14,17,18.
2. TT.TS. Thích Kiên Định, như trên, tr 52, 53, 54.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết